-----------------------
Nó ngẩng mặt lên, nó nhìn về nơi có tiếng đánh thức nó. Phải, nãy giờ nó ngủ. Ngủ gà ngủ gật. Gật gù như con lật đật. Mấy thằng nghiện thường thiếu ngủ, thằng này cũng không ngoại lệ.
Ở đó có một đám nhóc. Chúng nó rượt bắt nhau, chơi giỡn hồn nhiên như cái lứa tuổi chúng nó đáng phải thế. Nhưng mồm thì thốt ra mấy lời mà lẽ cần được kiểm duyệt trước khi đăng video lên youtube cho trẻ con xem, không thì từ mấy nguồn mà họ chả ai có mặt mũi đâu để đi kêu người dùng những từ tục tĩu bắt chước ấy phải khai ra. Hoặc là mấy từ tiếng anh, phát âm bập bẹ, nghĩa chúng nó cũng chẳng thật sự rõ là gì, lắm khi còn chèn thay luôn từ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ chúng nó, để nói chuyện. Học tiếng phong trào nó vậy, chả ai nghĩ đến hậu quả. Mà nhắc đến giao tiếp, cách chúng nó nói chuyện, như thể đang đọc kịch bản vậy. Đọc mấy từ ngữ rập khuôn để phác thảo ý tưởng, đại ý câu thoại của đạo diễn, tác giả, y chang bọn diễn viên nửa mùa, không biết cách biến tấu chúng thành ngôn ngữ sinh hoạt.
Nó nhìn đám nhóc, nó nhớ lại cái thời thơ ấu của mình, dù rất khác.
Hồi đó, bố nó chết sớm, khi nó mới lên bốn. Bố nó chết, vì bị tông xe. Nhậu xỉn mà. Xong vô viện lại phát hiện đủ bệnh, nặng nhất là ung thư gan. Tai nạn xe, mà còn thêm bệnh nền, nửa tháng là bố nó đi luôn.
Thật ra bố nó cũng chịu lâu rồi, nhưng chẳng dám khi khám. Bởi ngược đời thay, con người ta sợ đi viện khám, lại vì sợ lòi ra bệnh, lại vì sợ tốn tiền. Trong khi bỏ tiền ra ăn nhậu thì lại chẳng tiếc. Chẳng ai muốn bỏ một mớ tiền không đáng phải bỏ mà. Ai cũng cho rằng bệnh tật là thứ không đáng có cả. Nhưng nó tồn tại như một quy luật hiển nhiên. Và dù thực tế ra một phần lí do người ta tích góp tiền là để phòng khi có bệnh, nhưng cũng chẳng ai muốn nó xuất hiện. Hiển nhiên rồi. Kể cả khi có chuẩn bị bao nhiêu đi nữa, con người ta vẫn sợ chết. Như bà nó, bà nó tích dư cả đức để lên thiên đàng, đáng ra chẳng còn gì phải lo, dù vậy, bà vẫn cùng thằng cháu cầu cho được sức khỏe. Để sống thêm được bao nhiêu, hay bấy nhiêu. Nhưng cái gì đến rồi cũng sẽ đến, chỉ có thể trì hoãn, chứ chẳng ai thoát được, kể cả vua chúa.
Bố nó chết, bớt một cái mồm ăn, bớt cái miệng cằn nhằn, không còn bị đè đầu cưỡi cổ, không còn kẻ đánh đập, hành hạ. Nhưng không hiểu sao, mẹ nó vẫn khóc. Không phải khóc cho có lệ, mà là khóc thật. Khóc, nhưng không hiểu vì sao mình khóc. Người biết những gì mẹ nó phải chịu đựng cũng không hiểu. Có ai chắc mỗi hàng xóm hiểu. Chồng chết phải khóc chứ, họ bảo vậy.
Tuy nhiên, cũng không phải là không thể giải thích.
Mẹ nó bị đối xử không khác gì con trâu. Chắc chắn rồi. Vui thì cưỡi, tức thì gõ đầu, muốn ăn thì lôi nó ra mà bắt cày. Khổ sở trăm bề, chịu đựng đủ điều. Cơ mà chỉ toàn là bất công. Nhưng rồi đến khi bố nó chết đi, mẹ nó gần như quên hết quãng thời gian bị bạo hành, và cứ thế khóc. Tại sao vậy?
Cứ nhìn hoàn cảnh mẹ nó mà xem. Phải gọi là cùng cực của cùng cực, nhưng không có lấy một lối thoát.
Sống trong cảnh bị bạo hành, mà chẳng ai xung quanh giúp đỡ. Nhà ba má không trốn sang được, thằng con để trút giận, để xả stress như nhiều người vẫn làm thì bà mẹ chồng lấy mất. Chống lại thằng chồng cũng không, vì cổ còn bị cái dây cột trâu tròng vào. Mẹ nó chẳng dám đánh. Đàn bà không được đánh chồng, mẹ nó bị gieo vào đầu điều đó từ nhỏ. Đánh, mẹ nó sợ bị mang tiếng “vũ thê”, gia đình xào xáo, hay gây lộn. Người ta nhìn vào, dị nghị. Mẹ nó tự nhủ như vậy. Mẹ nó sợ định kiến hơn thảy mọi thứ. Với hơn cả, mẹ nó đã quen bị đánh từ nhỏ, không phải quen chịu đau, mà quen thói nằm im cho người ta đánh, vì vốn chẳng bao giờ đánh lại được. Khi bị đánh, mẹ nó chỉ còn biết khóc, đưa tay ra đỡ, chẳng bao giờ dám đánh lại, đó chính là cái dây cột trâu thứ hai. Li dị? Mẹ nó còn chẳng bao giờ nghĩ tới, cũng vì lí do tương tự, cũng vì cái dây cột trâu mang tên định kiến ấy.
Giờ không lẽ đi chết? May mắn thay, ta không có cái văn hóa tự sát như tụi Nhật, Hàn vẫn làm. Khi rơi vào bước đường cùng, và quen việc xung quanh có người tự sát, đó là một ý tưởng, và sẽ thổi bùng thành hành động. Ý tưởng không được xem xét kĩ, nghĩ quẫn, để rồi kết cục thật tồi tệ.
Mọi cánh cửa đều bị bít chặt, mẹ nó hoàn toàn cô đơn, liên tục sống trong cảnh bạo hành, chỉ còn biết chịu đựng. Nhưng thần kinh con người chỉ có giới hạn. Vậy nên mẹ nó sinh ra ảo tưởng. Mẹ nó trốn tránh hoàn cảnh thật sự của mình, tự lừa bản thân rằng mình đang sống trong một gia đình đầm ấm. Mẹ nó bảo mình vẫn hạnh phúc hơn khối người, đó là câu tự lừa mình phổ biến nhất. Dù chẳng quen mấy ai. Nhưng chính vì như thế. Chẳng biết ai, chẳng có ai để so sánh, mẹ nó tự bảo rằng mình vẫn hạnh phúc hơn khối người. Công việc, bực thật đấy, nhưng thôi thì mẹ nó coi như một thứ nghĩa vụ để nuôi con. Mẹ nó tự lừa mình theo hướng tích cực về nguyên nhân của những bất công. Để cảm thấy thoải mái, để dễ sống.
Về thằng chồng vũ phu, thật ra nó rất tốt, mẹ nó bảo vậy.
“Chồng mình sống rất tốt này, rất vui tánh này”.
Nhưng toàn là tốt với người ta, người nhà nó coi như vật nuôi vậy. Vui tánh cũng chỉ toàn với người ta. Vui tánh bằng cái giọng xỉn ngoắc, rồi nói như đang diễn tuồng cải lương, dở ẹc. Vui tánh bằng cái tư tưởng từ tận thời Khổng Tử, mẹ nó dưới bếp còn nghe. Người say hứa đừng tin, tâm sự thì là thật lòng. Người tiến bộ nghe đến lộn ruột, nhưng mẹ nó, người cùng hệ tư tưởng, nghe lại thấy vui. (Hoặc giận. Trên mâm nhậu người ta thường nói toàn những thứ vô lí, ngược thực tế. Tâng bốc mình, hạ thấp giá trị kẻ khác, phủ nhận công lao. Những thứ mà đến cả mẹ nó cũng chịu không được, thế là mẹ nó nói ra, nhưng ở dạng hàm ý, để rồi lúc nhậu xong bị bố nó lôi ra đập, để rồi sau đó chẳng dám lên tiếng khi bố nó đang nhậu nữa. Và người ta thì hoặc quen suy nghĩ phong kiến, chẳng thắc mắc gì, hoặc đơn giản bảo mẹ nó là người ít nói).
Mẹ nó dựa trên lí lẽ rằng bố nó sống tốt để thấy mình may mắn hơn khối người, những người có chồng phạm pháp, buôn ma túy, cờ bạc đến tan nhà nát cửa hoặc tương tự. Bố nó đối xử tệ với mẹ nó, chả sao, tư tưởng mẹ nó là tòng chồng, chồng mình chỉ cần tốt, với ai không quan trọng. Tư tưởng mẹ nó là như thế.
“Chồng mình thật ra lâu lâu lại rất tử tế với mình này”
Lâu lâu, còn lại thì chẳng khác gì con trâu cả. Nó chỉ tư tế khi cao hứng, thử buồn tay buồn chân xem, nó lại chả tát cho vêu mồm ra. Cũng là dễ hiểu. Chấm sáng sẽ sáng hơn trên nền đen, một đóa hoa tử tế giữa cả đầm lầy bạo hành, kiểu gì chả nổi bật? Những lần tử tế bản chất chẳng ra gì đó lại khiến mẹ nó nghĩ rằng mình không hoàn toàn bị đối xử tệ.
“Chồng mình thật ra rất tốt, nó đánh mình vì nó xỉn thôi”
Lúc tỉnh nó không đánh chắc? Động đến tự ái vẫn bị nó đánh như thường. Tự trọng nó thì ít, tự ái lại nhiều vô kể. Ngày mẹ nó đi làm, chả đánh được, tối về thì toàn gặp mặt khi bố nó say, bởi bố nó chẳng mấy khi tỉnh, rồi cứ thế, buồn tay buồn chân là đánh, xỉn ít xỉn nhiều cũng đánh. Mẹ nó ít khi gặp mặt khi bố nó tỉnh, mẹ nó tự cho rằng bố nó tốt khi không say.
 “Chồng mình rất...
Thôi đủ rồi.
Toàn bộ những tính tốt mẹ nó kể ra, đều là những ảo tưởng, nhờ vào thực tế vốn đã bị lu mờ. Mẹ nó lờ đi những tính xấu của bố nó. Một thứ dù khó chấp nhận đến đâu, khi không thể giải quyết và phải sống chung với nó, người ta sẽ coi nó như lẽ thường, người ta quăng nó vào vô thức, luôn biết rằng nó tồn tại, nhưng không bao giờ đối mặt với sự tồn tại của nó. Hoặc mẹ nó coi chúng là điều đương nhiên. Xã hội chấp nhận được (dù thực tế thì không, chỉ là chấp nhận được theo tư tưởng của mẹ nó), thì mình cũng chấp nhận được.
Còn về những kí ức bị bạo hành, những kí ức mà trong đó, mẹ nó phải chịu cái cảm giác bất lực, đau đớn, và cô đơn, thứ kinh khủng nhất khi bị bạo hành. Không chỉ riêng mẹ nó. Những kí ức mà trong đó, mẹ nó khóc lóc, mẹ nó van xin tha thứ, mẹ nó phải trải qua cái cảm giác bất công không kể siết từ sự vô lí cùng cực của bố nó, mà mọi lí lẽ phản bác đều bị đáp trả bằng bạo lực. Phải chịu những cú tát, cái đạp, kể cả đòn roi hay muôn vàn kiểu hành hạ thân xác khác mà bô nó có thể nghĩ tới.
Với không một bàn tay vươn ra giúp đỡ.
Không phải khi không mà người ta gọi đó là bạo hành thay vì “dạy dỗ” như lời lũ bạo hành người khác hay thanh minh.
Những kí ức về những lần bị bạo hành đó, mẹ nó lại thật sự coi là dạy dỗ, là do mình làm sai. Mẹ nó tự lừa mình rằng do bản thân sai nên mới bị đánh, mẹ nó phản bội công lí của chính mình. Mẹ nó chuyển những sự mẹ nó vốn coi là đúng thành sai. Mẹ nó tìm đủ thứ lí do để thanh minh cho những lần bị bạo hành đó, và đều là lỗi của mẹ nó.
Mẹ nó không thể coi bố nó là xấu xa, vì nó sẽ làm đảo lộn những ảo tưởng của mẹ nó, khiến mẹ nó rơi vào tuyệt vọng, vì không thể thoát ra được. Mẹ nó có thể nói xấu bố nó, thậm chí bảo bố nó khốn nạn, nói về sự khốn nạn của bố nó, nhưng chúng không hơn gì chỉ là những lời phàn nàn. Khi đối mặt với việc mình phải đang sống với một kẻ như thế, mẹ nó lại lờ đi, chối bỏ điều đó.
Khi những thói xấu được hợp thức hóa, lờ đi, mẹ nó dễ dàng ảo tưởng về những tính tốt của bố nó, coi bố nó tệ lắm là có thể chấp nhận được, không phải xấu xa, thậm chí là tốt mỗi khi có tâm trạng vui, để mẹ nó không coi hoàn cảnh của mình là cùng cực, đau khổ. Tất cả những hành động đó, là để mẹ nó không bị căng thẳng, tuyệt vọng khi nghĩ về hoàn cảnh của mình. Chúng đều được mẹ nó tạo ra bằng bản năng. Bản năng sinh tồn, để mà sinh tồn.
Chính vì vậy, đã dẫn đến một kết cục. Mẹ nó quên hết quãng thời gian bị bạo hành, về những sự khốn nạn của bố nó, và cứ thế khóc. Khóc, nhưng không hiểu vì sao mình khóc. Bởi nếu tự vấn chính mình, mẹ nó chắc chắn sẽ không hiểu. Cũng chẳng ai xung quanh mẹ nó hiểu được cả.
Những gì còn trong đầu mẹ nó, chỉ có mấy cái tánh tốt bị phóng đại quá lên, chỉ còn mớ ảo tưởng, vốn cũng chỉ là một phương tiện để mẹ nó chối bỏ hoàn cảnh thật sự của mình, dù bây giờ chẳng cần nữa.
Không có gì đáng hận, con người ta khóc thương cho người đã khuất là lẽ thường. Đúng. Mẹ nó khóc với cái tình thương giữa người với người. Làm quái gì có vợ chồng ở đây ?
*
Nó cũng khóc. Dù mới lên bốn, nhưng cũng đã ăn đủ loại đòn. Mẹ nó đi làm cả ngày, tối về bà giữ nó nên chẳng làm gì được, thành ra chỉ mỗi bố nó đánh.
Có lần nó đang nghịch cát trong sân, bố nó nhậu về thấy vậy, thế là bị nắm lấy cái tay nghịch bẩn, rồi bị nhấc bổng cả lên, ốm thì ốm chứ thằng nhóc bốn tuổi chỉ như cái bao cát, và sau đó là ăn tát vào mặt. Thằng cu bị ăn tát, liền khóc òa ra đấy, rồi chạy vào với bà nội. Bà dỗ dành nó, và cũng như mọi lần, chả dám ho he gì. Cứ để mặc cái thằng gia trưởng có đến cả quyền sinh sát ấy thích làm gì thì làm.
Thương cho roi cho vọt, rõ chỉ là cái câu biện minh cho sự bất lực trong khả năng giảng giải và thuyết phục người khác hiểu được vấn đề của bọn nói ra câu đó, hoặc bọn sẵn tính bạo lực trong người, đã giận lên thì phải tìm ngay ai đó để trút cái giận vào, và còn ai thích hợp hơn là nguồn cơn gây ra cơn giận? Bố nó còn nặng hơn, vì có thêm men rượu. Càng uống nhiều, nó càng làm mờ lí trí con người ta, để lộ những cái bản chất xấu xa nhất mà bình thường họ vẫn cố kiềm chế, che giấu. Cơ mà bố nó chẳng sợ gì mà phải giấu.
Thực ra người có tính bạo lực, bởi khả năng nói chuyện và thuyết phục của họ là một thảm họa. Họ không sao tìm ra cách giải quyết những vấn đề, những mâu thuẫn với người khác, ngoài nắm đấm. Thực ra cái khả năng đó vốn đã bị làm liệt đi, bởi họ cũng chẳng bao giờ được thể hiện chính kiến của mình. Gia đình phong kiến nó thế. Ra ngoài xã hội thì nhiễm thêm cái tư tưởng thằng đàn ông, thằng chồng, thằng cha.
Chẳng ai bảo được bố nó phải làm gì, bà nó thì chả bao giờ đá động gì đến, bởi tư tưởng của bà thì đấy là bình thường. Chỉ có những người trực tiếp chịu trận mới bất mãn với bố nó, nhưng họ không làm gì được. Nói ra tính xấu thì bị bố nó cho vêu mồm. Với người như thế, chỉ cần không phạm pháp, họ đã cho mình là tốt đẹp. Bố nó lại luôn được người ta tâng bốc, giàu mà. Được người ta gieo vào đầu cái tư tưởng thằng đàn ông, thằng chồng, thằng cha, thằng trụ cột gia đình, thét một tiếng không ai được cãi. Bố nó lại chưa từng bị ai tát cho vào mặt. Đã xấu tính, lại không bao giờ chịu lắng nghe người khác, tự cho mình là cái rốn của vũ trụ mà chưa từng bị ai tát cho tỉnh ra. Rượu vào rốt cuộc cũng chỉ làm bố nó bốc cái tính xấu của mình mạnh hơn mà thôi.
Buồn tay buồn chân, nói thì nói thế, thực ra chẳng ai đánh người khác mà không có lí do cả, trừ khi tâm thần, tâm lý, đạo đức họ có vấn đề nên lấy việc làm đau người khác làm niềm vui. Cơ mà lí do bố nó dùng để đánh người khác lại hết sức vô lí. Bố nó chẳng thèm nghe phản bác, tự cho rằng mình đúng, bởi thế mới gọi là vô lí. Thậm chí chỉ với lí do vô cùng nhỏ nhặt, bố nó cũng động tay động chân để bắt người khác nghe lời. Ngứa mắt với thằng con mà cũng cho nó ăn bao được. Bởi quen rồi. Bố nó cũng chẳng hề có một chút sự tôn trọng mẹ con nó để mà chịu khó nói chuyện khi gặp chuyện trái ý thay vì nắm đấm. Nghĩ đến làm thế thôi bố nó còn chưa từng. Bố nó không bao giờ nói ra, bản thân bố nó khi nói chuyện với chính mình cũng sẽ chẳng tự nhận, thậm chí bố nó còn không biết điều này, rằng bố nó luôn coi mẹ con nó chỉ như vật nuôi trong nhà. Bởi đó là tư tưởng của bố nó.
Nhưng nó vẫn khóc trong đám ma. Tuy không biết, không hiểu về sự xấu xa của bố nó, nhưng bố nó đánh nó như con, vậy mà nó vẫn khóc. Bởi trẻ con sống bằng bản năng, nó chỉ có khái niệm nguy hiểm, an toàn, và có lợi. Bố nó đánh nó, nó biết đấy là đối tượng nguy hiểm, cần cảnh giác. Bà nó dỗ dành nó, gần như thay thế vị trí mẹ nó, nó coi đấy là đối tượng có lợi. Và dù còn nhỏ, nó vẫn ý thức được ai là mẹ nó, nhưng chỉ coi đấy là đối tượng an toàn. Hành động vẫn có giá trị hơn. Khi cả bà, mẹ, cả những người xung quanh đều khóc hoặc buồn, bản năng nó cho rằng việc bố nó chết là thứ gì đó không có lợi, hoặc nguy hiểm. Nó chẳng biết chết là gì đâu. Và theo phản ứng thông thường, nó khóc.
*
Bà nó cũng khóc, lớn nhất trong nhà. Mẹ con hơn vợ chồng, hàng xóm họ bảo vậy.
Thực ra bà cũng chẳng thù hằn gì bố nó, dù lắm khi bố nó làm bà điên tiết lên, như vụ bán cái ao chẳng hạn. Nhưng bà chẳng dám ho he gì. Bố chết thằng con làm chủ, muôn đời là như thế. Phận phụ nữ, phu tử tòng tử. Cơ mà thằng con chết rồi, tòng ai đây? Bà khóc cho cái tương lai vô định. Thằng con chết rồi, người ta gọi bà góa cả chồng con. Bố nó chết rồi, ai trụ cột gia đình ?
Trụ cột trên danh nghĩa. Người mang tư tưởng phong kiến, buồn cười ở chỗ họ coi thằng chồng, thằng cha luôn là trụ cột, bất chấp thực tế ra sao. Đất nhiều đấy, nhưng vợ cày. Lợn nuôi ăn đứt công vợ làm đấy, nhưng có nhiêu mình bố nó nhậu sạch. Mọi thứ phí sinh hoạt đều một tay mẹ nó trang trải, làm từ sáng đến tối mới đủ nuôi bốn cái mồm ăn. Bố nó chỉ có làm trụ cột tư tưởng, còn chẳng phải tinh thần. Và cái tư tưởng đó không khác gì thứ gông cùm còng vào cổ con người ta cả.
Từ xưa đã như vậy, chỉ là không ai hiểu ra. Thậm chí tận bây giờ vẫn đầy người chưa hiểu. Mẹ và bà nó là một ví dụ. Tuy đã giảm đi nhiều, không đến mức coi nhân quyền như cỏ rác giống thời trung cổ, nhưng về cốt lõi thì vẫn giữ vững. Giá trị của thằng trụ cột vẫn được giữ nguyên vẹn, bất chấp thực tế.
Mất đi trụ cột, căn nhà sẽ ra sao? Bà khóc vì điều đó. Người ta thì bảo bởi bố nó là con bà, là khúc ruột bà mang nặng đẻ đau.“Ai không khóc khi khúc ruột mình mang nặng đẻ đau chết đi?”,“Ừ, phải”. Thử hỏi có mấy ai nhớ được cái nỗi đau đó? Nhất là bà nó, bà nó còn chẳng đau nhắc lại. Sinh được bố nó đã là phước phần rồi. Mọi thứ quan trọng và vẻ đẹp nhất của tình cảm gia đình đều đến từ quá trình nuôi dưỡng, vi nuôi dưỡng nó theo con người ta cả đời. Bởi thế người ta nói công sinh không bằng công dưỡng. Cơ mà thực chất bà chỉ coi sinh nở như một thứ trách nhiệm.
Bà từ ngoài Bắc xuống đây, tay không tấc đất cắm dùi. Được ông rước về phải gọi là phước ba đời. Đồng làng đồng quê, nhưng hơn vì có miếng đất, cái ao vợ trước để lại. Về nhà ông cũng chỉ phải nội trợ. Đất ông cày, cá ông nuôi. Điều kiện quá hoàn hảo để bà thực hành, duy trì cái tư tưởng của các cụ mà bà bị nhồi vào đầu từ nhỏ.
Rồi cứ thế, mang nặng đẻ đau đấy, thực tế bà chỉ coi đó như chuyện bao người phụ nữ khác phải chịu. Bà không hề coi việc đó là thứ gì kì diệu, bà không có sự gắn kết với cái bào thai của mình, bà coi đó là thứ của nợ, bất tiện, bà coi đó là nỗi đau. Buồn cười thay, khi ai đó khóc thương con, người ta giải thích đó là do họ mang nặng đẻ đau, nhưng khi con họ làm trái ý, họ lại bảo tao mang nặng đẻ mày đau cả l** ra.
Rửa ráy, tắm gội, dỗ dành, cho bú, ru ngủ, lặp đi lặp lại cái điệp khúc đó ngày qua ngày đấy, bà cũng chỉ coi như một thứ nghĩa vụ. Mà làm gì có ai ưa được thứ rắc rối từ trên trời rơi xuống? Nghĩa vụ là một thứ như thế, từ trên trời rơi xuống. Vậy nên bà chỉ thấy bực, bà chỉ muốn trút cả vào mặt mỗi khi bố nó khóc.
Thật ra thì không hẳn. Gọi là từ trên trời rơi xuống, vì nó không mang lại lợi ích gì cho con người ta, nhưng họ vẫn phải chịu đựng. Cơ mà không hẳn, vì bà nó vẫn có chút lợi ích. Khi sống đúng theo những gì được nhồi vào đầu từ nhỏ, con người sẽ có được cảm giác an toàn, họ nghĩ rằng mình sẽ không bị xã hội khinh rẻ, miệt thị, xa lánh, họ sẽ nhận được những lời khen ngợi, đó chính là phần thưởng. Nhưng nó có ăn được không? Phần thưởng đó, quá nhỏ bé và xa vời. Trước mắt bà chỉ thấy toàn phân, toàn mất ngủ vì tiếng trẻ con khóc đêm, toàn là mệt mỏi vì dỗ dành. Bà làm theo những lời dạy đó thực tế chỉ để cảm thấy an toàn. Bỏ ra nhiều công sức mà phần thưởng không xứng đáng, kiểu gì người ta chả bực ?
Cơ mà nói lại. Nếu bà coi con cái như một thứ hạnh phúc, thái độ của bà có lẽ đã khác. Bà đã chẳng coi những thứ mình phải chịu đựng là nghĩa vụ, bà đã coi chúng chẳng là cái gì, bà đã đối xử với bố nó tốt hơn, để rồi sau này bố nó nhớ đến tình thương của bà, bố nó sẽ không coi bà như một viên gạch vô tri cho cái nhà này đủ đầy. Nếu bố nó vô ơn, đã có xã hội phán xét. Những người xung quanh không phán xét bố nó, ít nhất cũng làm cái sự vô ơn của bố nó thành ra không thể bào chữa. Bà chỉ sống bằng trách nhiệm, phụ họa cho người khác, cả khi họ cho tình thương lẫn nỗi khổ bố nó. Không phải bà không thể làm, mà bà không muốn làm, tư tưởng của bà nó khiến bà như thế. Bà chọn hy sinh thầm lặng theo như cái tư tưởng của bà, bà tưởng như thế là cách bà thể hiện tình thương, nhưng thực chất lại chẳng có gì ngoài những nghĩa vụ bà phải làm, trong khi con người ta cần nhiều hơn thế. Mỗi lần nhắc về công ơn của mình, bà chỉ có thể nói “tao đẻ mày ra”. Ừ đấy, chính vì chỉ có đẻ bố nó ra, bà chẳng thể đòi hỏi gì nhiều từ bố nó.
Bố nó lớn lên, mới bảy tuổi, đã phải theo ông làm đủ thứ việc, thành ra chỉ còn bà với cái bếp. Đến khi ông chết đi, bố nó nắm hết quyền hành với của cải trong nhà, bà phải theo tòng bố nó. Nếu có chút gì gọi là quyền hành, bà chỉ có mỗi cái quyền chọn vợ cho con. Bà chọn ngay con của người thuê cái ao nhà. Từ khi ông chết đi, bố nó chẳng động tới cái ao nữa, nên phải cho thuê, cơ mà cho thuê chả được bao nhiêu. Vậy nên: “Mày không nuôi nổi thì lấy vợ về cho nó nuôi. Có cả cái ao cá mà như không. Mày cũng từng tuổi này rồi”. Và sau đó là trở về như trước, lủi thủi trong nhà.
Việc nhà bà đùn xuống con dâu, đâm ra rảnh rỗi, bà quay sang đi lễ, nhờ có thời gian nói chuyện với hàng xóm nên người ta truyền đạo cho. Sùng đạo rồi, bà cũng cố truyền cho bố nó, nhưng ngoài những thứ cơ bản của cơ bản mà bất kì người Cơ Đốc Công Giáo Rôma nào cũng phải làm để vào đạo, bố nó chẳng thực hành việc thờ phượng nào khác, cả đi lễ chủ nhật. Thời gian đầu còn đi, sau bỏ hẳn. Bà cũng buồn lắm, bố nó đã vậy, dâu sau lại không có đạo, nên bà khó chịu ra mặt từ đầu. Cơ mà mang tiếng vợ chết, vùng này chẳng đông đúc gì, người quen chả đến nỗi nhiều nhặt, ao chẳng còn, lợn cứ thế kiểu gì cũng hết sạch, ruộng bỏ không đấy để làm gì? Con này cũng siêng năng. Thôi thì đành.
Rồi sau khi thực hiện cái quyền hành duy nhất lần nữa, bà lại quay về lủi thủi. Bà cứ lủi thủi đọc kinh suốt. Bởi thế khi biết có thằng cháu, bà mừng hét lớn, còn đến mức đỡ đần ngược lại con dâu. Sau vụ trước bà cũng tởn. Nhưng khi thằng cháu sinh ra, đâu lại hoàn đầy. Cháu bà giành, bỏ mặc dâu. Có thằng cháu rồi, một chút tình cảm từ những kỉ niệm đẹp với bố nó cũng chẳng còn. Tât nhiên rồi. Làm gì có ai sống với ai cả một phần ba đời người mà chỉ toàn những kí ức xấu xa được. Vấn đề là số lượng với chất lượng cái nào nhiều hơn, và có lấn át cái kia hay không. Với bà thì đó là những kí ức xấu xa. Nhưng khác mẹ nó, bà không quên những kí ức đó, kỉ niệm đẹp cũng không bị bà phóng đại quá lên, tâm lý bà hoàn toàn bình thường, vì bà không phải chịu cái cảnh cùng cực như mẹ nó. Chỉ là mấy cái tính xấu, bà coi chịu đựng là trách nhiệm của bà, bổn phận của bà là chịu đựng. Bà không được phàn nàn. Bà mặc kệ chúng. Cơ mà thực ra bà vẫn bao che cho chúng, bao che với người ta, và cả bản thân bà, để bà không thấy bực bội khi nghĩ về thói xấu của bố nó.
Rượu thì sao? Đàn ông ai chẳng uống. Bà bảo. Với bố nó ăn của mình làm ra chứ có lấy của ai? Của đời cha thì con xài, mình làm gì được động tới? Với bà thì chỉ cần không phạm pháp là được. Còn bố nó ra sao, bà vẫn tòng, vì đó là nghĩa vụ của bà, là những gì bà được dạy từ nhỏ. Bà chỉ tập trung vào những thứ tốt đẹp mà thôi. Có điều chúng ít ỏi tới mức mà khi có thằng cháu rồi, những thứ đó chỉ như so hạt cát với tảng đá, bà chẳng còn đếm xỉa tới. Những gì còn lại, chỉ còn mỗi nghĩa vụ mà bà phải chịu đựng.
Nhưng bà vẫn khóc. Thật ra đó cũng là bởi trách nhiệm, tư tưởng. Và vì là trách nhiệm, tiếng khóc của bà nó như thế này:
"Ôi lạy Chúa, thằng con tôi chết rồi! Thằng con tôi mang nặng đẻ đau chết rồi! Trụ cột nhà tôi chết rồi! Ôi lạy Chúa tôi !!!"
Bà có thốt ra được câu “đứa con mà tôi yêu thương chết rồi” không vậy ?
(Còn tiếp)