CUỐI NĂM TỰ THƯỞNG GÌ?

Chúng mình vất vả làm việc cả năm nên cuối năm ai cũng muốn tự thưởng bản thân một điều gì đó. Có người là một chuyến đi, có người là vài buổi nghỉ dưỡng làm đẹp, có người là sắm sang quần áo, có người mua xe, mua nhà,… Mình nói chuyện với bạn bè, đứa nào đủ điều kiện thì thưởng từ bây giờ. Đứa nào chưa đủ thì cày cuốc để trước Tết âm kịp làm điều đó. Mình thấy cũng vui. Điều này vun vén thói quen tự ghi nhận những nỗ lực của chính mình.
Nhưng cuối năm, nếu ai vẫn chưa đủ điều kiện thưởng bản thân một món quà lớn, chúng mình vẫn có thể tự thưởng bản thân theo nhiều cách đơn giản. Cô Ashley - tác giả cuốn 30 days Money Detox có tận 100 thú vui 0 đồng cho độc giả tham khảo. Lâu lâu, mình vẫn lôi checklist đó của cô ra chọn lấy một phần thưởng cho bản thân. Dọ này mình đang tập thưởng những điều sau:
- Thưởng cho đôi mắt khô căng và mỏi mệt thêm vài phút nghỉ ngơi.
- Thưởng cho đôi vai căng nhức vài giây buông mềm và thả lỏng
- Thưởng cho bàn chân sưng phồng vài chục phút xoa bóp chăm sóc
- Thưởng cho dạ dày nặng nề vài ngày ăn uống nhẹ nhàng, dễ tiêu
- Thưởng cho cột sống đau mỏi vài giờ thư giãn sâu
- Thưởng cho tâm trí vài giờ thiền định thanh lọc
- Thưởng cho cơ thể đang xáo trộn bộn bề vài tiếng điều hoà trở về với hơi thở tự nhiên
- Thưởng cho chính mình thời gian chất lượng nạp năng lượng từ thiên nhiên, từ người mình yêu quý, từ những sở thích càng làm càng vui vẻ - khoẻ khoắn, từ những khoảnh khắc hoàn toàn không làm gì.
Bạn có thể thực hành bài xả - nạp, buông thư, giảm đau nhức, tập vài bài giãn cơ đơn giản, hạn chế suy nghĩ bằng việc hướng sự chú tâm đến một việc đơn giản duy nhất, viết lách, tâm sự sâu và nói lời yêu thương với những người quan trọng,… Mình có thu một vài bài dẫn thiền đơn giản, bạn có thể tham khảo tại đây (kéo tới các video đánh dấu dẫn thiền).
Tự thưởng luôn là điều cần có, nhưng không cần phải diễn ra theo 1 cách duy nhất. Có người bảo: Vất vả gì lắm đâu mà tự thưởng hoài. Mình lại nghĩ, để sống, để thở, để tư duy, để xúc cảm,… cần biết bao nỗ lực của từng tế bào bên trong và biết bao nguồn lực ta xem là hiển nhiên bên ngoài. Tự thưởng bản thân, chính tự thưởng cho tất cả những nỗ lực đó. Điều kiện mình đến đâu, tự thưởng đến đó. Vậy cũng tốt rồi.

BIẾT ƠN KHI KHÔNG THẤY BIẾT ƠN?

Nhìn lại năm cũ, tất nhiên có rất nhiều điều đáng để nói biết ơn. Mình chưa thấy bài tổng kết năm của ai thiếu mục này. Biết ơn là còn là từ khóa hot mấy năm gần đây nữa. Chẳng cần đến cuối năm, chúng mình cũng có thể thực hành biết ơn mỗi ngày. Dù vậy, có một đợt mình thấy khó chịu lấn cấn khi nghe mn nói “biết ơn” tràn lan.
Mình không phán xét hay ghét bỏ gì hai từ đó, thậm chí mình còn vui điêng lên khi biết những việc mình làm được ủng hộ. Có những bài mình viết trên spiderum đã được 1-2 năm, lâu lâu vẫn chạm tới bạn đọc mới. Các bạn nhắn tin cảm ơn, thậm chí là donate cho mình. Mình luôn bảo bạn bè rằng: sướng nhất là đọc tin nhắn hoặc check số dư rồi biết rằng mình có ích với ai đó.
Nhưng cảm giác lấn cấn của mình vẫn là sự phóng chiếu một nỗi ngờ vực sâu bên trong: họ nói biết ơn nhưng có thật sự biết ơn không nhỉ? Bởi, bản thân mình có cả đống lần thấy trống rỗng trước một việc lẽ ra phải thấy biết ơn. Mình cũng nhiều lần thấy có người đem hai tiếng “biết ơn” làm công cụ cho mục đích riêng, kể cả khi họ không thấy vậy.
Mình thấy, có người nói biết ơn vì thấy ai cũng làm vậy. Có người nói biết ơn vì sợ không nói sẽ có "Vũ trụ" nào đó lấy mất thứ họ đang có. Có người nói biết ơn vì lòng tham muốn nổi lên. Có người ra rả biết ơn đủ thứ nhưng ngó lơ người đã từng giúp đỡ, cưu mang mình. Có người rao giảng về lòng biết ơn nhưng hở ra là phủ nhận công sức của đội ngũ, của xã hội,… đối với thành công của họ.
Biết ơn không phải nhận biết ơn huệ gì. Nó đơn giản là trân trọng sự hiện diện của một con người, một tình huống, một đồ vật,… đã khiến cuộc sống của mình dễ dàng, thú vị, ý nghĩa hay tốt đẹp hơn. Không phải lúc nào nói biết ơn cũng mới là biết ơn. Biết ơn là một thực hành tốt nhưng không phải nghi thức. Không có ai ngồi trên cao đếm số lần mình nói biết ơn để tích điểm ban phước. Biết ơn xuất phát từ sự trân trọng bên trong, sự ghi nhận bên trong rồi mới lan toả ra bên ngoài. Biết ơn là để tim mình nhẹ nhõm, là để nhắc bản thân trân trọng, không phải để khoác lên mình cái vỏ bọc tỉnh thức, điềm đạm, giác ngộ, từ bi.
Trước khi thể hiện ra để ai đó nhìn thấy, nghe thấy, mình phải cảm nhận thật rõ: viết ra cũng được, tự nhủ trong đầu hay tự nói với bản thân cũng được. Những lúc chưa thấy biết ơn, chưa muốn nhận ơn cũng chẳng sao. Đơn giản là cứ ghi xuống những điều bạn đang có ở hiện tại đã. Nhiều thứ lúc có thấy nó hiển nhiên lắm (ví dụ như cái răng số 7 mình vừa mới phải nhổ). Lúc có nó thấy cũng bình thường, sâu cũng kệ mãi mới đi khám. Sâu quá rồi phải nhổ, phải trồng mới thấy may mắn khi có nó đồng hành mấy chục năm. Cứ nhìn thật rõ “tài sản” của bạn và thử hình dung cuộc sống của bạn nếu thiếu nó sẽ khó khăn ra sao. Rồi nếu cảm thấy biết ơn hẵng biết ơn. Còn nếu không, chẳng cần ơn huệ gì, chỉ cần thừa nhận là thật may mắn khi có điều đó trong đời. Vậy thôi.

MANIFEST (THU HÚT) ĐIỀU MÌNH MUỐN?

Mình nghĩ Luật hấp dẫn (law of attraction) hay thu hút (manifest) chẳng còn là từ khoá lạ lẫm gì. Chúng có thể phổ biến hơn trong những năm gần đây nhưng kỳ thực đã tồn tại rất lâu trước đó. Mỗi năm hay thậm chí là mỗi tháng, chúng ta thường đặt mục tiêu mới và gieo ước nguyện, cầu chúc cho mục tiêu đó thành hiện thực. Gần đây, thay vì nghĩ trong lòng, đi chùa/ nhà thờ cầu nguyện như bố mẹ ngày xưa, chúng ta làm bảng tầm nhìn (vision board), viết xuống viễn cảnh tương lai và cả những nghi thức (spell ritual) học trên mạng. Nhưng mà… để biến mục tiêu thành hành động, điều ước thành sự thật hay giữ niềm tin tích cực suốt một thời gian dài, chúng ta có lẽ cần hiểu rõ hơn: Thực sự thì điều gì đang ngăn cản mình?
Chúng ta luôn có những niềm tin cốt lõi về bản thân. Một trong số những niềm tin đó là niềm tin giới hạn. Ai cũng cần, cũng muốn thứ gì đó nhưng hẳn ai cũng từng có suy nghĩ: mình không xứng, mình không thể. Khi đó, bạn hoài nghi bản thân, hoài nghi cả điều bạn hướng tới. Thật sự thì chúng ta luôn nhìn bản thân đồng nhất với những danh tính đã được xây dựng ở những tình huống, thời điểm khác nhau. Rất khó để bạn tách rời bản thân với những thiên kiến được bồi đắp từ quá khứ, từ gia đình, từ xã hội. Cái gì không khớp với hệ thống nhận thức đó sẽ khiến bạn khựng lại. Tin tốt là hệ thống nhận thức khó thay đổi nhưng hoàn toàn có thể thay đổi. Thử nhớ lại những lần trong đời bạn cố gắng vượt qua sợ hãi, hoảng loạn, chán nản,… sẽ thấy. Chỉ cần nhiều lần tiếp xúc thành công với những tình huống gây hoảng sợ, nỗi sợ dần biến mất. Ngược lại, chỉ tập trung vào những bằng chứng củng cố nỗi sợ, nỗi sợ càng lớn. Mình đã từng viết về điều này và có thu podcast về nó. Gần đây được học và thực hành những kỹ thuật làm việc với các chứng rối loạn lo âu, mình càng hiểu rõ hơn.
Nếu bạn đang cố theo đuổi một điều gì đó không khớp với nhận thức đang có. Từ sâu bên trong, bạn gieo ước nguyện lẫn những nỗi sợ. Hãy cứ làm việc với nỗi sợ trước đã. Nỗi sợ là hàng rào ngăn bạn đến điều mong muốn nhưng cũng là vách ngăn bảo vệ bạn. Phá bỏ giới hạn, cần hiểu rõ giới hạn. Có những hàng rào, không cần phá bỏ, chỉ cần dùng chúng theo cách khác.
Chủ Nhật này, mình và Quỳnh Anh (Mystic Cat Lady) có tổ chức một buổi gặp gỡ, trò chuyện thân mật, chia sẻ vài điều được - mất trong năm và mục tiêu 2024. Năm ngoái, chúng mình cũng làm một sự kiện tương tự, mục đích là tạo ra không gian an toàn, thoải mái để tâm sự, khích lệ nhau cùng bước sang năm mới với nhiều hy vọng, sự ấm áp, nội lực mạnh mẽ và năng lượng tích cực. Chúng mình gọi sự kiện là New Year Blessing. Nếu bạn ở Hà Nội, có thể ghé qua chơi với chị em mình.
See ya <3