Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 5 (2)

10. Có những thứ trên đời được bọc trong một tấm màn bí mật mà rất nhiều triết gia tên tuổi cũng phải bó tay không thể nắm bắt được. Ngay cả những triết gia Stoicicm cũng lúng túng trước một số vấn đề. Bất kỳ đánh giá hay quan điểm nào của chúng ta cũng sẽ phải thay đổi - như chính chúng ta vậy. (Lời người dịch: ý này thực sự rất rất hay, và mình nghĩ là khởi đầu cho rất nhiều tư tưởng hay trường phái nhấn mạnh đến cái tiến trình - process, thay vì định nghĩa xác định mọi vật ở trạng thái bất định - static)
Hãy xem xét mọi thứ thật kỹ càng - chúng dễ chuyển biến thế nào, hay vô nghĩa ra sao (Lời người dịch: vô nghĩa ở đây là xét theo góc nhìn của sự vô hạn của cả vũ trụ và thời gian, chứ không phải là vô nghĩa trong thời điểm cụ thể nhé). Những thứ mà ngay cả những kẻ đồi bại hư hỏng, hay một ả điếm, một kẻ trộm cũng có thể sở hữu.
Sau đó, hãy quan sát kỹ cách những người xung quanh ta hành xử. Ngay cả những người tốt đẹp nhất trong số họ cũng khó để ta có thể sống cùng - chứ đừng nói là sống cùng chính ta. Trong cái vực thẳm tăm tối như cống rãnh ấy của cuộc đời - trong dòng chảy vật chất, thời gian, của vận động và những chủ thể chuyển động - ta chẳng thấy có gì đáng để ta quý trọng và sống vì.
Thực ra là ngược lại. Ta cần phải tự an ủi bản thân và chờ đợi sự phân huỷ. Từ giờ đến lúc đó, không được để mình mất kiên nhẫn, mà hãy nương náu trong hai thứ:
i. Không gì phi tự nhiên có thể xảy ra cho ta
ii. Ta có thể tự kiểm soát bản thân mình để không làm bất cứ điều gì mà Chúa hay linh hồn mình không chấp thuận. Không ai có thể bắt ép ta.
11. Ta đang làm gì với linh hồn mình?
Tự chất vấn bản thân, để có thể nắm được điều gì đang chiếm lĩnh trong cái gọi là tâm trí ta, và linh hồn ta đang ở trạng thái như thế nào. Linh hồn của trẻ con, của một thiếu niên, hay của đàn bà? Linh hồn của bạo chúa? Linh hồn của thú săn mồi - hay của con mồi?
12. Một cách khác để hiểu thứ mà người đời thường coi là "tốt đẹp":
Giả sử ta cho rằng có một số phẩm cách nhất định được coi là tiêu chuẩn cho sự tốt đẹp: như cẩn trọng, khả năng tự chủ, công bình, dũng cảm chẳng hạn. Nếu ta hiểu "tốt đẹp" nghĩa là những phẩm cách ấy, ta sẽ không thể nghe theo dòng suy nghĩ: "rất nhiều thứ tốt đẹp ..." Vì những lời đó sẽ trở nên vô nghĩa với ta. Nhưng nếu ta tiếp thu quan điểm của đám đông, ta sẽ dễ dàng theo được dòng suy nghĩ ấy. Ta sẽ không gặp vấn đề gì trong việc nhận ra ý nghĩa thực sự của nó và tại sao nó lại buồn cười (Lời người dịch: nó ở đây là cái hài kịch chế giễu những kẻ giàu sang, được nhắc đến ở dưới: sự thừa thãi khiến họ không cả có chỗ mà đi cầu).
Điều đó cho thấy hầu hết mọi người thực ra đều có thể nhìn nhận được sự khác biệt. Nếu không thì họ đã không thể chấp nhận dòng suy nghĩ ban đầu, và phải ngay lập tức phủ nhận nó, trong khi chấp nhận dòng suy nghĩ thứ hai - dòng suy nghĩ coi của cải và những lợi ích của việc nổi tiếng và đời sống cao sang - là đáng khao khát và thích hợp.
Giờ hãy đi sâu thêm một bước nữa. Hãy tự hỏi liệu mình có nên chấp nhận chúng là tốt đẹp - và trân trọng chúng - những thứ mà ta phải tốn công mới có thể lái suy nghĩ của mình đến chỉ để dòng suy nghĩ ấy có nghĩa - những thứ mà sự thừa thãi của chúng khiến chủ nhân "… không có cả chỗ để đi cầu"
13. Ta được tạo nên từ vật chất và thứ cho nó sự sống, làm nó có thể chuyển động, và cả hai đều không thể dừng hoàn toàn sự tồn tại, vì nếu vậy khác gì ta phải chấp nhận việc chúng từng thực sự sinh ra từ hư không. Mỗi phần của ta đều sẽ được sắp đặt lại như một phần khác của thế giới, và phần khác đó chính nó cũng sẽ lại tiếp tục quá trình chuyển biến. Cứ thế đến vô cùng.
Ta được tạo ra từ một trong những chuyển biến đó, và cha mẹ ta, và tổ tiên trước đó. Cứ thế đến vô cùng.
N.B. Sẽ vẫn tốt đẹp, ngay cả nếu thế giới có theo những vòng luân hồi lặp đi lặp lại.
14. Cái trí tuệ toàn thể - logos và sự vận dụng của nó (lý trí) là sức mạnh đủ cho chính chúng và nhiệm vụ của chúng trong đời. Ngay từ khi bắt đầu, chúng đã đi theo những quy tắc của chính chúng, và tiến đến cái kết được dành cho chúng. Chúng ta gọi những hành động đó là những hành động có định hướng, do chính những quy tắc chi phối khiến chúng hướng đến mục tiêu của mình.
15. Không có gì thuộc về con người, trừ thứ định nghĩa chúng ta như con người. Đâu thể đòi hỏi gì khác ở chúng ta. Những thứ khác thì không thích hợp cho bản chất tự nhiên của con người, và bản chất con người của chúng ta cũng sẽ không trở nên khiếm khuyết chỉ bởi thiếu chúng. Điều đó dẫn đến kết luận rằng chúng không đáng là mục tiêu của chúng ta, hay là thứ phương tiện có thể giúp chúng ta đạt đến sự tốt đẹp thực sự của con người. Nếu bất cứ thứ gì trong số chúng là thiết yếu đối với chúng ta, thì việc ta coi thường hay cương quyết khước từ chúng sẽ là không thích hợp. Và chúng ta cũng sẽ không khâm phục những người có thể hoàn toàn dửng dưng trước chúng. Nếu chính những thứ bên ngoài đó là tốt đẹp, thì sẽ rất khó để có thể có gì tốt đẹp trong việc từ bỏ chúng. Nhưng trong thực tế chúng ta càng kiểm soát bản thân và khước từ chúng được bao nhiêu, hay thậm chí cả khi chúng bị tước khỏi ta một cách không tự nguyện, thì ta lại càng trở nên tốt đẹp hơn.
16. Những suy nghĩ, những thứ ta hướng sự chú ý của mình đến chính là thứ sẽ quyết định chất lượng tâm trí ta. Linh hồn ta sẽ được nhuộm đúng màu sắc của những suy nghĩ đó. Vậy nên hãy nhuộm nó với những suy nghĩ như:
i. Ở bất cứ nơi đâu, ta cũng có thể sống một cuộc đời tốt đẹp.
Số mệnh của ta là sống trong cung điện - vậy thì hãy sống một cuộc đời tốt đẹp trong cung điện.
ii. Mọi thứ bị hút về hướng mà chúng có ý nhắm tới.
Mọi thứ đều hướng về mục tiêu của chúng.
Mục tiêu của một thứ nhất định là điểm có lợi cho nó - hay tốt đẹp cho nó.
Thứ tốt đẹp với một sinh vật lý trí là tính không vị kỷ. Đó là lý do ta có mặt trên đời. Điều đó đâu có gì mới. Chẳng lẽ ta không nhớ hay sao? Những thứ thấp kém hơn vì những thứ cao cả hơn, và những thứ cao hơn vì nhau. Những gì có ý thức thì cao hơn những gì không có. Và những gì có lý trí, một phần của cái lý trí toàn thể - logos, thì còn cao hơn nữa.
17. Việc mong muốn những thứ không thể được là điên rồ. Và những kẻ xấu thì không thể thôi những mong muốn điên rồ ấy.

18. Không điều gì xảy đến với một người mà anh ta không thể chịu đựng được. Điều tương tự xảy đến với những người khác, và họ đối mặt với nó một cách can trường, tâm trí họ không hề bị ảnh hưởng - chỉ vì họ dễ quên hoặc là do họ muốn thể hiện “phẩm cách” của mình. Vậy không lẽ sự thông tuệ lại thua kém cả sự ngờ nghệch lãng quên hay sự tham cầu danh vọng ấy hay sao?

19. Mọi thứ bên ngoài không thể chạm vào linh hồn ta. Chúng không thể thực sự tiếp cận nó, làm di chuyển, hay định hướng nó. Vì chỉ có chính nó mới có thể tự di chuyển hay định hướng cho mình. Nó sẽ xem xét mọi thứ và nắm bắt chúng theo cách nó cho là thích hợp.
20. Theo một nghĩa nào đó, những người khác (cộng đồng) là mối quan tâm, nhiệm vụ chính của ta. Công việc của ta là đối xử tốt với họ và chịu đựng họ (với sự khoan dung).
Nhưng khi họ cản trở nhiệm vụ của ta, họ sẽ trở nên xa lạ, không liên quan - như mặt trời, gió, những giống loài khác. Hành động của ta có thể bị ngăn trở bởi họ, nhưng không gì có thể ngăn trở được mục đích và ý định của ta. Vì ta có thể điều tiết và thích nghi. Tâm trí sẽ thích nghi và biến đổi trở ngại với hành động của ta thành thứ phục vụ mục đích của nó.
Trở ngại với hành động thúc đẩy hành động.
Những thứ đứng chắn đường, rồi sẽ trở thành con đường. 
21. Trân trọng thứ vĩ đại nhất trên thế giới (lý trí toàn thể - logos) - thứ mà tất cả đều được sử dụng vì nó và được điều khiển bởi nó.
Và trân trọng, tôn vinh thứ vĩ đại nhất trong ta (tâm trí): phần chia sẻ bản chất với thứ vĩ đại nhất của thế giới ấy. Mọi thứ - trong ta - đều được sử dụng cho mục đích của nó, và cuộc đời ta được điều khiển bởi nó.
22. Nếu điều đó không gây hại cho cộng đồng/nhân loại, nó cũng sẽ không gây hại cho các thành viên trong cộng đồng.
Khi ta nghĩ ta bị hại, hãy áp dụng điều này: Nếu cộng đồng không bị hại bởi nó, thì ta cũng không. Và nếu có, tức giận cũng không phải là câu trả lời thích hợp để giải quyết vấn đề. Hãy đơn giản là chỉ cho kẻ phạm tội điều hắn đã làm sai.
23. Hãy luôn ghi nhớ mọi thứ đến với ta và trôi qua nhanh thế nào - những người đang ở bên ta, những thứ ta đang sở hữu, và cả những người, những thứ đã mất đi nữa. Cuộc sống trôi qua ta như một dòng sông: cái "là gì" nằm trong dòng chảy miên viễn, cái "tại sao" thì muôn hình vạn trạng. Không gì là ổn định, ngay cả những thứ đang ở đây ngay lúc này. Quá khứ và tương lai vô tận mở ra trước mắt ta - vực thẳm mà ta chẳng thể nhìn đến đáy.
Vậy phải là một kẻ ngờ nghệch đến thế nào mới có thể tự quan trọng hoá bản thân mình, hay buồn khổ. Hay phẫn uất. Như thể những thứ làm ta tức giận sẽ tồn tại lâu dài vậy. 

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)