-----------------------
Bố nó chết chưa lâu, thì tin vui lại ập đến. Vui với hàng xóm, chứ nhà nó thì không. Mẹ nó có bầu, đến nay đã được hai tháng.
Mẹ nó cũng thấy lạ, tính đi khám thì gặp chuyện bố nó, thành ra giờ mới biết được. “Thằng chồng khốn nạn, chết rồi còn để lại cục nợ”. Mẹ nó nghĩ vậy, chứ bà nó thì hớn hở, mong lại được thêm thằng cháu. Bà nó không phải người mang, nên nào có khổ tâm làm gì.
Nhưng bà nó mừng hụt. Con gái. Nghe kết quả ngày đi siêu âm mà bà như thể rơi xuống đất từ chín tầng mây. Mà con gái thì thôi hiểu rồi. Mẹ nó hiểu rồi. Bà nó hiểu rồi. Mẹ nó gắng hỏi bác sĩ hết vài lần nữa, đến nỗi bị chửi cho vào mặt, chửi sang cả bà nó. Hình ảnh con vợ trước hiện lên trong đầu mẹ nó. Bụng thì phình to, nhưng làm thì quần quật. Bình thường đã đủ quần quật rồi, giờ lại thêm cái bụng bầu. Bố nó chết rồi, nhưng nhà thì chẳng dư dả đồng nào, kiểu gì đẻ con ra chẳng phải nằm viện dài ngày? Viện phí cũng dư sức lấp được cái mồm đấy, lại còn thêm cái mồm khác thế chỗ sau đó. Bà nó thì chẳng làm gì được, già yếu rồi. Không tiếp tục quần quật, chỉ có mà cạp đất. Mà giờ bố nó chết rồi, con mình đến tuổi là hưởng, bả cũng gần tắt đến nơi, bán uổng lắm.
Thế là đúng như mẹ nó nói, làm quần quật. Bụng thì cứ phình lên từng ngày. Được cái không còn bị con ma rượu bạo hành. Cơ mà không hiểu sao, cái vỏ dừa lúc này lại càm ràm gấp đôi bình thường. Càm ràm, rồi cằn nhằn, phàn nàn. Ăn cũng càm ràm, chẳng khác gì lúc trước, thậm chí còn nặng hơn. Chủ yếu vì nấu không vừa miệng. Người nam khác người bắc, trước nấu không vừa miệng đã chửi, giờ muốn thằng cháu giống mình nên càng chửi nặng hơn, vì nó đang tuổi ăn tuổi lớn. Rồi thì càm ràm vì bị đòi cho nó ngủ sớm. Bố nó chết rồi, phải đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn bố nó. Giờ bố nó không còn, tha hồ cãi. Nhưng không được, dù gân hết cả cổ lên. Lần này thì rõ là không được. Ngược lại còn bị chửi cho thối cả mặt, rồi lại càm ràm, càm ràm suốt. Sao lại có người càm ràm dai thế không biết ?
Thật ra có ai càm ràm mãi bao giờ? Đã mang ác cảm, dù là những chuyện nhỏ nhặt cũng là cái cớ để chửi. Huống hồ đó là định kiến. Chừng nào định kiến còn đó, bà sẽ còn phàn nàn, bà sẽ còn chửi, bà sẽ còn càm ràm. Phải. Không bao giờ.
*
Rồi thì chín tháng mười ngày, dài như cả thế kỉ. Người ta mong cho con mình sớm ra đời, mẹ nó mong cho sớm vứt được cục nợ. Lỗi ở mẹ nó chăng? Một phần. Tại sao lại dài như cả thế kỉ? Người bình thường làm quần quật suốt ngày, thấy ngày nó trôi qua nhanh lắm, quen rồi thì còn nhanh nữa. Cứ tập trung làm cho xong việc, kiểu gì cũng hết ngày. Nhưng mẹ nó làm quái gì tập trung nổi? Vì cái bụng nó cứ phình lên mỗi ngày, mỗi ngày một nặng thêm. Giá mà nó cứ đều đều, thì người ta còn quên đi được. Nhưng không. Mỗi ngày một nặng thêm, không chú ý không được, mà chú ý thì ngày nó dài.
Cái bụng phình lên, tỉ lệ thuận với những lời càm ràm, vì càng ngày càng làm được ít việc hơn, phải đẩy cho bà làm. Lẽ ra khi thấy cực, người ta phải thông cảm cho nhau mới phải, nhưng ác cảm vẫn còn đó, nó chỉ khiến con người ta bực, nó chỉ làm con người ta nghĩ ngay đến việc trút giận hơn là cảm thông. Mà bực lên thì phải chửi, đã khó chịu, càm ràm nó mới sướng miệng. Mới có đùn việc đã như thế, cái bụng to lên mỗi ngày, con đàn bà, thứ của nợ sắp ra đời, bà càng càm ràm nặng hơn.
Nội chú ý đến cái bụng, ngày nó đã dài ra khủng khiếp, bị tra tấn bằng những lời phàn nàn, tưởng chừng dài đến vô tận cũng được ấy.
Tuy nhiên, cái gì đến nó sẽ đến. Mẹ nó nhập viện, sinh con. Cơ mà thời gian mang bầu đã hết, nhưng những lời càm ràm vẫn còn, lại càng nặng thêm. Khốn nạn thật, nó nặng thêm. Dễ hiểu mà. Đùn có tí việc đã càm ràm, giờ làm hết, nó chuyển thành chửi. Cơ mà bà có quyền gì để chửi? Ruộng có bán miếng nào đâu? Tiền mẹ nó làm quần quật suốt mấy tháng đủ nuôi cả cái nhà này đến khi xuất viện ấy chứ. Bớt một cái mồm ăn rõ to nó thế. Đã không làm được gì nhiều thì thôi, lấy quyền đâu mà phàn nàn? Nhưng quen thói rồi, không càm ràm không được, kể cả vô lí. Vụ này thì mẹ nó biết rõ vô lí, nhưng cũng chẳng dám chống, dù thằng chồng chẳng còn. Bởi cái dây cột trâu vẫn còn đó. Mỗi lần cãi bà nó, bố nó lại tát cho vêu mồm ra, riết rồi mẹ nó chẳng quen cãi nữa.
Vậy là mẹ nó cứ thế chịu. Càm ràm, chửi rủa, con quấy khóc, cho bú, mất ngủ, cùng bao nhiêu thứ mà người phụ nữ mới sinh con nào cũng phải chịu. Cơ mà có gì đó không đúng.
Mẹ nó chẳng giận, mẹ nó chẳng buồn. Cũng chẳng vui chẳng mừng gì chuyện vui. Nhưng ai hỏi cũng trả lời, chọc cười thì cũng cười nhẹ như thường. Cũng chẳng giận, chẳng buồn với ai. Riêng cái này thì thật ra là do buồn cười thay, con người ta thường không mang chuyện buồn đến nói chuyện với nhau. Dù thực tế có những chuyện chẳng hề đáng buồn, chỉ gây nên sự lo lắng, nhưng là lo lắng chính đáng. Ví dụ như thêm một đứa nữa thì vất vả, cố mà nuôi cho tốt. Hay sắp tới phải chăm sóc đứa này, ráng giữ sức, đừng có ham làm quá chẳng hạn. Nhưng không. Họ chỉ đến nói những câu vô vị, ai cũng nói được.
Ngồi một chỗ thế này buồn nhề.
Con này mặt y hệt bà nó !
Sinh đứa thứ hai thì bụng nó phệ ra đấy, sắp thành bà già rồi.
Bởi một lẽ họ chẳng thân thiết gì. Một quy luật rất dễ hiểu mà đầy người vẫn không hiểu. Chỉ những người thật sự quan tâm nhau mới nói với nhau những câu chuyện buồn, những chuyện mà họ thường phải tự giải quyết, gặm nhấm một mình. Người càng xa cách, họ mới phải nỗ lực giữ mối quan hệ, bằng toàn những câu chuyện vui, những chuyện vô hại, và chẳng hề đào sâu vào góc khuất tâm hồn nhau. Chỉ khi gần gũi, họ mới biết con người nhau, hoàn cảnh của nhau, tin tưởng nhau, và trao đổi với nhau những câu chuyện buồn. Mẹ nó chẳng thân ai, nên người ta mới đến rồi nói toàn những thứ ấy. Tối ngày chỉ rúc trong bếp với đi làm nên nó thế.
Nếu có ai nói chuyện buồn, chỉ có mỗi bà nó.
Cái này thực ra không phải buồn, mà là tức. Làm quái gì không tức cho được? Nhưng khác hồi đầu, vì không được cãi, nên chẳng muốn cãi, chẳng quen cãi nữa. Như đã nói ở trên, mẹ nó chả buồn, chả tức nữa.
Chính xác, là mẹ nó chẳng cảm thấy gì cả.
Sau khi sinh, trạng thái tâm lý con người ta thường là rối loạn, do những biến đổi về sinh lí, hormone trong cơ thể. Tâm lý họ lúc này rất hỗn độn, giống như đang nổi lềnh phềnh trên mặt nước vô định. Và tùy theo chất xúc tác, như một dòng hải lưu, họ sẽ đến một bờ nào đó.
Đấy có thể là bến bờ hạnh phúc. Vì con cái là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Chúng mang những giấc mơ, hoài bão mà họ chưa thực hiện được đến đích. (Bằng cách áp đặt). Chúng là một người gần gũi, để họ có thể chia sẻ. (Hoặc trút nỗi buồn). Hay tệ lắm thì cũng để thõa mãn những định kiến, để họ không còn bị càm ràm, để họ hãnh diện với những người chưa thõa mãn được cái định kiến phải có con ấy.
Tính ra chẳng vui lắm.
Hoặc cũng có thể là... bờ ao.
*
Mẹ nó nhìn mặt ao, cũng cái ao đấy, cũng cái ao trầm chết con vợ trước của bố nó. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào lại tới cùng cái ao này. Chắc là tư tưởng lớn gặp nhau, cùng ý định, cùng luôn ý tưởng. Hoặc là ý định xuất hiện, mẹ nó liên tưởng tới con vợ trước, và thế là tới cái ao này. Có điều lần này hơi khác. Thêm một ý định, thay đổi ý tưởng.
Mẹ nó nhìn con bé. Trẻ con lúc ngủ người ta nói nom thật dễ thương. Cái má phính, mắt nhắm như hờ, bàn tay nắm, cả cánh tay rúc vào người, cảm giác thật nhỏ nhắn, đã vậy còn bọc trong vải, nom như cái kén. Một hình dáng mà bằng bản năng, ai cũng muốn bảo vệ. Cũng không hẳn, vì mẹ nó thì không. Bởi thực ra trẻ sơ sinh đứa nào cũng như đứa nào, tùy người nhìn thì chúng nom sẽ khác nhau. Mẹ nó chẳng cảm thấy gì nữa, có lẽ là có một ít, nhưng chẳng thấm vào đâu, chẳng cứu vãn được với cái góc nhìn của mẹ nó. Vậy nên mẹ nó chỉ thấy, thật khó ưa. Mẹ nó không thấy tội, mẹ nó chỉ thấy thù.
Rồi mẹ nó ném con bé xuống ao, liệng thì đúng hơn, vì mẹ nó nhét đá vào cái vái bọc, để chắc chắn con bé sẽ chìm, cột chặt lại, túm trên túm dưới, rồi liệng xuống. Sức lực điền nom thật đáng sợ, con bé bay rõ xa, đến tận chỗ sâu mới rơi xuống, không khác gì người ta quăng cái lưới cá. Tủm! Đúng hơn là Tùm! Vì khá nặng. Bong bóng nổi òng ọc trên mặt ao, chẳng biết cái nào là của con bé, do sặc nước, cái nào là do khí trong tấm vải.
Mẹ nó cứ thế nhìn, nhìn như người chết lặng, nhìn đến khi bong bóng không còn nổi nữa. Mẹ nó nhớ đến những lúc thịt mèo, mấy con mèo bị bỏ vô bao, cho vào thùng nước rồi nhấn xuống, đến cả tiếng meo cũng chỉ nghe òng ọc, xen lẫn với tiếng cựa quậy vùng vẫy đạp nước, khi không còn nữa thì lấy ra thịt. Mặt con bé lúc này chắc cũng giống mấy con mèo, thực ra chẳng thể hiện cái nét gì, vì chẳng còn sức đâu mà căng cơ mặt. Và chỉ có thế thôi. Mẹ nó chỉ nghĩ vậy, mẹ nó chỉ nghĩ xem mặt con bé có giống mấy con mèo bị dìm nước không. Chỉ có thế, mẹ nó chẳng cảm thấy gì. Tội lỗi không, thương cảm cũng không. Chỉ người quý mạng sống mình, họ mới thấy tội lỗi, còn thương cảm, không áp dụng với đối tượng mà người ta ghét.
Mẹ nó chỉ đợi cho xong việc, rồi quay đi, nhặt lấy cái thòng lọng thắt như người ta thắt cái bẫy gà, cột đuôi thòng lọng vào cục đá, lựa cái cành bàng to nhất gần đó, ném qua. Lần một hụt, lần hai dính. Sau đó nhặt lấy đuôi thòng lọng, leo lên bám thân cây, chỉnh dây lại, rồi cột luôn đuôi thòng lọng vào thân dây, ngay trên nút thắt. Rồi mẹ nó tròng thòng lọng vào cổ, người bình thường có thể thấy lạnh, chứ mẹ nó thì bình thường, siết dây lại, cuối cùng là buông tay chân. Hành động dứt khoát như thể đang làm cho người khác chứ không phải chính mình vậy, bởi mệt mỏi từ việc liệng con bé cùng đống đá với bám lâu vào thân cây để cột dây làm mẹ nó khó mà suy nghĩ được.
Cứ thế, mẹ nó đung đưa. Sợi dây siết lại, ép chặt lấy khí quản. Cổ bị siết lại, một khối khí cũng không ra vào nổi. Vòng thòng lọng bị sức nặng của cả cơ thể kéo xuống, càng siết ngày một chặt hơn. Và giờ là máu, không lên não được. Ý thức mẹ nó mỗi lúc mỗi mờ nhạt, cũng như việc cựa quậy của mẹ nó. Mắt mẹ nó nổi đom đóm, khung cảnh phía trước cứ như tấm kính gặp sương. Tai thì ù, cổ thì đau, cả đầu chẳng khác nào quả bong bóng bị đổ nước liên tục, tưởng chừng sắp nổ đến nơi. Bọt mép sùi ra, mẹ nó cố cào lấy cổ, la hét, nhưng chỉ ra rên rỉ, có thấy tận mắt mới hiểu thế nào là chặn họng. Bấu vào sợi dây, như thể muốn gỡ ra, nhưng nếu dễ gỡ thế thì người ta đã chẳng bắt được gà.
Mẹ nó hối hận chăng? Không, mẹ nó không hối hận, vì hối hận không nổi nữa, chẳng sức đâu mà hối hận, bản năng sinh tồn hoàn toàn chiếm lấy ý thức mẹ nó. Giờ thì mẹ nó kêu cứu. Mẹ nó nghĩ quẫn nên thế, bản năng sinh tồn nổi lên là mẹ nó kêu cứu. Mẹ nó có chết vì lí tưởng đâu mà đến mười đầu ngón tay bị nhúng nhựa thông đốt lên nhưng kêu la cũng không làm như trong mấy truyện sử thi? Nể thật. Cơ mà ai nghe? Có ai dậy sớm hơn mẹ nó quái đâu? Mẹ nó có gào được quái đâu? Mẹ nó chỉ có thể dãy dụa, tay cào lấy cổ, sợi dây, lần mò, đủ một vòng từ dưới cằm ra sau gáy, lên cả nút buộc, chếch về bên trái chút.
Nhưng cái chết đến trước. Máu không lên được não, không nhận được tý oxi nào, nó làm ý thức mẹ nó chết dần. Đôi bàn tay bám vào nút thòng thọng, lần mò gỡ ra, rồi chậm dần, chậm dần đi, rồi buông xuôi. Ý thức mẹ nó đã chầu giời. Nhưng cơ thể thì chưa, tuy vẫn còn đung đưa như khúc gỗ, dù vậy cũng chết dần, từng phần, từng phần một. Rồi mẹ nó co giật, cả chân lẫn mặt, ngày một nhiều, ngày một liên tục, như người bị điện giật, như người ta bị động kinh, nhưng cũng lịm dần.
Cơ vòng ngừng hoạt động, nước tiểu cứ thế chảy ra, nhiễu xuống ngón chân cái, chảy tong tong lên đất. Cũng như khi người ta cắt cổ gà, cũng co giật, rồi lịm dần, rồi phân chảy ra, vì ra cùng với nước tiểu.
Giá như lúc này có ai cắt dây thì còn cứu được, dù kiểu gì cũng liệt. Nhưng không. Bởi làm quái gì có ai biết đâu. Hoàn cảnh mẹ nó còn chẳng mấy người biết. Nên cuối cùng là tắt hẳn, cả não, cả cơ, chết dần đi, chỉ còn quả tim là còn đập mãnh liệt. Nhưng rồi, thứ còn sống cuối cùng duy nhất đó cũng lịm dần, đập chầm chậm dần, thoi thóp, rồi ngừng hẳn. Toàn bộ.
Mẹ nó giờ chỉ còn là cái xác treo trên cây, im lặng, như những gì mẹ nó vẫn làm. Ở dưới ao cũng vậy, bong bóng đã ngưng nổi từ lâu. Cơ mà sóng vẫn gợn, vì cá lên đớp hơi, như chưa từng có gì xảy ra. Trên bờ, cỏ vẫn đung đưa, cây vẫn xào xạc, vì gió. Chỉ có mẹ nó là im lặng.
*
Sao lại ra cớ sự này ?
Quay trở lại những ngày nằm viện. Mẹ nó mới sinh xong. Sinh mổ, mở mắt ra là thấy con bé ngay cạnh, thấy luôn bà mẹ chồng, mặt y như nồi cà ri, hầm hầm. Bác sĩ vừa đi khỏi, bà chỉ ngay vào con bé: “Con mày đấy, con gái mày đấy, dòm mặt chả thấy giống ai, dám là bác sĩ giao nhầm”. Giọng thì làm cho nheo nhéo, mặt thì cơn cơn, ra vẻ thách thức, bề trên, đã vậy còn lí lẽ. Con, nhấn mạnh là con gái. Dòm mặt chả thấy giống ai? Mặt trẻ sơ sinh có giống ai bao giờ? Người ta nhìn vào rồi nói chơi thế thôi. Nhiều khi ôm con người khác còn bảo mặt y hệt mẹ nó nữa cơ. Bà nó không ưa nên bảo con bé thế. Rồi thì dám là bác sĩ giao nhầm. Bà cố bấu víu vào cái đó để chối bỏ hiện thực rằng mẹ nó sinh con gái, dù kết quả siêu âm đã có cả nửa năm trước.
Thật ra bà cũng có cái cớ của bà. Bà nhìn lại đời mình, đàn bà. Lúc nhỏ người ta không cho đi học, chỉ ở nhà theo mẹ làm đủ thứ việc nội trợ, lớn lên cũng nội trợ, tòng chồng, chồng chết đí, tòng con, cũng nội trợ. Ngoài ra chẳng được làm cái gì, kết cục chẳng làm được cái gì, rõ phường vô dụng. Cũng vì bà là nạn nhân của định kiến. Người mang cái định kiến đó, họ mặc định đàn bà con gái là phường vô dụng, chẳng vì lí do gì. Từ nhỏ họ đã được dạy như thế, họ đã chịu cảnh bị đối xử như thế. Thứ gì nói mãi nó sẽ thành sự thật. Họ mang trong mình cái mặc cảm mình là kẻ vô dụng, kể cả khi cơ hội để chứng tỏ mình đến, họ cũng để vụt mất, họ cho rằng mình là kẻ vô dụng, tốt nhất chỉ nên làm tốt bổn phận của mình, nó làm họ cảm thấy an toàn, họ không dám mạo hiểm. Và rồi cái định kiến đó, từ việc làm họ nghĩ rằng mình là kẻ vô dụng, nó khiến họ không dám hành động để chứng tỏ mình, rồi thật sự trở nên vô dụng.
Bà đâm ra ghét con gái, đàn bà, toàn phường vô dụng, bà ghét đến cực đoan. Gần đây phải quay lại nấu cơm, việc nhà, nội trợ. Lâu không làm, giờ đột ngột làm lại, mệt là phải. Khổ. Cứ thế bà đem cái bực đó lên bệnh viện trút cả vào mặt mẹ nó. Giờ bà là người làm, mẹ nó nằm một chỗ, đổi vị trí, bà càng càm ràm nặng hơn. Bà chẳng hề nghĩ đến việc mẹ nó làm những việc đó thay bà còn lâu hơn gấp nhiều lần. Cái tôi mẹ chồng không cho phép bà làm thế.
Mẹ nó nghe thế, cũng khó chịu, nhưng không thấy tức. Thay vào đó, mẹ nó quay sang nhìn con bé. Con này ở đâu ra thế nhỉ? Mẹ nó tự hỏi mình.
Mẹ nó vỡ ối. Đã bầu bì còn phải gồng mình lên làm việc nó thế, thành ra phải sinh mổ. Vừa mới tỉnh dậy, mẹ nó đã thấy con bé ngay cạnh. Thuốc mê làm đầu óc mẹ nó mụ mị, đã vậy bà còn chêm lời vào. Mẹ nó đã thật sự nghĩ như thế.
Lúc tỉnh hẳn mẹ nó mới biết đó là con mình, cơ mà cảm xúc thì khác thường. Bởi sự thay đổi một số hormone trong cơ thể lúc này, cộng với sự mệt mỏi sau sinh mổ khiến mẹ nó giống như đang chìm dưới mặt nước, không thể trồi lên, rất khó có được những cảm xúc mạnh mẽ, hay còn gọi là trầm cảm,
Khi ở nhà, mẹ nó có thể trốn tránh vào công việc, giấc ngủ, chúng làm mẹ nó không suy nghĩ được về hoàn cảnh của mình. Còn khi vào viện, nằm im một chỗ, việc không phải làm, cơm không phải nấu, ngủ thì thế quái nào được? Vì con quấy khóc, hết con mình đến con người ta, cộng thêm cái đài radio lỗi bật toàn thứ khó nghe, càm ràm, ngay bên cạnh. Giờ thì nên nói thẳng luôn, là bạo hành về mặt tinh thần. Xúc phạm, vùi dập, khinh thường. Dù tất cả đều vô lí. Bà nó không phải không nhận ra, mà không muốn nhận ra, cái tôi quá lớn của bà với con dâu khiến bà không muốn thừa nhận điều đó. Kẻ không được trên quyền ai trong đời vì định kiến khi có kẻ dưới quyền nó thế. Đã vậy chính bản thân bà cũng mang định kiến. Bà mất quá nhiều người rồi, bà khổ cực nhiều rồi, nhưng vì định kiến, thay vì cùng hạnh phúc với một con người, mẹ nó, để xoa dịu nỗi đau, bà chỉ coi đó như là con dâu, đàn bà, phường vô dụng. Bà đâm ra gắt gỏng. Bà chỉ muốn trút nỗi đau vào mẹ nó, liên tục càm ràm, bạo hành về mặt tinh thần, mỗi khi không vui, và chỉ cần có việc không vui.
Có muốn tránh cũng không được, có muốn trốn cũng không xong, có muốn quên cũng đành bó tay. Những thứ bạo hành về mặt tinh thần với mẹ nó cứ lãng vãng bên tai, dù không đến nỗi tức, chúng làm mẹ nó thấy khó chịu, như một thói quen, mẹ nó phản bác những lời bà nói ra. Trong đầu.
Có đứa con gái ngay cạnh, bà nó lôi cái đàn bà của mẹ nó ra mà càm ràm. Bà bảo mẹ nó là thứ đàn bà, phường vô dụng, sinh ra đã vô dụng. Chúng nhắc mẹ nó nhớ về đời mình, về quãng thời gian sống trong nhà bố nó, về hoàn cảnh của mình. Khi bà đi khỏi, những thứ đó vẫn trong đầu mẹ nó. Thời gian nằm viện, mẹ nó có thể suy nghĩ về đủ thứ việc. Thời gian dư thừa, con người ta chẳng thể làm gì ngoài suy nghĩ. Trong một tâm trạng có thể phản bác mọi thứ, mẹ nó dễ dàng nhìn ra những sự vô lí ở trong. Trước đây, mỗi khi nghĩ về hoàn cảnh của mình, mẹ nó chẳng thể tìm thấy lối thoát, để rồi mẹ nó sợ hãi, tuyệt vọng, và đâm ra ảo tưởng, tự lừa mình để dễ chịu hơn. Giờ thì khác, mẹ nó không phải nghĩ rằng mình không thể thoát ra nữa, vì mẹ nó đã thoát ra rồi. Cộng thêm cái tình trạng trầm cảm. Tâm trạng trống rỗng khiến con người ta suy nghĩ thông thoáng hơn, vì họ không bị những cảm xúc chi phối và nghĩ một cách nông cạn. Gặp chuyện bực, họ chỉ bực và chửi đổng, họ không suy nghĩ xem tại sao nó lại như thế và khiến họ bực, vấn đề thật sự của nó. Giờ thì mẹ nó có thể suy nghĩ một mạch về đời mình, và nhận ra những sự vô lí, bất công mà mình đã phải chịu đựng.
Mẹ nó nhìn lại đời mình. Mẹ nó nhớ đến những lời càm ràm, và nhìn lại đời mình. Đàn bà. Học hết cấp hai là nghỉ, nghỉ cho đàn em đi học, nghỉ mà về nhà làm ruộng tiếp ba má. Nhà thì nghèo, thất học, có chó nó lấy. Hơn hai nhăm cái xuân xanh rồi mà chưa có ai hỏi cưới. Cứ ru rú trong nhà với cái bếp, rồi thì bán mông cho trời, cho cả nhà mình lẫn làm thuê cho nhà người ta thì quen ai? Nên là chỉ còn biết đợi. Và bố nó đến, thấy được được, thế là cưới luôn. Như kiểu thuận mua vừa bán.
Thật sự thì lúc đó chẳng muốn lấy chồng, dù còn trẻ, cũng chẳng phải ghét bỏ, thù hằn gì đàn ông. Bắc kì thì bắc kì chứ miễn tốt là được, ít nhất cũng nghĩ thế. Nhưng lấy chồng để làm gì nhỉ? Cứ sống với ba má cũng vui mà. Mình cũng làm ruộng chứ có ăn không gì ba má đâu. Cơ mà chả hiểu sao cứ bảo mình báo ổng bả suốt, lấy chồng đi cho ổng bả nhờ, lấy chồng rồi đẻ đứa cháu cho ổng bả bồng. Ừ thì chắc là vậy. Lấy chồng rồi đẻ con chắc là vui. Nhà đó đầy của, chắc cũng không phải làm mấy.
Chắc. Vừa về nhà nó đã phải làm ngay một hiệp, phải đi “sản xuất”, y chang mục đích của ổng bả. Làm chỉ để sản xuất, chắc vậy, hay vì thiếu hơi vợ lâu ngày? Chả biết. Chỉ biết là nó cắm cúi làm. Người thì ốm mà sao mạnh bạo thế không biết? Thôi thì chịu đựng đi, chốc là xong ấy mà. Và đúng thế, chỉ chốc là xong. Làm xong chắc mệt, nó lăn đùng ra ngủ luôn. Làm trên đây mà như thế, làm trên ruộng chắc cũng chả kém. Chắc như vầy cũng không tệ lắm.
Nhầm! Làm như trâu. Nhưng là mình. Làm quần quật cả ngày. Hóa ra nó chỉ có nuôi lợn, lợn chỉ đủ cho mâm nhậu của nó. Không làm cả ngày, nhà này có mà chết đói. Cơ mà ơ hay, sao tự nhiên nó đánh mình? Tôi không đi làm cả ngày thì nhà này chết đói. Đúng mà? À, hóa ra nó xỉn. Nhưng giờ nghĩ lại mới thấy, xỉn thì xỉn chứ lí lẽ phải nghe chứ? Mình nào có chửi vào mặt nó? Cơ mà thực tế ra nó có xỉn quái đâu. Mới có cốc rượu uống bữa cơm thì xỉn kiểu gì? Sao lúc trước nhớ lại mình lại nghĩ là nó xỉn nhỉ? Nó không xỉn! Ồ, hóa ra nó vô lí thế, nó khốn nạn thế. Mình nhận ra khi nó ụp chén cơm vào mặt rồi mà sao lại quên? Ngay cả sau đó nữa, cứ rượu vào là nó tát mình, chuyện nhỏ nhặt cũng đi tát được. Sao đàn ông cứ rượu vào là phải tát người ta nhỉ? Cứ trái ý là phải tát người ta nhỉ? Cơ mà thấy đầy người có làm như nó đâu? Người ta làm được sao nó không làm được ?
Rồi thì bà mẹ chồng, tụi bắc kì. Ăn cơm chê, làm việc chửi. Bả chẳng phải động tay vào việc gì, mà nó đánh mình thì chỉ ngồi nhìn. Rõ là bà mẹ chồng Bắc kì.
Sao lúc đó mình chịu được nhỉ? Ờ phải, có chịu được quái đâu. Không chịu được nên chạy thẳng về nhà ba má ấy chứ. Nhớ lại lúc đó mình ngu thật, đem cả cái giấy khám siêu âm về làm gì? Vừa lục được cái giấy trong đống quần áo xách về, ổng bả gọi ngay cho nó, bảo mình vài câu, rồi đẩy mình cho nó luôn. Hóa ra ổng bả lo cho cái thứ còn chưa thành hình đó hơn là mình à? Hình như lúc đó mình còn chống cự đòi ở lại cơ, nhưng vẫn bị nó kéo về. Nó hơn mình ở cái thế, ôm ngang bụng thì vùng ra kiểu gì? Rồi vừa ra khỏi bụi trúc, nó chuyển sang nắm tóc, vùng ra chỉ tổ đau, cào tay thì nó giật mạnh hơn, đau muốn chết. Thế là phải về lại nhà nó.
Chả hiểu kiểu gì, tự nhiên về tới nhà, bà mẹ chồng giật tay nó ra. Quái? Sao bỗng bả tốt thế? Bả tốt thế đến khi mình sinh con cơ. À, hóa ra vì vậy mà mình ở lại à? Ngu thật. Bả biết mình sinh con trai nên thảo mai, xun xoe thế thôi. Mình không nhận ra. Lúc đó chỉ nghĩ rằng có con rồi thì đành ở lại vậy, tưởng bả cũng nghĩ như mình, có con rồi thì không được đối xử tệ với nhau nữa (và sau là đẻ con rồi thì không thể thoát ra khỏi nhà bố nó được nữa). Ngu thật.
Mẹ nó nhìn sang con bé, coi nó như một thứ bằng chứng, rồi bổ sung thêm vài thứ bằng chứng nữa trong đầu. Ngoài ra còn có ý khác, ghét bỏ.
Bởi thế, đẻ con xong, lại làm quần quật như trâu. Nó lại đè mình ra nó đánh, nó lại dí cái của gia bảo nhà nó vào người mình. Con thì bà mẹ chồng lấy mất, bắt đọc kinh, bắt đi lễ. Mà giờ có về cũng không được, con chưa thành hình đã như thế, giờ nó ra ngoài rồi, về đó chỉ để thằng chồng lại sang nắm đầu lôi đi. Lúc lấy nó ổng bả nói hay thật. Hóa ra người ta vui chứ mình có được gì đâu.
Chán thật.
Cái nhà đó, nó coi mình không khác gì con trâu. Đ*t mẹ -Mẹ nó nghiến răng-. Nhà nó coi mình chẳng ra cái gì hết. Tức, tức, tức khủng khiếp !
Ủa mà sao thế này? Mẹ nó tức không được. Miệng thì bảo tức, nhưng người thì chẳng tức tí nào. Cứ tức tức mãi như thế, nhưng chỉ thấy mệt. Có mỗi cái đó là cảm nhận được. Mẹ nó thấy lạ, bữa giờ rồi. Nhớ về cái nhà đó, nhận ra nó đối xử với mình tệ như nào, rồi nghiến răng, nhưng chẳng bực nổi.
Mà không chỉ có chuyện bực, cả chuyện vui cũng thế. Hàng xóm tới chơi, bệnh viện cũng không xa nhà lắm, nên người ta chịu tới, thực tế là để nói chuyện với bà nó, nhưng cũng xã giao mẹ nó vài câu.
Người ta đã cất công lên đây, mà sao chẳng vui nổi. Cơ mà đã lên đây rồi, không cười với người ta một cái nó lại kì. Mẹ nó nghĩ.
Bởi thế mà chẳng ai biết gì về mẹ nó. Đến tận khi mẹ nó tự sát, người ta còn chẳng tin mẹ nó trầm cảm.”Sao trông mẹ nó bình thường thế?”,“Dưới quê này thì có gì mà trầm cảm?”. Đa phần người ta thắc mắc vậy. Người biết gia cảnh mẹ nó thì “Trời. Có vậy mà cũng trầm cảm cho được”. Phải, mẹ nó lẽ ra đã chẳng trầm cảm. Những cơ chế tâm lý bảo vệ con người ta khỏi bị tổn thương, vậy nên mẹ nó vẫn chịu được, tệ hơn nữa chắc cũng chịu được. Nhưng đây không phải vấn đề tâm lý, mà là tâm thần. Là trầm cảm sau sinh. Là bệnh do thể chất. Người nhà quê hiểu biết ít ỏi, họ cho rằng trầm cảm chỉ là bệnh do tâm lý, mà tâm lý là do hoàn cảnh. Vì mặc cảm hoàn cảnh, vì danh dự gia đình, những chuyện đó người ta không muốn để người khác thấy, nhưng chúng vẫn bị lộ ra, do chúng tác động tới tâm lý, và biểu hiện bằng cảm xúc, nên người ta cố cười hết mức để có thể để giấu chúng đi.
Khi bị trầm cảm, cảm xúc con người ta bị rồi loạn, nhiều người sẽ nghĩ là do tâm lý của mình, họ không muốn để người khác biết, nên họ cứ vui cười, hoặc buồn bã, giận dữ, hoặc mọi thứ cảm xúc khác. Miễn đó là thứ mà câu chuyện của người kể nó ra muốn. Họ cố tỏ ra như thế, dù chẳng hề cảm thấy thế, họ cố tỏ ra mình bình thường nhất có thế. Bản năng cho họ biết chuyện gì nên vui, chuyện gì nên buồn. Phải, người trầm cảm, họ sống bằng bản năng, họ giả vờ là chính mình. Như mẹ nó. Cũng dễ hiểu, vì người ta cho rằng trầm cảm thường là do xào xáo gia đình. Người sống trong định kiến và sợ hãi định kiến như mẹ nó là những người không muốn để người khác biết mình có vấn đề tâm lý, mà thực ra là tâm thần nhất. Dù mẹ nó chẳng ưa gì cái nhà này, nhưng bản năng không cho phép mẹ nó khiến người khác nghĩ xấu về mình, mẹ nó cố tỏ ra những gì mình vẫn là. Và đó là luôn tươi cười. Xã hội ghét những chuyện buồn, nhất là những người không thân. Thế mà đầy người cứ tưởng mình thân, đầy người vẫn cứ tưởng những người toàn nói chuyện vui là những người thân, nhưng thực chất phần nhiều đều giả tạo đến ghê tởm đi được. Bởi thế mới có người không biết vì sao mẹ nó trầm cảm, cười khình điều đó, dù họ thật ra họ chẳng biết gì.
Tuy vậy, vẫn có người nhận ra, là bà nó. Giấu thế nào thì giấu, nhưng con người vẫn là con người, không phải cỗ máy. Vẫn có những thứ được thể hiện ra. Người nhà hơn người ngoài ở chỗ họ sống gần nhau hơn bất kì ai khác. Có điều, người nhà, chưa chắc đã là người thân.
Bà nó thấy lạ. Mẹ nó không đòi cho nó ngủ sớm nữa. Bình thường mẹ nó vẫn làm, như một hành động chứng tỏ vai trò người mẹ của mình. “Con nó còn nhỏ, không gần nó nó quên mất mình thì sao?”. Mẹ nó cãi bà, cũng như một hành động dấu tranh. Mẹ nó không ưa bà nó, mẹ nó cũng không ưa cái sự sùng đạo của bà. Nhưng bây giờ thì khác, mẹ nó không còn ý muốn đấu tranh nữa. Trầm cảm khiến con người ta chẳng có năng lượng hay động lực cảm xúc để làm bất cứ việc gì. Tuy nhiên, bà cho rằng đó là do mẹ nó đã có con bé, bận lo cho nó, nên không còn quan tâm thằng cháu đít tôn của bà. Bà mừng ra mặt. Chỗ của đàn bà là rúc với nhau trong xó bếp. Kệ nó.
Rồi thì mẹ nó lên tiếng trong bữa ăn. Bà nó càm ràm. Mẹ nó nằm viện, cơm bà tự nấu ăn, quen, giờ mẹ nó quay lại nấu, không hợp miệng, bà lên tiếng ngay. “Ơ hay? Thế sao không tự nấu luôn đi”. Bình thường mẹ nó nghĩ vậy, như để giải tỏa bức bối trong lòng, rồi ăn tiếp. Nhưng lần này thì nói thẳng, chỉ là không có từ cảm thán, để đáp trả lí lẽ. Bình thường có bố nó, mẹ nó sợ, chẳng dám ho he gì. Bố nó chết rồi, nhưng cái dây cột trâu còn đó, trước lúc trầm cảm, mẹ nó vẫn vậy, chẳng dám cãi. Trầm cảm làm con người ta ít sợ hãi nguy hiểm hơn, vì sợ hãi là một trong những cảm xúc mạnh mẽ, người trầm cảm rất khó có được những cảm xúc đó, nên họ không còn nhận thức về nguy hiểm, họ sẵn sàng làm những việc mà bình thường, vì tâm lý sợ hãi họ chẳng dám làm.
Bà nó sốc. Lần cuối lâu đến mức bà còn nghĩ đây là lần đầu tiên mẹ nó cãi bà. Cái vẻ vô cảm của mẹ nó thật sự khiến bà sợ hãi. Dù vậy, là người đã từng mang rồi sinh con, bà cũng biết cảm giác nó như thế nào, tuy mức độ khác một trời một vực so với mẹ nó. Bà chỉ im lặng, rồi nghĩ chắc mẹ nó khó ở.
Nhưng đó chưa là gì. Cái sốc thật sự của bà, phải đến mấy ngày sau, khi cái bệnh trầm cảm của mẹ nó tới giai đoạn hành vi, không còn chỉ là biểu hiện.
Mẹ nó bụm mặt con bé. Tâm trạng buồn chán khiến con người ta làm đủ thứ việc lạ đời, còn đến mức cùng cực, nó là điên rồ.
Con bé đang ngủ, mẹ nó nằm nhìn con bé, nó cứ thở đều đều. Mẹ nó trông cái nhịp thở lên xuống, nó cứ đều đều như thế, mắt con bé cứ nhắm như thế. Mẹ nó muốn phá, thế là lấy tay bụm mặt nó lại. Bà nó nằm trên võng nhìn sang, thấy mẹ nó làm vậy, tưởng mẹ nó mới đánh rắm hay gì đó, nên không quan tâm. Mẹ nó nhìn bà, biết bà mới quay sang, đang nhìn. Mẹ nó suy nghĩ vài thứ, rồi bỗng nghĩ ra vài thứ. Con bé bị bụm mặt, bắt đầu dãy dụa, nhưng mẹ nó thì không thả ra, vì mẹ nó nảy ra vài thứ.
Bà nó thấy con bé dãy dụa, nhưng vẫn không quan tâm, vì cơn buồn ngủ như muốn kéo mắt bà xuống, khó mà nhận ra được thứ gì, bà không biết con bé dãy dụa vì khó thở. Mẹ nó nhìn bà, bà nằm võng gần lối ra vào, còn mẹ nó nằm trên giường ở góc nhà, ở khá xa, võng đây, bà nó quan sát được, chứ mẹ nó thì khó. Mẹ nó không biết bà đang nhắm mắt ngủ, tưởng bà làm ngơ, tưởng bà thách thức, mẹ nó tiếp tục bụm mặt con bé.
Con bé bị bụm mặt một lúc, giờ khóc nấc lên. Bà nó nghe tiếng khóc, giật mình, mở mắt ra. Bà nhớ lại những biểu hiện lạ, bà nhận ra nãy giờ mẹ nó đang bụm mặt con bé, nỗi sợ hãi vụt thoáng qua đầu bà, bà định nhổm dậy, nhưng mọi thứ biến mất nhanh như lúc nó xuất hiện: Mẹ nó dỗ con bé, không bụm mặt nữa. Đối tượng lúc này là bà nó, không phải con bé, nên nghe tiếng khóc, mẹ nó giật mình, và quay sang dỗ ngay.
Bà nó định nhổm dậy, thấy mẹ nó như vậy, lại nhắm mắt ngủ. Nỗi sợ lẫn sự nghi ngờ của bà cũng biến mất tăm vì cái sự ân cần bản năng của mẹ nó, chỉ còn mỗi bực bội. Ai bị mất cơn ngủ chả thế? Còn mẹ nó, dỗ con bé một hồi, nhớ ra mục đích ban đầu, liền quay sang bà nó. Bà vẫn giữ nguyên tư thế, lúc sau còn rút cái chân đang đung đưa võng lên. Nom như thể trêu ngươi.
Thực tế ra, mẹ nó bụm mặt con bé, là để thu hút sự chú ý của bà. Bà - một người lúc nào cũng cay nghiệt với mẹ nó, mẹ nó muốn thu hút sự chú ý của bà, muốn làm bà sợ hãi, muốn thấy thứ cảm xúc khác của bà ngoài cay nghiệt. Trầm cảm càng làm con người ta muốn thấy những thứ mới lạ hơn, để có được cảm xúc. Việc này chẳng có tý ý nghĩa gì về mặt lí trí, một hành vi vô thức. Mẹ nó sau đó cũng biết rằng bà nó không cố tình ngó lơ để mẹ nó giết con bé, nhưng nó để lại ấn tượng, rằng bà chẳng hề quan tâm tới mẹ nó, nó làm mẹ nó ít bào chữa được cho bà mỗi khi nghĩ về tình cảm của bà dành cho mẹ nó và con bé.
Sự kiện này tuy cũng không tác động gì đến lí trí của bà, nhưng thật ra nó cũng để lại ấn tượng, để rồi cái ấn tượng rằng mẹ nó đang không bình thường  đó lại hóa ngược lí trí, khi bà thấy cái biểu hiện đáng ngại nhất:
Mẹ nó rạch cổ tay.
Người trầm cảm, họ sống bằng bản năng. Chỉ bản năng mới cho họ cảm giác mình đang sống. Có hai thứ giữ con người ta lại với cái cõi đời này, là sinh sống và sinh tồn. Sinh sống bao gồm niềm vui, nỗi buồn, sự tức giận. Tích cực có, tiêu cực có, sinh ra từ những hoạt động sống của con người. Những thứ đó minh chứng rằng con người đang tồn tại, đang gắn kết với cuộc sống. Nhưng khi không còn, với mẹ nó là do rối loạn hormone, chỉ bản năng mới khiến con người ta có được cảm xúc mạnh mẽ, có được cảm giác tồn tại. Nên mẹ nó rạch cổ tay.
Mẹ nó chán lắm rồi, có cố làm gì cũng vô ích, cũng không làm tâm trạng đi lên được. Chán, thôi nằm suy nghĩ, nhưng chỉ thấy chuyện bực, cơ mà cũng chả bực nổi. Mình còn sống không nhỉ? Mẹ nó tự hỏi. Bỗng, bị muỗi cắn, mẹ nó vỗ mạnh. Cơn đau lan khắp đùi. Có gì đó, mẹ nó cảm thấy gì đó. Lâu lắm rồi mẹ nó mới có cảm giác này. Mẹ nó thấy thích thú, mẹ nó muốn nữa. Mãnh liệt hơn, dữ dội hơn. Mẹ nó chán lắm rồi.
Mẹ nó tìm ngay con dao lam, xé vỏ bao ra, đặt lưỡi dao lên cổ tay, rồi rạch. Người bình thường đến cạo râu còn run, nhưng mẹ nó thì dứt khoát, dứt khoát như người ta thiến heo vậy. Máu ứa ra, mẹ nó cắt trúng cái động mạch, cơn đau bay thẳng lên não. Mẹ nó thấy đau, mẹ nó thấy cái chết. Mẹ nó thấy mình đang sống. Máu cứ ứa ra, chảy đầy sàn nhà, nhưng cơn đau mất dần, như một chuyến tàu lượn lên cao rồi lao thẳng xuống, rồi chạy bằng bằng, nó âm ỉ.
Mẹ nó muốn nữa. Mẹ nó lại dí lưỡi dao lên cổ tay. Nhưng bà bỗng phát hiện ra. Bà thấy mẹ nó, bà thấy máu chảy đầy sàn nhà, thấy lưỡi dao, bà hốt hoảng, chạy ngay vào. Bà nắm lấy cổ tay giữ con dao của mẹ nó, tay kia bám lấy thân dao, gỡ ngón tay, rồi giật con dao ra.
Bà cầm con dao, nhìn mẹ nó, vẫn hốt hoảng, sợ sệt. Cái sợ của bà là sự pha trộn của nhiều thứ. Ban đầu là nỗi sợ hãi cái chết chung, người bình thường họ sợ cái chết của người khác như sợ cái chết của chính mình vậy, bà lao ngay vào, giật lưỡi dao, còn giờ thì nhìn mẹ nó. Máu vẫn chảy ròng ròng, bà sợ, với sự đồng cảm của nỗi đau. Người ta nhìn con chó bị thương, người ta thấy đau. Người ta nhìn con bò bị thương, người ta thấy đau. Người ta nhìn con người bị thương, tất nhiên rồi. Bà sợ, vì sự an nguy của chính bà. Mẹ nó mà chết, bà ăn cả bầu trời chỉ trích, người ta chửi bà, người ta vùi dập bà, người ta tra khảo bà, bỏ tù bà. Bà sợ. Và còn nhiều lí do khác. Nhưng như mọi khi, cũng như với mọi mối quan hệ của bà, bà chẳng hoảng vì tình yêu thương mẹ nó.
Nói vậy chứ, mẹ nó chẳng chết được. Lấy bông băng cầm máu tí là xong. Tuy là động mạch, nhưng là động mạch cổ tay, một vết rạch nông không nguy hiểm đến tính mạng, rạch sâu đa phần cũng chỉ bất tỉnh, trừ khi nhúng tay vào bồn nước ấm. Muốn rạch khô, cắt cổ may ra.
Mẹ nó bị giật dao, cũng chẳng chống đối gì, để mặc cho bà giật con dao ra, vì mẹ nó ngạc nhiên. Lần đầu tiên bà trưng cái vẻ mặt hốt hoảng, sợ sệt ra với mẹ nó. Cái bản mặt mà mẹ nó nghĩ rằng lẽ ra chỉ dành cho nó hoặc bố nó. Nhưng mẹ nó cũng hiểu. Không phải vì mẹ nó hay nghĩ xấu gì người khác, mà mẹ nó trải qua đủ chuyện để chẳng bào chữa nổi cho bà nó nữa rồi. Mẹ nó chẳng tin điều đó, mẹ nó tìm ra lí do ngay.“Tôi mà chết thì bà hơi phiền đấy”. Biết bà không có ý với mình, mẹ nó gạt bà ra khỏi đầu. Mẹ nó quan tâm cái cổ tay đang đau âm ỉ hơn. Buồn. Chán. Thế này thì chán thật. Không cắt cổ tay được nữa, mẹ nó lấy bông băng ịn vào, dán lại, rồi leo lên giường, như thể chưa từng có gì xảy ra. Chẳng thèm nghía đến bà nó.
Bà nó thì khỏi phải nói, chỉ biết đứng như thể bị người ta đổ bê tông ngập chân, nhìn vào tấm lưng mẹ nó đang quạt cho con bé ngủ. Bà chẳng dám nói gì ngay từ đầu. Mẹ nó bỗng trở nên quá xa lạ với bà. Cái này vượt sức chịu đựng, bà chẳng thể tỏ ra bề trên như trước. Bình thường bà chỉ dữ được với mẹ nó, mẹ nó không còn giống kẻ dưới quyền mà bà hay miệt thị, bà chẳng lôi đâu ra cái dũng khí mà lên tiếng nữa. Hoàn toàn cứng họng. Bà chỉ còn còn biết ra chơi với thằng cháu. Mẹ nó đã làm ra vẻ chẳng có gì xảy ra, bà cũng làm ra vẻ chưa xảy ra cái gì. Cái gì vượt quá sức chịu đựng, con người ta thường tìm cách chối bỏ nó. Và đã thuận buồm, thì xuôi gió luôn thôi.
Nhưng sự thật là đã có thứ xảy ra, không thể chối cãi. Cả mẹ nó lẫn bà nó đều biết điều đó. Cái vết máu trên sàn kia chính là bằng chứng.
Mẹ nó lật người lại, nhìn vũng máu. Mẹ nó nhớ cái cảm giác cắt cổ tay. Nhưng mẹ nó nghĩ lại. Thảm thật. Mẹ nó tự bảo mình. Sống thế này thì chán thật. Vui, buồn, giận, chẳng gì cả. Hoàn toàn trống rỗng. Chỉ có thể nhận thấy, chứ không cảm được.
Chết thôi.
Mẹ nó chợt nghĩ. Rõ ràng chúng ta không có cái văn hóa tự sát, ý tưởng đó là thứ khó tiếp cận. Tuy nhiên, kể cả khi khó tiếp cận ý tưởng tự sát, mẹ nó phải sống trong tình trạng trầm cảm liên tục, chỉ còn là vấn đề thời gian. Và đó không chỉ là ý tưởng thoáng qua nữa, mẹ nó đang thật sự suy nghĩ.
Khi con người ta nghĩ đến tự sát, thường là do rơi vào tuyệt vọng, không tìm thấy lối thoát, và họ kết liễu đời mình. Nhưng trước đó, não họ vận động với toàn bộ cái khả năng vốn có của nó, cả bản năng lẫn lí trí bắt nó phải làm vậy. Để tìm ra lối thoát, để tìm ra lí do tồn tại. Mẹ nó cũng vậy.
Mẹ nó suy nghĩ. Nhưng thật tệ. Mẹ nó toàn sống theo sự dẫn dắt của người khác. Từ lúc nhỏ, lấy chồng, sinh con, rồi đến bây giờ. Tệ hơn, mẹ nó lệ thuộc vào những thứ đó. Nhưng đấy không phải lỗi của mẹ nó. Mẹ nó phải bỏ học sớm, ở nhà thì tối ngày làm ruộng. Công việc làm mẹ nó không suy nghĩ được, cái mệt làm mẹ nó ngủ đi rất nhanh. Nền tảng tư tưởng của mẹ nó lại dựa trên những tàn dư của tư tưởng phong kiến, và hoàn toàn không có chút ý tưởng tự do nào. Mẹ nó không thể nghĩ ra bất kì con đường nào khác. Cái sự thảm hại khi phải ảo tưởng, trốn tránh hoàn cảnh thật sự của mình cũng từ đó mà ra. Mẹ nó trở nên lệ thuộc, mẹ nó đành bấu víu vào bất kì thứ gì, dù nó tệ cỡ nào, vì đó là con đường duy nhất.
Tuy nhiên, mẹ nó lúc này thì khác. Hoàn cảnh của mẹ nó đã vượt khỏi lí tưởng của tư tưởng xã hội. Chồng chết, cái trụ cột của tư tưởng mà mọi thứ đều xoay quanh nó đã sụp đổ. Giờ không còn ai chỉ dẫn nữa, mẹ nó rơi vào hoang mang. Mẹ nó cũng đã nhận ra được hoàn cảnh thật sự của mình, nghĩ tới việc lập gia đình lần nữa, mẹ nó sợ hãi. Cộng thêm nỗi sợ bị dèm pha, dù chẳng quen mấy ai. Hệ tư tưởng của mẹ nó đã tạo ra cái thế lực vô hình như thế. Mẹ nó chỉ còn cách ở lại. Cơ mà ở lại càng tệ hơn nữa, mẹ nó nghĩ. Ở lại cũng chỉ để nghe bà mẹ chồng càm ràm. Mẹ nó nhớ lại cái sự càm ràm của bà từ khi về nhà này, mẹ nó chán ngán đến tột cùng. Mẹ nó nhìn về tương lai, và hoàn toàn thấy mờ mịt. Mẹ nó chẳng tìm ra cái gì níu kéo, để mẹ nó ở lại cái nhà này, thoát ra cũng không được. Mẹ nó quay lại cái ý tưởng ban đầu.
À phải rồi, còn con bé. Mẹ nó nhớ tới con bé, vì người ta nói con cái là mục đích sống của cha mẹ. Có điều chỉ nhớ tới con bé, còn với nó, mẹ nó hoàn hoàn chẳng quan tâm. Thực ra là có, nhưng đó là vài ngày trước. Bởi mỗi khi nghĩ về nó, mẹ nó thấy bà. Bà chơi với nó, bà chăm nó, bà lo cho nó còn hơn tất cả người thân của bà gộp lại, vì nó là cháu đích tôn của bà. Mẹ nó tự hỏi mình có trách nhiệm gì, mình còn tác dụng gì? Bà giành mất cả rồi. Mẹ nó gạt nó ra khỏi đầu. Liên kết bằng trách nhiệm, trách nhiệm không còn, chẳng còn gì tồn tại giữa con người ta nữa.
Mẹ nó nhìn còn bé. Nhưng đáng buồn thay, mẹ nó chỉ thấy căm ghét. Mẹ nó nhớ lại, từ khi mang con bé, mẹ nó phải ăn đủ thứ dèm pha. Chồng chết mà chửa ngay sau, người ta bảo chửa với ma. Người ác mồm hơn còn bảo chửa hoang, bảo mẹ nó lăng loàn. Người ta dèm pha, nói ra nói vào đủ thứ như thế. Mẹ nó sợ hãi, thế nên cứ sáng đi làm, tối thì chỉ rúc vào nhà để trốn. Mẹ nó không ghét người ta, mẹ nó lại quay sang ghét cái chửa trong bụng, đến tận bây giờ. Nhưng bởi đó chính xác là của bố nó. Của bố nó, cục nợ, thằng chồng khốn nạn chết rồi còn để lại, còn bị dèm pha vì nó, ai mà ưa cho được? Mẹ nó ghét bố nó, nên quay sang ghét cả con bé. Đã vậy lúc đó rúc trong nhà cũng không thoát, gặp ngay cái vỏ dừa, càm ràm như thể đó là cách giao tiếp duy nhất của bà với mẹ nó.
Mẹ nó nhớ lại những lời càm ràm, bà càm ràm về con bé đủ thứ. Từ mặt mũi đến chân tay, rằng không phải con trai, đàn bà, phường vô dụng. Lẽ ra mẹ nó đã tội nghiệp con bé, nhưng bà chửi sang cả mẹ nó. Mẹ nó làm như trâu, và bà bảo là phường vô dụng, thứ đàn bà, nằm một chỗ không làm được gì, bà chửi cả mẹ lẫn con, như để giải tỏa cho cái sự mệt mỏi và định kiến của bà, nhưng hậu quả thì rất rõ ràng: Mẹ nó ghét con bé, thứ của nợ bố nó để lại, thằng chồng khốn nạn hành hạ mẹ nó suốt bao lâu để lại. Phải mang nó, phải nghe dèm pha vì nó, chịu càm ràm vì nó. Mẹ nó nhớ lại những sự càm ràm, những sự mệt mỏi khi nằm viện, những ngày tháng dài dằng dặc không kém lúc mang thai, thậm chí còn dài hơn, vì chẳng thể trốn đi đâu được, chỉ có nghĩ, bực, muốn trốn, nhưng không được, lại còn mất ngủ, lại nghĩ, bực, thế mà bực lên để giải tỏa cũng không được. Chẳng khác nào địa ngục. Mẹ nó đổ lỗi cho con bé. Giờ thì mẹ nó chuyển thành hận.
Mẹ nó chẳng hy vọng gì tới tương lai, nghĩ tới cảnh sau này cũng thế, mẹ nó hoàn toàn mờ mịt. Mẹ nó hoàn toàn tuyệt vọng. Mẹ nó lại quay về ý tưởng ban đầu. Chết thôi. Mẹ nó chợt nghĩ, và lại đấu tranh, cứ lặp lại như thế. Nhưng về thì nghe dị nghị, ở lại thì nghe càm ràm, nghe con quấy khóc. Tư tưởng hạnh phúc của mẹ nó bị trói gọn trong tàn dư của tư tưởng phong kiến. Mẹ nó chẳng tìm được lối thoát nào. Mẹ nó hoàn toàn tuyệt vọng. Mẹ nó cố moi ra thêm dù chỉ một ý tưởng, nhưng nên tảng tư tưởng hạn chế của mẹ nó lại làm điều ngược lại.
Không có lấy một tia hi vọng, mẹ nó chỉ còn có thể nghĩ đến cái chết, nghĩ đến cách thực hiện. Thế giới của mẹ nó nhỏ bé đến mức có thể nhìn hết chỉ trong một ngày, và hoàn toàn không có chút ánh sáng lối thoát nào. Hoàn toàn tuyệt vọng.
*
Mặt trời chưa lên, mẹ nó đã đi tìm thòng lọng, đầu vẫn ong ong vì thiếu máu. Mẹ nó nhặt được sợi thừng làm khung lưới cá. Sợi thừng cũ nát, te tua, như chính mẹ nó vậy. Mẹ nó thắt đầu dây, thay vì thòng lọng, mẹ nó thắt như người ta thắt cái bẫy gà, rồi đi. Nhưng vừa ra tới cửa, con bé lại khóc. Bà nó trong buồng nghe tiếng khóc, lại chửi. Mẹ nó nhìn vào buồng, nhìn con bé, cưới khẩy, kiểu cười duy nhất mẹ nó làm được. Và rồi ôm con bé đi theo. Không một lá thư, không một lời vĩnh biệt, đi ra bờ ao, cái ao trầm chết con vợ trước của bố nó.
(Còn tiếp)