Đây là bài viết tổng hợp những kinh nghiệm của mình sau một quãng thời gian không ngắn cũng không dài ở Đại học, cụ thể là về chuyện học hành, điểm số ở trên giảng đường (tiêu đề của bài viết được mình lấy từ tên của một group trên Facebook).
Lúc mới chân ướt chân ráo vào trường, suốt một năm đầu tiên, mình cũng từng rớt môn, từng học lại, điểm số cũng chỉ ở mức trung bình chứ chưa đến khá. Có thể nói mình bước vào Đại học với một tư tưởng học đại, học cho có, học cho xong.
Tuy nhiên, thời gian ở Đại học cũng cho phép mình tiếp xúc với rất nhiều anh chị, tham gia các buổi hội thảo tuyển dụng hay phát triển kỹ năng mềm. Thông qua nhiều người mình tiếp xúc, mình đã dần nhận thấy việc học rất quan trọng và cố gắng thay đổi bản thân, ép bản thân chú tâm vào việc học hơn.
Mình nhận thấy xung quanh mình có rất nhiều bạn bè cũng coi nhẹ việc học trên trường. Châm ngôn của mấy đứa này là “qua môn là được” hay “thời gian đâu mà học nhiều”. Họ mải mê tham gia các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ, hoặc đi làm thêm để tích thêm kinh nghiệm. Hệ quả là kinh nghiệm thì tăng lên thật nhưng lại tỉ lệ nghịch với điểm số. Việc thức thâu đêm để học lại toàn bộ chương trình trước mỗi kì thi ở Đại học là một chuyện hết sức bình thường.
Từ một đứa coi nhẹ việc học để lao vào các hoạt động ngoại khoá, mình đã dần cảm thấy yêu thích và đầu tư nhiều thời gian hơn cho nó. Qua quá trình này, cá nhân mình đã rút ra được một vài lợi ích của việc học ở bậc Đại học - một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng khiến cho nhiều bạn sinh viên vừa muốn làm nhiều thứ, vừa không biết nên làm gì. Hậu quả là quãng thời gian 4 năm đại học trôi nhanh như một cái chớp mắt và không còn đọng lại ký ức gì đặc biệt.
Mong là bài viết có thể giúp những ai đang thiếu động lực có thêm lý do để tham gia đầy đủ hơn các buổi học trên giảng đường, đồng thời có thêm lý do để thúc bản thân tự tìm tòi, nghiên cứu thêm ở nhà.

Lợi ích của việc học ở bậc Đại học

1. Vũ khí để làm đẹp hồ sơ và tăng khả năng cạnh tranh khi đi xin việc

Đúng vậy, bên cạnh một số môn dễ và hợp với sở trường, hầu hết các môn học ở Đại học đều có kiến thức khá rộng, hàn lâm và khó. Những kiến thức này so với kiến thức thời cấp 3 đích thị là một tầm cao mới, nhất là với những bạn học chuyên ngành kỹ thuật. Vậy nên, nếu chỉ học một cách làng nhàng và vô trách nghiệm thì khả năng cao là điểm trung bình của bạn sẽ khá khiêm tốn.
Nguồn: Google image<br>
Nguồn: Google image
Nhiều bạn sẽ nghĩ rằng “lên Đại học rồi, điểm số đâu còn quan trọng nữa”, nhưng điểm số cao thực sự là một điểm cộng trong quá trình xin việc. Mình từng nghe một bác làm HR lâu năm chia sẻ:
Điểm số là cầu nối giữa nhà tuyển dụng và các bạn sinh viên, đặc biệt là ở các công ty vừa và nhỏ. Đâu phải bạn trẻ nào cũng đoạt giải ở các talent contest hoặc có đủ thời gian vừa học, vừa làm thêm, vừa tham gia hoạt động ngoại khoá. Vậy nên, điểm số vẫn là thước đo chuẩn để đánh giá năng lực và trình độ của sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, điểm số cũng thể hiện thái độ của một sinh viên đối với việc học để từ đó có thể suy ra thái độ của sinh viên đối với công việc.
Bản thân mình thì mình chưa có kinh nghiệm ứng tuyển vào các tập đoàn lớn hay các công ty đa quốc gia, những gì mình biết chỉ là rút ra từ các buổi hội thảo hoặc các cuộc chuyện trò với anh chị đi trước. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm đi thực tập của mình thì mình nhận thấy rằng, những công ty yêu cầu đầu vào càng khắt khe thì càng có uy tín và đãi ngộ tốt bởi vì những công ty này xác định rõ họ muốn tuyển nhân sự để gắn bó lâu dài (ít nhất thì cũng phải hơn một năm).
Để giữ chân nhân sự, họ sẽ đưa ra mức lương thưởng, công việc, lộ trình thăng tiến rõ ràng để bạn có thể cố gắng và phấn đấu vì công ty cũng như sự nghiệp của chính bạn. Họ sẽ không ép lương của bạn xuống quá thấp để có thêm một chút lợi nhuận, vì họ hiểu nhân sự mới là nguồn tài sản lớn nhất.
Nguồn: Google image
Nguồn: Google image
Vậy nên, nếu suốt 4 năm Đại học bạn chỉ mang tư tưởng học đại với điểm số lẹt đẹt thì làm sao bạn có thể cạnh tranh với những nhân sự vừa có chuyên môn, vừa có kinh nghiệm?
Tuy nhiên, lý do “để làm đẹp CV” thực sự vẫn chưa đủ thuyết phục về lâu dài. Bởi vì cũng giống như “học tiếng Anh để trở thành công dân toàn cầu”, lý do này chủ yếu đánh vào nỗi sợ mất cơ hội (việc làm) chứ không phải khao khát muốn được học của chính bản thân.

2. Học để ứng dụng kiến thức vào thực tế

Dù trễ nãi việc học trên trường nhưng mình thực sự là một đứa rất thích quan sát và học hỏi những cái mới. Mình quan niệm rằng trường đời mới chính là ngôi trường vĩ đại nhất, giúp ta học được nhiều nhất. Thế nên khi vừa vào năm nhất, mình đã lao vào đi thực tập, bán hàng online, tham gia làm ctv,… Và trường đời cho mình thấy, “mọi thứ không như là mơ”.
Thiếu kiến thức chuyên môn, mình gặp rất nhiều khó khăn trong công việc cũng như hoạt động ngoại khoá, thậm chí có lúc mất hết cả vốn lẫn lãi ($$$). Bất cứ công việc nào mình làm, từ làm công ty, cho đến bán hàng online, hoạt động đội nhóm hay thi talent contests đều vận dụng những kiến thức cơ bản nằm trong chương trình đào tạo, ví dụ như thuế, marketing, hay tài chính.
Nguồn: Google image
Nguồn: Google image
Vậy nên, chỉ việc tham gia nghiêm túc các buổi học trên trường thôi đã giúp mình học được rất nhiều thứ có thể ứng dụng vào trong công việc.
Chỉ cần bạn để ý và chú tâm học, bạn sẽ nhận ra những môn đại cương như Kinh tế chính trị, Pháp luật đại cương, tin học đại cương cũng có cái hay và có thể ứng dụng vào cuộc sống (tất nhiên là trừ môn Toán cao cấp ra). Dù cho giáo trình có cũ kĩ thế nào thì hầu hết vẫn là những kiến thức căn bản, không thay đổi, bạn có thể dựa vào những kiến thức đó để tự học hoặc tự nghiên cứu thêm.
Ví dụ như khi học Kế toán tài chính, dù cho môn này có khó, khô và bao hàm rất nhiều kiến thức, nhưng khi kết thúc môn học thì mình có thể hiểu thêm về hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, từ quy mô nhỏ cho đến lớn. Ngoài ra, qua những hiểu biết về tài chính, mình cũng có thể tự liên hệ đến các nghiệp vụ khác như marketing, bán hàng, hay nhân sự.
Bên cạnh đó, ở môi trường Đại học, thầy cô không chỉ là giảng viên mà còn là những người đi trước trong ngành. Vậy nên, trong quá trình học các thầy cô có thể giúp chúng ta liên hệ, phân tích, mổ xẻ những tình huống thực tế dưới góc nhìn vĩ mô.
Cá nhân mình thì mình đặc biệt có ấn tượng với môn Kế toán tài chính ở năm hai, phần là vì mình thích môn đó, phần là vì mình quý giảng viên của mình. Bên cạnh những kiến thức cơ bản, cô mình hay cho chúng mình xem những bản báo cáo tài chính ở các tập đoàn lớn như Apple hay các ngân hàng trong nước như Sacomback, Techcombank để liên hệ với nội dung bài học. Cô còn dạy lớp cách đầu tư chứng khoán hay cách quản lý tài chính cá nhân, mách bảo các kênh đầu tư phù hợp để sau này có tiền thì dùng đến.
Nếu bạn chú ý hơn trong lớp và cố gắng đầu tư cho các môn học, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian tự tìm tòi và đi hỏi người này người kia.

3. Hãy học thật nghiêm túc để rèn luyện cho mình một thái độ và tư duy cầu tiến

Lúc viết ra lợi ích này của việc học thì bản thân mình cũng thấy nó hơi ngược so với thực tế. Thường thì chúng ta “phải có thái độ cầu tiến thì mới nghiêm túc học được” chứ đằng này “phải học nghiêm túc thì mới có thái độ cầu tiến” thì hơi vô lý. Thực ra thì cả 2 đều đúng, tuy nhiên suy nghĩ và thái độ trước và sau khi quyết tâm học sẽ khác nhau.
Với mình, khi mình bắt đầu nghiêm túc đầu tư cho việc học, mình chỉ nghĩ là mình phải học để cải thiện điểm, phải học để lấy được cái bằng khá. Tuy nhiên, khi đã nếm được những trái ngọt đầu tiên của việc học tập một cách chăm chỉ, nghiêm túc và có trách nhiệm thì mình lại nghĩ khác. Với mình, học không phải để tốt cho ai cả, mà chỉ tốt cho mình thôi.
Mình bỗng nhận ra là suy nghĩ của mình đang dần thay đổi khi thói quen của mình thay đổi. Từ một đứa chỉ nói “qua môn được là ổn rồi”, mình đã dần thấm thía câu nói: “học chính là giúp ích cho bản thân, học giỏi hay không không quan trọng, quan trọng là phải ứng dụng được”.
Nhận thức đó thôi thúc mình muốn học nhiều hơn, học một cách nghiêm túc hơn để update mình với những kiến thức mới và tìm cách áp dụng vào cuộc sống.
Càng chăm chỉ và cố gắng, dù là trong việc học hay làm, thì bản thân của bạn sẽ ngày càng tốt hơn so với trước đây. Đương nhiên là không phải bạn cứ cố gắng và chăm chỉ thì sẽ thành công. Nhưng cho dù thất bại hay kết quả chưa đạt được như ý, mình cũng không bao giờ muốn trở về là một đứa sinh viên suốt ngày gật gù trên lớp, thức thâu đêm để học bài trước ngày thi nữa.

Lời kết

Mình đã từng có tư tưởng “nghỉ xả hơi” khi vào Đại học, từng hùa theo đám bạn để cúp học ra cà phê, từng rớt môn vì đi làm thêm và tham gia vào hằng hà sa số hoạt động của ngôi trường mới. Trải nghiệm nhiều tuy rất tốt, nhưng đôi lúc nó khiến mình thấy chơi vơi vì suy cho cùng, mình vẫn là một tay mơ thiếu chuyên môn, thiếu nền tảng.
Nếu bạn sắp bước vào giảng đường Đại học, hay hiện đang là những cô cậu sinh viên, hãy cố gắng học thật chăm chỉ, không chỉ vì điểm số mà còn vì bản thân chúng ta. Đừng lấy lý do quá bận để không học bởi vì có rất nhiều người, ngay cả khi đã đi làm hơn chục năm, họ vẫn tiếp tục học bằng cách này hay cách khác.
Nguồn: Google image
Nguồn: Google image
Dù bạn học để làm bất kỳ ngành nghề gì, từ kỹ sư cho đến lập trình viên, từ giáo viên cho đến bác sĩ, bạn vẫn luôn cần bổ sung những kiến thức mới mỗi ngày.
Học, học nữa, học mãi.
Vladimir Ilyich Lenin