"kiệt tác nào mà chẳng là kiệt tác không người biết,
thiên tài nào mà chẳng là thiên tài không ai hiểu"
Đến bây giờ vẫn còn nhiều người chửi Ngọc Đại, dấu hiệu cho thấy sự chuyển động chậm chạp và cục bộ của nhận thức về nghệ thuật. 
Cuộc trục xuất Ngọc Đại tự thân nó là lời tố cáo bộ mặt đạo đức giả của thời chúng ta. Mới hôm qua người ta còn mạt sát, lên án những "bẹn ơi mông ơi háng ơi" trong Thằng Mõ 1 là tục tĩu, ngày hôm nãy những "lồn" và "cặc" ngập ngụa trên facebook. Thanh và tục, thiêng và phàm bắt đầu đảo nghịch.
 

Ngọc Đại rất gần với Trần Dần, nhưng thế hệ Ngọc Đại không phải thế hệ Trần Dần, mà là thế hệ của Nguyễn Đình Chính. Đó là thế hệ của những "người lính già" bị "tấm bảng hiệu giẫm đạp lên đôi mắt". 
Thằng mõ là một tiếng vọng của "nhiều im-lặng biết nói" và "nhiều câu nói không-nói-gì". Thằng mõ là một thành thật. Ngọc Đại có thể đúng hoặc sai, nhưng sự thành thật là không bàn cãi.

sống sót sau
những giấc mơ bị
đánh cắp
hành lang đen
yêu thương lên da thịt
lạc loài
như niềm vui
độc thoại trên cánh đồng tối
máu mù
nước mắt mù
sự chói loà có thể
bật lên âm tiết kêu thương
đợi chờ
ánh sáng
 
đầu vắt ngược
xuống đất
ngôn ngữ bạo động
tái sinh

(nghe “thằng mõ 1” & giọng hát ngọc đại, Phạm Mạnh Hiên)

Vì sao từ Đại - Lâm - Linh, Ngọc Đại lại bước thêm một bước nữa để trở thành Thằng mõ ? Điều này có chăng một điểm chung với sự khép lại một diễn đàn trước đó được chủ trương bởi Phạm Thị Hoài, rằng sẽ đến một lúc câu chuyện văn nghệ không thể tách rời câu chuyện về thực tế cuộc sống?
Người ta nói Linh Dung và Thanh Lâm hát như lên đồng, như điên. Nhưng lên đồng mà không điên thì lên đồng làm quái gì?

Sống là lên đồng, khi hầu bóng cô, khi hầu bóng cậu, khi hầu bóng chúa, khi hầu bóng bà Thượng Ngàn, lại khi hầu đức Thánh Trần nữa. 
Người ta chỉ sung sướng khi ra khỏi cái tôi, cái tôi khả ố như Pascal đã nói. Cô có ngắm những người lên đồng không? Mặt họ rạng rỡ, mắt họ sáng ngời, miệng họ tươi cười, điệu bộ họ lẳng lơ, thân thể họ uyển chuyển uốn theo nhịp đàn, linh hồn họ phiêu phiêu bay trong hương khói. Đẹp! Họ đẹp gấp bội lúc thường, những lúc họ sống với cái tôi tầm thường, là là mặt đất mà họ rất ghét. Bấy giờ thị họ không là họ nữa. Họ chỉ là cô nọ, cậu kia mà họ cảm thấy, mà họ chắc chắn rằng đẹp lắm. Và họ đẹp lên. Sao mà tôi thích xem lên đồng thế! Và tôi lo lắng rằng một ngày kia cái nghệ thuật lạ lùng, cái nghệ thuật cao siêu đầy ái tình và triết lý ấy dễ bị tiêu diệt: Người ta chỉ trông thấy đó là một mê tín, người ta chịu nhìn nhận rằng đó là một mê tín đẹp. 
(Đẹp, Khái Hưng)

Đại - Lâm - Linh khiến người ta khó chịu, buộc họ phải đặt câu hỏi: "Đây mà là âm nhạc à". Đó là cách để thách thức status quo, làm cho nghệ thuật chuyển động. Chấp nhận những bất an, bối rối là mở rộng bản thể đến cách tân và tự do. 
Nhưng lịch sử lại một lần nữa cho thấy cái mới bị vùi dập như thế nào. 
Ngọc Đại đã bị trục xuất, và những tiếng chiêu tuyết vang lên nhỏ lẻ. Người duy nhất làm một việc đáng kể là nhà nghiên cứu Barley Norton, với bộ phim tài liệu Hanoi Eclipse: The music of Dai Lam Linh
Barley Norton cũng nhận định rằng Đại Lâm Linh đã dự phần quan trọng vào việc tái sinh ca trù, thông qua phối hợp với những thành viên của ca trù Thái Hà như ca nương Nguyễn Thúy Hòa và quản giáp Nguyễn Văn Khuê để mang đến một hình thức khác cho ca trù trong nhạc cảnh mới.

Đại - Lâm - Linh cũng đã truyền cảm hứng cho Việt Lê (Vănguard). Và ta cũng biết rằng, có một nhân vật giao hảo với Ngọc Đại, từng tặng ông một chiếc piano, đó là Lê Cát Trọng Lý.
20.03.20