Bữa giờ đọc báo, nghe người ta bàn chuyện scandal của người nổi tiếng mà thấy chưa ưng cái bụng cho lắm. Chính xác là không có trả lời xác đáng cho câu hỏi trên. Vậy nên, nay mang ra bày tỏ chút thiển ý, mong là tìm được người đồng điệu hay ý kiến của cao nhân nào chỉ giáo cho tại hạ!
Vô thẳng vấn đề luôn chứ không màu mè lung tung. Câu trả lời của tôi là:

Người nổi tiếng cũng là con người nên chắc chắn phải có trách nhiệm trước hết như mọi công dân khác trong xã hội. Sau nữa, vì mang vác thêm chữ "nổi tiếng" nên hẳn nhiên trách nhiệm phải có phần "nặng nề" hơn! 

Lý do vì sao và trách nhiệm nặng nề cỡ nào thì xin xem thêm bài viết bên dưới.

TỪ THÁP NHU CẦU CỦA MASLOW ĐẾN BÍ MẬT HẠNH PHÚC CỦA BURNETT 

Đi hơi xa một chút! Nhiều người chắc đã biết đến Hệ thống nhu cầu của Abraham Maslow - là một lý thuyết cơ bản trong tâm lý học để giải thích mối tương quan của động lực và nỗ lực chi phối hành vi của mỗi người trong xã hội.  Từ những nhu cầu bậc thấp về sinh lý, an toàn, nhu cầu về tình yêu, lòng tự trọng và cao nhất là nhu cầu tự thể hiện. Khi các nhu cầu được thỏa mãn, con người sẽ đạt đến trạng thái cảm xúc gọi là hạnh phúc (happiness). Vì xã hội luôn vận động và phát triển, khi các nhu cầu bậc thấp đã được thỏa mãn, chúng ta lại có xu hướng tìm đến các nấc thang cao hơn trong hệ thống ấy. Hiểu theo hướng tích cực là chúng ta luôn khát khao chinh phục những thử thách mới, tìm kiếm những thành công mới. Chẳng hạn, một ca sĩ đã ra bài hit triệu view, thì chắc hẳn sẽ phấn đấu lao động nghệ thuật để có thêm nhiều sản phẩm chất lượng hơn chứ không dừng lại ở cột mốc đó; một giám đốc có công ty mà thị phần chiếm lĩnh phần lớn thị trường trong nước thì sẽ mong muốn mang thương hiệu ra tầm quốc tế, v.v...
Tháp nhu cầu của Maslow (Nguồn: https://i.pinimg.com/originals/73/0a/d5/730ad51d52a7d04c14778fd7f7a5cddd.gif)
Liên hệ đến quyển sách của tác giả Dean Burnett về Bộ não hạnh phúc [2], trong đó có chương phân tích về tương tác xã hội và cảm giác hạnh phúc. Trong đó có đoạn "The overall point is, a large part of our brain is dedicated to encouraging and facilitating social interations... So, logically, if you want to be happy, just interact with as many people as possible, as often as possible". Để dễ hiểu, xin tóm gọn trong ý sau: Tất cả con người trong xã hội đều có nhu cầu tương tác với đối tượng khác, nhu cầu này được mã hóa trong não bộ vì chúng ta nhận được lợi ích từ sự tương tác đó. 
Là một người bình thường, chúng ta nhận được những lợi ích gì từ các tương tác xã hội? Câu trả lời là các lợi ích vật chất cũng như phi vật chất để thỏa mãn các nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao nêu trên. Ví dụ, một ông giám đốc có nhiều mối quan hệ trong xã hội sẽ có nhiều đối tác chiến lược, có các nhân viên hỗ trợ để phát triển công ty, có vợ con phía sau để vun vén gia đình, lo bữa ăn giấc ngủ, có bạn bè thân thiết nơi chia sẻ những lo lắng, vui buồn. Rõ ràng, bên cạnh nguồn lợi, thu nhập từ công việc chính của mình, tương tác xã hội mang đến nhiều lợi ích thiết thực khác. Nhắc đến những ý niệm này để muốn khẳng định rằng nhu cầu tương tác xã hội (mở ngoặc ra là hai chiều) là nhu cầu tất yếu của mỗi người chúng ta, kể cả người bình thường hay nổi tiếng, trên con đường tìm đến cái đích là hạnh phúc. 

BÀN VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG 

Quay lại, người nổi tiếng (dù là bất kỳ ở ngành nghề nào) sẽ có số lượng và chất lượng tương tác xã hội cao hơn gấp nhiều lần so với một người bình thường trong xã hội. Các tương tác này vừa mang đến các lợi ích thông thường như ở trên, vừa mang lại hai nguồn lợi lớn hơn so với số đông còn lại. 
Thứ nhất, là cảm giác tưởng thưởng (reward) từ sự công nhận của xã hội (social approval), được hàng triệu giới trẻ tôn sùng là thần tượng, các hành động hay lời nói đều được người hâm mộ ủng hộ, hưởng ứng, được các nhãn hàng, bầu show săn đón, v.v... Theo Burnett, "social approval" có tác động đến nhiều mức độ nhận thức, có tầm quan trọng đối với sức mạnh của não bộ và góp phần tạo nên cảm giác hạnh phúc. [2] Đơn cử, dù chỉ là một người bình thường, bạn có vui không khi được một đài truyền hình phỏng vấn, quay hình và đăng tải trên các phương tiện truyền thông, rồi được bạn bè, hàng xóm bàn tán, khen ngợi?
Thứ hai, là nguồn lợi về tài chính. Sử dụng danh tiếng để tạo niềm tin cho mọi người, tận dụng tình cảm của người hâm mộ để thu lợi nhuận. Cụ thể như việc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ra kinh doanh nhà hàng, quán cà phê hay nghệ sĩ kiếm thêm thu nhập từ việc bán hàng online. Dù rằng họ cũng phải bỏ công sức, tiền bạc đầu tư nhưng rõ ràng, nếu đó là một người bình thường, việc kinh doanh không thể nào thuận lợi như vậy. (Theo thông tin từ một video phỏng vấn người trong cuộc có thể tham khảo tại đây). Chưa kể, bên cạnh việc diễn xuất, ca hát, những nghệ sĩ nổi tiếng còn là gương mặt đại diện của nhiều thương hiệu với giá trị các bản hợp đồng mà nhiều người mơ ước. 
Dĩ nhiên, như tôi đề cập ở trên, tất cả tương tác xã hội đều có lợi ích hai chiều. Không thể phủ nhận khán giá hay cộng đồng nói chung cũng hưởng lợi từ các hoạt động nghệ thuật của người nổi tiếng. Tôi trả tiền cho các loại hình giải trí để tận hưởng những phút giây thư giãn cùng người thân, bạn bè. Người nghệ sĩ cống hiến lời ca, vai diễn để nhận được thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Đó là một sự trau đổi công bằng ở mức tương đối chấp nhận được. Tuy nhiên, ở đây, người hâm mộ không dừng lại ở việc mua vé trả tiền; họ còn có nhiều hoạt động và tình cảm dành cho thần tượng của mình hơn mà nhờ đó người nổi tiếng lại được các lợi nhuận như tôi đề cập ở trên. Có thể bạn cho rằng đó là sự lựa chọn của mỗi người hâm mộ cũng như họ tự do trao gửi tình cảm chứ không phải do người nổi tiếng yêu cầu hay ép buộc. Nhưng ô hay, đó vốn là quy luật của cuộc sống, có cung ắt có cầu. Thử hỏi những ai muốn nổi tiếng, có mong muốn được người người chào đón, thể hiện tình cảm cuồng nhiệt vậy không, hay chỉ muốn hoàn thành 2 suất diễn mỗi tối, nhận 10 triệu đồng tiền cát-sê rồi về trong im lặng, không một ai quan tâm sau bức màn sân khấu?
Vậy nên, nếu công bằng mà nói, anh được hưởng nhiều nguồn lợi thì đương nhiên trách nhiệm của anh cũng phải nặng nề hơn người khác. Ngoài trách nhiệm của một công dân bình thường như đóng thuế, tuân thủ đúng pháp luật, cư xử phù hợp văn hóa, người nổi tiếng còn có trách nhiệm ở việc phải tạo dựng hình ảnh để lan tỏa các giá trị tốt đẹp cho toàn xã hội hay ít nhất là với cộng đồng người hâm mộ và phải chịu áp lực nặng nề hơn khi vướng phải các sự cố, sai lầm dù vô tình hay cố ý (tùy theo tình huống mà sẽ có sự thông cảm từ dư luận). Do đó, ở khía cạnh này, tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng người nổi tiếng chỉ chịu trách nhiệm với những người có liên hệ trực tiếp với họ. Cụ thể như trong trường hợp của chàng cầu thủ QH là bạn gái của anh, mà bỏ qua biết bao người hâm mộ, trong đó có nhiều phụ huynh dành tình yêu cuồng nhiệt cho bóng đá, nhiều phụ nữ dành sự ngưỡng mộ cho tài năng trẻ. Nếu không có những fan hâm mộ đó, liệu rằng lương cầu thủ có đủ cho bạn lo lắng cho gia đình cũng như quãng đời còn lại sau này? Nên nhớ rằng, tiền thưởng của nhà nước hay chính phủ thì cũng là từ nguồn thuế của dân!
Dĩ nhiên, bất kỳ ai cũng có những nhu cầu, sở thích cá nhân, miễn là những điều đó không ảnh hưởng xấu đến ai thì cũng cần được tôn trọng. Hoặc ít nhất là không để những việc làm xấu của mình làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Người nổi tiếng phải ý thức bảo vệ các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin tiêu cực! Bạn có thể nghĩ rằng như vậy là khuyên người nổi tiếng phải sống hai mặt, lúc nào cũng phải "diễn", không được sống thật, hay thể hiện cá tính của mình. Sai! Tôi nói rằng bạn có quyền sống theo ý mình, hay thậm chí tự làm hại bản thân bằng lối sống tiêu cực nhưng chí ít đừng để các thông tin đó lan truyền ra cộng đồng. Lý do là vì bạn đang là người nổi tiếng, những việc làm của bạn có ảnh hưởng đến nhiều người, trong đó có những đối tượng chưa đủ nhận thức. Do đó, bạn đã gián tiếp làm hại đến người khác, không phải một người mà là hàng trăm, hàng ngàn. Thế nên, khi có vấn đề xảy ra đối với người nổi tiếng thì xã hội không thể nào đối xử như một người bình thường. Tôi cho rằng các ý kiến chê trách vì hành vi không đúng pháp luật, văn hóa trong chừng mực cho phép (thế nào là chừng mực xin xem tiếp đoạn kết) hay đồng cảm về sự cố ngoài ý muốn của xã hội đều cần được tôn trọng. Tất cả những ý kiến đó cũng chính là áp lực, hình phạt tinh thần đối với người nổi tiếng. Nếu chịu được áp lực (như trường hợp ca sĩ Hoàng Thùy Linh) và thay đổi theo chiều hướng tốt (để làm gương cho xã hội) thì anh lại được tôn trọng, ghi nhận các đóng góp sau này. Nhưng hãy nhớ rằng sự ghi nhận này không đồng nghĩa với việc xã hội đã bỏ qua lỗi lầm của anh, mà là chúng tôi chấp nhận sự hướng thiện đó. Đây cũng là bài học để răn đe cho giới trẻ, cho các thành phần khác của cộng đồng.
Có người sẽ phản đối với luận điểm rằng người nổi tiếng không nhất thiết cứ phải là hình mẫu đẹp, làm điều tốt, như chuyện cô người mẫu Ngọc Trinh với những phát ngôn gây sốc, "hiện tượng ca sĩ" Lệ Rơi, hay nhiều nghệ sĩ sử dụng chiêu thức scandal để nổi tiếng, nhiều youtuber tìm cách thể hiện sự khác biệt (dù không hay ho gì) như chửi rủa thiên hạ v.v... Vậy thì xin đưa ra mấy điểm sau đây. (1) Cần phân biệt đâu là "nổi tiếng" đâu là "tai tiếng". Cả hai đều được biết nhưng tai tiếng là nhằm mục đích phê phán để xã hội tốt đẹp hơn. Tục ngữ có câu "Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn xa" là vậy! Từ trước đến nay, xã hội đều đề cao và hướng đến cái đích của "chân, thiện, mỹ". Bất kể ai cũng mong muốn được biết đến nhờ tài năng, sắc đẹp, nỗ lực của bản thân. Còn nếu bạn chọn con đường "tai tiếng" thì cũng đừng trách sao thiên hạ rêu rao, xa lánh. (2) Rồi xã hội là ai? Ý kiến số đông không hẳn lúc nào cũng đúng, thành phần nào của xã hội tung hô thì còn phải đánh giá lại. Xem lại các đài truyền hình hay chương trình uy tín có mời những đối tượng đó để tôn vinh tài năng không, hay có giải thưởng lớn nào được trao tặng cho họ hay không? Mặt khác, xã hội sẽ có chọn lọc theo thời gian, những thứ không phải là giá trị thì sẽ không thể đứng vững dù rằng có thể có những lợi ích nhất thời. Người ta gọi là "hiện tượng" vì nhanh chóng thu hút sự chú ý chứ chưa hẳn là hay, cái hay thì sẽ có thời gian tồn tại lâu dài, nhiều cái đi vào lịch sử, trở thành huyền thoại, cái không hay thì có lẽ chỉ có bạn "độc thoại" thôi!

LỜI KẾT

Xin tóm lại mấy ý từ hai phía như sau:

Đối với người nổi tiếng

Có những quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác của xã hội. Trước hết, hãy tuân thủ đúng pháp luật của nước sở tại và ứng xử phù hợp với môi trường, văn hóa, phong tục tập quán ở từng địa phương.
Trong trường hợp xảy ra sự cố dù là do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan hãy thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua thái độ, hành vi cho thấy rõ đâu là khuyết điểm và hướng khắc phục, cũng như các hành động thực tế sau đó để lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nhất là dành cho người hâm mộ và giới trẻ.

Đối với xã hội, cộng đồng, nhất là fan cuồng

Mọi người đều có quyền nói ra ý kiến cá nhân về mọi vấn đề, nhưng hãy tuân thủ quy định pháp luật về "Tự do ngôn luận", đồng thời ghi nhớ 3 nguyên tắc căn bản đã đề cập trong bài viết "Định kiến xã hội về giới: Sự nhầm lẫn đưa đến nhiều bi kịch" đó là "Không tự hại mình, không xâm hại người, không gây hại cho môi trường xung quanh!". Nghĩa là bạn có quyền thể hiện thái độ phê phán với các hành vi sai trái của người nổi tiếng, nhưng hãy cân nhắc khi phát ngôn để không xâm hại đến đối tượng (đôi khi sự im lặng, quay lưng còn đau đớn và có tính răn đe cho họ hơn), cũng như không phát ra các thông điệp tiêu cực, lời lẽ thô tục vào cộng đồng, mạng xã hội (trong đó, có con em của chúng ta). Có vậy, xã hội mới ngày một tốt đẹp hơn được!

Nguồn tham khảo 

1. Maslow's Hierarchy of Needs, By Saul McLeod, updated March 20, 2020
2. The Happy Brain - The Science of Where Happiness Comes from and Why, Dean Burnett, Guardian Faber Publisher, 2018.