Cuốn sách yêu thích của tôi!
Đêm nay lại là một đêm mà tôi khó ngủ. 2 rưỡi sáng rồi mắt thì mỏi mà đầu cứ có nhiều suy nghĩ vẩn vơ nên chẳng thể vào giấc được....
Đêm nay lại là một đêm mà tôi khó ngủ. 2 rưỡi sáng rồi mắt thì mỏi mà đầu cứ có nhiều suy nghĩ vẩn vơ nên chẳng thể vào giấc được. Và một trong những ý nghĩ vẩn vơ đó đã thôi thúc tôi viết về cuốn sách mà tôi yêu thích nhất. Lâu rồi tôi chưa đọc lại nó, một tác phẩm nổi tiếng của tác giả N. A. Ostrovsky với trích dẫn: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...". Chắc hẳn một số bạn khi đọc đến đây có thể đoán được 90% tác phẩm mà tôi muốn chia sẻ trong bài viết này là "Thép đã tôi thế đấy".
Đúng vậy, đó chính là cuốn sách mà tôi muốn nói tới ở đây. Được coi là tác phẩm nổi tiếng nhất của tác giả Ostrovsky, đây là câu chuyện về nhân vật chính Paven Korgachin và cũng chính là câu chuyện của cuộc đời sôi nổi, nhiệt huyết, dâng hiến nhưng cũng không kém phần đau khổ và bất hạnh của tác giả. Tác phẩm xoay quanh nhân vật Paven từ lúc là một cậu thiếu niên cho tới khi trở thành một người đàn ông thực thụ, với tình cảm gia đình, tình yêu, tình đồng chí, lí tưởng cách mạng của người thanh niên Liên Xô trong thời kì nhà nước Xô Viết non trẻ mới thành lập phải đối mặt với vô vàn thách thức và cả khi nhân vật phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Tất cả được kết hợp, đan xen một cách hài hòa, cuốn hút dưới ngòi bút tài tình của tác giả đã tạo nên một hình tượng Paven anh hùng của bao thế hệ thanh niên trên thế giới và một tuyệt tác bất hủ trong kho tàng văn học nhân loại.
Để nói về giá trị của "Thép đã tôi thế đấy", thì đây là một trong những cuốn sách gối đầu của thế hệ thanh niên Việt Nam "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai" và chắc chắn cho đến ngày nay cũng như mãi sau này, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị tinh thần của nó dù hoàn cảnh thực tại có thay đổi thế nào đi chăng nữa.
Cá nhân tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách này khoảng 4, 5 lần gì đó từ khi tôi mua nó ở cửa hàng sách vào năm lớp 11. Lần đầu đọc hết cuốn sách, trong tôi cảm nhận được có một ngọn lửa đang cháy hừng hực và tôi đã nghĩ mình phải làm một điều gì đó thật lớn lao, thật cao cả vì quê hương, vì đất nước, gia đình và bạn bè. Nhưng thực sự sau đó thì gần như tôi đã chẳng làm gì cả, hàng ngày, hàng tháng và một năm trôi qua thì ngọn lửa ấy cũng dần nguội đi. Lúc đó tôi đã có suy nghĩ gì nhỉ, giờ tôi cũng chẳng thể nhớ rõ được nữa. Nhưng điều luôn đọng lại trong tôi là lí tưởng mà tôi thấy rất đáng để học hỏi từ người anh hùng Paven. Cậu ta, người thanh niên với ngọn lửa sục sôi đã chấp nhận dấn thân, đánh đổi những ham muốn, ích kỷ của bản thân, thậm chí là cả mối tình đầu với nàng Tônhia xinh đẹp để trao trọn cuộc đời mình cho lí tưởng cách mạng cao đẹp. Pavel đã nói với nàng Tônhia: "Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng". Ngay cả khi phải gắn phần đời còn lại với giường bệnh, xe lăn và một cơ thể bại liệt, Paven vẫn không đầu hàng số phận. Người anh hùng đã từng cầm súng, cưỡi ngựa chiến đấu với quân thù thì nay dù trong hoàn cảnh hiểm nghèo chấp nhận lấy ngòi bút, con chữ làm vũ khí, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng chứ nhất quyết không đầu hàng, cho dù kẻ thù đó mang tên - "số phận". Thực sự tôi đã bị cuốn hút theo lí tưởng mãnh liệt ấy và trong đầu luôn suy nghĩ tới một sự dấn thân lớn lao.
Cho đến một ngày, tôi đem cuốn sách ra bàn luận với một cô bạn của tôi. Sau cuộc trao đổi ấy, tôi nhận ra một điều rằng người thanh niên trong thời đại bây giờ có lẽ không cần đến những sự hi sinh to lớn như vậy. Bởi vì sao ư? Vì đơn giản ở đất nước ta, thời kỳ mà ta đang sống bây giờ đã không còn sự khốc liệt của bom đạn, chiến tranh, là bởi điều kiện vật chất, con người không yêu cầu ta phải đánh đổi nhiều thứ như vậy nữa. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là người thanh niên bây giờ không cần phấn đấu, không cần hi sinh. Trong thời kì hội nhập nhanh chóng như hiện nay, nếu thanh niên, thế hệ sẽ lãnh đạo đất nước trong tương lai gần không phát triển, không hun đúc, trui rèn ý chí thì đất nước sẽ đi về đâu? Hãy nghĩ tới một câu hát trong bài hát "Một đời người một rừng cây" của ca sĩ Quang Dũng, "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng...gian khổ biết giành phần ai". Đúng vậy, nếu ai cũng muốn thảnh thơi thì ai sẽ là người gánh vác phần khó khăn, gian khổ?
Trong mỗi chúng ta, đều có một ngọn lửa đang cháy, hãy đi theo ngọn lửa từ trái tim mình. Ngọi lửa ấy là ngọn lửa được hun đúc bởi lí tưởng, bởi đam mê, bởi nhiệt huyết của tuổi trẻ, bởi ý chí, v.v... Có thể hiện tại bây giờ, đó mới chỉ là một đốm lửa nhỏ trong bạn, nhưng nếu bạn sống có mục đích, lí tưởng cụ thể thì đốm lửa nhỏ ấy sẽ được tiếp thêm một nguồn sức mạnh vô tận để trở thành một ngọn lửa cháy rực. Rõ ràng, dù đường đi có khó khăn, ngọn núi có cao lớn đến đâu thì với một ngọn lửa rực cháy thì dù có tốn bao nhiêu lâu, bạn cũng sẽ đi được tới đích. Tôi nghĩ, đó chính là lời khuyên giá trị mà cuốn trách đem lại đối với người thanh niên trong thời đại ngày nay.
Cuối cùng, tôi muốn khuyên các bạn hãy đọc "Thép đã tôi thế đấy" ít nhất một lần, đặc biệt là những bạn trẻ đang loay hoay trong vô định. Hãy đọc, cảm nhận và suy ngẫm để biết mình là ai, mình đang ở đâu và mình cần phải làm gì, đọc để tiếp thêm động lực vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống có muôn vàn sự trắc trở này.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất