Ngày nhỏ, tôi thường được dạy rằng: "Con gái học nấu ăn. Sau này lấy chồng thì nấu ăn cho chồng ăn.". Thỉnh thoảng, tôi lại nghe cái câu: "Thân đàn bà mình khổ.", "Con gái nên lấy chồng sớm, tuổi của con gái chỉ có hạn, đẹp được một thời gian thôi. Lấy chồng sớm rồi đẻ con sớm." Sinh ra là con gái, những thứ như chuyện làm việc nhà, nấu cơm, lấy chồng, và đẻ con... được các mẹ, các bà được dạy từ khi còn rất nhỏ. Thỉnh thoảng, khi thấy một nhân vật nào là nữ, học giỏi, lấy chồng trễ một tí, là y như rằng các mẹ, các bà lại thì thầm to nhỏ với nhau rằng là: "Con đó học giỏi quá khó có chồng."
Và vì bị ám ảnh với những định kiến như vậy, tôi cảm thấy tức tối và đôi lúc chống đối lại những ý kiến như vậy. Mỗi lần tôi vào bếp, tâm trạng tôi khi nào cũng không vui. Tôi luôn nghĩ, tại sao tôi phải nấu ăn cho chồng, cho con ăn. Tôi không cần có chồng và không muốn có con chỉ để nấu ăn cho họ ăn. Và bây giờ, khi tôi 26t tuổi rồi, nếu trong bếp có mẹ và tôi, là hỗn chiến. Khi ai nói câu: "Thân đàn bà mình khổ.", tôi đáp lại một cách nhẹ nhàng và đầy chua chát: "Nếu con có con gái, con không dạy con con như vậy." Ai mà nói con gái nên đẻ sớm, tôi đáp rằng: "Con không đẻ thì thế giới này đâu tuyệt chủng." Tôi là người đam mê tri thức, thích đọc sách và tiếp thu kiến thức mới. Mỗi lần nghe ai nói sau này tôi sẽ ế vì học nhiều là tôi sẽ nổi giận lôi đình, sẵn sàng "combat" với bất kì ai.
Thứ tôi nhận lại được là những nhận xét như là: "Suy nghĩ không giống ai.", "Nết như mi, ai thèm cưới."...
Đến bây giờ, khi tôi về nhà bạn trai, tôi chưa bao giờ rửa chén, hay cố gắng thể hiện bản thân mình là một người phụ nữ đảm đang, và phụ nữ của gia đình. Những lời dạy của mẹ như: "Là con gái, thấy ai nấu ăn là phải bu vào bếp giúp đỡ.", tôi không bao giờ làm. Bạn trai tôi hỏi: "Sao em không vô phụ mẹ anh rửa chén?", tôi nói: "Em là khách, anh mời khách tới nhà, sao anh lại nói người ta rửa chén?".
Bạn tôi, khi về nhà bạn trai vào dịp dỗ. Bạn rất nhiệt tình hỗ trợ nhà người yêu rửa chén, dọn dẹp nấu ăn. Một hôm, khi bạn bị mệt trong người, bạn nằm nghỉ ngơi một góc. Thế là, bạn bị người yêu và gia đình người yêu nói nặng nói nhẹ: "Đàn bà mà không lo làm việc bếp.". Bạn mình cảm thấy bị xúc phạm rất nhiều. Sau này, bạn đã chia tay người bạn trai kia rồi. Nguyên nhân là gì tôi không rõ. Còn tôi, tôi thấy bạn rất may mắn khi chia tay người đàn ông này.
Tôi còn một người chị bạn, đã có chồng, có con. Vì là người phụ nữ truyền thống, nên chị rất đảm đang trong việc nhà. Tuy nhiên, khi sống trong xã hội hiện đại, chị cũng ra ngoài, kiếm tiền. Đôi lúc, chị cảm thấy bế tắc, đôi lúc rất mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, nhưng lại gồng lên làm đồ ăn, dọn dẹp cho người nhà chồng ăn. Trong vài khoảnh khắc chị lười biếng, không một ai quan tâm chị, và những gì chị nhận lại được là: "Đã là đàn bà mà không biết thân biết phận, vô trách nhiệm với nhà chồng.". Mình nghĩ chuyện đó chỉ là một giọt nước tràn ly, khiến chị dọn ra khỏi nhà chồng và đòi li hôn.
Còn một cô bạn khác của tôi nữa. Mỗi lần nhắc đến chuyện này, tôi và nó đều cải nhau. Bạn nói tôi không biết điều, qua nhà người ta ăn mà không dọn dẹp. Bạn kể, khi đi chơi trong nhóm bạn, bạn không giỏi việc nấu ăn, nhưng bạn vẫn cố gắng phụ giúp nhau trong việc nấu ăn. Mình thấy vấn đề này khá là dễ hiểu. Nếu trong nhóm bạn, đi chơi với nhau, để có một cuộc chơi vui thì mỗi người nên góp sức một chút. Còn việc một người phụ nữ hiện đại, về nhà bạn trai hoặc chồng tương lai, mình nghĩ mình đừng nên thể hiện sự đảm đang của mình. Vì mình cảm thấy, hiện tại, những định kiến như "đàn bà phải lo việc nhà", còn in sâu trong tiềm thức của người Việt, và đừng cố gắng khiến họ nghĩ rằng, cưới vợ và có dâu đồng nghĩa với việc là có thêm một người giúp việc.
Việc biết điều không nằm ở chỗ bản thân một người con gái rửa chén trong bữa dỗ ông bà, hay phụ vào bếp trong buổi ra mắt của gia đình. Cái này tôi học được từ một người bạn của mình. Khi bạn có chồng, bạn rất "biết điều". Dù theo lời bạn kể, nhà chồng bạn không phải ai cũng bằng lòng, nhưng không ai dám nói nhau nặng lời với bạn. Lúc ở nhà chồng, nếu ngày rảnh bạn sẽ hỗ trợ mẹ chồng nấu ăn. Ngày nào mẹ chồng bị đau, bạn hỗ trợ mẹ chồng đi khám bệnh. Bạn không bao giờ dành trọn 100% tình cảm, sức lực của mình cho bên chồng, mà luôn sắp xếp một cách hợp lí. Bạn không bao giờ chu toàn mọi thứ, vì phần không chu toàn đó, bạn để trách nhiệm cho người khác làm. Bạn luôn nhắc nhở tôi: "Đừng cố gắng chịu toàn bộ trách nhiệm về mình, vì không ai hoàn hảo và cần đường lui.". Bạn nói không, khi biết việc đó mình làm không tốt, hoặc bạn biết việc đó có người làm phù hợp hơn với bạn.
Bây giờ, khi tôi đã tiếp xúc với nhiều người, tôi dần nhận ra rằng, việc làm việc nhà không phải là xấu nếu phụ nữ làm việc đó. Tôi thấy, chỉ phụ nữ mà cố biến mình thành người giúp việc không đồng cho người chồng, thì tôi thấy thật đáng thương.
Bản thân mình hiện tại, vẫn đang cố gắng hoàn thiện tư duy của mình hằng ngày. Việc mình làm việc nhà bây giờ, không còn thấy bực bội vì mình là con gái nữa. Mình làm việc nhà, để mình thấy nơi mình sống sạch sẽ thoáng mát, và dễ chịu để trở về. Mình học nấu ăn để bản thân mình được ăn ngon, không vì nấu cho một người chồng tương lai nào đấy. Ngày đám dỗ trong nhà, mình sẽ vui vẻ giúp đỡ mẹ mình, để mẹ mình đỡ mệt, tiết kiệm ít tiền cho các khoản khác. Khi mình xác định được và nói rõ những phần việc nào mình làm tốt và không tốt với những người thân trong gia đình, mình cảm thấy thoải mái hơn khi làm những công việc hằng ngày. Và sau này, khi mình có chồng, mình nghĩ lối suy nghĩ này giúp mình đỡ những mâu thuẫn với nhà bên kia.
Đó là toàn bộ ý kiến của mình về vấn đề về việc là đàn bà phải lo việc nhà.