Đạo Thạnh Hòa Phu

16/6/2021 - Đọc 2 cuốn: 1/Cách sống-Từ bình thường trở nên phi thường - Inamori Kazuo"
 2/Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế - Inamori Kazuo" 
Tổng số sách đã đọc được: 13 quyển
"Tôi cho rằng giá trị của con người không nằm ở năng lực, địa vị, tiền tài, mà nằm chính ở nhân cách, cốt cách của anh ta. Trong kinh doanh cũng như trong công việc hành chính, tiêu chuẩn đánh giá số 1 là không phải là năng lực mà là nhân cách. Nói một cách đơn giản, nhân cách con người nằm ở chỗ người đó có trái tim nhân hậu, vì người khác hay không. Dù là lĩnh vực gì khi chọn lãnh đạo tôi nghĩ tiêu chuẩn về nhân cách quan trọng hơn năng lực”.
“Đêm nào cũng như đêm nào, tôi luôn thao thức trước khi ngủ, tự chất vấn lòng mình: Động cơ lập công ty điện thoại mới của mình có trong sáng thật không? Tâm địa mình có thật sự “thiện” không? Hay chỉ vì mình muốn chơi trội? Muốn được lưu danh? Có thực sự vì lợi ích của người dân hay chỉ là nói miệng thế thôi?…"
    “Tập trung hết vào các cổ đông ư? Quên điều đó đi, thay vào đó hãy dành thời gian để làm cho nhân viên của bạn được hạnh phúc”
    Ý nghĩa cuộc sống của con người là nâng cao nhân cách và sống là quá trình mài giũa tâm hồn. Đặc tính của loài động vật cấp cao – con người – là dễ bị sa ngã trước cám dỗ. Nếu không tự kiềm chế, cứ buông theo bản năng thì con người sẽ chạy theo những ham muốn, thèm khát vô độ, tiền tài, danh vọng… và sẽ chết chìm trong những lạc thú tầm thường. Vì vậy, khi người ta hỏi tôi: “Ông đã làm được gì trong cuộc sống?” thì không một chút do dự, tôi trả lời rằng: “Trở thành con người tốt hơn so với khi được sinh ra”. Cụ thể là tôi mang theo tâm hồn thanh cao hơn, đẹp đẽ hơn dù chỉ một chút, đến với cõi bất tử.

    Đời người sướng ít khổ nhiều. Đôi khi chúng ta oán trách Trời Phật vì không hiểu sao mình phải khổ sở vất vả như vậy. Nhưng, các bạn cần hiểu rằng những nỗi cơ cực đó chính là những thử thách trong quá trình mài giũa tâm hồn. Sự vất vả chính là cơ hội tuyệt vời để chúng ta rèn luyện nhân cách.  Chỉ những người dũng cảm chấp nhận thử thách, coi thử thách là cơ hội mới có thể sống trọn vẹn cuộc đời ngắn ngủi này. Kiếp sống này là quãng thời gian chúng ta được Trời Phật ban cho để thấy giá trị của đời người, để hân hưởng và làm gia tăng giá trị ấy

    Nâng cao nhân cách, mài giũa tâm hồn chính là ý nghĩa cuộc sống của con người.

Tuỳ theo cách sống mà tâm hồn chúng ta được mài sáng lên hoặc trở nên tối tăm. Tâm hồn trở nên thanh cao hay thấp hèn phụ thuộc vào việc chúng ta đã và sẽ sống như thế nào. Có thể dùng phương thức toán học để diễn đạt: Nhân cách con người = Tính cách + Tư duy triết học.

    Tính cách con người là do bẩm sinh. Tư duy triết học, quan niệm, tư tưởng là những gì mà con người có được trong quá trình sống và học tập. Nhân cách được tạo thành từ hai mặt đó. Nói cách khác, nhân cách hay tâm hồn con người được đúc ra từ hai chất liệu: tính cách bẩm sinh và tư duy triết học (hay quan niệm, tư tưởng).

    Nếu hỏi tôi lý do thành công thì có lẽ chỉ có thể nói như vậy. Tức là, luôn đòi hỏi bản thân theo đúng với đạo làm người. Đó cũng là phương châm đơn giản nhưng đầy sức mạnh.

    Tôi luôn khắc sâu trong tâm khảm điều quan trọng nhất và nỗ lực giữ gìn điều đó suốt cuộc đời: Mình có hành xử sai với đạo làm người không? Mình có đi ngược lại với luân thường đạo lý căn bản không?

    Vậy thì, để rèn luyện nhân cách, mài giũa tâm hồn, chúng ta phải làm cụ thể những gì? Phải thực hiện như thế nào? Cần phương pháp đặc biệt nào không? Ví dụ như ở ẩn trong núi hoặc trầm mình dưới thác nước… Không cần phải như vậy. Trong thế giới đầy cám dỗ, điều quan trọng nhất là làm việc cần mẫn mỗi ngày.

    Tôi nghe nói có câu ngạn ngữ Latin: “Hoàn thiện con người còn hơn hoàn thiện sự nghiệp”, có nghĩa là nhân cách của con người sẽ được hoàn thiện thông qua công việc. Tư duy triết học sinh ra từ những giọt mồ hôi, và tâm hồn cũng được tôi luyện trong lao động hàng ngày. Mọi thành tựu đều bắt nguồn từ những trăn trở, nỗ lực của con người. Vì thế, hãy coi trọng từng giây, từng phút sống mà Trời Phật ban tặng cho chúng ta. Tôi thường nói với các cộng sự của mình rằng: “Chúng ta phải thật sự sống mỗi ngày”. Đời người chỉ có một lần, không được uổng phí khoảng thời gian ngắn ngủi ấy. Phải sống thật nghiêm túc, thẳng thắn. Việc sống lương thiện đến mức người khác phải kêu lên rằng “Anh sống lương thiện quá, chính trực quá”, khi ấy một con người bình thường sẽ trở nên phi thường. Tôi tin chắc rằng những người được gọi là “danh nhân” trên thế giới này - những người đạt tới đỉnh cao ở mọi lĩnh vực - đều kinh qua quá trình như thế

Lao động không chỉ sản sinh ra giá trị kinh tế mà còn nâng cao giá trị con người.

    Vì lẽ đó, không cần phải xa lánh thế giới trần tục, nơi tu luyện tinh thần tốt nhất chính là nơi chúng ta đang làm việc. Lao động, tự thân nó là quá trình tu hành. Mong các bạn hiểu rằng: Nhờ lao động chuyên cần hàng ngày mà chúng ta sẽ có được cuộc sống tuyệt vời cùng với nhân cách cao thượng.

Cuộc đời và thành quả công việc = Tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực

    Các bạn không cần suy nghĩ phức tạp, chỉ cần luôn mang trong mình ý tưởng: “Làm việc thiện và có tấm lòng hướng thiện là đủ”. Các bạn hãy luôn mang trong mình lòng biết ơn với con người, với cuộc đời, hòa đồng với mọi người. Các bạn hãy luôn hướng thiện, biết sống nhân hậu, biết quan tâm đến người khác. Các bạn hãy không ngừng nỗ lực theo hướng đó, không ích kỷ, không tham lam, biết thế nào là đủ đối với mình…

    Do đó, khi suy nghĩ về cách sống sao cho đúng đạo làm người thì điều kiện tiên quyết phải có là tấm lòng trong sáng, thuần khiết, ngay thẳng. Vì sao như vậy? Bởi vì, tâm hồn hướng thiện – có ích cho nhân loại, có ích cho xã hội – chính là ý chí của vũ trụ.  Trong vũ trụ luôn tồn tại dòng chảy của sức mạnh khiến cho vạn vật tiến hoá. Sức mạnh đó có thể coi là ý chí của vũ trụ. Nếu chúng ta hành động theo dòng chảy của sức mạnh vũ trụ thì sẽ mang lại thành công và phồn vinh cho cuộc đời. Ngược lại, nếu chúng ta lạc khỏi dòng chảy đó thì sự suy tàn, khánh kiệt sẽ chờ đợi ở phía trước.

    Ở đâu đó trong thế gian này, trong vũ trụ này, tồn tại một “kho tàng trí tuệ”. Chẳng phải mỗi lần lấy ra được hoặc vớt lên được một “túi khôn” trong “kho tàng trí tuệ” đó thì trong óc ta lại nảy ra ý tưởng mới, sáng kiến mới hay khả năng sáng tạo mà bản thân ta hoàn toàn không ngờ tới đó sao? “Kho tàng trí tuệ”, hay gọi cách khác là “Giếng trí khôn” đó không thuộc sở hữu của con người mà là con người được Trời Phật ban cho khả năng tư duy - lĩnh hội những chân lý phổ biến tích trữ trong kho tàng trí tuệ - nên tri thức mà loài người có được ngày một phong phú và nền văn minh nhân loại ngày càng phát triển.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tiếp cận và mở được cánh cửa “kho tàng trí tuệ” của vũ trụ? Để làm được điều đó, chỉ có một cách duy nhất là miệt mài lao động, suy nghĩ, nghiên cứu với nhiệt huyết cháy bỏng. Trời Phật sẽ soi sáng, đưa đường chỉ lối và ban tặng một phần “kho tàng trí tuệ” cho những người luôn hướng thiện, ấp ủ điều thiện trong lòng và ngày đêm miệt mài lao động, nghiên cứu tìm tòi.

    Cuộc đời của một người được tạo ra bởi chính những suy nghĩ của người đó. Nhiều người thành công trên đường đời đều có chung quan điểm này. Tôi cũng vậy. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi mang trong lòng một niềm tin mãnh liệt rằng: “Điều gì mà mình không muốn thì chắc chắn nó sẽ không đến với mình”. Tức là chỉ có những thứ mình muốn mới hiện hữu trong cuộc đời. Còn mình đã không muốn thì ngay cả những thứ tưởng như chắc chắn nằm trong tầm tay cũng sẽ vuột đi mất. Nói cách khác, tâm nguyện của ta như thế nào thì cuộc đời ta trong thực tế sẽ là như vậy. Vì thế, nếu chúng ta định làm điều gì thì trước hết phải xác định mình mong muốn “việc đó sẽ như thế này hoặc như thế kia” trước đã. Khao khát “muốn như vậy” là rất quan trọng.

    Nghĩa là, nếu chúng ta không muốn làm thì không thấy cách làm và thành công cũng không đến. Vì thế, điều quan trọng là phải có khát vọng mãnh liệt và suy nghĩ nghiêm túc. Trên cơ sở đó, ý muốn trở thành khởi điểm và sau đó sẽ hình thành cách làm. Cuộc đời của bất kỳ người nào cũng sẽ hiện hữu như những gì người đó đã khao khát và hình dung. Ý muốn giống như hạt giống là nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất để hiện thực nảy mầm, bén rễ, thành cây, ra hoa, kết quả trong mảnh vườn cuộc đời.

    Tuy nhiên, để biến khát vọng thành hiện thực thì suy nghĩ ở mức bình thường là không đủ. Suy nghĩ phải thấu đáo, phải liên tục, không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm, khi thức cũng như khi ngủ chứ không nửa vời theo kiểu “làm được thì tốt”. Toàn bộ cơ thể từ đỉnh đầu đến gót chân đều tràn ngập suy nghĩ. Nếu đứt chân đứt tay thì “suy nghĩ chảy ra chứ khôngphải máu chảy ra”. Tập trung suy nghĩ, mãnh liệt suy nghĩ. Đó là nguồn động lực sáng tạo của con người.

    Lúc nào cũng phải nung nấu suy nghĩ mãnh liệt, khát vọng cháy bỏng và những điều đó phải ăn sâu vào tâm thức.

    Điều gì đã khiến những người bình thường như họ trở thành xuất sắc? Đó là khả năng âm thầm nỗ lực không biết mệt mỏi hoàn tất từng công đoạn, từng việc của họ. Nói cách khác, là khả năng sống hết mình cho từng ngày, tích luỹ thành tựu của từng ngày. Họ tiến bộ từng bước từng bước, từng ngày từng ngày một cách nỗ lực nghiêm túc, cẩn thận, không chọn con đường dễ dàng. Khả năng biến giấc mơ thành hiện thực, hoàn tất ý tưởng đã biến những người vốn bình thường trở thành những người phi thường. Bền bỉ là sức mạnh nhưng không có nghĩa là cứ lặp đi lặp lại công việc một cách thụ động. Bền bỉ khác với lặp đi lặp lại. Hôm nay phải làm tốt hơn hôm qua. Ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay. Ngày kia phải làm tốt hơn ngày mai. Tinh thần tìm tòi sáng tạo sẽ làm gia tăng tốc độ đến với thành công.

    Bí quyết của thành công là không đi lại những con đường đã quá quen thuộc.

    Xem xét kỹ càng, suy nghĩ cẩn thận về công việc mình làm, sản phẩm mình chế tạo, không xao nhãng, chăm chú quan sát tỉ mỉ hiện trường – những tính cách này thiếu ở các nhân viên cũ và có ở các nhân viên mới. Luôn luôn khắt khe - đó là nguyên tắc không thể thiếu trong việc chế tạo các sản phẩm tinh vi. Nhờ nguyên tắc ấy, chúng tôi đã thành công, tạo ra sản phẩm mới.

Sáng tạo và thành công sẽ không bao giờ đến với những người không có hoài bão. Ngay cả sự trưởng thành cá nhân mang tính người cũng không nốt. Bởi vì, nhân cách con người chỉ được mài giũa và trưởng thành thông qua hoài bão, suy nghĩ và tìm tòi, qua cả quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi. Với ý nghĩa đó, tôi muốn nhấn mạnh với các bạn rằng, hoài bão và cách tư duy chính là đà bật nhảy của cuộc đời

Hoạt động kinh doanh cũng là hành vi giữa con người với con người, vì vậy, cái gì nên làm, cái gì không được phép làm chắc chắn cũng không thể khác những nguyên tắc vốn có thuộc về lương tri của con người. Tôi nghĩ đơn giản như thế này: Cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh đều phải tuân thủ những nguyên lý hay nguyên tắc chung. Một khi đã tuân theo những nguyên lý, nguyên tắc đó thì sẽ không mắc sai lầm lớn. Từ đó có thể đường đường chính chính kinh doanh, không phải do dự lưỡng lự và đây sẽ là cơ sở dẫn tới thành công trong tương lai.

Nguyên lý, nguyên tắc trong kinh doanh là thế nào? Nó không phải chỉ là lợi nhuận hay bộ mặt của công ty mà là ở chỗ nó phải có ích cho xã hội, có ích cho loài người. Cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm tốt nhất và các dịch vụ tốt nhất – là cái gốc của triết lý kinh doanh và phải trở thành nguyên tắc xây dựng doanh nghiệp. Còn nếu chỉ hợp nhất đơn thuần thì sẽ không thể đạt đến điều này

Một buổi sáng, khi xe đến nhà đón tôi đi làm thì vợ tôi cũng chuẩn bị đi ra ngoài có việc. Tôi nói với vợ tiện thể lên xe đi cùng. Vợ tôi đáp “Không nên anh ạ” và từ chối. “Nếu là xe riêng của nhà mình thì không sao nhưng đây là xe cơ quan, không thể dùng xe công cho những việc vì tiện thể đi nhờ. Trước đây, chính anh cũng đã từng nói vậy mà. Cần phải phân biệt rõ, công tư không thể lẫn lộn. Em đi bộ cũng được, không sao”.

Tư duy sâu sắc như triết gia.
Tấm lòng thanh khiết như võ sĩ đạo.
Tài năng khiêm cung như người thường.
Sức khoẻ cường tráng như nhà nông.

Có 4 yếu tố trên thì có thể coi là người có ích cho xã hội.

“Sống nghiêm túc mỗi ngày”. Điều tưởng như bình thường đó lại là một trong những nguyên lý, nguyên tắc tạo nền móng cho cách sống hết sức quan trọng.  Phải sống, phải làm việc ngày ngày bằng sự tập trung cao độ, bằng thái độ nghiêm túc, bằng lòng say mê, bằng sự chuyên cần… Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được cuộc sống đúng với những gì mà mình khao khát.

Cuộc đời là một màn kịch và chúng ta vừa là đạo diễn vừa là tác giả kịch bản, vừa thủ vai chính trong màn kịch ấy. Chúng ta chỉ có một cách duy nhất để sống trong cuộc đời: Đó là tự sáng tác và tự diễn. Nếu sống thiếu nghiêm túc, sống không nhiệt huyết, sống buông thả, sống lười nhác… sẽ không có gì đáng tiếc và lãng phí hơn cách sống này. Để vở kịch cuộc đời có nội dung sâu xa thì chúng ta phải sống nghiêm túc từng ngày, thậm chí từng giây. Thái độ sống của chúng ta sẽ quyết định nội dung vở kịch - cuộc đời. Phải sống nghiêm túc ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Sống với thái độ tích cực và luôn mang bầu nhiệt huyết cháy bỏng. Giá trị con người chúng ta ra sao, vở kịch cuộc đời có sâu xa và màn kịch ấy có đơm hoa kết trái hay không đều phụ thuộc vào quá trình hình thành triết lý sống của chúng ta. Dù được trời phú cho năng lực tuyệt vời, dù thực tâm muốn sống ngay thẳng nhưng nếu không có nhiệt huyết, không có thái độ nghiêm túc thì cuộc đời chúng ta không thể đơm hoa kết trái.

Trong cuộc đời còn có một nguyên lý nguyên tắc quan trọng nữa. Đó là coi trọng kinh nghiệm hơn lý thuyết suông. Tức là việc “biết” và việc “làm được” là hai việc khác nhau. Đừng nghĩ rằng cứ “biết” là sẽ “làm được”.

Sống nghiêm túc, sống hết mình với cả tâm huyết cho ngày hôm nay. Tập trung cao độ, không một chút phân tâm vào công việc trước mắt. Có như vậy thì cánh cửa tương lai sẽ mở ra cho chúng ta bước vào.

Điều quan trọng là phải sống hết mình cho một thời điểm, sống hết mình cho giây phút này, cho hôm nay trước đã. Bởi vì, dù có đặt ra mục tiêu to tát đến đâu nhưng nếu ta không nghiêm túc làm những công việc bình thường hàng ngày, không tích luỹ thành quả từng bước thì sẽ không thể thành công. Thành quả to lớn chính là sự tập hợp tất cả những nỗ lực nghiêm túc mỗi ngày của chúng ta.  Nhờ sống nghiêm túc, sống hết mình, sống cho hôm nay nên chúng ta mới nhìn thấy ngày mai. Sống mỗi ngày có ích như vậy thì năm hay mười năm sau, cuộc sống sẽ đơm hoa kết trái. Tôi đã khắc sâu trong tâm can điều này để điều hành kinh doanh. Cuối cùng, tôi nghiệm thấy chân lýtrong cuộc đời đơn giản chỉ là: “Nếu ta sống hết mình cho ngày hôm nay ta sẽ nhìn thấy ngày mai”.

Muốn tạo ra sự vật phải có những con người có tính cách “tự bốc cháy”, tự bản thân họ có thể bùng cháy ngọn lửa nhiệt tình. Tôi dùng từ “tự bốc cháy” để diễn đạt điều này.

Có 3 dạng vật thể:
Dạng thứ nhất: Bắt lửa.
Dạng thứ hai: Không bắt lửa.
Dạng thứ ba: Tự bốc cháy.

    Con người cũng tương tự. Có người thì chẳng cần kích động cũng tự bốc cháy đùng đùng. Lại có người “không bắt lửa” dù được tiếp năng lượng nhưng vẫn dửng dưng, lạnh lùng và vô cảm - có thể coi những người này thuộc dạng có năng lực nhưng nghèo nhiệt huyết. Họ phần lớn kết thúc cuộc đời mà không phát huy được năng lực vốn có của mình. Bởi vì tự họ đã nguội lạnh, đôi khi họ còn làm cho những người xung quanh nguội lạnh theo. Vì thế, tôi thường hay nói với nhân viên rằng: “Tôi không cần những người thuộc dạng “không bắt lửa” trong công ty. Tôi muốn mọi nhân viên đều thuộc dạng “tự bốc cháy”, hay ít ra cũng thuộc dạng “bắt lửa” để có thể cùng cháy khi ở gần người thuộc dạng “tự bốc cháy””. Để tạo ra cái mới, phải có những con người có khả năng sáng tạo, có khả năng tự bốc cháy, hơn thế nữa, phải truyền được nhiệt năng của mình cho mọi người xung quanh. Dứt khoát không phải là dạng người đợi người khác nhắc nhở hay ra lệnh mới bắt đầu làm mà phải là những con người chủ động đi đầu, tự mình làm không chờ lệnh, làm gương cho người khác. Sáng tạo đòi hỏi phải có những con người có tính năng động và tích cực như vậy.

    Người học tập siêng năng là người gạt bỏ mọi ham muốn tầm thường hay những thói quen vô bổ, chiến thắng sự lười biếng và là người sẵn sàng đương đầu với mọi nghịch cảnh.Tương tự như vậy, người thành công trong xã hội cũng khác người thất bại ở chỗ có thể vượt qua những cám dỗ, toàn tâm toàn ý vào công việc.

    Phẩm chất thực sự của con người bao gồm cả khả năng hy sinh quên mình một cách sáng suốt trong công việc. Dù bạn có năng lực đến mấy nhưng nếu chỉ muốn an nhàn, không vượt qua được bản thân, ngần ngại trước khó khăn, không dám đương đầu với hoàn cảnh thì sẽ bị coi là yếu kém, thiếu năng lực.

Năng lực để diễn vở kịch tuyệt vời trên sân khấu cuộc đời, để cuộc đời đạt được thành quả to lớn không đơn thuần chỉ là những nếp nhăn trên não mà là khả năng bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng bắt tay vào công việc một cách nghiêm túc, một cách nhiệt tình và dám đương đầu với mọi trở ngại.

    Một nhà tư tưởng thời Minh ở Trung Quốc là Ngô Tân Lỗ trong tác phẩm Thân ngâm ngữ đã giải thích một cách rõ ràng những điều này, như tôi đã nói ở trên: “Tư chất của con người thì thứ nhất là “thâm trầm hậu trọng”, thứ hai là “lỗi lạc hào hùng” và thứ ba là “thông minh tài biện”. Thứ tự của ba tư chất này có nghĩa là nhân cách, dũng khí và năng lực. Người có vị trí cao hơn người khác thì phải hội đủ cả ba tư chất với thứ tự ưu tiên số một là nhân cách, số hai là dũng khí, số ba mới tới năng lực.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng phương châm mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn là thực hiện 6 phép tinh tiến:
    1. Nỗ lực để không thua kém người khác. : Đi sâu nghiên cứu và học hỏi nhiều hơn người khác và duy trì nghiêm túc quá trình này. Nếu có thời gian để kêu ca phàn nàn thì hãy sử dụng thời gian đó để nỗ lực tiến lên phía trước dù chỉ một chút.
    2. Khiêm tốn, không tự mãn. : Đúng như một cổ ngữ Trung Hoa, “Khiêm thu ích”, tức là khiêm tốn sẽ gọi hạnh phúc đến. Đức khiêm tốn sẽ giúp thanh lọc tâm hồn.
    3. Nhìn lại bản thân mỗi ngày. : Kiểm tra xem xét lại mọi hành động và suy nghĩ của mình mỗi ngày, xem mình có suy nghĩ nào ích kỷ không, có làm điều gì hèn kém không. Nỗ lực sửa chữa sai sót của mình.
    4. Cám ơn đời đã cho mình được sống. : Luôn suy nghĩ: Được sống trên cõi đời này đã là một hạnh phúc lớn  lao. Nuôi dưỡng tấm lòng biết ơn dù là từ những điều nhỏ nhặt nhất.
    5. Nhân hậu, vị tha.: Làm việc thiện, suy nghĩ vì người khác, để tâm vào mọi lời nói và hành động, yêu thương mọi người. Người làm nhiều việc thiện sẽ được đền đáp, đúng như câu nói “Nhà tích thiện luôn thịnh vượng”.
    6. Không để cảm tính chi phối, không quá dằn vặt trăn trở. : Không kêu ca, bất mãn, lo lắng, trăn trở, dằn vặt những chuyện không đâu. Để tránh tình trạng đó cần phải toàn tâm toàn ý bắt tay vào công việc để không ân hận gì.

Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế - Inamori Kazuo

"Người lãnh đạo đứng trên mọi người hãy vứt bỏ tư lợi tư dục mà đi trên chính đạo". Đã sinh ra trong cõi đời này mà không có được cho riêng mình một cách thoải mái thì đâu thể nói tôi đã sống một cuộc đời thỏa mãn. Nhưng nếu nghĩ đến vị trí của người giám đốc công ty đang nắm giữ cuộc sống của nhiều nhân viên thì phải chấp nhận đánh mất cá nhân mình mà làm việc, lao động thật nhiều vơi ý thức mình là người phục vụ."
Nam Châu Di Huấn:Nanshu O I Kun
    Người đứng đầu không được phép có tư tâm, căn bản là không có cái gọi là "cá nhân". Càng thành công càng thăng tiến, càng phải khiêm tốn, càng thu mình lại, hi sinh cái tôi. Nếu không có dũng khí chấp nhận vai trò thiệt thòi nhất thì không thể làm lãnh đạo. Người không có dũng khí hy sinh cái tôi mà đứng bên trên thì những người bên dưới không thể hạnh phúc.
    Tôi cho rằng xây dựng công ty như xây dựng một bức tường thành. Nếu muốn xây dựng một bức tường thành vững chãi, trước tiên phải chọn những tảng đá to chắc. Nhưng nếu chỉ với những tảng đá khổng lồ, tức nhân tài ưu tú, thì không thể kết nối với nhau. Cần phải có những hòn đá nhỏ lấp những khoảng trống giữa các tảng đá lớn. Nếu không có những tảng đá nhỏ lấp từng chỗ giữa các tảng đá lớn thì bức tường thành sẽ lỏng lẻo, chỉ cần chút chấn động là sụp đổ ngay. Nghĩa là một mặt tuyển người mới ưu tú, có năng lực cao như những tảng đá lớn, mặt khác vẫn phải nhờ những người đã nỗ lực cống hiến cho công ty lâu nay tiếp tục làm việc như những hòn đá nhỏ lấp khoảng trống giữa các tảng đá lớn, không thể bỏ mặc viên đá nhỏ ẩn chứa ánh bạc. Một khi những người cũ như những bóng râm âm thầm tỏa mát chịu ở lại thì công ty sẽ trở nên hùng mạnh.
    Nghịch cảnh là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình và khiến chúng ta trưởng thành. Không nên nhìn nghịch cảnh một cách tiêu cực rồi ca thán, hãy xem đó là một cơ hội tốt để lập chí mạnh mẽ, đối mặt một cách dũng cảm.

Người Trung Quốc có câu "Duy khiêm thụ phúc", những người kiêu ngạo sau chút thành công ít ỏi cuối cùng sẽ chìm trong chính hố sâu lòng tham của họ. Người lãnh đạo quên mất sự khiêm nhường sẽ không thể tiếp tục vinh quang lâu dài khi lèo lái công ty.
Người lãnh đạo trở nên mất kiểm soát không phải lúc việc kinh doanh sa sút. Ngược lại xảy ra lúc kinh doanh thuận lợi, phát triển.
Người đứng đầu phải có sức mạnh lôi kéo cấp dưới, đồng thời phải trang bị cho mình sự khiêm tốn như thể phủ định tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ đó
"Người có tính cách mâu thuẫn nhưng có năng lực làm tính cách đó không tương khắc nhau có thể nói là người có tài trí tối cao". Dứt khoát ở đây không có nghĩa là Ý Trung Dung. Khi cần mạnh mẽ thì mạnh mẽ, khi cần mềm dẻo thì mềm dẻo. Khi thì mạnh dạn phát huy tinh thần lãnh đạo, tự tin dẫn dắt tập thể dù có phải đối đầu với khó khăn như thế nào vẫn không lùi bước, dám hô vang Hãy Theo Tôi. Nhưng có thể ở cục diện khác, thận trọng lắng nghe ý kiến mọi người để dẫn dắt tập thể theo hướng đúng đắn. Chính người có thể sử dụng rạch ròi hai mặt mẫu thuẫn này mới thật sự là người có tài trí tối cao.

"Đàn ông không mạnh mẽ thì không sống được. Nhưng không tử tế thì không có tư cách để sống"
Người lãnh đạo dù ý chí mạnh mẽ thành tích tuyệt vời đến đâu mà không nghĩ đến nhân viên, đến người xung quanh thì sự tồn tại của người ấy không có ý nghĩa gì cả. Tôi không cho rằng doanh nghiệp có người lãnh đạo như vậy sẽ thịnh vượng lâu dài. Nhất định cần phải có tấm lòng nghĩ đến nhân viên.
Điều Di huấn thứ 21
Mọi người ở đời đều thành công nếu kiềm chế được bản thân nhưng sẽ thất bại nếu quá yêu bản thân.
Thành công trong kinh doanh, chính trị, học vấn không có gì là vĩ đại cả. Không tự mãn với thành công, khiêm tốn, luôn tu thân lập chí, chiến thắng bản thân mới là con người vĩ đại thật sự. Những người như vậy lại rất cứng đầu, người khác nhìn vào sẽ thấy chẳng có gì thú vị. Nhưng phải là một người "chẳng có gì hay ho" như vậy mới duy trì được thành công.
Khi tuyển dụng, phải xem xét chính người đó hơn là tài năng, nhưng không có nghĩa là không dùng người có năng lực. Dù không muốn dùng tiểu nhân nhưng không dùng họ thì không làm được việc lớn. Sau khi nhìn được khuyết điểm đó, phải tìm cách phát huy sở trường năng lực của họ cho tổ chức, đó là công việc quan trọng của người lãnh đạo. 
Đã không thể chọn người quân tử mà còn không dùng đến tiểu nhân thì không thể điều hành doanh nghiệp. Nhưng không phải cứ có tài, làm được việc là đặt tiểu nhân vào vị trí lãnh đạo, điều đó sẽ dẫn doanh nghiệp đến con đường sụp đổ. 

    ĐIỀU DI HUẤN THỨ 25: Hãy lấy Thiên chứ đừng lấy Nhân làm đối tượng. Lấy Thiên làm đối tượng để dốc hết lòng thành, không trách cứ người đời mà luôn tự vấn lòng thành bản thân

    Đây cũng là giáo huấn quan trọng nhất trong kinh doanh, ngay cả những lúc đàm phán. Hãy lấy Trời làm đối tượng chứ không phải Người, nghĩa là phải có lòng thành, trái tim chân chính, nói cách khác phải có Chính đạo.
    Khi nghe chuyện kiếm tiền dễ như trở bàn tay, ta thử nghĩ xem có phạm phải đạo lý không. Thử nghĩ xem việc không cần đổ mồ hôi sôi nước mắt, quay qua quay lại mà có được một đống tiền đó có đúng đắn không. Mọi người chỉ biết đua theo những câu chuyện kiếm chác mà đối tượng là con người.

    KÍNH THIÊN ÁI NHÂN


Kinh doanh cần Đại Nghĩa. Thành công có được từ những tính toán, đối sách thường không kéo dài. Ta chuẩn bị đối sách thì đối thủ cũng đâu chịu thua, họ cũng có kế hoạch. Ta đặt bẫy, sau đó cũng dính bẫy thôi. Ở đời có nhiều người thích quay cuồng trong những chiến lược ma mãnh, khôn lỏi đó. Những con người luôn nghĩ về đối sách nhỏ mọn. Ta không được để mình cuốn vào vòng xoáy của họ, Lưới trời lồng lộng không để những người như vậy tồn tại lâu. 
    Chỉ cần ta cố gắng làm tốt những gì ta phải làm. Không cần quan tâm đến chuyện này chuyện kia của người khác, chỉ cần sống thành thật, đó là tất cả. Tôi tin người người lãnh đạo trước hết phải trang bị cho mình trái tim trong sách chứ không phải học thuyết Machiavelli
    Tôi có thói quen vào buổi sáng đứng trước gương nhìn mặt mình, hồi tưởng lại những việc xảy ra ngày hôm qua để chúng hiện lên trong đầu như chiếc đèn kéo quân. Nếu như nhớ lại hôm qua tôi có thái độ uy quyền hoặc lỡ  miệng nói gì không hay, tôi xấu hổ đến vô cùng và tự thấy mình thật đáng ghét đến nỗi buột miệng thốt nên lời xin lỗi thần linh 
    Thật ra Địa ngục và Cực lạc giống nhau cả. Nhưng Trái tim những người sống ở đó hoàn toàn khác nhau.
    Tình trạng xã hội là tấm gương phản chiếu trái tim con người