Không chạy theo sự công nhận từ người khác
Tháp nhu cầu Maslow đã chỉ ra, mỗi người đều có nhu cầu, cũng như mong muốn được công nhận. Tất nhiên, đó cũng là cách cho ta thấy được thành quả từ công việc mình đang làm. Đồng thời đem lại cảm giác chúng ta đang thực sự cống hiến, đem lại giá trị cho xã hội.
Mặc dù ích lợi là vậy, nhưng tính chất sẽ bị thay đổi nếu bản thân chuyển từ “nhu cầu được công nhận” sang “chạy theo sự công nhận”. Bởi vì lúc này, chúng ta không làm việc vì chính mình nữa, mà mọi điều đều là để thoả mãn số đông. 
Vậy nên, trước khi cần được ai đó công nhận, những người chăm sóc sức khoẻ tinh thần tốt sẽ quan trọng sự tự công nhận giá trị bản thân đầu tiên.
Cố gắng hợp lý hóa vấn đề
Trong cuộc sống, không phải lúc nào mọi chuyện cũng trơn tru, êm đẹp. Tuy nhiên, cách chúng ta lựa chọn đối mặt với mỗi sự kiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc và sự bình an của tâm hồn.
Việc không cho phép những cảm xúc tiêu cực hoặc vấn đề gây áp đảo làm lu mờ khả năng phán đoán, cũng là cách mỗi chúng ta đang để tâm và chăm sóc cho sức khoẻ tinh thần của mình.
Ghi nhận lời phê bình như những phản hồi có giá trị
Trong những bài viết trước, mình đã đề cập đến việc phân biệt và nhận diện giữa phê bình phán xét và phê bình đóng góp có giá trị. 
Khi đứng trước một ý kiến nhằm vào bản thân, nhìn chung chúng ta sẽ có 2 xu hướng. Một là tiếp thu, hai là “nhảy dựng” lên và phản kháng kịch liệt (Có thể vì lý do này hay lý do khác). 
Với một người không dễ dàng bị tác động tinh thần, họ sẽ biết cách phân biệt đâu là lời phê bình cần tiếp thu và xem xét nó như là cơ hội để trưởng thành, phát triển bản thân.
Không nổi giận qua lời chỉ trích vô căn cứ (hoặc cố gắng kiềm chế)
“Cây ngay không sợ chết đứng”. Với những bản thể có tâm thế vững vàng, họ sẽ cảm thấy không đáng để lãng phí thời gian và năng lượng tinh thần, để oán trách hay nổi giận với những người dành phần lớn thời gian chỉ để đi nói những lời tiêu cực, đặt điều không hay về người khác.
Chấp nhận nghịch cảnh
Nghịch cảnh tạo nên con người ta ở hiện tại. Một người muốn rèn luyện sức khoẻ tinh thần lành mạnh, chắc hẳn sẽ không coi nghịch cảnh như một “dấu hiệu cản đường”. 
Trong quan niệm nhà Phật, khi một người trải qua kiếp nạn khổ đau, đó chính là lúc anh ta trả bài học Nghiệp.
Những người mạnh mẽ về mặt cảm xúc sẽ xem nghịch cảnh giống như yếu tố cần thiết của cuộc sống, để hướng tới phiên bản mạnh mẽ, khôn ngoan hơn của chính họ. 
Có tư duy lạc quan và tích cực 
Chúng ta đừng lầm lẫn giữa tư duy tích cực và sự tích cực tiêu cực. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Điều mình muốn hướng tới ở đây, đơn giản là thiết lập một tư duy lạc quan thực thụ.
Có một câu nói thế này: “Nếu thế giới nội tâm của bạn vốn đã u ám và tăm tối, thì dù mặt trời có chiếu sáng cho bạn mỗi ngày cũng không khiến bạn vui lên”. 
Không cho phép sự sợ hãi làm tê liệt bản thân
FEAR - Nỗi sợ (trong tiếng Anh). Khi phân tích ra từng chữ có thể được hiểu là “bằng chứng giả xuất hiện như thật”. (F - Fail; E - Evidence; A - Appearing; R - Real). Nó có ý nghĩa rằng, khi bạn sợ khó khăn, khó khăn sẽ đến với bạn. Giống như quy luật vạn vật hấp dẫn, ta càng nhấn mạnh vào điều gì, thì sẽ thu hút điều đó vào cuộc sống.
Hiểu được điều đó. Trong quá trình rèn luyện để có một tinh thần tốt, những cá nhân này sẽ không tập trung hay để cảm xúc sợ hãi lấn át hoặc làm tê liệt bản thân họ.
Hiểu được sai lầm không định nghĩa nên con người đó
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại/ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” - Tố Hữu.
Không có định luật nào trên đời là tuyệt đối, cũng như không có ai là hoàn hảo 100%. Nếu chỉ nhìn vào một lần phạm sai lầm của ai đó, mà đã vội khẳng định luôn bản chất của họ là như vậy. Thì một ngày đẹp trời, có thể bạn sẽ phải ngoảnh đầu nhìn lại con người đó. 
Tập trung tìm ra giải pháp 
Thay vì không ngừng khóc lóc về những vấn đề và đổ lỗi cho người khác, để có một sức khỏe tinh thần ổn định, bạn nên tập trung vào việc tìm ra giải pháp. Điều đó hữu ích hơn! 
Duy trì lòng biết ơn
Không gì có thể đánh gục một người bằng việc luôn hướng sự chú ý của họ vào những gì họ thiếu, trong khi hoàn toàn phớt lờ những gì họ có.  
Mình thực hành lòng biết ơn hầu như hàng tuần, đó là cách để chăm sóc và duy trì một tinh thần khỏe mạnh (phải nói là) dễ nhất. 
Biết ơn giúp chúng ta tập trung vào hiện tại, cảm thấy đủ đầy và hạnh phúc với những gì mình đang có. Đó là điều kiện thiết yếu, trước khi ta muốn giúp đỡ một ai đó khác nhận ra giá trị của họ.