Văn chương của Hermann Hesse là một sự thách thức không hề nhỏ đối với người đọc, không dễ gì để có thể hiểu được hàm ý của ông vì nó đã được đan cài, cô đọng, thấm sâu trong từng chi tiết và hình tượng ẩn dụ triết học, tôn giáo…người đọc cứ miết mải tìm kiếm ý nghĩa đích thực mà tác giả muốn biểu đạt là gì. Có phải vì thế mà lại mang tới cảm giác muốn khám phá, lao động thực sự để tìm câu trả lời trong chính sâu tâm hồn và trái tim của người đọc, để rồi, mặc dù có phần mơ hồ cảm nhận được, lại vẫn thấy như cần đọc thêm, đọc lại nữa.
Thú thực tìm đọc Demian không phải vì lời quảng cáo đó là cuốn sách tạo cảm hứng cho album Wings của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, mà vì trước đó đã từng đọc cuốn Siddhartha, cuốn sách lấy cảm hứng về Phật giáo, rất ấn tượng với cách viết của Hermann Hesse. Phải công nhận một điều cuốn Demian được đầu tư khá kỹ về mặt hình thức khi xuất bản ở Việt Nam, đầu tiên là bìa màu trắng, có đục lỗ hình một chú chim cắt màu đen ở bìa chính bên trong, và thật đặc biệt, chú chim cắt kia nhìn kỹ lại thì là khuôn mặt của một người đàn ông và một người đàn bà lồng ghép vào nhau. Quá sang tạo, chưa kể sau khi đọc xong mới hiểu được biểu tượng này liên quan tới nội dung cuốn sách ra sao. Đi kèm là một bookmark cũng hình chú chim ấy, được cắt ra từ bìa đầu (tôi đoán thế vì ghép vào bìa thì vừa khít), ngoài ra có kèm thêm một cuốn mini quotes book nữa, in khá đẹp ghi lại một số trích dẫn hay.
Tiêu đề phụ là Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair, một hành trình đấu tranh để tìm ra bản chất của cuộc đời, cũng giống như bao con người trẻ khác, luôn là cuộc vật lộn trả lời câu hỏi Tôi là ai, Tôi sống vì điều gì, và điều gì mới thực sự là quan trọng? Sinclair đã phải thốt lên rằng: “Tôi chỉ muốn sống cuộc đời đang cố gắng thoát ra từ sâu thẳm bên trong mình. Cớ sao việc đó lại khó khăn đến vậy?” Ở mỗi con người, dường như luôn tiềm ẩn một hạt mầm nào đó mà chúng ta hiểu rằng mình có thể tốt hơn, bản thân bên trong ta tốt hơn những gì ta đang thể hiện bên ngoài, nhưng những hạn chế của bản thể thân xác hay hoàn cảnh bên ngoài kia đang kìm nén cái tôi ấy, như một nhà tù khó lòng thoát ra. “Cuộc đời của mỗi người là hành trình tìm kiếm chính bản thân mình, là cuộc tìm kiếm một lối dẫn, là dấu hiệu của một nẻo đường. Chưa ai hoàn toàn và tuyệt đối là chính mình; ai cũng đang nỗ lực cố gắng theo khả năng của mình, người chậm chạp ủ rũ, kẻ lại nhanh nhẹn tích cực. Chúng ta đều mang theo những dấu tích của sự khởi sinh đến cuối đời -  nước nhầy và vỏ trứng từ thời nguyên thủy. Một vài kẻ trong chúng ta sẽ không bao giờ trở thành người mà vẫn là loài cóc, thằn lằn hoặc kiến. Một vài kẻ lại có nửa thân trên là người, nửa thân dưới là cá. Nhưng mỗi kẻ đều là một lát cắt, mỗi lần tung xúc xắc của tự nhiên vào nhân loại. Chúng ta chia sẻ chung nguồn gốc, đều chui từ dạ con của người mẹ: nhưng mỗi chúng ta – mỗi một thử nghiệm, một cú tung từ vực thẳm – lại đấu tranh cho mục tiêu riêng của mình. Chúng ta có thể hiểu lẫn nhau, nhưng mỗi người chỉ có thể nắm vững và giảng giải về chính bả thân mình.”
Chúng ta đã từ khi nào phân chia thế giới thành hai phần rõ rệt, một thế giới bừng sáng, lung linh của những điều tốt đẹp; và một thế giới của những dục vọng, cái ác, những thứ tầm thường. Chúng ta luôn cố gắng phủ nhận cái thế giới thứ hai kia, để tôn thờ thứ ánh sáng cao đẹp. Chúa chỉ tạo ra những điều hoàn mỹ, có lẽ nào đấng sáng thế đã không tạo nên thế giới thứ hai kia, thế giới thứ hai ấy tự nó xuất hiện trong bản ngã của loài người hay do ma quỷ dẫn lối. Chúng ta được dạy những điều cao đẹp để ngoan ngoãn chấp hành những điều mà tất cả số đông cho là lẽ phải, mà không dám thừa nhận sự khác biệt, trong khi chính sự khác biệt ấy, sự đối lập ấy đấu tranh, phá hủy những cái cũ, những lối mòn để tạo dựng một thế giới mới. “Hầu hết những điều họ dạy chúng ta đều đúng đắn và chuẩn mực tuyệt đối, không nghi ngờ gì, nhưng chúng ta có thể có một cách nhìn khác”. Những người trẻ được ba mẹ và đàn anh dẫn dắt chỉ lối, nhưng có vẻ như không hoàn toàn là một chân lý, bởi bản thân họ đã và đang sống ở thế giới chói lòa, trong vòng an toàn của bản thân, mà không dám bước thêm một vài bước ở bên ngoài cái ranh giới ấy, làm sao họ có thể cho chúng ta những lời khuyên về những trải nghiệm mới mẻ, tạo nên sự bứt phá mới? Tuổi trẻ, cả những người không còn trẻ sau này đều mang trong mình những câu hỏi âm thầm về sự đấu tranh giữa cái tôi bên trong và cuộc sống bên ngoài. “Mỗi người đều sẽ vượt qua những khó khăn này. Và rất nhiều người vẫn mắc kẹt trong chướng ngại vật này suốt cả cuộc đời.” Họ thường lưu luyến những kỷ niệm em đẹp đã qua, chính vì thế, khi kể về tuổi thơ, ai cũng thấy rằng đó là kỉ niệm tươi đẹp, tuyệt diệu và dịu dàng, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
Càng lớn lên, càng trưởng thành, con người càng cảm thấy cô đơn, sống trên những ốc đảo lạ lùng mà ít có người khác có thể chạm tới. Ta đi học, đi làm, hòa vào dòng người hàng ngày, ta vẫn cứ sống, kiếm tiền, duy trì cuộc sống, nuôi dưỡng những đam mê, ta quên mất mình là ai, quên mất giọng nói Tôi đang âm thầm trò chuyện cùng mình, chỉ những khi tĩnh lặng, tìm về hơi thở, những đêm chằn trọc trả lời cho câu hỏi vậy rút cuộc ta đang sống vì điều gì, tại sao ta lại xuất hiện ở đây, ta mới đi tìm lại cái Tôi. “Có rất nhiều cách để Chúa khiến chúng ta cô đơn và dẫn lối ta đến với chính bản thân mình. Đây là con đường ngày đã chọn cho tôi.” “Có sự khác biệt rất lớn về việc có cả một thế giới bên trong bản thân và hiểu hết được nó!”. “Không thể gọi mọi động vật hai chân nhìn thấy trên đường phố là con người, chỉ bởi họ đi thẳng và mang em bé trong bụng chính tháng.”. “Có thể thấy rõ bao nhiêu kẻ trong họ là cá hay giun, là giun hay đỉa, bao nhiêu là kiến, bao nhiêu là ong! Bây giờ mỗi kẻ trong số họ có khả năng trở thành con người, nhưng chỉ khi họ cảm nhận được khả năng này, hoặc thậm chí mang một phần của nó vào trong ý thước của bản thân, khi ấy nó mới thực sự là khả năng của họ.”
Chúng ta lên mạng, ra ngoài đời, chúng ta không ngừng so sánh bản thân mình với những người khác, những người giàu hơn, giỏi hơn, xinh đẹp hơn. Tuy nhiên, khi bắt đầu tự so sánh mình, chính là lúc ta cảm thấy một sự tổn thương rất lớn, sự kém cỏi, ý nghĩ kém cỏi lan khắp đầu óc, trong suy nghĩ. Pistorius khuyên nhủ Sinclair về việc không nên so sánh ấy: “Cậu không thể mãi so sánh bản thân với người khác, nếu thiên nhiên đã quyết định cậu là một con dơi, thì cậu không thể biến thành một con đà điểu được. Đôi khi cậu sẽ thấy bản thân ở sai chỗ, cậu tự trách mình vì đã đi theo con đường khác với đám đông. Cậu phải loại bỏ suy nghĩ ấy đi. Hãy nhìn vào ngọn lửa, trông lên những đám mây, khi ý tưởng hay trực giác đến với cậu, những tiếng nói trong tâm hồn cậu bắt đầu cất tiếng, hãy tin tưởng chúng và đừng lo ngại về quan điểm của giáo viên, cha cậu hay bất kỳ thánh chúa bên trên nào! Nếu không, cậu sẽ hủy hoại chính mình. Rồi cậu sẽ yên vị trên vỉa hè và tuân thủ luật lệ, chỉ trở thành một hóa thạch thôi.”
Thực sự càng đọc về sau, càng thấy đây là một cuốn sách kì lạ, đặc biệt. Có nhưng lúc thấy nặng nề, đau đầu, có những lúc thấy mình cũng ngộ ra được một chút gì đó. Nhưng trên hết, là tinh thần về sự đổi mới, muốn phá vỡ những cái cũ, lối mòn để sống thành thật với bản thân mình hơn. “Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết, phải phá hủy một thế giới”. “Sinh ra luôn là một việc khó khăn...Con chim phải vật lộn để thoát khỏi quả trứng. Hãy ngẫm lại và tự vấn: Con đường đó thực sự khó khăn vậy sao? Chỉ khó khăn thôi ư? Liệu có phải nó cũng rất đẹp đẽ không? Chúng ta có ước mình được trải qua mọi thứ êm đềm, và dễ dàng hơn không?”...