Đạo đức là gì?
Đi dạo 1 vòng quanh Spiderum, tự dưng mình gặp được 1 vấn đề mang tính "triết học" mà khiến mình băn khoăn. Vấn đề tưởng như ai cũng...
Đi dạo 1 vòng quanh Spiderum, tự dưng mình gặp được 1 vấn đề mang tính "triết học" mà khiến mình băn khoăn. Vấn đề tưởng như ai cũng biết nhưng thực sự đi sâu tìm hiểu thì thấy nó "mông lung" vãi chưởng. Đó là vấn đề "đạo đức là gì?", hay nói cách khác là "thế nào là đạo đức".
Mình tìm hiểu khái niệm này để trả lời cho câu hỏi: "trong kinh doanh có nói chuyện đạo đức không?". Nhưng quả thực ngay ở vấn đề đầu tiên mình đã thực sự thấy bối rối. Nào cùng xem lại vấn đề này nhé.
Đạo đức là gì?
Theo Wikipedia:
Đạo đức là hệ thống quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Nguồn wikipedia thì cũng không phải nguồn chuẩn lắm, nhưng so với rất nhiều kết quả khác nói về đạo đức thì nội dung trên đã bao hàm khá đủ ý, vậy nên mình chọn đưa ra khái niệm này.
Ngoài ra còn 1 khái niệm nữa mà được nhắc đến nhiều hơn:
Theo Karl Marx: "Đạo đức cao nhất là làm được gì".
Xét theo 2 khái niệm trên thì:
- Khái niệm wikipedia đưa ra có xu hướng là hướng tới cộng đồng. Cá nhân tự nguyện điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng. Nhưng như thế chẳng khác nào "sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật", bởi bạn sống theo pháp luật cũng là tự nguyện điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích cộng đồng rồi. Bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng bị coi là "gây tổn hại tới lợi ích cộng đồng" và bị trừng phạt. Vậy thì đạo đức có phạm trù rộng hơn luật pháp.
Nhưng có 1 vấn đề trong khái niệm này, đó là: vì để không gây tổn hại tới lợi ích cộng đồng, hay vì để có lợi cho tập thể, cá nhân tôi (có thể) phải chịu thiệt thòi. Vậy thì tôi có đạo đức không?
Ví dụ 1:
Cả lớp đồng ý mỗi người chi 1 triệu để chụp ảnh kỉ yếu, nhưng 1 người duy nhất không đồng ý vì họ cảm thấy thiệt thòi khi làm điều này. Điều đó dẫn tới cả lớp phải hủy việc chụp ảnh kỉ yếu, những người còn lại rất buồn và giận dữ. Vậy thì người đó có đạo đức không? các thành viên còn lại trong lớp có đạo đức không?
- Khái niệm của Karl Marx hướng tới bản thân người đưa ra hành động và chỉ xét tới kết quả hành động, bỏ qua các yếu tố nguồn gốc, diễn biến... mà chỉ xét kết quả. "Làm được gì" ở đây nhấn mạnh vào chữ "được", thể hiện nó phải hữu hình, nhìn/nghe/sờ/đo đếm/đánh giá được. Tức là xét cái "được" với từng đối tượng có liên quan tới sự việc.
Trong ví dụ trên, nếu xét trên quan điểm của Marx thì:
+ Việc lớp bị hủy chụp kỉ yếu, các thành viên khác bức xúc vì vấn đề bị hủy bởi 1 thành viên duy nhất không đồng ý => học sinh này không có đạo đức.
+ Việc học sinh kia không đồng ý đã bảo vệ họ không bị thiệt thòi => với học sinh kia là có đạo đức (họ không tự nguyện nên họ không vi phạm khái niệm đạo đức)
+ Việc chụp ảnh kỉ yếu đã được hầu hết học sinh trong lớp đồng ý nên mong muốn chụp ảnh kỉ yếu là hành vi có đạo đức.
+ Việc cả lớp không thông cảm cho hoàn cảnh của học sinh kia, không ai hỗ trợ học sinh kia khiến kết quả cuối cùng là bị hủy chụp kỉ yếu => đây là hành vi không có đạo đức, nhưng xét trên cả tập thể thì không rõ ai là người không có đạo đức. Vì kết quả cuối cùng là không một ai bảo vệ học sinh này nên tất cả học sinh đều vô đạo đức.
Như thế thì xét ở góc độ này là có, góc độ khác lại không có.
Nhưng điều dễ bắt gặp là:
Khi lợi ích của 1 cá nhân không thống nhất với lợi ích của 1 tập thể, thì việc bảo vệ lợi ích cá nhân mà gây tổn hại tới lợi ích tập thể thì là hành vi vô đạo đức.
Đây là thứ khiến mình suy nghĩ.
Có thật là như vậy?
Thế thì hành vi hiến tế có phải là đạo đức? Tại sao hành vi này không còn tồn tại nữa? Phải chăng quan niệm về đạo đức đã thay đổi?
Đạo đức gồm:
1. Nghĩa vụ
2. Lương tâm
3. Thiện ác
Ba ý này mình ghi lại trong bài viết ở wikipedia thôi. Cũng không có gì đặc sắc. Dù có đọc hết 3 ý này thì khi xét ý bên dưới: Đạo đức có tính tương đối thì nó sẽ khiến chúng ta nghĩ lại.
Thế nào là thiện, thế nào là ác?
Giết người là ác? Khi giết 1 người để bảo vệ cả 1 nhóm người thì đó có phải là ác?
Trở lại câu chuyện triết học kinh điển:
Con tàu bị nạn và lạc trên biển, trên tàu không còn lương thực. Mọi người bàn nhau: 1 người yếu nhất trong đoàn sẽ phải chết để làm thực phẩm cho những người còn lại để tìm cơ hội sống. Vì anh ta yếu nhất nên gần như chắc chắn anh ta sẽ không sống được mà về nhà. Và cuối cùng người yếu nhất bị ăn thịt và những người còn lại sống sót trở về. Vậy ai là kẻ có đạo đức? Người hy sinh hay những người còn sống? Dù tôn vinh người hy sinh thế nào đi nữa thì liệu trong lòng những người còn sống có thoát khỏi mặc cảm "giết người".
Đạo đức có tính tương đối
Trong cùng 1 hành động, có thể nhìn theo nhiều góc nhìn khác nhau để đánh giá đạo đức, tùy theo chuẩn mực đạo đức của góc nhìn đó.
Không có 1 góc nhìn nào là toàn diện, do đó không có chuẩn mực đạo đức nào là toàn diện.
Xét ví dụ 2:
Bạn nhặt được 1 cái ví bị rơi trên đường, bên trong có rất nhiều tiền, xung quanh không có ai biết, không có camera. Bạn sẽ làm gì?
1.a- Ngay lập tức đem cái ví tới đồn công an gần nhất để thông báo, tìm người đánh rơi để trả lại cho họ. Và khi trả thì không đòi hỏi bất kỳ điều gì (dù có được trả công, khen thưởng thì cũng không nhận).
1.b- Ngay lập tức đem cái ví tới đồn công an gần nhất để thông báo, tìm người đánh rơi để trả lại cho họ. Và khi trả thì bạn kỳ vọng được trả công hoặc được tuyên dương, khen ngợi (hoặc cả 2)
2.a- Kiểm tra giấy tờ bên trong ví, nếu có thông tin liên hệ thì tự liên hệ với chủ nhân để trả lại. Và xong việc thì không đòi hỏi bất kỳ điều gì (dù họ trả công cũng không nhận).
2.b- Kiểm tra giấy tờ bên trong ví, nếu có thông tin liên hệ thì tự liên hệ với chủ nhân để trả lại. Và xong việc thì bạn kỳ vọng được trả công hoặc được tuyên dương, khen ngợi (hoặc cả 2)
3.- Rút hết tiền trong ví, chỉ giữ lại giấy tờ. Đem cái ví cùng giấy tờ tới đồn công an gần nhất và làm tiếp bước 1 hoặc 2 (với tình trạng ví đã không còn tiền)
4.- Rút hết tiền trong ví, bỏ lại ví cùng giấy tờ ở nơi đã nhặt được.
5.- Cầm ví rồi đi tiếp, không tìm cách trả lại.
6.- Không quan tâm tới cái ví, không làm gì cái ví, để nguyên vị trí cũ coi như chưa có gì xảy ra, chỉ đi tiếp.
7.- Phương án khác
Khi chọn 1 phương án, bạn có thể tự trả lời câu hỏi:
- Phương án bạn chọn có thực sự là phương án bạn sẽ làm trong thực tế không? hay nghĩ 1 đằng, làm 1 nẻo?
- Phương án của bạn có đạo đức không? So với những phương án còn lại thì bạn thấy phương án nào là vô đạo đức nhất?
- Tại sao bạn chọn phương án này?
Hy vọng bạn ko bị xoắn não khi đọc đến dòng cuối cùng này. Còn mình khi viết ra cũng thấy xoắn não vô cùng rồi.
Có nhiều thứ bản thân mình cũng không hiểu, không giải thích được. Mong nhận được những góp ý từ bạn đọc.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất