Sơ đồ 3 gốc rễ
Sơ đồ 3 gốc rễ
Đầu tiên chúng ta cần hiểu thế nào là Đạo đức- Trí Tuệ- Nghị Lực?
Trí tuệ
Trí tuệ chính là sự hiểu biết, cái nhìn đúng đắn về cuộc sống. Trí tuệ giống như cây đèn giúp chung ta soi sáng, dẫn đường. Trong đạo Phật, chữ “trí tuệ” ứng với chánh kiến và chánh tư duy, tức là có sự hiểu biết đúng đắn và cách tư duy, suy nghĩ, đưa ra các giải pháp để hướng tới những điều đúng đắn ấy. Cụ thể ở đây chính là sự hiểu biết về nhân quả, về tứ diệu đế và bát chánh đạo cũng như có những tư duy hướng về nó. Một người thông minh nhưng có những tư duy hướng về những điều không đứng đắn, sai lệch thì chưa thể coi là người có trí tuệ.
Đạo đức
Đạo đức hiểu một cách đơn giản chính là lòng tốt của mỗi người chúng ta. Đặc tính của đạo đức là gắn kết, làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Trí tuệ và đạo đức chính là chữ “tài” và chữ “đức” trong mỗi con người, 2 thứ đó phải đi song hành với nhau mà không thể thiếu bất kỳ một yếu tố nào. Như Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Nghị lực
Trên con đường mà chúng ta đi sẽ có không ít những ổ gà hay chính là khó khăn, thử thách cần phải vượt qua. Và nghị lực sẽ là một thứ không thể thiếu để ta vượt qua những ổ gà đó. Nghị lực bao gồm 3 chữ: dũng, nhẫn và tĩnh. Một người có nghị lực thực sự không chỉ cần có sự dũng cảm mà còn cần có tính nhẫn nại, tập trung, bình tĩnh xử lí mọi việc.
Vậy câu hỏi đặt ra: Tại sao 3 yếu tố này lại là 3 yếu tố nền tảng cốt lõi?
Bản thân mỗi chúng ta có lẽ từng nghe qua các khóa học về NLP, các khóa học phát triển bản thân, các lớp học dạy 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt. Trong các lớp học này, điều đầu tiên mà chúng ta được dạy là đặt tay lên trước ngực mình, thiết lập cho mình một niềm tin. Vậy niềm tin có từ đâu? Chúng ta hãy thử phân tích chữ “Niềm tin” này dưới 3 yếu tố nền tảng: Đạo đức- Trí tuệ- Nghị lực.
Chúng ta hẳn không xa lạ gì với cái tên Galileo Galilei- nhà thiên văn học người Italia, “cha đẻ của khoa học cận đại” nổi tiếng với câu nói “Dù sao Trái Đất vẫn quay”. Ở thời của ông khi đó, Giáo Hội và tất cả mọi người khi ấy đều cho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, các hành tinh khác quay quanh Trái Đất kể cả Mặt Trời. Tuy nhiên qua nhiều năm quan sát thiên văn, tự mình nghiên cứu, ông cho rằng tất cả không phải tĩnh tại, Trái Đất và Mặt Trời đều đang quay. Học thuyết của ông được đưa ra đi ngược lại với Giáo Hội, bị cho là học thuyết dị đoan. Ông bị mọi người công kích, bị Tòa án thẩm vấn và tuyên phạt giam ở gần Rome. Mặc dù vậy, ông vẫn kiên trì viết sách bảo vệ học thuyết của mình cho đến khi mắt bị hỏng không còn nhìn thấy được ánh sáng nữa. Để rồi hơn 300 năm sau đó, Tòa thánh La Mã đã phải công khai sửa sai cho Galilei, lịch sử cuối cùng đã có pháp quyết công bằng đúng đắn đối với nhà khoa học vĩ đại này, tên tuổi của Galilei mãi được mọi người kính trọng. Rõ ràng, niềm tin ở đây được hình thành từ trí tuệ chính là sự hiểu biết được hình thành qua nhiều năm nghiên cứu và quan sát thiên văn của ông.
Galilei quan sát thiên văn bằng kính viễn vọng
Galilei quan sát thiên văn bằng kính viễn vọng
Vậy niềm tin đến từ đạo đức, từ lòng thương yêu như thế nào? Khi chúng ta còn nhỏ, được bao bọc và hưởng tình yêu thương từ ba mẹ, được dạy dỗ từ những cái nhỏ nhất thì trong mỗi chúng ta sẽ hình thành niềm tin đối với chính ba mẹ mình. Một đứa trẻ bất kỳ khi gặp một người xa lạ luôn luôn có cảm giác mất an toàn và thiếu niềm tin hơn so với những người thân của chúng, những người mà thực sự yêu thương và dành tình cảm cho chúng. Tuy nhiên, so với cột trí tuệ thì niềm tin hình thành từ đạo đức lại dễ trở nên lung lay hơn. Điều này thấy rõ nét nhất đối với các cô cậu chuẩn bị thi Đại Học chọn con đường tương lai cho mình. Nhiều bố mẹ suy nghĩ có phần hơi “nông dân” nên dễ đưa ra các lời khuyên cho con chưa thực sự phù hợp. Lúc này, cô cậu sinh viên đó nên tìm một ông thầy hay một ai đó có hiểu biết sâu sắc, có kiến thức để đưa ra những tư vấn cho mình hơn. Rõ ràng về tình yêu thương của ông thầy không thể bằng bố mẹ nhưng trí tuệ, sự hiểu biết của ông thầy cao hơn và đứng giữ những quyết định lớn như chọn nghề nghiệp, chọn trường đại học phù hợp với bản thân mình thì nên lấy cột trí tuệ ra đo thây vì cột đạo đức.
Vậy còn về nghị lực thì sao? Một thanh niên choai choai thất học đi tìm việc làm thấy một cô gái ngồi bên đường đeo một túi xách hàng hiệu. Sau một hồi lâu, hắn quyết định cầm theo con dao hăm dọa cô gái để lấy túi xách. Lần sau lại nơi đó hắn tiếp tục cướp tài sản của người khác. Trong đầu hắn lúc này dần củng cố niềm tin về việc làm giàu từ cướp tài sản, rằng hễ cứ chiều chiều là cầm con dao ra đe dọa là sẽ kiếm được đôi chút. Như vậy niềm tin ở đây hình thành từ những thứ lặp đi lặp lại, nỗ lực làm nhiều lần. Tuy vậy trong 3 cột Đạo đức- Trí tuệ- Nghị lực thì niềm tin được hình thành vững chắc nhất từ cột trí tuệ.
Không chỉ với niềm tin, bất cứ các yếu tố nào về nhân cách cũng đều có thể đưa về 3 yếu tố này (bình tĩnh, đồng cảm, giúp đỡ,…) kể cả những nhân cách tiêu cực (ích kỷ, ghen tuông, ly hôn,….). Như đối với tính “ghen tuông”, ghen tuông đến từ sự thiếu hiểu biết, không hiểu nhau (Trí tuệ), đến cả từ sự không đồng cảm, không tôn trọng tin tưởng nhau (Đạo đức) và đến từ sự mất bình tĩnh, dễ nổi nóng trong các mối quan hệ (Nghị lực).
Ta sẽ thấy 3 yếu tố Đạo đức- Trí tuệ- Nghị lực vận hành ở mọi lúc mọi nơi. Chúng ta không chỉ thấy ở trong nhân cách mà biểu hiện ở từng người cụ thể, rõ ràng nhất qua các vĩ nhân, các nhân vật nổi tiếng thế giới.
Quay ngược thời gian 2 thế kỷ trước, một nhà hóa học, vi sinh vật học người Pháp mà chắc có lẽ ai cũng biết đến chính là Luis Pasteur. Ông đã mất thời gian hơn 3 năm để nghiên cứu và tìm ra vaccine cứu người. Điều đặc biệt ở đây, vaccine của ông được tìm ra từ một thí nghiệm bị lãng quên. Cách thức sử dụng vaccine chính là đưa những con virut yếu hoặc gần như đã chết vào cơ thể để sức đề kháng trong cơ thể chiến thắng được những con virut ấy, lần sau mỗi khi cơ thể bắt gặp lại thì sẽ dễ dàng vượt qua hoặc giảm nhẹ đi ảnh hưởng của các loại bệnh gây nên. Rõ ràng, việc kiên trì, miệt mài nghiên cứu trong vòng 3 năm để chế tạo ra vaccine cho thấy được ý chí nghị lực của ông. Ông còn là giáo sư vật lí, sáng tạo ra nhiều phát minh khác để cứu người, được coi là nhà bác học vĩ đại cho thấy trí tuệ hơn người. Các phát minh của ông lại còn được công bố, chia sẻ rộng rãi cho tất cả mọi người, nhờ có vậy mà rất nhiều người không chỉ ở Pháp mà trên thế giới phòng chống được các căn bệnh nguy hiểm. Trên cánh tay của mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng có dấu vết tiêm vaccine phòng các loại bệnh khi còn nhỏ; mỗi khi nhìn vào đó chúng ta cần phải biết tới công lao rất lớn từ nhà bác học vĩ đại Luis Pasteur. Cột đạo đức ở đây cũng được thể hiện là sự cho đi, cống hiến hết mình cho khoa học của ông. Rõ ràng 3 cột Đạo đức- Trí tuệ- Nghị lực phát triển mạnh trong Luis Pasteur, tạo nên con người vĩ đại và được coi là “ân nhân của nhân loại” với những đóng góp của mình.
Luis Pasteur
Luis Pasteur
Đối ngược với những vĩ nhân được mọi người kính trọng như Luis Pasteur là những tên được coi là “ác nhân”, điển hình là Adolf Hitler- tên Trùm Phát xít  Đức trong thế chiến thứ Hai. Vậy thì Hitler phân tích dưới 3 yếu tố Đạo đức- Trí tuệ- Nghị lực như thế nào? Có 2 cách giải thích.
Cách giải thích thứ nhất là cách mà nhiều người đều suy nghĩ: Hitler cũng là tên có ý chí nghị lực cao (tự bản thân leo dần được lên được vị trí Quốc trưởng của Đức quốc xã), là người cũng có tài năng, trí tuệ (chỉ là trí tuệ không đúng, bị sai lệch) và mất đi một cột đó chính là cột Đạo đức khi gây ra chiến tranh và các cuộc thảm sát đẫm máu đặc biệt là với người Do Thái.
Cách giải thích thứ hai: Hitler có nghị lực và có đạo đức (đạo đức ở đây chỉ đúng với chính dân tộc của mình, mong muốn xây dựng một nước Đức hùng mạnh, trở thành bá chủ) tuy nhiên lại không có trí tuệ đúng nên dẫn đến quyết định sai, tiến hành các cuộc chiến tranh, đánh chiếm các nước xung quanh.
Có thể thấy 3 yếu tố Đạo đức- Trí tuệ- Nghị lực là 3 gốc rễ nằm trong mỗi con người. 3 yếu tố này phải phát triển song hành, không nên khuyết thiếu bất kỳ một yếu tố nào. Từ 3 gốc rễ này mà các các nhân cách tốt đẹp khác từ đó nở hoa. Việc của chúng ta là cần hiểu biết đúng đắn về các yếu tố bên trong này, sau đó làm sao hướng mình phát triển chúng qua từng ngày.