Mình lấy cảm hứng viết bài này khi đọc cuốn Homo Deus của Harari, cảm thấy có gì đó chưa trọn vẹn trong lập luận của ông. Tác giả cho rằng khả năng hợp tác chính là chìa khóa. Và bản thân điều đó lại bắt nguồn từ khả năng tưởng tượng ra những thứ không có thật như quốc gia, dân tộc, tôn giáo. Từ đây, 1 câu hỏi hiện lên trong đầu mình: Vậy thì những sản phẩm tưởng tượng ấy có trước hay xã hội quy mô lớn có trước? Nói cách khác, đối tượng hư cấu và xã hội, cái nào là nguyên nhân, cái nào là hệ quả?

Theo cách biện luận của Harari, rõ ràng ông cho rằng những đối tượng hư cấu là nguyên nhân còn xã hội quy mô lớn là hệ quả. Nếu không có khái niệm quốc gia, dân tộc, tôn giáo, loài người sẽ không thể gắn kết với nhau. Nhưng nếu vậy, tại sao tôn giáo, quốc gia, dân tộc lại chỉ xuất hiện khi xã hội loài người đã đạt đến quy mô lớn? Nói cách khác, làm sao 1 thứ  ra đời sau có thể là nguyên nhân dẫn đến thứ ra đời trước?
Mình cho rằng phải là ngược lại. Khi cộng đồng ngày càng đông đúc, con người mới bắt đầu nghĩ ra quốc gia, Thượng Đế, tiền... để giữ cho cộng đồng ấy không tan rã. Chúng là hệ quả chứ không phải nguyên nhân của xã hội quy mô lớn.
Tôn giáo chỉ xuất hiện khi xã hội đã đông đúc. Vậy thì nó hẳn phải là hệ quả chứ không phải nguyên nhân của xã hội.
Nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi cá thể Homo Sapiens chỉ có tối đa 150 mối quan hệ gần gũi. Trong 1 bầy người dưới 150 cá thể, tất cả thành viên đều thân thiết nhau. Mọi xung đột được dàn xếp nhờ "cái tình". Bạn dễ dàng nhượng bộ nếu kẻ tranh giành miếng đùi gà với mình là cậu bạn thân hoặc đứa em họ.
Còn khi quy mô bầy đàn vượt quá 150 cá thể, va chạm giữa những kẻ không thân thiết bắt đầu xuất hiện. Lúc này, mâu thuẫn khó giải quyết hơn nhiều và thường dẫn đến bạo lực. Cấu trúc bầy đàn trở nên không ổn định và có nguy cơ sụp đổ. Nhưng bằng cách nào đó, các bầy người vẫn cứ ngày một lớn thêm.
Mình tin rằng khi 1 bầy người tăng từ 150 lên 1.500 thành viên thì đất nước hay tôn giáo chưa xuất hiện và còn lâu mới xuất hiện. Thay vào đó, thứ giữ cho cấu trúc bầy người không bị sụp đổ là sự lãnh đạo của 1 thủ lĩnh. Nói cách khác cách thức chọn kẻ đứng đầu mới là chìa khóa cho sự hợp tác ở con người.
Các già làng đóng vài trò quan trọng trong việc kết nối cộng đồng.
Dạo 1 vòng trong tự nhiên, bạn sẽ thấy Homo Sapiens có cách chọn lãnh đạo độc nhất vô nhị. Đa số sinh vật đều chọn cá thể khỏe mạnh nhất làm lãnh đạo. Riêng chúng ta chọn cá thể thông thái nhất (cũng thường là già nhất). Trong cấu trúc xã hội của những nhóm người săn bắt hái lượm, người già có quyền lực rất lớn. Họ là pho từ điển sống về thế giới xung quanh. Kiến thức mà họ nắm giữ đóng vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn của cả cộng đồng.
Cách chọn cá thể lãnh đạo của Homo Sapiens có 2 ưu điểm lớn. Thứ nhất, nó tránh được xung đột bạo lực trong nội bộ bầy, điều mà chúng ta thường thấy ở các loài khác. Thứ hai, vị trí lãnh đạo ổn định, ít bị thay đổi. Càng già thì cá thể lãnh đạo càng củng cố được quyền lực.
Nhờ đó, cấu trúc bầy đàn của Homo Sapiens ôn hòa và ổn định hơn các loài khác. Và đặc biệt, xung đột giữa 2 kẻ xa lạ vẫn có thể được giải quyết thông qua sự phán xử của cá thể đứng đầu mà không cần phải sử dụng bạo lực.
Cách chọn thủ lĩnh của loài người giúp tránh những xung đột bạo lực như thế này.
Mình tin rằng đây là nền tảng đề quy mô xã hội loài người có thể vượt xa ngưỡng 150 cá thể. Sau khi ngưỡng đó bị phá vỡ, những sản phẩm của trí tưởng tượng mới ra đời để duy trì sự ổn định của bầy đàn lớn.
Ngày nay, quy mô bầy đàn của chúng ta đã trở nên quá khổng lồ đến mức các "già làng" không còn hợp thời, và những sản phẩm tưởng tượng đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì trật tự xã hội. Tuy nhiên, mình tin rằng những người già chính là nền tảng cho xã hội văn minh ngày nay.