-----------------------
Bà nó đọc kinh, tối nào cũng thế, nhưng hôm nay cao hứng bất thường. Chủ yếu vì mới đi cha Diệp về. Vừa về tới nhà, bà nó treo hết các thứ hốt được trên đó lên. Ảnh rồi dĩa rồi tràng hạt đủ cả. Nom chẳng khác nào cái tế đàn. Treo xong, bà kéo thằng cháu nhỏ vào. Bà đưa nó cái tràng hạt đeo tay, tràng mười hạt, mỗi hạt một kinh. Còn bà, vòng tay hơi ít, bà kéo cả vòng cổ xuống đọc, hơn năm chục hạt, đọc như thằng cháu. Vì đọc ít hơn, nó được ngủ trước bà nó, trong khi bà vẫn ngồi đọc. Không chỉ hôm nay, trước giờ vẫn thế, thành ra coi như thay vì ngụp lặn trong tiếng ru, nó ngủ trong tiếng đọc kinh. Thằng này lớn lên chắc sùng đạo, bà nó nghĩ vậy.
À mà trước khi nó đi ngủ, bà cũng nhớ bảo nó cầu nguyện, cầu nguyện những thứ tốt lành, một nghĩa cử cao đẹp. Cầu cho gia đình, người thân, cầu cho các linh hồn đang khổ sở dưới địa ngục. Vì như thế đẹp lòng Chúa, Chúa sẽ cho mình lên thiên đàng. Và nhất là cầu cho sức khoẻ. Cơ mà sức khoẻ chưa thấy đâu, nội đọc kinh không đã mất gần tiếng rồi mới được ngủ. Thật ra trước nó cũng đọc như bà nó, nhờ mẹ nó can thiệp, nó mới được ngủ sớm.
Mẹ nó chẳng dám động tới niềm tin bà nó, nhưng vẫn khó chịu ra mặt. Mẹ nó chẳng dễ chịu gì, vì vốn không theo đạo. Cơ mà con gái lấy chồng, phải theo chồng, phải về nhà chồng, phải cải đạo thành của chồng. Phàn nàn? Biết lấy lí do gì? Vậy nên mẹ nó bực bội, thật ra không phải vì đạo. Mới có phần nổi. Con người ta bị ấn tượng xấu với ai, ít khi nghĩ tốt về họ, ít lúc cho rằng hành động của họ là tốt.”Bả cứ hạnh hoẹ mình suốt, trước cả đám cưới, mà con thì bả giành. Chỉ mong nó không ra như bả”. Hễ thấy cảnh bà cháu đọc kinh, mẹ nó lại khó chịu vậy.
Kệ! Dù sao bả cũng lo cho con mình, mình có chăm được nó đâu. Bố nó lại càng không (nhưng trái ngược vì “bận” ăn nhậu). Một mình nuôi bốn cái mồm ăn, bỏ buổi tối, ở nhà chăm con, có mà há họng hết.
Kể cũng tội.
Trước lúc cưới, thấy nhà nó giàu, nhà nó có của, ruộng phì nhiêu, tưởng nhà nó chí thú làm ăn. Ba má bắt cưới, cũng ậm ừ. Nó bắc kì, nó hơn mình gần con giáp! Kệ. Phận làm con, ba má đặt đâu ngồi đấy. Nhà bên kia bảo vậy, mình cũng lỡ dạ ngược lại vậy. Giờ mới thấy lúc đó lỡ mồm. Bị cũng chỉ nghĩ nhà nó có của, sợ gì thiệt? Hoá ra của từ đời bố nó, toàn ruộng là ruộng. Chứ nó thì chỉ có nuôi lợn.
Sáng nó đi lấy cặn. Mà có phải đích thân nó đi lấy đâu, người ta đem cặn đến tận nhà nó. Nó chỉ có ra cổng lấy. Vì nhà nó rộng, nó có chuồng. Người ta muốn gửi nhờ lợn, phải đem cặn đến cho nó, cho cả lợn nhà nó.
Cho lợn ăn, xong nó đi uống chè, nói chuyện với hàng xóm, đợi vợ về nấu cơm. No bụng, nó lăn đùng ra ngủ. Đén mà muốn quẳng nó vào chung với lợn.
Chiều nó lại cho lợn ăn. Cám vợ nó nấu sẵn. Tính ra nó chỉ được cái tắm cho lợn sau đó. Nó đứng tắm lợn, cũng cái dáng nó đứng chống hông tưới cây. Có điều lợn di chuyển, còn cây thì không, nom vui mắt.
Tắm lợn xong, nó bỏ đi nhậu. Nay bạn nó rủ, mai chú nó rủ, mốt thì bạn của bạn nó, mốt nữa thì bạn của cô nó. Chẳng bữa nào mà nó không tìm được lí do để đi nhậu. Nó nhậu đến cọc cả người đi, từ trước cả lúc cưới. Không phải rủ, thì nó đi đám. Đám ma, đám cưới, đám hỏi, đám dỗ, đám thôi nôi, đám đầy tháng, tiệc sinh nhật, kỉ niệm ngày cưới, đám nào cũng đi tuốt. Không cái đám nào nó bỏ, chẳng ai mời mà nó từ. Bạn bè, họ hàng nó cả đống, ai cũng nể nên mời nó. Giàu mà.
“Đàn ông, phải quan hệ, phải quen biết rộng”. Giá nó quan hệ để làm ăn. “Mình đi đám người ta, nhậu với người ta, mốt con mình có đám, nhà mình có tiệc, người ta đông, người ta mang tiền đến bù”. Bù được bao nhiêu? Nó đi như thế, quá cha cái tiền đấy. Quá cha, nên tiền cứ cạn dần. Trước lúc cưới, nó phải bán cả cái ao cá. Cái ao cá trầm chết con vợ trước của nó.
Trước nó còn con vợ. Nhà nó giàu, thiếu gì mối. Con vợ đó kể cũng tội. Hoàn cảnh chẳng khá hơn mình, cũng làm quần quật. Mình may nhờ sinh con giai, sinh cho bả thằng cháu đích tôn, bả có thằng cháu, tập trung hết vào nó, ít có hạnh hoẹ đi, lúc mang bầu cũng đỡ khổ như con đấy. Khi siêu âm ra con gái, bả từ mặt nó luôn. Rồi chẳng hiểu số má thế nào, gần ngày sinh con, người ta thấy nó nổi lềnh phềnh trên mặt ao. Nó bị xô, nó nhảy xuống, nó té ngã? Chẳng ai biết.
Bả thì còn đỡ, nhưng tiếc của, chẳng dám bán, chứ hàng xóm người ta kiêng, người ta bảo bán cái ao đi. Người ta bảo với nó, chứ không bảo với bả. Thế là nó bán, nó làm cái đám to đùng. Đám hai người, phải làm cho to. Người ta đi đông, dù chẳng mấy ai quen vợ nó, nhưng cũng đến chia buồn.
Vậy đấy, thế là bây giờ chỉ còn lợn. Nó cứ như thế, của để đâu mà còn? Nếu không phải ruộng? Mà lợn cũng chẳng thoát khỏi nó. Lợn có bao nhiêu, nó nhét vào rượu hết, đúng hơn là vào mâm nhậu. Và cũng chỉ có thế thôi, tiền bán lợn nó chẳng dùng vào việc gì khác. Lắm khi nó còn thịt luôn cả lợn đãi, thịt luôn con lợn gần đủ ngày bán. Không ăn ở nhà, không nhậu ở nhà, vì ăn không hết, nó mang sang nhà hàng xóm, cũng là cái cớ khác để đi nhậu.
Tuần bảy ngày, nó nhậu hết sáu, chừa mỗi ngày chủ nhật. Không phải vì nó đi lễ. Bạn bè nó thì có, người khác thì làm cả tuần, phải chừa chủ nhật lo cho vợ con, hoặc nhiều lí do khác. Nói chung chẳng mấy ai rảnh nhậu với nó.
Bà nó thấy vậy, bố nó không đi lễ Chúa Nhật, thôi cũng chẳng ho he gì, chỉ đọc kinh bù cho bố nó. Trước giờ vẫn vậy, giờ có thêm thằng cháu đọc bù, bố nó chắc cũng bớt tội. Còn mẹ nó, không phải thấy bố nó bỏ lễ, mà vì chịu ở nhà, có hôm đi làm về bỗng cao hứng.”Mình hôm nay chịu ở nhà với vợ con cơ à?”, thì nghe đáp, thẳng vào mặt.”Tôi có phải trâu bò! Làm gì chẳng có lúc mệt ?”.
Nó nói thế. Lạy trời! Nó nói thế. Khác gì nó biến mình thành trâu? Ừ đấy. Phải! Mình là con trâu. Sáng đi làm, trưa đi làm, chiều đi làm, cả ngày đi làm. Mặt đen, da cũng đen. Tay thì sạn, chân thì vôi với phèn nó đóng. Tối ra đường người ta va phải vì chẳng nhìn ra. Ừ, mình là con trâu, nuôi chẳng tốn cơm. Bà mẹ chồng, tụi bắc kì, nấu cho bữa cơm mà bả còn chửi cho hết muốn ăn. Lắm khi đi làm về tối, đúng lúc nó nhậu về, xỉn ngoắc, nó buồn tay, nó lại tát cho hết ăn được cơm.
Tức lắm. Tức lắm. Tức dữ lắm. Thì làm gì đây? Nó nhậu xỉn, nó tát mình, nó đạp mình, mình còn chẳng dám đánh lại. Phụ nữ người ta chống cái gì thì được, kể cả đàn ông, như chị Dậu. Chứ cái cọc cột mình từ nhỏ thì không. Dù bây giờ đã thành voi, đúng hơn là trâu. Chứ chồng mình thì không !
Con quỷ lực điền, chuyên việc nặng, mà không đánh được con ma rượu. Tức lắm. Không làm gì được. Muốn kiếm ai tâm sự. May cho thằng con, nó ở với nội, không là bị đổ tâm sự lên đầu. Có mỗi thằng con, mà bị bà mẹ chồng lấy mất. Họ hàng thì chẳng có ai, bạn bè cũng vậy. Nhà không có của, chó nó chơi. Thế mới lấy phải nó. Về nhà ba má thì nó lại sang nắm đầu lôi về.
Hết cách. Thôi thì đi ngủ! Chất ngủ rất thần kì. Chất ngủ làm con người ta quên hết buồn bực. Tức cỡ nào, giận cỡ nào, ngủ một giấc, quên ngay. Và cả mệt mỏi nữa. Ăn có thể bỏ, chứ ngủ thì không. Nên là kệ, đi ngủ !
Nhưng rồi sao ?
Ngủ xong, đâu lại hoàn đấy. Bố nó vẫn ăn nằm với lợn, bố nó vẫn xỉn, bố nó vẫn tát. Con thì bà mẹ chồng lấy mất, bắt đọc kinh, bắt đi lễ. Việc vẫn phải làm, quần quật từ sáng đến tối mịt. Chẳng có cái gì kinh khủng hơn, là khi đang trong cơn đê mê của giấc ngủ, con người ta bỗng giật mình dậy, rồi chợt nhớ ra mình phải vác cái thân thể rã rời, không phải vì mệt, mà vì sướng, càng mệt bao nhiêu, càng sướng bấy nhiêu, đi làm. Làm quần quật, làm từ sáng đến tối mịt, mệt mỏi tích đầy, còn rước thêm cái bực vào người. Để rồi lại đi ngủ.
Ước gì được nhậu. Phải. Ước gì được nhậu. Chất rượu cũng rất thần kì. Chất rượu cũng giống như giấc ngủ, chỉ khác là vào ban ngày. Không được ngủ, ta mò đến rượu cho quên sầu. Nhưng nhậu với ai? Với nhậu thì hại. Mà có khi không. Cứ nhìn bố nó xem.
Nói chung cứ để sức đấy, để thời gian đấy mà làm, làm mà lo cho con. Bố nó không nuôi được. Ráng nuôi cho nó lớn, nó lớn lên, nó nuôi lại mình. Đạo nào cũng là đạo, cũng dạy con người ta sống đạo đức cả. Bả dạy dỗ nó, chắc cũng không đến nỗi ra khốn nạn như bố nó. Đời người mẹ chỉ còn biết trông chờ vào con. Nuôi nó lớn, nó ăn học thành tài, thế là mình hết việc.
Và cũng chỉ có thế mà thôi. Có những người, họ thậm chí còn chẳng tính đến tuổi già. Vì phải lao động chồng chất, cơm áo, rồi gạo tiền, chồng con, những cái đó nó che mờ mắt người ta đi. Họ chẳng còn lo nghĩ được cái gì hơn nữa. Bất công, họ vẫn cảm thấy, họ vẫn suy nghĩ về nó, họ vẫn tức tối vì nó. Nhưng họ lại đi ngủ. Mệt mỏi làm con người ta ngủ đi rất nhanh. Cho hết mệt, cho quên sầu. Nhưng điều đó thật tệ hại. Công việc và giấc ngủ giành hết thời gian của con người ta. Họ thấy bất công, họ bực tức. Nhưng sáng đi làm, tối về ngủ. Bất công, bực tức, họ chẳng nghĩ được chúng thật sự từ đâu ra, cách giải quyết chúng. Họ tạo ra những khoảng trống trong suy nghĩ, nhưng lại không lấp đầy, để rồi sáng ra cả giấc ngủ lẫn công việc lấp đầy nó cho họ. Đến khi con cái họ thành tài, họ nghĩ những gì mình bỏ ra là xứng đáng, họ chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Họ bắt đầu lo tính đến tuổi già, tương lai, cái tương lai chẳng còn bao nhiêu của họ. Còn không, họ lặp lại cái vòng xoáy đi làm, tức, rồi ngủ, đến khi nhắm mắt xuôi tay.
(Còn tiếp)