“Thép đã tôi thế đấy” có một câu nói vô cùng nổi tiếng: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…” Đây là một câu nói hay nếu lấy nó làm động lực thúc giục ta sống hết mình vì đam mê của bản thân như thể chẳng còn lần thứ hai để làm lại. Nhưng mấy ai làm được? Bởi chúng ta đa phần chỉ là những con người bình thường quá đỗi.

Cuộc sống không đơn giản và dễ dàng đối với hầu hết mọi người               

Chúng ta bước vào thế giới xa lạ này mà chẳng mang theo chút kinh nghiệm tích lũy nào. Điều đó không cho phép chúng ta có khả năng xử lý đúng đắn khi vô vàn tình huống khác nhau ập tới. Trái lại, chúng ta phải trải qua một quá trình lựa chọn - mắc lỗi – sửa lỗi – rút kinh nghiệm – chọn cách khác tiếp nối nhau. Chúng ta học hỏi được ít hay nhiều từ lỗi sai của bản thân, có sửa được không hay lại hành động theo quán tính,… tất cả phụ thuộc vào năng lực nhận thức và ý chí.
Có nhiều người sẽ dễ dàng hơn nếu từ rất sớm đã biết bản thân muốn gì và tự vạch sẵn cho mình một mục tiêu, một hướng đi để phấn đấu hết mình vì nó. Nhưng cũng có không ít người sống đã lâu vẫn không biết mình thực sự muốn gì, hoặc là, ý muốn của họ cứ thay đổi theo từng giai đoạn đến mức họ chẳng rõ rốt cuộc đâu mới là ý muốn thật. Họ “lãng phí” rất nhiều năm tháng lang thang đi tìm mục đích sống, theo đuổi hết “đam mê” này tới “sở thích” kia nhưng chẳng bao giờ kiên định được lâu. Để rồi tới khi đã có tuổi, họ ân hận day dứt vì quá khứ đã “sống hoài sống phí”, mệt mỏi rệu rã trải qua những năm tháng cuối cùng của cuộc đời trong hoài niệm và tiếc nuối. Những tiếc nuối cứ quẩn quanh tâm trí hết lần này đến lần khác mà chẳng thể xua tan. Họ nghĩ “đời người chỉ sống có một lần”, đã quá muộn để làm lại, đã hoàn toàn hết cơ hội cho một khởi đầu mới. Nhưng có thật sự như thế chăng?

Những năm tháng không biết mình muốn gì, có thật là “sống hoài, sống phí”?

Để đánh giá một thứ có lãng phí hay không, chúng ta cần tỉnh táo áp dụng tiêu chuẩn của bản thân để nhận định xem nó có mang đến tác dụng hay lợi ích gì không, chứ đừng nên bị cảm xúc hay tiêu chuẩn của người ngoài dẫn dắt. Dù những năm tháng ấy bạn không đạt được thành tích gì nổi bật, cũng chưa thể tìm ra ý nghĩa chân thực của cuộc sống hay điều mình thật sự muốn, nhưng phải chăng bạn đã loại bỏ được rất nhiều thứ mình không muốn hay không hợp với mình?
Vốn dĩ không biết mình muốn gì là một chuyện hết sức bình thường. Cuộc sống bày ra quá nhiều lựa chọn, quyến rũ chúng ta bằng vô số thú vui hay sở thích. Có người từ rất sớm đã biết mình muốn gì, hợp với điều gì và chỉ lựa chọn đúng thứ đó; nhưng đa phần đều phải cân đo đong đếm rồi mới có thể lựa chọn. Chọn được rồi vẫn chưa thể chắc chắn lựa chọn đó có đủ tốt và thực sự phù hợp với bản thân không. Nếu không, chúng ta lại phải thử một thứ khác và quá trình đó cứ thế tiếp tục.
Những năm tháng “dần loại bỏ thứ không phù hợp” cũng có ý nghĩa riêng. Không phải ai sinh ra đã hiểu rõ bản thân mà đều phải cần một quá trình tìm hiểu nhất định. Quá trình đó dài hay ngắn tùy thuộc mỗi người, nhưng suy cho cùng, chẳng ai có quyền đặt ra cho bạn một thời hạn hay tiêu chuẩn. Nếu “thời gian lãng phí” trong mắt mọi người chính là quá trình bạn dần hiểu rõ bản thân thì bạn không cần phải áy náy hay day dứt về những gì mình chưa làm được. Bởi hiểu rõ sau đó thực sự chấp nhận bản thân chính là nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc.
Giống như trong bài hát “Goodbye Yellow Brick Road” của Elton John, nhân vật chính sau khi trải nghiệm cuộc sống giàu sang lộng lẫy thì đã phát hiện nó không hợp với mình. Anh quyết định nói lời tạm biệt với “con đường lát gạch vàng” để quay trở lại luống cày mộc mạc thuở xưa. Mất một thời gian rất lâu để rồi lại trở về với điểm xuất phát ban đầu hẳn sẽ bị đánh giá là làm chuyện vô ích. Thế nhưng không có khoảng thời gian ấy, liệu người đàn ông đó có thực sự tìm ra điều mình thực sự mong muốn và nơi mình hoàn toàn thuộc về hay chăng?

Điều bạn luôn hướng tới là gì?

Tôi thích nhìn nhận cuộc sống như một quá trình tiếp nối. Bạn có thể sống lần đầu hồn nhiên khi còn nhỏ, sống lần hai cuồng nhiệt và nông nổi khi đang tuổi thanh xuân, sống lần ba trầm lắng đầy chiêm nghiệm lúc đã có tuổi, sống lần thứ tư thản nhiên và bình dị lúc về già. Bạn cũng có thể sống nhiều lần hơn và sống khác đi qua từng giai đoạn. Nếu sau cùng điều bạn hướng tới vẫn luôn là trở thành một người tử tế, tốt đẹp và hạnh phúc, thì sống thế nào cũng đều không lãng phí.
#Kat
Ảnh: Trần Văn Phú