Dám Kể Chuyện: Bán câu chuyện – mua thương hiệu
Từ thuở mới lọt lòng, thể xác chúng ta được nuôi lớn bằng những bữa cơm của mẹ, nhân cách chúng ta được nuôi lớn bằng sự dạy dỗ của...
Từ thuở mới lọt lòng, thể xác chúng ta được nuôi lớn bằng những bữa cơm của mẹ, nhân cách chúng ta được nuôi lớn bằng sự dạy dỗ của cha, còn tâm hồn thì được giáo dưỡng bằng những câu chuyện đầy ắp tính nhân văn. Những câu chuyện của tuổi thơ mỗi người không chỉ để vỗ về giấc ngủ mỗi buổi trưa mà lồng vào đó còn là những bài học đầu đời về cách đối nhân xử thế, về cái thiện - cái ác, về tình yêu thương thiêng liêng với gia đình - tổ quốc,... như những dòng sữa ngon ngọt mà mỗi đứa trẻ uống hằng ngày.
Không dừng lại ở đó, nếu được đặt đúng chỗ, những câu chuyện sẽ mang đến những giá trị mà đôi khi chúng ta không thể nghĩ đến. Để giúp mọi người khai phá thêm sức mạnh của các câu chuyện, đặc biệt trong lĩnh vực marketing, hai tác giả Dương Tống và Giàu Dương đã cho ra đời Dám Kể Chuyện.
Bao nhiêu tiền cho một câu chuyện?
Hãy nhìn vào đôi giày đá bóng này, đây là dòng giày Magista của nhà Nike được phát hành năm 2014. Giá niêm yết của mỗi đôi khoảng 2 - 3 triệu VNĐ.
Đây cũng là một đôi giày Magista tương tự; à không, chỉ là một chiếc giày thôi nhưng nó đã được bán với giá 2 triệu đô.
Hiển nhiên, người ta không mua chiếc giày này vì nó được dát vàng hay đính kim cương mà là nó mang theo một câu chuyện về một trong những bàn thắng quan trọng nhất của thập niên 2010. Đây là chiếc giày được Mario Gotze mang trong trận chung kết World Cup 2014 giữa đội tuyển Đức và đội tuyển Argentina, nơi anh đã ghi bàn vào lưới Argentina để Messi lỡ hẹn với chiếc cup danh giá nhất trong bóng đá và giúp người Đức lên đỉnh thế giới lần thứ 4 trong lịch sử. Và chính câu chuyện này đã giúp chiếc giày được định giá 2 triệu đô, hay nói một cách khác, câu chuyện được người ta định giá 2 triệu đô.
Tìm đâu ra câu chuyện triệu đô?
Câu chuyện trên là một câu chuyện ở đẳng cấp thế giới, những câu chuyện như vậy không xuất hiện đủ nhiều để tất cả chúng ta có thể đính kèm vào các sản phẩm đến tay khách hàng. Vậy liệu chính mỗi doanh nghiệp có thể tự tìm kiếm cho mình câu chuyện riêng để đưa đến khách hàng hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.
Đôi khi khởi nguồn của những câu chuyện đến từ ý tưởng khởi nghiệp ban đầu, đôi lúc đến từ hành trình trải nghiệm của khách hàng đối với doanh nghiệp, cũng có lúc ấy là những câu chuyện thường nhật quanh ta,... Tất cả mọi khía cạnh của doanh nghiệp đều có thể chưa đựng một "điều phi thường", quan trọng là tìm ra được "điều phi thường đó” và làm nổi bật chúng.
Tinh thần của việc tìm thấy điều phi thường ngay trong những câu chuyện đời thường chính là cái nhìn nhạy bén của người kể chuyện, cho phép họ biến những trải nghiệm, sản phẩm hoặc dịch vụ hàng ngày trở thành những câu chuyện đáng chú ý.
Nếu như những câu chuyện thực tế chưa đủ thuyết phục, chúng ta có thể tự tạo ra những câu chuyện gắn liền với sản phẩm của công ty như cách mà Comfort sáng tạo ra gia đình Andy và Lily hay Caty trình làng mì tôm thanh long. Ở một đẳng cấp cao hơn, những câu chuyện như Harry Potter được sáng tạo và bán riêng với giá hơn 7 tỷ đô (cho cả sách và doanh thu phim).
Từ ý tưởng đến câu chuyện
Có được ý tưởng là một chuyện, kể lại câu chuyện làm sao cho hấp dẫn, lôi cuốn, làm sao để câu chuyện đi vào tâm trí của người nghe lại là một vấn đề khác. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực văn học, tác giả Giàu Dương đã mang đến cho độc giả những phương pháp và cách thức để nuôi dưỡng ý tưởng trở thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Đây có lẽ là phần giá trị nhất mà bản thân mình nhận được khi đọc cuốn sách.
Về cơ bản một câu chuyện là một tác phẩm văn học, để một tác phẩm văn học hay thì phải mạch lạc, rõ ràng, làm sao cho người đọc có thể hiểu được ý và xúc cảm của tác giả. Do đó cấu trúc và câu từ cấu tạo nên câu chuyện vô cùng quan trọng. Tương tự với một bài tập làm văn chúng ta được học từ nhỏ, một bài văn hoàn chỉnh phải có đủ ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Đối với một câu chuyện hay phải làm sao cho người đọc có thể hình dung được bối cảnh, sự cao trào và kết thúc của câu chuyện.
Bên cạnh đó việc sử dụng ngôi kể, giọng điệu, câu từ, nghệ thuật tu từ phù hợp cũng sẽ là các yếu tố quan trọng khác để tạo nên sự toàn diện cho câu chuyện.
Từ câu chuyện đến bản sắc
Một câu chuyện tốt không chỉ giúp doanh nghiệp tăng giá trị sản phẩm, đôi khi câu chuyện chính là chất keo kết dính các cá thể riêng lẽ trở thành một cộng đồng. Hãy nhìn cái cách mà truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ kết nối trăm triệu con người Việt Nam hay truyền thuyết về Mohammed kết nối hàng tỷ tín đồ Hồi Giáo. Tương tự đối với một tổ chức như doanh nghiệp, một câu chuyện có thể được kể như một sợi dây gắn kết các nhân viên trong công ty, đồng thời tạo nên cả văn hóa cho doanh nghiệp và quyết định các giá trị mang đến cho khách hàng.
Không những từ câu chuyện của doanh nghiệp, những câu chuyện của khách hàng cũng góp phần định hình giá trị và mục đích mà doanh nghiệp hướng đến. Biết cách chọn lọc những câu chuyện phù hợp giúp doanh nghiệp đào sâu trong tệp khách hàng phù hợp của công ty. Tuy nhiên việc sử dụng câu chuyện khách hàng như thế nào cho vừa tế nhị vừa hiệu quả lại là một câu chuyện khác. Điều này đã được tác giả chia sẻ rất cặn kẽ trong chương 4 của cuốn sách.
Cuộc đua với AI
Sự trỗi dậy của AI dự báo sự đe dọa đến rất nhiều ngành nghề hiện tại, trong đó có cả việc viết content. Liệu còn đất sống cho những câu chuyện được chính chúng ta sáng tác?
Còn, còn rất nhiều vùng đất mới của những câu chuyện, vấn đề nằm ở việc liệu chúng ta sẽ khai phá như thế nào. Nếu biết cách tận dụng thì AI sẽ là công cụ vô cùng mạnh mẽ để chúng ta tìm kiếm những mảnh đất ấy. Tương tự như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, sự phát triển về công nghệ, máy móc làm mất đi một số công việc trong xã hội, nhưng sự phát triển này là nền tảng để đưa cả nhân loại tiến xa hơn. Là những người kể chuyện, chúng ta không nên xem AI là kẻ địch mà nên là người bạn đồng hành, là công cụ để tạo ra những câu chuyện.
Kết: Tại sao nên đọc Dám Kể Chuyện?
Điều đặc biệt của Dám Kể Chuyện là cuốn sách đã khai thác được vùng giao điểm của marketing và văn học giữa thị trường vô vàn đầu sách nói về cả hai lĩnh vực một cách riêng biệt. Đối với các bạn làm marketing và sáng tạo nội dung, cuốn sách có thể mang đến cho các bạn một cách tiếp cận mới trong công việc. Còn đối với các bạn đam mê viết lách thì đây là sẽ một nguồn tham khảo về cách kể chuyện mà chúng ta không nên bỏ qua.
Nếu bạn không thuộc một trong hai trường phái trên thì càng nên đọc Dám Kể Chuyện, cuốn sách sẽ mở mang cho bạn rất nhiều điều mới mẻ về thế giới kỳ diệu của các câu chuyện. Biết đâu, một ngày nào đó câu chuyện của chính các bạn sẽ mang đến những giá trị không ngờ đến cho thế giới này.
For Jolie: - Có 12 thành ngữ tục ngữ xuất hiện trong cuốn sách ở các trang: 22; 28; 55; 71; 73; 76; 104; 106; 145; 147; 158; 263. - Tác giả tự xưng là Jolie 11 lần ở các trang: 17; 25; 104; 105; 106; 125 (3 lần); 126; 256; 257. (không tính ở phần bút ký và đầu mục)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất