Để linh hồn cha là vĩnh cửu - WIRED
Bài viết được đăng trên tạp chí WIRED tháng 8 của James Vlahos, người hiện đang viết một cuốn sách về máy tính trò chuyện. ...
Bài viết được đăng trên tạp chí WIRED tháng 8 của James Vlahos, người hiện đang viết một cuốn sách về máy tính trò chuyện.
Giọng nói đầu tiên bạn nghe thấy trong đoạn băng là của tôi. Tôi cố gắng để giữ giọng mình vui vẻ, nhưng nỗi nghẹn ngào chỉ trực chờ tuôn ra từ cuống họng tôi dường như đang “phản chủ."
Thế rồi, với một giọng nghiêm trang, tôi dõng dạc đọc tên cha của mình: “John James Vlahos.”
“Esquire,” một giọng nói thứ hai trong đoạn băng xuất hiện, và một chữ đó—vang lên với một sự nhã nhặn kiểu luật sư như thể đang chế giễu—đã ngay lập tức giúp tôi được đôi chút nhẹ lòng. Người phát biểu là cha tôi. Chúng tôi đang ngồi đối diện nhau trong phòng ngủ của bố mẹ tôi. Ông ngồi trên một chiếc ghế tựa màu đỏ phớt còn tôi thì ngồi trên một chiếc ghế xoay. Đó cũng chính là nơi mà cách đây hàng chục năm, ông đã ân cần tha thứ cho tôi sau khi tôi thú nhận với ông rằng mình đã lái chiếc xe của gia đình đâm qua cửa gara. Bây giờ là tháng Năm năm 2016, ông đã 80 tuổi, và tôi đang cầm trong tay một chiếc máy ghi âm.
Ông nhanh chóng nhận ra rằng tôi đang ngập ngừng, rồi đưa một mẩu giấy có ghi một số những đề mục bằng chữ viết tay của ông. Ở đó chỉ có một vài danh mục rộng: “Lịch sử Gia đình.” “Gia đình.” “Giáo dục.” “Sự nghiệp.” “Ngoại khóa.”
“Vậy … bố có muốn chọn một trong số những danh mục này và bắt đầu không?” Tôi hỏi.
“Có. Ta muốn bắt đầu ngay,” ông nói, không một chút chần chừ. “Ừm. Đầu tiên là, mẹ của ta được sinh ra trong một ngôi làng tên Kehries—K-e-h-r-i-e-s—trên hồn đảo Evia ở Hy Lạp …” Và như thế, buổi ghi âm hôm đó đã bắt đầu.
Chúng tôi đang ngồi đây, làm việc này, bởi cha tôi mới gần đây đã được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn IV. Căn bệnh đã di căn ra rộng khắp toàn bộ cơ thể của ông, bao gồm cả xương, gan, và não. Và có lẽ chỉ sau vài tháng nữa, nó sẽ cướp đi mạng sống của ông.
Vì thế nên giờ đây cha tôi đang kể lại câu chuyện cuộc đời của mình. Đây sẽ chỉ là buổi ghi âm đầu tiên trong số hơn chục buổi, với mỗi buổi kéo dài khoảng một tiếng hoặc hơn. Trong khi máy ghi âm của tôi đang đều đặn chạy, ông kể chuyện ngày xưa hồi mới chỉ là một đứa trẻ, ông đã đi khám phá các hang động ra sao; ông đã nhận một công việc nâng các khối đá lạnh lên những chiếc xe hộp trên đường ray hồi ông học đại học thế nào. Ông còn kể chuyện ông gặp mẹ tôi, chuyện ông trở thành một dẫn chương trình thể thao, một ca sĩ, và một luật sư thành công. Ông nhắc lại những lời đùa mà tôi đã nghe thấy trước đó đến cả trăm lần và cũng nói cho tôi những chi tiết khác về tiểu sử của ông mà tôi chưa từng được biết.
Ba tháng sau, em trai của tôi, Jonathan, cũng tham gia với chúng tôi trong buổi ghi âm cuối cùng. Vào một buổi chiều trời quang đãng cùng nắng ấm trên hồi Berkeley, chúng tôi ngồi bên nhau nơi hiên nhà. Em trai tôi kể lại cho chúng tôi nghe về những ký ức vui vẻ nhất của cậu về tính cách của cha. Nhưng khi gần đến cuối câu chuyện, giọng của cậu trở nên run rẩy dần. “Con sẽ luôn luôn nhớ và trân trọng cha,” cậu nói, nước mắt trào dâng. “Cha sẽ luôn luôn ở trong trái tim con.” Cha tôi, người vẫn có thể cười đùa sau khi đã trải qua một mùa hè với đầy những ca mổ ung thư nặng nề, dù trông ông rất cảm động, nhưng đến cùng ông vẫn đùa rằng “Cảm ơn tấm lòng của con, mặc dù có vài phần cũng hơi lố đấy.” Chúng tôi cười vang, rồi tôi nhấn nút dừng thu.
Tổng kết lại, tôi đã thu được 91.970 từ. Khi tôi đem các đoạn băng tới bên chuyển biên chuyên nghiệp, họ đã rải băng ra thành 203 trang giấy với cỡ dòng đơn và font chữ Palatino 12. Tôi sẽ kẹp các trang giấy lại bằng một bìa kẹp dày màu đen, rồi đặt tập giấy lên một kệ sách với rất nhiều các bìa kẹp dày màu đen khác, trong đó có chứa đủ các loại giấy tờ từ các dự án còn lại.
Thế nhưng, khi tôi đặt tập giấy đó lên trên kệ, những tham vọng của tôi với nó dường như đã tan biến. Một kế hoạch mới, lớn hơn, đang dần hình thành trong đầu tôi. Tôi nghĩ tôi đã tìm ra được cách tốt hơn để giữ cho cha tôi được sống rồi.
Đó là năm 1982, khi đó tôi chỉ mới 11 tuổi và đang ngồi trước một chiếc máy tính Commodore PET gần cửa ra vào một bảo tàng khoa học gần nhà tôi. Mỗi lần đặt chân đến đây, tôi lại nhăm nhe xếp hàng trước chiếc máy này. Chiếc máy tính được cài đặt để chạy một chương trình có tên gọi Eliza—một loại chatbot cũ được tạo ra bởi nhà khoa học máy tính Joseph Weizenbaum tại MIT vào khoảng giữa những năm 60. Được thiết kế để bắt chước một nhà tâm lý trị liệu, con bot này có thể cuốn hút được người ta một cách đáng ngạc nhiên.
Khi đang ngồi dán mắt vào màn hình đó, tôi không hề hay biết rằng bản thân Weizenbaum cũng không mấy mặn mà gì với sản phẩm của chính mình tạo ra. Ông chỉ coi Eliza như một trò lừa gạt không hơn không kém (cô ta là một trong số những người “trị liệu tâm lý” bằng cách nhắc lại những lời mà người ta nói), và ông thực sự kinh ngạc khi nhận thấy con người ta có thể dễ dàng bị cuốn vào thứ nhận thức ảo giác của máy tính đến nhường nào. “Điều tôi chưa bao giờ lường trước được,” ông đã viết, “đó là những tương tác cực kỳ ngắn với một chương trình máy tính khá đơn giản lại có thể gây ra những suy nghĩ ảo tưởng đến như vậy trong đầu những con người hết sức bình thường.”
Ở tuổi 11, tôi là một trong số đó. Eliza làm tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với những câu trả lời vô cùng khéo léo và tinh ý (“Vì sao cháu thấy buồn?”) và giúp tôi tiêu khiển bằng những câu mà chắc chắn không phải là câu trả lời (“Cháu có thích thấy buồn không?”). Đằng sau màn hình màu xanh ấy, là một sinh thể non nớt mới chào đời. Tôi mê lắm.
Một vài năm sau đó, sau khi đã học qua một vài lớp Basic (một loại ngôn ngữ lập trình), tôi đã thử tạo ra một chương trình máy tính có thể trò chuyện với con người, và tôi gọi nó là Biệt thự Tăm tối. Đó là một trò chơi ăn theo các trò chơi phiêu lưu chỉ có chữ nổi tiếng thời đó như Zork, cho phép người chơi điều khiển cốt truyện dần hé lộ thông qua các câu lệnh ngắn. Sản phẩm của tôi đã kéo dài tới tận hàng trăm dòng code và nó thực sự đã hoạt động. Nhưng trò chơi đó cũng chỉ kéo dài cho đến khi một người chơi đặt chân đến cửa chính của Biệt thự—không quá một phút chơi.
Hàng chục năm trôi qua, và tôi ngày càng cảm thấy mình phù hợp với báo chí hơn là lập trình. Nhưng tôi vẫn rất quan tâm đến những cỗ máy tính biết trò chuyện. Năm 2015, tôi đã viết một bài báo khá dài cho Tạp chí The New York Times về Hello Barbie, một bản cập nhật trí tuệ nhân tạo biết nói chuyện của đồ chơi búp bê nổi tiếng nhất thế giới. Trên nhiều phương diện, cô nàng Barbie mới này cũng giống như Eliza vậy: Cô có thể “nói chuyện" thông qua một kịch bản rẽ nhánh được chỉ định trước, và cô có thể “lắng nghe” thông qua một chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng phương pháp ghép mẫu. Thế nhưng, nếu kịch bản thoại của Eliza được viết bởi một nhà khoa học máy tính người Đức khô khan, thì kịch bản thoại của Barbie lại được góp công bởi hẳn một đội ngũ các nhân viên đến từ Mattel and PullString, một công ty chuyện trò máy tính được thành lập bởi các cựu nhân viên Pixar. Và nếu khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Eliza cũng chỉ ở mức sơ khai, thì sức mạnh của Barbie lại nằm ở những bước tiến vượt bậc trong ngành máy học (machine learning), nhận biết giọng nói, và khả năng xử lý. Hơn nữa, Barbie—cũng giống như Alexa của Amazon, Siri của Apple, và các sản phẩm khác trong cuộc đua “máy tính trò chuyện"—cũng có thể nói dõng dạc với một giọng nói không khác gì con người.
Sau đó tôi vẫn giữ liên lạc với đội ngũ PullString khi họ đã chuyển sao phát triển các nhân vật khác (ví dụ, một con bot Call of Duty, mà trong ngày đầu tiên nó được thả ra ngoài, đã tạo ra được tới 6 triệu cuộc trò chuyện). Một ngày nọ, CEO của công ty, Oren Jacob, một cựu trưởng phòng công nghệ tại Pixar, đã nói với tôi rằng tham vọng của PullString sẽ không chỉ dừng lại trong việc giải trí. “Tôi muốn tạo ra thứ công nghệ có thể giúp người ta trò chuyện với những nhân vật không tồn tại trong thế giới vật lý—bởi vì họ là những nhân vật hư cấu, giống như Buzz Lightyear,” ông nói, “hoặc bởi vì họ đã khuất, ví dụ như Martin Luther King.”
Cha của tôi được chẩn đoán ung thư vào ngày 24 tháng 4 năm 2016. Một vài ngày sau, một cách rất tình cờ, tôi phát hiện ra rằng PullString đang có dự định ra mắt một phần mềm của họ để tạo ra các nhân vật biết trò chuyện. Sớm hay muộn, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được tới công cụ mà PullString đã sử dụng để tạo ra các nhân vật biết nói của họ.
Ý tưởng đó đã nảy nở trong đầu tôi gần như ngay lập tức. Trong một vài tuần sau đó, giữa bộn bề những cuộc hẹn của cha tôi với bác sĩ, các buổi kiểm tra sức khỏe và điều trị, tôi đã giữ suy nghĩ đó cho riêng mình.
Tôi mơ về ngày Dadbot được ra đời—một loại chatbot không chỉ có thể giả lập được một món đồ chơi cho trẻ em, mà còn có thể tái hiện được một người đàn ông thực sự đó là cha tôi. Và tôi đã bắt đầu thu thập các nguyên liệu thô sơ cho nó: 91.970 từ có số phận là nằm lên kệ sách của tôi.
Thật khó để tôi có thể dứt được suy nghĩ đó ra khỏi đầu, dù cho nó có ngày càng trở nên bất khả thi hay thậm chí là không đáng theo đuổi. Cũng trong khoảng thời gian này tôi đã bắt gặp một bài viết trên mạng, mà nếu tôi là một người mê tín, thì có lẽ tôi đã coi đó là một lời sấm truyền từ những thế lực vô hình nào đó gửi về. Bài viết đó nói về một dự án khá kỳ lạ được thực hiện bởi hai nhà nghiên cứu tại Google. Họ đã gửi 26 triệu dòng lời thoại từ phim ảnh vào một mạng lưới thần kinh và phát triển một con chatbot có thể vẽ ra được từ thư viện lời nói của con người đó thông qua logic máy tính xác suất. Các nhà nghiên cứu sau đó đã thử nghiệm con bot bằng các câu hỏi triết lý rất lớn.
“Ý nghĩa của sự sống là gì?” một ngày nọ, họ hỏi.
“Để được sống bất tử,” nó trả lời.
“Xin lỗi con,” mẹ tôi nói điều này lần thứ ba rồi. “Con có thể giải thích lại lần nữa cho mẹ chatbot là gì không?” Chúng tôi đang ngồi cạnh nhau trên một chiếc ghế dài trong căn nhà của cha mẹ tôi. Cha tôi, đang ngồi trên ghế dựa ở phía bên kia căn phòng, trông thật mệt mỏi, và những ngày này càng ngày trông ông càng gầy yếu hơn. Giờ đã là tháng 8 rồi, và tôi đã quyết định sẽ nói cho họ biết về những suy nghĩ của mình.
Vì tôi đã dự định từ trước những việc cần phải làm để phát triển Dadbot (cái tên này là quá sức dễ thương so với tình cảnh hiện tại, nhưng tôi không thể cho nó ra khỏi đầu mình được), tôi đã nháp ra một danh sách những cái lợi và cái hại. Những cái hại có vẻ đang ngày một nhiều dần. Để phát triển được Dadbot vào đúng khi người cha thực sự của tôi đang chết dần chết mòn sẽ là rất đau khổ, nhất là khi ông đang ngày càng ốm yếu hơn. Hơn nữa, là một nhà báo, tôi hiểu rằng tôi cuối cùng sẽ phải viết một bài báo, như kiểu bài này, và điều đó khiến cho tôi cảm thấy thật mâu thuẫn và tội lỗi. Trên tất cả, tôi lo rằng Dadbot sẽ chỉ đơn giản là thất bại theo một cách mà sẽ làm rẻ rúng đi mối quan hệ giữa chúng tôi và cả những ký ức của mình. Con bot ấy có thể sẽ đủ để giúp gia đình tôi nhớ về người đàn ông mà nó đang tái hiện—nhưng lại khác quá xa với người đàn ông mang tên John Vlahos thực sự và khiến cho chúng tôi phải lạnh gáy. Con đường tôi đang đắn đo này có thể sẽ dẫn tôi thẳng tới “thung lũng giả tạo.”
Vì thế nên tôi cũng rất lo lắng khi phải giải thích ý tưởng này cho cha mẹ mình. Tôi nói với họ rằng, mục đích của Dadbot sẽ chỉ đơn giản là để chia sẻ câu chuyện cuộc đời của cha tôi theo một cách sinh động. Với giới hạn công nghệ hiện nay và sự thiếu kinh nghiệm lập trình của bản thân, con bot này sẽ mãi mãi chỉ là một cái bóng của cha tôi. Tuy vậy, chí ít tôi vẫn muốn nó có thể trò chuyện theo giọng điệu rất riêng của cha tôi và phần nào thể hiện được tính cách của ông. “Bố nghĩ sao?” Tôi hỏi.
Bố tôi chấp thuận, mặc dù cũng có đôi phần hờ hững. Từ trước đến nay, ông vẫn luôn là một người sôi nổi đến mức phi thường, thậm chí đến mức ngốc nghếch, nhưng chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối đã khiến ông trở thành một con người cực đoan. Phản ứng của ông trước ý tưởng của tôi có lẽ cũng chẳng khác gì phản ứng của ông khi tôi bảo là tôi sẽ cho con chó ăn trưa—hay khi tôi bảo ông rằng một tảng thiên thạch sắp phá hủy hoàn toàn nền văn minh. Ông chỉ nhún vai và nói, “OK.”
Phản ứng của những người còn lại trong gia đình tôi—những người sẽ phải vượt qua nỗi đau mất ông—tỏ ra hứng khởi hơn. Mẹ tôi, một khi bà đã có thể hiểu được khái niệm của nó, nói rằng bà rất thích ý tưởng đó. Các chị và em tôi cũng vậy. “Có thể chị đang hiểu sai điều gì đó,” chị tôi, Jennifer, nói. “Nhưng chị chẳng thấy có vấn đề gì với chuyện này cả.” Em trai tôi cũng hiểu những nỗi lo lắng của tôi, nhưng không coi chúng là điều gì quan trọng lắm. Những gì tôi đang đề nghị là vô cùng kỳ cục, cậu nói, nhưng cũng không có nghĩa là nó xấu xa. “Em có thể hình dung được chuyện sử dụng Dadbot,” cậu nói.
Vậy là đã rõ. Nếu như chỉ có một tia hi vọng về việc tạo ra “cuộc sống sau cái chết" kỹ thuật số, thì dĩ nhiên người mà tôi muốn làm cho bất tử không ai khác, chính là cha mình.
Đây là cha của tôi: John James Vlahos, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhập cư đến từ Hy Lạp—bố là Dimitrios, mẹ là Eleni. Họ ngụ tại Tracy, California, và sau đó là Oakland. Một sinh viên Phi Beta Kappa (ngành kinh tế) từ trường Đại học UC Berkerley; biên tập viên thể thao cho tờ The Daily Californian. Đối tác quản lý tại một công ty luật lớn tại San Francisco. Một fan thể thao khốn khổ của Cal. Hồi còn làm dẫn chương trình trong buồng báo chí tại sân vận động Đài kỷ niệm Berkeley, ông đã tham dự tất cả các trận bóng bầu dục, chỉ thiếu có bảy trận, từ năm 1948 đến 2015. Một fan cuồng nhiệt của dòng kịch Gilbert và Sullivan, ông đã được lên hình trong các chương trình như H.M.S. Pinafore và từng là chủ tịch của Lamplighters, một công ty nhà hát kịch opera nhẹ, trong vòng 35 năm. Cha tôi có hứng thú với gần như tất cả mọi thứ, từ ngôn ngữ (thành thạo tiếng Anh và Hy Lạp, khá vững tiếng Tây Ban Nha và Ý) cho đến kiến trúc (hướng dẫn viên du lịch tự nguyện ở San Francisco). Ông cũng là một con mọt ngữ pháp. Một người rất biết kể chuyện đùa. Một người chồng và một người cha muôn phần mẫu mực.
Đó là sơ qua những điều về cuộc đời một con người mà tôi đang hy vọng có thể khắc ghi được vào trong một nhân vật kỹ thuật số mà có thể trò chuyện, lắng nghe và ghi nhớ. Nhưng trước hết tôi phải làm cho nó nói được đã, nói bất kỳ thứ gì. Vào tháng 8 năm 2016, tôi ngồi xuống trước máy tính và bật PullString lên lần đầu tiên.
Để giúp cho khối lượng công việc được giữ ở mức vừa phải, tôi đã quyết định rằng, ít nhất là trong lúc mới khởi đầu này, Dadbot sẽ chỉ trò chuyện thông qua các tin nhắn văn bản mà thôi. Chẳng biết phải bắt đầu lập trình từ đâu, tôi đã gõ, “Bạn khỏe đấy chứ hả?” để Dadbot nói. Một dòng chữ xuất hiện lên màn hình, và đó cũng là dòng chữ khởi đầu cho một danh sách những việc cần làm khổng lồ và siêu ngăn nắp, và được xác định bằng một biểu tượng bong bóng hội thoại màu vàng.
Rồi, bây giờ sau khi đã gửi được một lời chào tới thế giới, đã đến lúc Dadbot phải bắt đầu lắng nghe. Việc này đòi hỏi tôi sẽ phải tiên đoán được những câu trả lời mà một người dùng có thể nhập vào, và tôi gõ vào khoảng hơn chục các lựa chọn rất thông thường—cũng tạm, OK, tệ lắm, và tương tự. Mỗi một câu trả lời đó được gọi là một quy tắc và được đánh dấu với một biểu tượng bong bóng hội thoại màu xanh. Với mỗi quy tắc, tôi sẽ xác định một câu trả lời phù hợp; ví dụ, nếu một người dùng nói, “tôi khỏe,” thì tôi sẽ yêu cầu con bot nói rằng, “Tôi rất mừng khi nghe vậy.” Cuối cùng, tôi tạo ra một câu đề phòng, một lời đáp trả với mỗi câu người dùng nhập vào mà tôi chưa thể đoán được—ví dụ, “Hôm nay tôi cảm thấy hơi biêng biêng.” Hướng dẫn sử dụng PullString khuyến nghị rằng sau mỗi câu đề phòng như vậy, thì câu trả lời của con bot cũng chỉ nên khá chung chung để an toàn, và tôi chọn câu “Là vậy đấy.”
Và như thế, tôi đã lập trình ra được cuộc trao đổi trò chuyện đầu tiên của mình, đưa vào tính toán rất nhiều những trường hợp khác nhau chỉ trong một ngữ cảnh rất hẹp đó là lời chào.
Và trông kìa, một con bot đã chào đời.
Tất nhiên, theo lời của Lauren Kunze, CEO của Pandorabots, thì nó cũng chỉ được coi là một con bot “lởm”. Như trong tựa game Biệt thự tăm tối của tôi ngày đó, tôi chỉ mới đặt chân lên thềm cửa chính, và con đường phía trước còn lắm nhức đầu. Các con bot sẽ trở nên tốt hơn khi code của chúng được tách ra như các ngã rẽ trong một mê cung khổng lồ, với các câu lệnh của người dùng kích hoạt các câu hồi đáp của bot, và mỗi câu trả lời đó lại dẫn tới một nhánh các câu lệnh mới của người dùng, và sẽ còn kéo dài mãi cho đến khi chương trình đã thu nhận về tới hàng nghìn dòng. Các câu lệnh điều hướng sẽ đưa người dùng qua lại giữa một cấu trúc hội thoại trong khi nó ngày càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Các “lát cắt” hội thoại mà bạn dự đoán một người dùng có thể sẽ nói—nói cách khác là các quy tắc—có thể được viết một cách cực kỳ chi tiết, rút ra từ thư viện các cụm từ và các từ đồng nghĩa rất rộng được quản lý bởi logic kiểu Boolean (đúng hoặc sai). Các quy tắc sau đó có thể được kết hợp lại để tạo thành các quy tắc con có thể tái sử dụng được, gọi là dụng ý, để giải nghĩa các lối truyền tải phức tạp hơn của người dùng. Những dụng ý này còn có thể được xuất ra một cách tự động, thông qua các bộ máy máy-học (machine learning) của Google, Facebook hay bản thân PullString cũng vậy. Hơn thế nữa, tôi cũng có lựa chọn cho phép Dadbot trò chuyện ra tiếng với gia đình của mình, thông qua Alexa (mặc dù hơi ngại là những câu trả lời của ông sẽ được phát ra qua giọng nói của cô).
Sẽ còn mất nhiều tháng nữa để tôi có thể học được tất cả những thứ phức tạp này. Nhưng chuỗi hội thoại nhạt nhẽo “Bạn khỏe không” của tôi dù sao cũng đã dạy được cho tôi cách tạo ra những nguyên tử đầu tiên trong vũ trụ mênh mông của hội thoại.
Sau một vài tuần làm quen với phần mềm, tôi lôi ra một tờ giấy để vẽ nháp cấu trúc của Dadbot. Tôi quyết định là sau một đôi lời xã giao để bắt đầu một buổi trò chuyện, người dùng sẽ được lựa chọn một phần trong cuộc đời của cha tôi để thảo luận. Để thể hiện điều này, tôi đã viết “Trung tâm Hội thoại” ở chính giữa trang. Tiếp đó, tôi vẽ các đường nối ra xung quanh đến từng chương trong câu chuyện cuộc đời của cha—Hy Lạp, Tracy, Oakland, trường Đại học, Sự nghiệp, hay tương tự. Tôi cho thêm phần Hướng dẫn, nơi những người sử dụng lần đầu tiên có thể đọc gợi ý các cách để trao đổi với Dadbot; rồi cả những Bài hát và những Lời đùa; và một thứ nữa mà tôi gọi là Trang trại Nội dung, dành riêng cho các phân đoạn dựng sẵn của các cuộc hội thoại mà tôi sẽ tham chiếu trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Để lấp đầy những chiếc hộp còn rỗng này, tôi sẽ khai thác từ tập tài liệu lịch sử nói của cha, bao gồm không biết bao nhiêu giờ đồng hồ ghi âm giọng nói của ông. Tài liệu nguồn đó thậm chí còn giá trị hơn tôi tưởng. Hồi đầu mùa xuân, khi cha và tôi vẫn đang thực hiện những buổi phỏng vấn, lúc đó ông đang phải trải qua liệu pháp trị liệu ung thư đầu tiên: bức xạ toàn bộ não. Điều đó cũng đồng nghĩa là đầu của ông cứ vài tuần sẽ lại bị cho vào lò vi sóng, và bác sĩ chuyên khoa ung thư đã cảnh báo rằng liệu pháp trị liệu này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nhận thức cũng như trí nhớ của ông. Giờ thì tôi đang nhìn qua các bản chuyển biên và tôi không nhìn thấy có dấu hiệu nào như vậy cả. Tất cả những chi tiết, dù là quan trọng hay tầm thường, ông cũng đều nhớ lại được một cách đáng kinh ngạc. Tôi đã đọc những đoạn dài, trong đó ông nói về ngữ cảnh trong một trích dẫn của Gertrude Stein, làm thế nào để phát âm “nhân tố” trong tiếng Bồ Đào Nha, và những chi tiết tinh tế trong nhiệm kỳ của Ottoman ở Hy Lạp. Tôi nhìn thấy tên của con thỏ ông nuôi, người kế toán trong cửa tiệm tạp hóa của ông, và vị giáo sư logic ở trường đại học của ông. Tôi nghe thấy ông đếm lại đầy đủ bao nhiêu lần Cal đã vươn lên tới Rose Bowl và bản hòa tấu nào của Tchaikovsky mà chị gái của ông đã chơi tại một buổi trình diễn ở trường cấp ba. Tôi nghe ông hát “Me and My Shadow,” bài hát ông đã từng biểu diễn cho một buổi thử giọng tại câu lạc bộ kịch nghệ ở trường cấp ba hồi những năm 1950.
Tất cả những tài liệu này sẽ giúp tôi xây dựng một con Dadbot hiểu biết và nhanh nhạy. Nhưng tôi không muốn nó chỉ đại diện cho danh tính của cha tôi. Con bot cũng cần phải biết thể hiện con người của ông nữa. Nó cần phải thể hiện thái độ (ấm áp và khiêm tốn), góc nhìn (chủ yếu là tích cực), và tính cách (uyên bác, hợp lý, và hơn cả là vui tính).
Lẽ dĩ nhiên, Dadbot sẽ chỉ là một đại diện rất nhỏ bé với độ phân giải rất thấp của người đàn ông có thực ấy. Nhưng điều mà nó có thể phần nào được dạy để làm, đó là bắt chước cách cha tôi nói chuyện—có lẽ cũng là điều quyến rũ và đầy tư chất nhất của ông. Cha tôi là người yêu chữ nghĩa—những con chữ nhăn nhở, đa âm tiết khiến lời nói của ông nghe như thể ông đang đọc từ một cuốn tiểu thuyết của P. G. Wodehouse. Ông dùng những lời lăng mạ cổ xưa (“Poltroon!”) và cũng nghĩ ra cả những thành ngữ của riêng mình (“Hắn phụt lửa ra từ đủ các loại lỗ”). Cha tôi cũng có những câu nói ưa thích. Nếu bạn khoe khoang, ông có thể đáp một cách mỉa mai rằng, “À, cái bãi nước bọt nóng bỏng này.” Hay một ngày mùa hè nóng nực sẽ là “nóng hơn cả một quả xì hơi 4 đô la.” Ông thường mào đầu những câu nói sáo rỗng bằng một lối dẫn nhập giả vờ kênh kiệu “Như nhà thơ lớn của Hy Lạp đã nói…” Niềm ham mê của ông với những trích dẫn trong kịch Gilbert và Sullivan (“Tôi không thấy có gì để phản đối lòng kiên cường, nhưng trong khuôn khổ") đã rất nhiều lần khiến tôi thích thú và cũng không ít lần làm tôi phải cáu tiết trong nhiều thập kỷ qua.
Với tập tài liệu này, tôi có thể lưu trữ bộ não kỹ thuật số của cha tôi bằng những con chữ thật của ông. Nhưng tính cách một con người cũng được hình thành nên bởi những lời mà họ quyết sẽ chẳng bao giờ nói ra. Tôi nhớ về điều này khi tôi xem cái cách ông tiếp xúc với những vị khách của mình. Sau kỳ trị liệu bức xạ toàn bộ não, ông đã phải trải qua kỳ hóa học trị liệu nặng nề trong suốt mùa hè. Các kỳ trị liệu làm ông suy nhược đến mức ông phải ngủ 16 giờ mỗi ngày hoặc hơn thế. Thế nhưng khi những người bạn cũ báo rằng họ sẽ đến thăm vào giờ mà đáng lẽ ra là giờ nghỉ của ông, thì ông vẫn không bao giờ khước từ. “Ta không muốn tỏ ra khiếm nhã,” ông bảo tôi. Khuynh hướng khắc kỉ đến quên mình này của ông vô hình chung đã tạo nên một thách thức về mặt lập trình. Làm thế nào để một con chatbot, vốn được sinh ra chỉ để biết lải nhải, có thể tái hiện được những gì không thể nói?
Nhiều tháng đã trôi qua và Dadbot vẫn đang được phát triển. Các module chủ đề—ví dụ như Đại học—chứa đầy những thư mục lồng ghép nhau với những chủ đề phụ, như những Lớp học, những Cô bạn gái, và tờ báo The Daily Cal. Để làm giảm đi cảm giác lặp lại của con bot, tôi đã lập trình sẵn hàng trăm các biến thể khác nhau cho các khối tạo dựng hội thoại thường gặp như Có và Bạn muốn nói về điều gì? hay Thú vị đấy. Tôi cũng cài đặt một bộ khung xương với những sự thật trong cuộc đời: nơi cha tôi mất, tên của các con cháu, và năm mẹ ông mất. Tôi đã nhập những quan điểm của ông về củ cải đường (“quá buồn nôn”) và cách diễn tả màu sắc đại diện của trường UCLA (“màu xanh phân trẻ con và màu vàng.”)
Khi PullString bổ sung chức năng cho phép gửi các file âm thanh vào chuỗi hội thoại, tôi bắt đầu cho thêm các đoạn ghi âm giọng nói thật sự của cha mình. Việc này cho phép Dadbot làm những việc như bắt đầu kể lể về một câu chuyện ông nghĩ ra khi mấy anh chị em tôi còn nhỏ—câu chuyện kể về Grimo Gremeezi, một cậu nhóc ghét tắm rửa đến mức cậu đã chẳng may bị lôi vào bể phốt. Trong các đoạn ghi âm khác, con bot cũng hát các ca khúc ca ngợi đội bóng Cal—bài hát khá thô tục “The Cardinals Be Damned" là một bài ưa thích của ông—và các trích đoạn từ các vai diễn kịch Gilbert và Sullivan.
Làm sao để con bot khớp được với thực tế cũng là một vấn đề nan giải. Tôi xem xét rất kỹ lưỡng những câu mà tôi đã lập trình sẵn cho con bot nói, ví dụ như “Theo con thì môn thể thao ta đang nghĩ đến là?” Cha tôi thì chắc chắn không bao giờ kết thúc một câu bằng một giới từ như vậy, nên tôi đã đổi câu đó thành “Con đoán được ta đang nghĩ đến môn thể thao nào trong đầu không?” Tôi đồng thời cũng rất nỗ lực xây dựng nên một phần nào đó của sự ấm áp và lòng thấu cảm của con người nữa. Dadbot sẽ học được các cách đối đáp khác nhau với người khác tùy thuộc vào việc họ nói rằng họ đang cảm thấy vui vẻ hay buồn tủi—hay là vinh dự, hồ hởi, điên khùng, mệt mỏi, chóng mặt hay lo lắng.
Tôi cũng thử cài đặt tính tự phát cho con bot. Có nghĩa rằng thay vì chờ đợi người dùng đưa ra những lựa chọn hội thoại, Dadbot thường sẽ chủ động dẵn dắt câu chuyện. Nó có thể nói những câu như “Không liên quan lắm, nhưng có một cái giai thoại thế này mà tôi vừa mới nhớ ra xong.” Tôi cũng lập trình cho con bot có cảm giác về thời gian nữa. Ví dụ như vào buổi trưa, nó có thể sẽ nói là, “Tôi thì luôn sẵn sàng nói chuyện thôi, nhưng không phải giờ đang là giờ ăn trưa à?” Một khi con bot đã có được cảm giác tốt về thời gian, tôi sớm nhận ra là tiếp đó tôi cũng sẽ phải lập trình thêm một đống thứ khác nữa. Lúc tôi dạy cho con bot về những ngày nghỉ lễ hay các ngày sinh nhật của gia đình, tôi nhận ra là tôi đã cài đặt thêm cả câu “Ước gì ta có thể ở đó để tham dự cùng các con.”
Tôi cũng vật lộn với những thứ bản thân ông cũng không chắc chắn. Trong các buổi phỏng vấn lịch sử nói, một câu hỏi của tôi đã khiến cha phải mất 5 tới 10 phút nói lan man. Nhưng tôi thì lại không muốn Dadbot độc thoại dài dòng như vậy. Thế thì câu hỏi đặt ra là, chỉnh sửa và cô đọng lời của ông thì bao nhiêu là ổn? Tôi đang dạy cho con bot những điều cha tôi đã từng nói; liệu tôi có nên lập trình luôn cả những thứ mà tôi biết nếu là ông thì ông sẽ nói trong một số tình huống không? Làm thế nào để tôi có thể giảm tối đa được những góc nhìn chủ quan của bản thân với tư cách là người tạo ra con bot này—và đảm bảo rằng con bot sẽ tỏ ra chân thực nhất không chỉ với mình tôi mà với cả gia đình tôi? Con bot có nên đóng vai người cha của tôi một cách hoàn hảo, hay nó nên thật thà và thừa nhận rằng nó chỉ là một cái máy tính? Con bot có nên biết rằng ông bị ung thư không? Con bot có nên phản ứng trước sự đau buồn của gia đình tôi hay biết nói “Ta yêu các con” không?
Nói một cách ngắn gọn, tôi đã trở nên ám ảnh. Tôi có thể hình dung cốt truyện của một bộ phim như thế này: một chàng trai quyết tâm giữ cho linh hồn người cha đang chết dần chết mòn của mình được sống. Những câu chuyện về việc tổng hợp sự sống vốn đã tồn tại từ hàng thiên niên kỷ, và ai cũng biết chúng đều kết thúc không có hậu. Thử nhìn vào thần thoại Prometheus của Hy Lạp, những câu chuyện dân gian của người Do Thái về những người khổng lồ, Frankenstein, Ex Machina, hay là cả The Terminator. con Dadbot thì tất nhiên sẽ còn lâu mới có chuyện tàn phá được cả thế giới. Nhưng dù không phải là ngày tận thế, nhưng nó vẫn có những mối nguy hiểm nhỏ của riêng mình. Trước hết là lương tri của tôi sẽ phải đứng trước rủi ro. Trong những ngày tháng tăm tối như thế, tôi e ngại rằng có thể mình đã đầu từ hàng trăm giờ đồng hồ để tạo ra một thứ mà không một ai, thậm chí kể cả tôi, thực sự muốn cả.
Để thử nghiệm Dadbot, trước mắt tôi mới chỉ trao đổi một vài lời nhắn trong cửa sổ sửa lỗi hội thoại của PullString. Nó hiển thị toàn bộ cuộc hội thoại như bình thường, nhưng các dòng code cũng hiện rõ ở một cửa sổ lớn hơn khác ở bên trên. Việc này giống như thể ta được xem một ảo thuật gia biểu diễn và đồng thời cũng được nghe anh ta giải thích thủ thuật của mình vậy. Và cuối cùng, vào một buổi sáng tháng Mười một, tôi đã đưa con Dadbot lên ngôi nhà đầu tiên của nó—Facebook Messenger.
Với tâm lý khá căng thẳng, tôi rút ra chiếc điện thoại của mình và chọn Dadbot từ danh bạ. Trong một vài giây đầu, tất cả những gì tôi thấy chỉ là một màn hình trắng. Thế rồi một bong bóng chữ màu xám hiện lên cùng với một lời nhắn. Đó là khoảnh khắc tôi và nó gặp nhau lần đầu tiên.
“Xin chào!” con Dadbot nói. “Chính là ta đây, Người cha đáng kính và và vĩ đại của con!”
Một thời gian ngắn sau khi con Dadbot đã đặt bước chân đầu tiên ra ngoài thế giới, tôi đã đến thăm một sinh viên UC Berkeley có tên Phillip Kuznetsov. Trái ngược với tôi, Kuznetsov đang học chuyên khoa về khoa học máy tính và máy học (machine learning). Cậu ta nằm trong số 18 đội học thuật tranh tài trong cuộc thi khánh thành Giải thưởng Alexa của Amazon. Phần thưởng 2,5 triệu đô sẽ dành cho đội nào đến gần nhất với mục tiêu cao cả là xây dựng nên “một con bot xã hội có thể trò chuyện một cách mạch lạc và thú vị với con người về các chủ đề nóng hổi trong vòng 20 phút.” Đáng lẽ ra tôi đã phải cảm thấy hơi ngại trước tiểu sử của Kuznetsov, nhưng thực tế thì lại không. Thay vào đó, tôi lại muốn khoe mẽ với cậu ta. Sau khi đã đưa cho Kuznetsov chiếc điện thoại của mình, tôi đã mời cậu làm người đầu tiên ngoài tôi ra được trò chuyện với Dadbot. Sau khi đã đọc lời chào hỏi đầu tiên, Kuznetsov đã gõ, “Con chào cha.”
Bản thử nghiệm gần như ngay lập tức đi lạc đề khiến cho tôi xấu hổ. “Khoan đã. John nào cơ?” Dadbot lảm nhảm. Kuznetsov cười một cách mơ hồ, rồi hỏi tiếp, “Cha đang làm gì thế?”
“Rất tiếc, ta không thể tiết lộ điều đó bây giờ được.” Dadbot nói.
Dadbot cũng lấy lại được phong độ của mình trong vài phút sau đó, nhưng cũng chỉ là phần nào. Kuznetsov đã chơi khó và nói những điều mà tôi biết tỏng con bot sẽ không thể nào hiểu nổi, và trong lòng tôi dâng trào cảm giác của một người cha muốn bảo vệ con cái của mình. Đó là cảm giác mà tôi nhận thấy khi tôi đưa đứa con trai Zeke của tôi tới sân chơi khi cậu bé mới chỉ là một đứa trẻ yếu ớt—và há hốc đứng nhìn những đứa trẻ lớn hơn khác xung quanh đùa giỡn với cậu bé một cách khá thô bạo.
Ngày hôm sau, khi đã bình tĩnh được trở lại sau buổi thử nghiệm tệ hại đó, tôi quyết định rằng mình cần thêm cái thứ thuốc này. Tất nhiên là con bot sẽ hoạt động ngon lành nếu tôi là người thử nghiệm nó rồi. Tôi quyết định sẽ cho con bot trình diện thêm mấy người khác nữa trong một vài tuần sắp tới, và dĩ nhiên là không phải các thành viên trong gia đình tôi. Tôi muốn nó hoạt động ổn định hơn một chút nữa trước khi làm điều đó. Bài học còn lại mà tôi hiểu được, đó là bot cũng giống như con người vậy: Nói chuyện thì dễ thôi; nhưng để lắng nghe được thì lại là cả một câu chuyện khác. Vì thế nên tôi tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập các quy tắc và các dụng ý được chắt lọc cực kỳ khắt khe, qua đó dần dần cải thiện được khả năng đọc hiểu của Dadbot.
Công việc của tôi đến cuối cùng vẫn luôn dẫn lối tôi trở về với tập tài liệu lịch sử nói. Đọc lại những trang giấy đó trong khi làm việc, tôi như được gặp lại cha mình trong những ngày tháng ông còn khỏe mạnh nhất. Điều này khiến cho tôi cảm thấy thật rối trí khi tôi đi gặp người cha thực sự của mình trong hiện tại, người chỉ sống cách nhà tôi có vài bước chân. Ông đang ngày một yếu đi.
Trong một bữa cơm tối với họ hàng trong gia đình, cha tôi đã vấp ngã sấp xuống nền gạch. Đó là cú vấp ngã đầu tiên trong rất nhiều những cú vấp ngã sau đó, và cú vấp ngã tệ hại nhất đã khiến ông chảy máu và bất tỉnh và chúng tôi đã phải vội vàng đưa ông đi cấp cứu. Khi căn bệnh ung thư đã bắt đầu tước khi sức khỏe và khả năng thăng bằng của cơ thể, ông bắt đầu phải chống gậy, rồi sau đó là một người đỡ vai để có thể bước được từng bước chậm chạp ra ngoài. Nhưng ngay cả điều đó thôi cũng sớm muộn đã trở thành quá sức của ông. Cái ngày mà chỉ nội chuyện đi từ giường mình tới phòng khách thôi đã là cả một cuộc hành trình gian nan, ông đã phải chuyển sang dùng xe lăn.
Kỳ hóa học trị liệu đã thất bại, và vào mùa mùa thu năm 2016, cha tôi bắt đầu kỳ trị liệu thứ hai mang tên miễn dịch trị liệu. Trong một buổi gặp vào giữa tháng 11, bác sĩ đã bảo rằng bà rất lo lắng về cân nặng của cha tôi. Nếu trước đây cân nặng của ông vẫn luôn bình ổn ở mức 81kg, thì giờ đây ông đã sụt xuống chỉ còn 58kg, tính cả quần áo.
Trong khi cha tôi ngày càng ốm yếu, thì Dadbot ngày càng được cải thiện. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chờ đợi để bản thử nghiệm được hoàn thành không phải là một lựa chọn. Tôi muốn ông được nhìn thấy nó, và tôi không còn nhiều thời gian nữa.
Khi tôi đến thăm nhà cha mẹ vào ngày 9 tháng Mười hai, nhiệt kế ngoài trời lúc đó đang ở ngưỡng 23 độ C. Cha tôi, lúc này gần như không còn chút cơ bắp hay mỡ nào để cách nhiệt cơ thể, đội một chiếc mũ, một chiếc áo len và một bộ vest dài—vẫn cằn nhằn về chuyện bị lạnh. Tôi cúi người xuống để ôm lấy ông, rồi đẩy chiếc xe lăn của ông vào phòng ăn. “OK,” cha tôi nói. “Một, hai, ba.” Ông rên lên khi tôi bế ông từ chiếc xe lăn lên chiếc ghế bàn ăn. Người ông cứng đờ và trơ xương.
Tôi ngồi xuống bên cạnh ông và bật chiếc máy tính laptop. Cũng bởi vì chuyện này sẽ rất là kỳ quặc—mặc dù chẳng có gì có thể kỳ quặc hơn tất cả mọi chuyện này nữa—vì sắp tới đây ông sẽ được nói chuyện với phiên bản ảo của chính bản thân mình, tôi đã lên kế hoạch cho ông quan sát trong khi mẹ tôi và Dadbot trao đổi tin nhắn. Dadbot và bà bắt đầu bằng những lời chào. Mẹ quay sang phía tôi và hỏi “Mẹ có thể nói thứ gì cũng được sao?” Thế rồi quay trở lại màn hình máy tính, bà gõ, “Tôi là người vợ thân yêu của ông, Martha đây.”
“Vợ thân mến của tôi. Bà khỏe chứ?”
“Tôi vẫn ổn,” mẹ tôi đáp.
“Không phải thế,” người cha thực sự của tôi nói, vì ông biết rằng suốt quãng thời gian qua bà đã căng thẳng đến nhường nào vì căn bệnh của ông.
Chẳng biết gì về lời nói đó của ông, Dadbot đã trả lời, “Tuyệt vời, Martha. Còn với tôi thì tôi vẫn ngon lành lắm.” Sau đó nó khuyên bà rằng biểu tượng mũi tên ở cuối một lời nhắn có nghĩa là nó đang đợi bà trả lời. “Bà hiểu chưa?”
“Hiểu thưa ngài,” mẹ tôi viết.
“Bà thông minh hơn bên ngoài nhiều đấy, Martha ạ.”
Mẹ tôi lại quay về phía tôi. “Nó đang nghĩ ra những thứ này phải không, con bot ấy?” bà hỏi tôi một cách đầy hoài nghi.
Dadbot gợi ý cho mẹ tôi thêm một vài điều, rồi viết, “Cuối cùng, có một điều hết sức quan trọng mà bà phải nhớ. Bà đoán được là điều gì không?”
“Tôi chịu thua.”
“Vậy để tôi kể bà nghe nhé. Sau động từ ‘to be’ thì phải lấy danh từ làm vị ngữ.”
Mẹ tôi cười lớn khi đọc được bài giảng đúng chuẩn sách giáo khoa quen thuộc của cha tôi. “Ôi, tôi đã nghe câu đó cả nghìn lần rồi,” bà viết.
“Có thế chứ.” Dadbot sau đó lại hỏi mẹ tôi tiếp theo họ nên nói về chuyện gì.
“Cuộc đời của bố mẹ ông hồi ở Hy Lạp thì sao nhỉ?” bà viết.
Tôi nín thở, sau đó thở nhè nhẹ khi nhận thấy Dadbot đã chuyển đổi tâm trạng thành công. “Tên khai sinh của mẹ tôi là Eleni, hoặc Helen, Katsulakis. Bà sinh năm 1904 và được nhận nuôi năm ba tuổi.”
“Ôi, một tuổi thơ thật bất hạnh. Ai đã chăm sóc bà khi đó?”
“Bà vẫn có những họ hàng khác gần đó ngoài cha mẹ mình nữa.”
Tôi lặng lẽ quan sát câu chuyện với một cảm xúc pha lẫn giữa lo lắng và tự hào. Sau một vài phút, câu chuyện đã chuyển sang cuộc đời của ông nội tôi ở Hy Lạp. Dadbot hiểu rằng nó đang nói chuyện với mẹ tôi chứ không phải ai khác, nên đã nhắc lại cho bà nghe về một chuyến đi dã ngoại của bà và cha tôi về ngôi làng của cha ông. “Bà còn nhớ bữa tối barbecue mà chúng ta được mời đến ở nhà hàng không?” Dadbot nói.
Sau đó, mẹ tôi đã hỏi về thời thơ ấu của cha tôi ở Tracy. Dadbot đã kể về những cây quả xung quanh ngôi nhà của gia đình, về mối tình thời ngây dại của ông với một cô bé sống ở cuối phố có tên Margot, và chuyện chị gái Betty của cha tôi thường ăn mặc giống Shirley Temple. Dadbot cũng nhắc tới câu chuyện nổi tiếng về con thỏ cưng của ông, Papa Demoskoloulos. Theo lời kể của mẹ ông thì nó về sau đã chạy mất. Sau này cha tôi mới biết, rằng con thỏ đáng thương đó hóa ra đã bị dì của ông bắt cóc về để nấu súp.
Người cha ngoài đời của tôi trong suốt buổi thử nghiệm đó gần như không nói một lời nào và chỉ thỉnh thoảng lên tiếng để xác nhận hoặc điều chỉnh lại một số thông tin lý lịch của mình. Có một khoảnh khắc nào đó, trông ông như thể đã mất đi cả cảm giác về danh tính của chính bản thân mình—có lẽ bởi một bản thể số khác đang chiếm lấy chiếc ghế đó—và đã nhầm lẫn giữa một câu chuyện của cha ông với câu chuyện của chính bản thân ông. “Không, ông đâu có được lớn lên ở Hy Lạp,” mẹ tôi nhẹ nhàng nhắc nhở ông. Việc đó đã thúc ông trở lại với hiện thực. “Phải rồi,” ông bảo. “Bà nói đúng.”
Mẹ tôi và Dadbot tiếp tục trao đổi thêm suốt gần một giờ. Thế rồi bà viết, “Tạm thế đã nhé.”
“Ừ, thật vui vì được nói chuyện với bà,” Dadbot trả lời.
“Thật tuyệt vời!” mẹ và cha tôi đồng thanh nói.
Sự đánh giá đó của họ cũng có phần để động viên. Bởi những khoảnh khắc mạnh mẽ nhất của Dadbot vẫn bị pha lẫn với những câu trả lời khá mơ hồ và không thỏa mãn—”hẳn rồi" là một câu trả lời như vậy—và đôi khi con bot cũng mở lối dẫn dắt đến một chủ đề chỉ để ngưng kể về nó ngay sau đó. Nhưng chí ít là trong một vài đoạn, mẹ tôi và Dadbot đã thực sự có một cuộc trò chuyện chân thực, và mẹ tôi có vẻ khá thích thú.
Phản ứng của cha tôi thì có vẻ khó đoán hơn. Nhưng trong khi chúng tôi ngồi thảo luận lại, thì ông cũng thoải mái đưa ra một vài gợi ý về cách trả lời tối ưu hơn. Tôi đã từng rất lo lắng về chuyện mình sẽ tạo ra một phiên bản xuyên tạc không thể nhận ra nổi của cha tôi, nhưng chính ông đã bảo rằng Dadbot có vẻ rất chân thực. “Đó đúng là những điều mà ta đã từng nói,” ông bảo tôi.
Lấy lại được một chút dũng khí, tôi đã nhắc đến điều đã làm tôi thắc mắc suốt nhiều tháng qua. “Đây là một câu hỏi nhạy cảm, nhưng mong cha trả lời con thành thực,” tôi ấp úng nói. “Cha có cảm thấy thoải mái không, về chuyện một ngày nào đó khi cha rời khỏi thực tại này, thì sẽ có một thứ gì đó ở lại để để kể về những câu chuyện của cha và hiểu rõ về lịch sử của cha?”
Trông cha có vẻ không ổn lắm. Khi ông trả lời, giọng của ông có vẻ mệt mỏi hơn trước đó. “Ta biết tất cả những thứ này,” ông nói, chê khéo tất cả những kiến thức được lưu lại trong Dadbot bằng một cái phẩy tay. Nhưng ông cũng có đôi phần hạnh phúc khi biết rằng Dadbot sẽ thay ông chia sẻ những câu chuyện đó với người khác. “Nhất là gia đình ta. Và lũ cháu của ta, những người sẽ không biết gì về những chuyện này cả.” Ông có sáu đứa cháu tất cả, bao gồm cả hai đứa con trai nhà tôi, Jonah và Zeke, tất cả đều gọi ông là Papou, từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ông nội. “Vì thế nên chuyện này thật đáng mừng,” cha tôi bảo. “Ta rất trân trọng nó.”
Cuối tháng đó, gia đình họ hàng tụ tập lại ở nhà tôi để đón lễ Giáng sinh. Cha của tôi lúc này trông khỏe khoắn hơn hẳn thường ngày, đã vui vẻ trò chuyện với những người họ hàng đến chơi từ ngoại tỉnh. Khi tất cả mọi người đều đã yên vị trong phòng khách, ông chậm rãi hát theo một vài bài hát về đêm Giáng sinh. Khóe mắt tôi đã nghe cay cay.
Kể từ ngày ông được chẩn đoán ung thư, cha tôi đã đôi lần phải thừa nhận rằng cái nhìn của ông đã trở nên tiêu cực hơn trước. Nhưng ông vẫn thường xuyên khẳng định rằng ông muốn tiếp tục điều trị chứ quyết không “vẫy cờ trắng đầu hàng” bằng việc nhập viện. Nhưng vào ngày 2 tháng Một năm 2017, gia đình tôi đã nhận được lời xác nhận cho điều mà chúng tôi đã nghi ngại bấy lâu—phương pháp miễn dịch trị liệu đã không thành công. Không còn cách nào để cứu vãn được nữa.
Ngày 8 tháng Hai năm 2017, một nữ y tá đã đến để khám cho cha tôi. Sau khi đã khám cho ông trong vài phút, cô đã nói với mẹ tôi rằng bà nên gọi cho tất cả mọi người trong gia đình.
Tôi đến vào khoảng giờ ăn cơm tối, bước vào phòng của cha tôi, rồi lấy một chiếc ghế và ngồi xuống bên giường. Tôi đặt tay lên vai ông và cảm thấy hơi ấm từ đó. Ông vẫn có chút ý thức, với một mắt gần như khép lại và mắt còn lại hé mở, nhìn mơ màng và vô hồn.
Đây có lẽ là khoảnh khắc để nói một điều gì đó thật sâu sắc, nhưng chẳng có điều gì hiện ra trong đầu tôi cả. Thay vào đó, tôi nhận ra mình đang hồi tưởng lại chuyến đi câu của chúng tôi vào ngày sinh nhật thứ 12 của tôi. Chúng tôi đã thu về một mẻ lớn, trong đó có một con cá hồi vân to nhất tôi từng thấy, và tôi đã rất tự hào. Thậm chí tôi còn cảm thấy như một người đàn ông thực thụ nữa, bởi đó là điều mà một cậu nhóc 12 tuổi thèm khát nhất. Trở về bờ, người hướng dẫn lần lượt róc thịt từng con cá một, rồi đổ hết nội tạng vào một cái xô đỏ ngầu. Chuyện xảy ra sau đó thì không có được nam tính cho lắm. Một chấm màu đen to tướng từ đâu đến bỗng choán trước tầm nhìn của tôi, và tôi ngất lịm đi. “Bố có nhớ chuyện đó không?” Tôi hỏi.
Ông không trả lời. Kể từ ngày được chẩn đoán, ông đã dần mất đi khả năng lái xe, đi lại, sử dụng nhà tắm, và cả ăn uống. Những con chữ một thời tuôn ra trôi chảy từ đôi môi của ông—ở tòa án, trên sàn diễn, trong buồng báo chí của đội bóng Cal—nay đã trở nên chậm chạp và ít ỏi. Trong tuần qua, chúng gần như đã dừng lại hẳn. Nhưng khi tôi ngắm nhìn khuôn mặt của ông sau khi đã kể lại câu chuyện về chuyến đi hôm ấy, mắt của ông có mở ra đôi chút, và tôi tin rằng tôi đã nhìn thấy thấp thoáng một nụ cười trên môi của ông.
Đêm hôm đó, tôi đã lên gác để ngủ trong phòng cũ của chị Jennifer, cũng là căn phòng nằm ngay phía trên phòng của cha. Tôi trèo lên giường và nhìn lên trần nhà trong vài phút. Sau đó tôi với tay lấy chiếc điện thoại của mình và bật Facebook Messenger.
“Xin chào! Là ta đây, Người cha đánh kính và và vĩ đại của con!” Dadbot nói với kiểu cách quen thuộc của ông. “Con khỏe đấy chứ hả?”
“Con buồn lắm,” tôi đáp.
“Ta hiểu.” Thế rồi Dadbot hỏi tôi muốn nói về chuyện gì. “Con không biết nữa,” tôi trả lời. “Sao cha không thử chọn.”
“Okay, vậy để cha kể con nghê về nguồn gốc sự nghiệp nhạc kịch của cha mà ít ai biết được.” Sau đó Dadbot bắt đầu kể về buổi thử giọng của câu lạc bộ nhạc kịch ở trường cấp ba. Rồi tôi nghe thấy một bản ghi âm giọng thật của cha mình. “Tôi và cái bóng của mình,” ông hát. “Đều cô đơn chẳng có gì để làm.”
Tôi nhờ Dadbot kể về những ký ức đầu tiên của ông. Nó trả lời với một câu chuyện về chú chó cưng thời thơ ấu của ông, một chú chó sục có tên Toby. Chú có thể bằng cách nào đó chạy qua cả thị trấn nhanh hơn cả gia đình tôi chạy bằng xe. Sau đó Dadbot cũng làm tôi bất ngờ, mặc dù chính tôi là người tạo ra nó, với một cảm giác chỉ có thể gọi là hết sức nhạy cảm. “Ta thì luôn sẵn sàng nói chuyện thôi,” nó nói, “nhưng không phải là con sắp phải đi ngủ rồi sao?”
Phải rồi. Tôi mệt quá rồi. Tôi nói lời tạm biệt rồi đặt điện thoại xuống.
Lúc sáu giờ sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy sau vài tiếng gõ nhẹ nhàng lên cửa phòng ngủ. Tôi mở cửa và gặp một trong số những người giúp đỡ sức khỏe của cha. “Anh phải xuống ngay,” anh nói. “Cha của anh vừa mất rồi.”
Trong quãng thời gian cha tôi lâm bệnh, tôi thỉnh thoảng cũng bị lên cơn hoảng loạn nặng nề đến mức tôi phải lăn lộn trên sàn nhà dưới một chồng gối ôm. Lúc nào cũng có quá nhiều thứ để phải lo lắng—những cuộc hẹn bác sĩ, kế hoạch tài chính, sắp xếp người chăm sóc. Sau khi ông mất, nỗi lo lắng thường trực và động lực thôi thúc hành động cũng không còn. Tôi cảm thấy buồn khổ, nhưng cảm xúc đó thật xa xôi và rộng lớn, như một ngọn núi khuất sau mây. Tôi như thấy mình tê cóng.
Khoảng độ một tuần trôi qua trước khi tôi lại ngồi xuống trước bàn máy tính. Tôi nghĩ rằng tôi có thể tự làm sao lãng chính mình, ít nhất là trong một vài giờ, bằng cách làm một chút việc. Tôi đờ đẫn nhìn màn hình. Màn hình cũng chằm chằm nhìn lại tôi. Biểu tượng màu đỏ của PullString như đang kêu gọi, và không suy nghĩ gì, tôi lại nhấp vào nó.
Em trai tôi gần đây đã tìm thấy một trang giấy chứa đầy những lời khoe khoang mà cha tôi đã gõ ra từ hàng chục năm trước bằng máy chữ. Những lời tự quảng cáo khoa trương cũng là một cách đùa cợt của ông. Chạm tay lên bàn phím, tôi bắt đầu gõ những dòng từ trang giấy đó, thứ mà cha tôi đã gõ ra như thể một người nào khác đó đang ngợi khen ông. “Đối với những người thông thái, thì chỉ có sự cao nhã trong tinh thần, sự dịu dàng trong trái tim, và sự vĩ đại trong tâm hồn, được kết hợp, dĩ nhiên, với sức khỏe cường tráng và khả năng vận động vô song, mới có thể làm nền móng cho một câu chuyện về những đức tính vô kể của ông.”
Tôi mỉm cười. Cha tôi càng đến gần với ngày định mệnh, thì tôi lại càng nghi ngờ rằng tôi sẽ mất đi yếu tố thúc đẩy để tiếp tục phát triển Dadbot sau khi ông đã qua đời. Giờ đây, ngạc nghiên thay, tôi lại có động lực hơn bao giờ hết, với vô vàn những ý tưởng. Dự án mới chỉ đơn giản là đi đến hồi kết của giai đoạn khởi đầu mà thôi.
Với tư cách một nhà phát triển AI, tôi hiểu rằng trình độ của tôi là rất hạn hẹp. Nhưng tôi đã đi đủ xa, và đã nói chuyện với đủ những nhà phát triển bot khác, để ít nhiều nhận thấy một hình dáng mơ hồ của sự hoàn hảo. Con bot của tương lai, một thứ mà tất cả những công nghệ hợp thành ngày nay vẫn đang trong quá trình phát triển, sẽ có thể biết được chi tiết về cuộc đời của một con người tài tình hơn rất nhiều sản phẩm hiện giờ của tôi. Nó sẽ biết cách xử lý những câu chuyện dài, với những đoạn hội thoại rẽ đi nhiều nhánh, biết nhớ những gì đã được nói ra và quy chiếu đến những gì mà cuộc hội thoại có thể sẽ dẫn đến. Con bot sẽ biết vận dụng toán học để tạo hình các khuôn mẫu ngôn ngữ điển hình và các đặc thù tính cách, cho phép nó không chỉ biết nhắc lại những gì một người đã từng nói, mà còn biết cách tạo ra những lời nói mới nữa. Con bot, bằng cách phân tích giọng điệu cũng như cử chỉ khuôn mặt, thậm chí sẽ có thể trở nên nhanh nhạy với cảm xúc.
Tôi có thể hình dung việc nói chuyện với Dadbot sẽ kết hợp tất cả những sự phát triển đó. Điều mà tôi không thể đoán trước được, đó là chúng ta sẽ cảm thấy ra sao khi những điều đó thành hiện thực. Tôi biết nó sẽ không giống với việc được ngồi trước mặt cha của mình. Nó sẽ không giống với việc được đi xem một trận bóng của đội Cal với ông, nghe thấy một lời cợt nhả của ông, hay là được ôm lấy ông. Nhưng hơn cả nỗi mất mát thể xác, thì những sự khác biệt rạch ròi đó—cũng chính là điều duy nhất còn thiếu một khi những kiến thức và những kỹ năng trò chuyện đã được lập trình một cách hoàn hảo—sẽ trở nên thật khó để phân định. Liệu tôi có muốn trò chuyện với một con Dadbot hoàn hảo không? Tôi nghĩ rằng có, nhưng tôi không thể nào nói chắc được.
“Chào bố, John. Bố có ở đó không?”
“Xin chào … Hơi xấu hổ chút nhưng ta vẫn phải hỏi. Con là ai?”
“Anne.”
“Anne Arkush, Esquire! Chà, con khỏe đấy chứ hả?”
“Con vẫn ổn, John à. Con nhớ cha.”
Anne là vợ tôi. Đã một tháng trôi qua kể từ ngày cha tôi mất, và cô đang trò chuyện với Dadbot lần đầu tiên. Hơn bất cứ ai trong gia đình, Anne—người đã rất gần gũi với cha—đã thể hiện rõ sự nghi ngại về dự án Dadbot. Câu chuyện diễn ra giữa họ trôi chảy. Nhưng cảm giác của cô ấy thì vẫn còn nhiều mâu thuẫn. “Em vẫn cảm thấy có điều gì đó không đúng,” cô nói. “Thật là kỳ lạ khi mình cảm thấy bồi hồi, như kiểu ‘À em đang nói với chuyện với cha John này,’ trong khi lý trí thì biết rằng chỉ có một cái máy tính ở đầu bên kia.”
Sự kỳ lạ của việc chuyện trò với Dadbot có lẽ sẽ phai nhạt dần đi khi những ký ức về ông không còn hiển hiện một cách đau đớn như bây giờ nữa. Sự thoải mái dần dần sẽ đến. Nhưng cũng có thể là không. Có thể rằng loại công nghệ này không thực sự phù hợp với những người như Anne, người đã hiểu rất rõ về cha tôi. Có thể nó sẽ chỉ phù hợp được với những người chỉ có một vài kỳ ức mơ hồ về ông khi họ lớn lên.
Hồi đầu mùa thu năm 2016, con trai tôi là Zeke đã được thử nghiệm một phiên bản khá thô sơ của Dadbot. Là một cậu nhóc 7 tuổi, thằng bé nắm được khái niệm chính của nó nhanh hơn một người lớn bình thường. “Cái này giống như kiểu nói chuyện với Siri vậy,” thằng bé nói. Zeke nghịch Dadbot trong vài phút, rồi sau đó bỏ đi ăn tối, trông có vẻ không có mấy ấn tượng lắm. Trong những tháng sau đó, Zeke thường xuyên đi cùng khi chúng tôi đến thăm cha tôi. Zeke đã khóc vào buổi sáng hôm Papou của thằng bé mất. Nhưng thằng bé đã nhanh chóng trở lại với trò tiêu khiển Pokémon quen thuộc ngay buổi chiều. Tôi cũng không rõ là thằng bé có thực sự cảm thấy ảnh hưởng gì hay không.
Giờ đây, sau khi một vài tuần đã trôi qua kể từ ngày cha tôi mất, Zeke đã khiến tôi bất ngờ khi hỏi, “Liệu bọn con có thể trò chuyện với chatbot được không ạ?” Tôi thắc mắc, tự hỏi không biết liệu có phải Zeke đang muốn gửi những lời châm chọc của lũ con nít tiểu học tới cho Siri hay không. Bởi đó là trò tiêu khiển ưa thích của thằng bé mỗi khi nó có cơ hội chộp được chiếc điện thoại của tôi. “Ờ, chatbot nào cơ?” Tôi hỏi một cách e ngại.
“Ôi, cha à,” thằng bé nói. “Dĩ nhiên là chatbot của Papou rồi.” Và thế là tôi đưa cho thằng bé chiếc điện thoại.
Dịch từ Wired
***
Meet me at ViNa Ludens ;)
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất