Đàn ông: chấp nhận mềm yếu để trở nên bản lĩnh
Dạo này tôi ngẫu nhiên xem được vài clip dạy cách tán gái trên mạng. Điểm chung của những video này đều nói về những thay đổi một người...
Dạo này tôi ngẫu nhiên xem được vài clip dạy cách tán gái trên mạng. Điểm chung của những video này đều nói về những thay đổi một người đàn ông nên làm để có thể chinh phục được phái nữ. Một trong số đó là nâng cao bản lĩnh, hay sự mạnh mẽ của đàn ông.
Tuy nhiên thì những điều được truyền dạy ở những khóa học thế này lại chủ yếu dựa trên lối tiếp cận "mì ăn liền", tức các thủ thuật để giả tạo sự mạnh mẽ ấy trong thời gian ngắn nhằm gây ấn tượng với đối tượng muốn chinh phục. Ví dụ: "Khi cô ta nhắn abc thì em phải xyz để tỏ ra là mình không quá cần cô ta", "Mình không nên rep tin nhắn ngay lập tức để cô ta thấy mình là một người bận rộn" blah blah. Một số đưa ra cơ sở cho những chiêu trò đó là "fake it till you make it", hiểu nôm na là "cứ giả vờ một thời gian và dần bạn sẽ tin đó là sự thật".
Câu nói đó không sai, nhưng cũng không phải là biện pháp tốt nhất. Câu nói này thường được dùng để động viên những người chuẩn bị bước lên sân khấu hay thuyết trình, nơi người ta phải DIỄN ra sự tự tin để TRÔNG có vẻ chuyên nghiệp. Vì thế, đích đến của "fake it till you make it" là sự tự tin nhất thời để diễn cho tốt, để che giấu đi sự hồi hộp, chứ không phải để xây dựng một sự tự tin thực sự bền vững. Những người đã phải tìm tới những khóa học tán gái này, mục đích lớn nhất và gần nhất của họ là chinh phục được crush của mình. Rất nhiều người trong số họ có lẽ còn chả cần quan tâm tới đoạn "make it" - liệu mình có thực sự tự tin hay không, mà chỉ chăm chăm nhắm tới việc "fake it" để có thể ngay lập tức thu hút được crush. Vì vậy, nếu bạn là một người mà thước đo giá trị được tính bằng số cô gái bạn "lừa" được bằng sự tự tin giả tạo đó, bài viết này đọc tới đây là đủ.
Còn với những người anh em muốn thực sự tạo dựng một sự tự tin đích thực, xin hãy đọc tiếp.
Tôi đã từng viết về việc biết chấp nhận những khuyết điểm của mình ở bài Bạn có biết cười vào mặt... mình chưa?. Ở bài viết này, cũng là chấp nhận bản thân, nhưng thay vì khuyết điểm, tôi sẽ nói về sự mềm yếu của cánh đàn ông.
Cũng không rõ là từ bao lâu, nhưng văn hóa của chúng ta dường như chưa từng thay đổi về hình tượng một người đàn ông cho-ra-đàn-ông: mạnh mẽ, không được khóc, mấy vết thương nhỏ nhỏ không được kêu, luôn phải là người bình tĩnh nhất để đối đầu với sóng gió, gánh vác việc hệ trọng. Nếu một người đàn ông không làm được những điều trên thì bị người đời cho là yếu đuối hay không đáng nhờ cậy. Điều này gần như đã tước bỏ đi một phần con người ở cánh đàn ông mà bất kì ai trong chúng ta, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, đều có: sự mềm yếu.
Anh em chúng ta cũng chỉ là một con người bình thường như bao người khác, cũng có đủ các cung bậc cảm xúc như các chị em. Có thể biên độ và tần suất thay đổi cảm xúc ổn định hơn, nhưng chúng ta cũng có lúc buồn, lúc giận, lúc thất vọng, lúc cô đơn, lúc cảm động, và, cũng có lúc muốn khóc. Đó, với nhiều người đàn ông hiện nay, là những thứ nên được giấu đi, hoặc hoạ chăng chỉ dám tiết lộ với những anh em chiến hữu thân thiết. Còn với người ngoài, nhất là trước mặt các chị em, họ luôn phải gượng mình để tạo dựng một hình ảnh cho-ra-đàn-ông mà xã hội và văn hoá đúc khuôn nên. Sức ép tinh thần này khi không được tiết ra ngoài thì sẽ gây ra nhiều hậu quả. Nhẹ thì làm các anh chỉ dám làm những gì mình chắc chắn đúng/làm tốt => với những chuyện khó có thể đoán trước như tiếp cận với crush thì càng trở nên lo lắng, hồi hộp. Nặng thì sống cả một cuộc đời làng nhàng, thậm chí bị trầm cảm, hoặc phát tiết ra bằng hành động, thường là khuynh hướng bạo lực.
Vậy thì anh em chúng ta nên làm gì với những mềm yếu, khuyết điểm ấy?
Bên trên là những tư thế mà nam giới được khuyên là nên có khi muốn thể hiện sự uy quyền. Vậy tại sao những tư thế này lại cho người nhìn cảm giác rằng người ấy rất tự tin/có uy? Nếu bạn để ý sẽ thấy hầu như những tư thế mang dáng vẻ tự tin đều là những tư thế mở, hay những tư thế gửi tới một thông điệp "Tôi không cần phòng vệ", ví dụ như:
hay
Tất cả những tư thế này đều gửi đến bộ não bản năng của chúng ta ấn tượng rằng: "Ồ, người kia đang trong một tư thế không những làm lộ những điểm trọng yếu trên cơ thể, mà còn rất khó để chuyển qua tư thế tự vệ/tấn công khi cần thiết. Chứng tỏ người này rất tự tin, vì anh ta không sợ gì hết".
Đó là với ngôn ngữ cơ thể, tức là sự tự tin bên ngoài. Và để có được sự tự tin nội tại, một sự tự tin đích thực, quy tắc tâm lý y hệt cũng nên được áp dụng: Khi anh chủ động không sợ che đậy sự mềm yếu của anh, anh sẽ trở nên tự tin hơn bao giờ hết. Nói chính xác hơn, hãy biết trân trọng và ôm lấy sự mềm yếu ấy của mình. Hãy học cách nói về những cảm xúc mà bạn đang trải qua với những người quan trọng với mình, và rồi bạn sẽ thấy những người đó, và cả chính bạn, sẽ cảm nhận được sự bản lĩnh trong đó.
Nếu bạn đang đi hẹn hò buổi đầu tiên, hãy thành thật với sự mềm yếu - hồi hộp - của mình và nói với cô ấy: "Chà, anh thực sự đang rất hồi hộp vì đây là lần đầu tiên bọn mình hẹn hò. Anh thú thực là anh sợ nói ra điều gì, hay làm điều gì làm em mất lòng nữa." Nếu cô gái ấy xứng đáng, chắc hẳn cô ấy sẽ cảm thông và cùng làm cho cả hai trở nên thoải mái hơn.
Nếu bạn đang gặp chuyện buồn, đừng cố tỏ ra là không có chuyện gì để rồi một chuyện nhỏ xảy ra cũng làm bạn giận cá chém thớt với người bạn yêu. Ngay kể cả khi đó mới chỉ là một người hay nói chuyện với bạn mà bạn đang để ý, cũng hãy cứ tâm sự với họ để họ hiểu được rằng bạn cũng có những rắc rối của riêng mình.
Nếu trước đây bạn đã có những tổn thương hay sai lầm từ những mối quan hệ trước, một điều rất quan trọng là bạn chia sẻ những điều đó với bạn gái của mình ngay từ đầu mối quan hệ. Ngay kể cả khi trong câu chuyện đó, bạn là người sai đi nữa, thì việc bạn thổ lộ những điều đó là để nói ra với cô ấy rằng: "Trước đây anh đã sai như vậy, thực sự là anh đã dằn vặt bản thân khá lâu. Giờ đây anh đã trưởng thành hơn và sẽ không phạm phải sai lầm ấy nữa". Việc thừa nhận những sai lầm của bản thân vốn đã đòi hỏi rất nhiều dũng cảm. Thử hỏi việc chủ động phơi bày ra những điều đó và ưỡn ngực nói "Tôi đã từng tệ như thế. Giờ tôi đã học được bài học và trở nên tốt hơn" còn nam tính và bản lĩnh tới nhường nào?
Nếu bạn tự ti về bản thân, dù vì bất kì lý do gì (hoàn cảnh, năng lực, ngoại hình v...v...), đừng ngại mà thừa nhận "Tôi không...". Bạn bè rủ đi chơi và bạn không còn nhiều tiền, hãy nói "Dạo này đang kẹt. Để bữa sau nhé". "Người ấy" nhờ bạn điều gì đó mà bạn chưa từng làm, hãy nói "Anh không rõ về cái này lắm. Nếu em cần gấp thì anh có thể giúp em tìm người khác. Còn không thì cho anh ít thời gian để anh mày mò nhé". (Với sức mạnh của internet thì bạn đều có thể tìm được cách giải quyết cho hầu hết các vấn đề, trừ phi buộc phải sử dụng dụng cụ đặc biệt). Cũng đừng ngại mà phải hỏi "Em ơi, hiện giờ anh đang có vấn đề thế này, em nghĩ sao?". Trong văn hoá VN, câu hỏi ấy có khả năng cao sẽ làm cô ấy bất ngờ, bởi không những bạn dám thừa nhận sự bối rối của mình, mà lại còn biết dẹp đi cái tôi để trân trọng ý kiến của cô ấy. Bạn cảm thấy không hài lòng về ngoại hình, hãy cứ nói "Mũi anh tẹt nên nhiều khi nhìn mấy thằng mũi cao đeo kính râm đẹp ghen tị ghê". Sự ghen tị này không phải là một điều xấu, mà chỉ là một phản ứng tự nhiên rất thật mà tôi tin ai cũng có thể thấy cảm thông.
Còn rất nhiều trường hợp khác để bạn có thể áp dụng quy tắc tâm lý trên, để trân quý một phần rất "người" ở một người đàn ông. Việc biết ôm lấy sự mềm yếu trong mình và chủ động phơi bày ra trước nhất, ngoài việc gây dựng bản lĩnh cho bạn, nó còn là một công cụ tâm lý để giúp người khác mở lòng với bạn dễ dàng hơn. Giống như việc khi bạn nghe một người bạn kể về một sai lầm gì đó của họ, bạn cũng sẽ dễ dàng kể về sai lầm của mình hơn, vì bạn cảm thấy cả hai đều không-hoàn-hảo như nhau. Nói riêng về ngữ cảnh tán gái thì đây cũng là cách để hai người "thật" với nhau hơn, thoải mái hơn khi nói chuyện, thay vì cả hai đều cố phải diễn sự hoàn hảo không tì vết.
Đừng làm quá
Đành rằng việc chủ động chia sẻ sự mềm yếu hay khuyết điểm của mình là hành động của kẻ mạnh thực sự, điều đó không có nghĩa bạn phơi tất cả cho cả thế giới đều biết.
Ngày hôm nay bạn tâm sự nỗi buồn của bạn cho người ấy, không có nghĩa ngày mai, ngày kia bạn cũng làm như vậy. Cũng không có nghĩa bạn dốc hết mọi nỗi buồn của 20, 30 năm sống trên đời ra kể lể. Và cũng càng không có nghĩa gặp ai bạn cũng bắt đầu bằng việc khoe ra "Tôi mềm yếu lắm, nên tôi là kẻ mạnh". Bạn không nhất thiết phải cố tình show ra một cách miễn cưỡng, mà hãy tuỳ vào tâm trạng và hoàn cảnh mà để sự giãi bày diễn ra một cách tự nhiên. Không phải cuộc trò chuyện nào với người ấy bạn cũng chêm vào một tí mềm yếu để chứng tỏ tâm hồn nhạy cảm của mình. Cần phân biệt rõ sự tâm sự, giãi bày có chọn lọc để tạo những kết nối sâu sắc, và việc suốt ngày phàn nàn, kể lể để gây sự chú ý của đám đông.
Bên cạnh đó, hãy biết trân trọng sự mềm yếu của người khác, nhất là của những anh em khác. Ngày trước, trong một buổi học Vovinam, anh bạn đứng trước mặt tôi đã bị bục quần trong lúc đứng tấn. Thay vì đồng cảm với sự xấu hổ của anh bạn ấy, tôi và anh bạn bên cạnh lại bò lăn ra cười thật to, càng gây sự chú ý của cả lớp tới anh bạn bục quần. Tới giờ nghĩ lại tôi thực sự thấy áy náy về hành động trẻ con đó của mình. Khi đàn ông để lộ ra sự mềm yếu, cái tôi vốn dĩ rất lớn của họ trở nên rất mong manh. Thay vì cười nó, dù chỉ là cho vui, anh em chúng ta hãy biết bao bọc cho nhau bằng cách coi nó là điều bình thường. Bởi, những khoảnh khắc ấy: bị bục quần, bị trượt ngã, khóc vì bị người yêu cắm sừng, hát lệch tông, bị đổ cà phê lên áo, tỏ tình thất bại.... chúng vốn dĩ đúng là những điều bình thường.
Cuối cùng, biết trân trọng sự mềm yếu hay khuyết điểm của bản thân khác với việc dậm chân tại chỗ. Sau hành động trân trọng và chấp nhận bản thân nên là phát triển bản thân, chứ không phải là nói "Tôi chỉ có thế thôi, yêu được thì yêu!". Đây là cái bẫy mà các anh em hay mắc phải, khi trên mạng còn nhan nhản những câu "Anh không có nhiều tiền, em có yêu anh không?". Một người đàn ông bản lĩnh nên biết nói: "Anh hiện không có nhiều tiền (thừa nhận bản thân), nhưng anh đã có kế hoạch để trở nên khá hơn, và hiện giờ đã có một số tiến triển nhất định (biết làm gì với sự mềm yếu/khuyết điểm ấy). Anh có thể hiểu nếu em từ chối anh vì điều ấy bây giờ (tự tin thừa nhận bản thân), nhưng anh chắc chắn sẽ trở nên tốt hơn trong tương lai (biết làm gì với sự mềm yếu/khuyết điểm ấy)."
Kết
Để có sự tự tin đích thực ta phải truy được về cái gốc, tức là cái làm chúng ta không-tự-tin. Khi chúng ta dám đối mặt, biết tự tin về cái-làm-ta-không-tự-tin, thì chúng ta sẽ có được bản lĩnh thực sự. Bản lĩnh này sẽ giúp bạn biết phải làm gì để trở nên tốt hơn, biết đón đầu những thử thách một cách nhẹ nhàng, và sẽ giúp bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người khác giới.
Chúc anh em thành công :)
P/s: Nếu được, mời các chị em comment về những lần các chị nhìn thấy/được các anh show ra sự mềm yếu của mình và cảm nhận của chị em về những lúc đó thế nào nhé :D
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất