Solaris của Stanislav Lem là một trong những tượng đài của dòng văn học sci-fi. Cuốn sách này và bộ phim chuyển thể của Tarkovsky là những tác phẩm chứng minh cho thế giới thấy Sci-fi đề tài vũ trụ không chỉ có đám robot chạy đi chạy lại, những người ngoài hành tinh dị hợm bắn nhau, chém nhau bằng kiếm ánh sáng ì ùng. Mà đó còn là triết học, phản ánh chính con người thay vì đi tìm bất kì một hành tinh xa xôi nào đó.
Solaris (Bìa 1988)
Trong tương lai, con người tìm ra một hành tinh có sự sống mang tên Solaris. Nhưng sinh thể duy nhất tồn tại trên hành tinh này là Đại Dương màu đỏ khổng lồ mang tên Huyết tương Đại Dương với những quyền năng bí ẩn to lớn. Những quyền năng bí ẩn đó đã thu hút toàn Thế giới và hình thành nên ngành khoa học mới: “Solaris học”. Gần như tất cả những nguồn lực và thiên tài trên Thế giới đã đổ vào đó để tìm cách liên hệ, hiểu thấu Đại Dương.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nghiên cứu Solaris , nếu không phát điên thì cũng tự tử và từ chối trở về Trái Đất. Thế nên trạm vũ trụ nay chỉ còn lại 3 khoa học gia: Gbarian, Snaut và Sartorius. Kris Kelvin - 1 nhà tâm lý học được cử đến đó để hiểu tìm chuyện gì đang xảy ra với các nhà khoa học đó.
Ban đầu lúc mới đọc và nhìn dung lượng chữ của nó mình cứ nghĩ sẽ đọc xong cuốn này sớm thôi. Thế nhưng kết quả thì rõ là không. Đây là một cuốn sách rất nặng nề, kể cả về phần khoa học lẫn tâm lý, triết học. Phần khoa học của truyện cực kì chi tiết. Các kiến thức được đưa vào thông qua các bản báo cáo khoa học thưc tế và cao siêu đúng như một bản báo cáo thực. Dù vậy, truyện cũng mang một giọng văn khá nên thơ với khung cảng hùng vĩ, mĩ miều của Đại dương huyết tương. Và nỗi buồn cô đơn của con người khai thác dước 1 góc nhìn hòan toàn nhân văn.
Nhân vật chính Kevin trước khi lên trạm Solaris. (Solaris 1972)
Solaris được nghiên cứu tới từng chân tơ kẽ tóc trong suốt hơn một trăm năm với hàng trăm người bỏ mạng. Hàng chục lý thuyết, mệnh đề toán, lý, hóa được con người đặt ra với kiến thức tích lũy từ hàng ngàn năm lịch sử.
Thế nhưng Solaris vẫn là một bí ẩn.
Đại dương huyết tương Solaris (Minh họa)
Solaris trong truyện là nhân vật duy nhất không nói được, thậm chí không chắc là nó có “sống” hay không, có tính cách hay không, ít nhất là theo chuẩn “sống” của con người. Nhưng nó vẫn là một nhân vật.
Đây là một điểm khá khác biệt của Solaris so với những câu truyện về Sci-fi thông thường. Ewoks (Star Wars), Na’vi (Avatar), Các chủng tộc trong Star Trek, Hitchiker’s guide to the galaxy,… . Tất cả đều dựa trên một chủng tộc hoặc một khía cạnh nào đó của con người, hoặc 1 giống loài trên trái đất, phản ánh một điều gì đó về con người,… (Ewoks xây dựng dựa trên Việt Cộng: Những người nhỏ bé yếu đuối trốn trong rừng, sử dụng chiến tranh du kích chiến đấu với một Đế chế mạnh mẽ hiện đại độc ác, Na’vi thì quá rõ ràng là người da đỏ) .
Chúng ta không cần cái gì khác ngoài những con người. Chúng ta không cần những thế giới khác. Chúng ta cần một tấm gương phản chiếu. Chúng ta không biết phải làm gì với những thế giới khác. Chỉ riêng điều đó cũng đã đủ để trừng phạt. Chúng ta muốn tìm hình ảnh lý tưởng hóa của chính mình, đó phải là những thế giới có nền văn minh cao hơn của chúng ta. Còn trong những thế giới khác, chúng ta hi vọng tìm thấy những hình ảnh quá khứ thô thiển của chúng ta, và về mặt này, có những cái chúng ta không thể, hay không muốn tiếp nhận, muốn lẩn tránh. Thế nhưng chúng ta mang theo từ Trái đất không phải chỉ những tinh hoa giá trị của mình! Chúng ta bay tới đây với cái “tôi” vốn có trong thực tế của mình
Nhưng Solaris hòan toàn không. Cách nó tồn tại, con người không thể hiểu được. Không thể phân loại, không thể giao tiếp, không thể thấu hiểu. Con người loay hoay cố tìm cách hiểu nó, giải thích nó, cuối cùng chỉ nhận được câu trả lời về chính bản thân mình. Có khi nào Solaris cũng đang loay hoay y như vậy? Hay nó đang nhếch mép cười khểnh khi thí nghiệm trên bộ não của các nhà khoa học lỗi lạc nhất của loài người?

2001: A Space Odyssey (trên) và Solaris (dưới) (Ảnh: Indiewire)
Lý do Solaris được coi là câu trả lời của Soviet với 2001: A Space Odyssey của Hoa Kỳ không chỉ vì đó là một tác phẩm xuất sắc, đẹp đẽ, mang tính triết học thể nghiệm tương đương mà còn thể hiện một tư tưởng trái ngược. 2001 đi tìm những giới hạn mới, khái quát sự tiến hóa của loài người, sự phát triển của nó qua các bờ không thời gian và vượt qua các ranh giới ấy, trở thành một Overman như tư tưởng của Nietzche. Solaris thì đưa con người tìm về những bản ngã, những sâu tối, những điều bên trong của con người, những thứ khiến cho ta là một con người, cho chúng ta thấy sự nhỏ bé của con người so với vũ trụ mà thực ra lại là to lớn với chính đầu óc của chúng ta. “Chúng ta đi khắp vũ trụ, tìm hiểu về một hành tinh xa lạ nhưng lại chưa thực sự hiểu bản thân mình.” Solaris chỉ là một cái cớ để Stanislav Lem khai thác về con người, thế nên nó chỉ là một bối cảnh, nhưng biết đâu chính bản thân nó cũng là một nhân vật đang học hỏi về con người? Và chúng ta cũng chỉ là những sinh vật xa lạ với loài người y như nó?
(phần tiếp theo có thể spoil một phần nội dung truyện)
Câu truyện đặt rất nhiều câu hỏi về con người, thế nào là con người? Cái gì tạo nên nó, tình yêu, ký ức, Thiên Chúa?
Hari và Kris. (Solaris 1972)
Cái nào cũng đáng để đặt câu hỏi, đáng để nghi vấn. Đặc biệt là với Hari. Cô không được những khoa học gia như Snaut hay Sartorious, những thiên tài hiểu hết về những hạt cấu tạo, những quy tắc vận hành, những phản ứng hóa học vật lý… công nhận là con người. Họ hiểu hết, biết hết về cái sinh vật gọi là con người còn Hari chỉ là một sinh vật kì quặc tạo nên từ trong não Kelvin, bằng quyền năng của Solaris. Cô chắc chắn không phải con người theo bất kì tiêu chí khoa học, thậm chí thần học nào.
Ấy vậy mà cô còn con người hơn hết thảy nhũng con người bình thường ấy. Không chỉ có hình dạng của một con người, kí ức và cách ứng xử của một con người. Cô có cảm xúc. Có tình yêu. Và Hari đã đưa ra một quyết định con người hơn tất thảy con người nào. Tôi cho rằng hành động ấy có thể làm ngay cả Solaris cũng phải bất ngờ, vì nếu nó là Chúa thì cũng là một vị Chúa không hoàn hảo.
Hari trong Solaris bản 1972 có cái vẻ ma mị nhưng cũng mỏng manh, ngây thơ, mang đúng thần thái một tạo vật của huyết tương đại dương.
Solaris đi vào những cảm xúc con người nhất: cảm giác tội lỗi, sự cô đơn và tình yêu. Có lẽ đây là những thứ cảm xúc mà con người tự cho là chỉ có bản thân mới có. Vì vậy nên Solaris đã xoáy rất sâu vào những xúc cảm này. Để hiểu con người, hay là để con người tự hiểu mình?
Sự cô đơn toát ra từ những câu từ, những con chữ, từ sự rộng lớn vĩ đại của Solái đặt cạnh những cá thể người đơn độc riêng rẽ và nhỏ bé, và kể cả từ sự xuất hiện của hình bóng Hari nữa. Nỗi cô đơn ấy khiến ta, khi gập cuốn sách lại trong buổi chiều tà phải chạy ra ngoài nhắc nhở mình đang ở Trái Đất nhỏ bé với 7 tỉ con người, chạy ra ngoài chỉ để tìm 1 người mà ta thực sự quan tâm và không muốn để mất.
Rốt cuộc thì, những gì ta nhận thức về bản thân ta vẫn quá nhỏ bé so với những gì ta thực sự có. Và bản thân ta lại quá nhỏ bé so với vũ trụ. Nhận thức được điều đó thực sự làm tôi lo nghĩ và cô đơn.
Thế thì, dù cô ấy không phải Hari thì có gì quan trọng chứ? Bao thứ khoa học, những hằng số, công thức, photon, notrino ấy có gì quan trọng chứ?
“Em có thể là một đặc ân, một bản sao từ Đại dương nhưng có là gì khi em đáng giá với anh hơn tất thảy những thứ khoa học đó?”
Bài viết đã được đăng trên: Ăn Sách