Âm nhạc của Cung Tiến không nằm ngoài dòng chảy tinh thần của thế hệ ông. Thế hệ ông là thế hệ của Sáng tạo (Cung Tiến từng viết cho Sáng tạo với bút danh Thạch Chương). Mặc cho mọi nỗ lực "chôn" tiền chiến, Sáng tạo trên thực tế vẫn luôn bị tiền chiến ám ảnh như một bóng ma. Dư âm của tiền chiến hiện rõ trong những sáng tác đầu tay của Cung Tiến.
Cung Tiến là kiểu tài năng vừa xuất hiện đã gây tiếng vang. Điều này làm ông giống với một con người tài hoa bạc mệnh trước đó: Đặng Thế Phong. Ba bài hát Cung Tiến viết ở tuổi thiếu niên: Thu vàng, Hoài cảmHương xưa gợi lại đúng nhịp bước của Đặng Thế Phong với Đêm thu, Con thuyền không bếnGiọt mưa thu


Cả hai không chỉ giống nhau về cảm thức lãng mạn trữ tình, nỗi buồn và niềm hoài nhớ, mà còn giống nhau ở một thứ gì đó thuộc về nhạc thể mà tôi chỉ mơ hồ cảm nhận chứ không biết phải cắt nghĩa thế nào. Nó giống như trạng thái non tơ trong giai đoạn định hình bản thể của âm nhạc cải cách thời kỳ đầu.
Ta biết rằng, Cung Tiến sinh năm 1938, cũng chính là năm khai sinh của "tân nhạc", nếu chọn sự kiện Nguyễn Văn Tuyên diễn thuyết khắp cả nước về âm nhạc cải cách làm mốc khởi đầu. Người dạy nhạc cho Cung Tiến là Thẩm Oánh, cũng là người cùng với Dương Thiệu Tước lập nên nhóm Myosotis, thuộc thế hệ nhạc sĩ đầu tiên. Chịu ảnh hưởng từ Thẩm Oánh, từ thi ca tiền chiến của Xuân Diệu, Huy Cận, cũng như từ việc rời quê hương quá sớm (ông vào Nam năm 1952), khiến âm nhạc Cung Tiến có dáng dấp của một sự ngoảnh lại nhìn về tiền chiến.

Từ trái qua: Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Tiến. Ảnh: Gió O.

Hòa cùng tinh thần sáng tạo của văn nghệ miền Nam, Cung Tiến khai phá âm nhạc theo hướng nhạc thuật Tây phương. Âm nhạc của Cung Tiến bắt đầu phức tạp hơn. Ngoài sự ngoảnh nhìn về tiền chiến, một tính cách đặc trưng của âm nhạc Cung Tiến bắt đầu được thành hình trong giai đoạn này, đó là thái độ của ông về lời ca.
Chúng ta có những nhạc sĩ tạo ra được một tổng thể hài hòa lời nhạc như Văn Cao hay Phạm Duy. Nhưng chúng ta cũng có những người ngả về phía lời, thay vì nhạc, như trường hợp Trịnh Công Sơn. Cung Tiến là trường hợp mà khuynh hướng sáng tác càng lúc càng ngả về phía nhạc.
Ở Cung Tiến, ta sẽ thấy rằng, ông không viết nhạc từ con số 0 mà dựa trên cảm hứng từ thơ. Xuyên suốt sự nghiệp của Cung Tiến, đây là một đặc trưng nổi trội. Nguyệt cầm của ông dựa trên ý thơ Xuân Diệu, Lệ đá xanh, Vang vang trời vào xuân từ thơ Thanh Tâm Tuyền, Thuở làm thơ yêu em từ thơ Trần Dạ Từ, Đôi bờ, Kẻ ởĐường hoa từ thơ Quang Dũng, Vết chim bay từ thơ Phạm Thiên Thư, Hoàng hạc lâu từ thơ Thôi Hiệu do Vũ Hoàng Chương dịch, Ta về từ thơ Tô Thùy Yên. Với Cung Tiến, thơ là tiên khởi về ý, rồi từ đó mới hình thành nét nhạc, và nhạc sẽ mở ra một chiều kích (dimension) khác của nghệ thuật. Cách làm này về sau ta còn thấy rõ ở trường hợp của Ngọc Đại hay Trần Viết Tân.
Về phần nhạc, khi đã am tường về nhạc Tây phương sau nhiều năm tháng ở nước ngoài, Cung Tiến tìm về nhạc liệu truyền thống phương Đông, như âm giai ngũ cung. Nhất là sau năm 1975, ta thấy Cung Tiến đạt đến một tầm mức vượt thoát, khi ông thăng hoa trên cuộc tìm kiếm những chất nhạc đủ sức thể hiện những ý niệm về dân tộc vĩ đại như từ Chinh phụ ngâm hay Bình Ngô Đại Cáo.

Nhìn vào con đường âm nhạc của Cung Tiến, có thể thấy ông là một con người cầu toàn và quan niệm chân nghệ thuật thì phải sang trọng. Cung Tiến là một người tài hoa mẫu mực của âm nhạc Việt Nam.
Ngoài âm nhạc, một điều khá riêng tư khiến tôi thích thú về Cung Tiến chính là ông cùng ngày sinh với tôi, tương tự như Bruce Lee.
04.03.20