[SPOILER ALERT]

“Giả định rằng ta mặc quần áo khô. Giả định rằng ta có đôi giày tốt và tấm áo khoác vừa dài vừa dày cùng đôi tất bằng vải len và một cái ô còn nguyên vẹn. Và giả định - giả định - rằng ngay khi ta đến gần một hiệu bánh mì nơi người ta bán bánh mì ngọt nóng thì ta bắt được một đồng sáu xu - một đồng tiền vô thừa nhận. Giả định là ta bắt được, ta sẽ vào trong hiệu mua sáu chiếc bánh mì ngọt nóng nhất và sẽ ăn tất cả liền một mạch.” 

Cô công chúa nhỏ nghèo khổ của Frances Burnett đã luôn thực hành luật hấp dẫn một cách tự nhiên như vậy đấy. Nó luôn gửi lên trời xanh những tín hiệu tốt đẹp, rằng mình đang sống một cuộc sống tươi đẹp nhất có thể. Đôi khi trời xanh yêu chiều nó cho nó một người cha giàu có với những mỏ kim cương ở Ấn Độ, yêu thương nó hết mực, sắm sửa lụa là váy vóc để nó trở thành một cô tiểu thư xinh đẹp nhất trường nữ của cô Minchin. Đôi khi trời cao lại tước hết đi những đặc quyền của cô bé tốt bụng, người chẳng bao giờ nghĩ đến tai ương, lại phải trải qua những cơn ác mộng khủng khiếp nhất khi cha nó bỗng mất ở Ấn Độ và nó thì ở Paris, cô bé thành đứa hầu gái mà người ta hay thấy nó chạy việc vào những đêm mưa tuyết khủng khiếp nhất. 

Trong cái tối đói rét đó, những giả định của nó thành hiện thực khi nó bỗng nhặt được đồng bốn xu. Với bốn xu có thể mua được bốn ổ bánh một xu, quá may mắn rồi. Trước tiệm bánh, nó bắt gặp một đứa trẻ trông nhỏ thó và đói hơn cả nó, đi xin ăn cả ngày nay vẫn chưa được gì. Nó bèn quyết sau khi hỏi thử bà chủ tiệm bánh có ai đánh rớt đồng bốn xu này không, thì sẽ mua lấy bốn chiếc bánh và chia sẻ cho đứa nhóc này. Trước một cô nhóc áo quần tuy đẹp nhưng rách rưới, giọng nói khoan thai ra chiều được nuôi dạy tốt, bà chủ tiệm có phần hơi ngạc nhiên, sau khi xác nhận không biết đồng xu ấy của ai, bà nhận tiền từ cô bé, đi lấy bánh. Bà gắp cho nó sáu chiếc bánh, dù nó đã khăng khăng rằng mình chỉ mua bốn chiếc. Nó rất lấy làm cảm động, cảm ơn bà và định tiện thể nói rằng ở ngoài kia có một cô bé đang vô cùng đói, thì những người khách ở ngoài vội vã vào đã khiến nó không thể nói được nữa. Nó chia sẻ cho cô nhóc kia một chiếc, rồi một chiếc, rồi lại một chiếc nữa. Cô nhóc ăn như một con thú hoang, không chút lễ nghĩa, vì cũng không có ai dạy nó điều đó. Cuối cùng cô công chúa của chúng ta chỉ giữ lại cho mình một chiếc bánh, giả định rằng mỗi miếng bánh là một bữa ăn thật thịnh soạn. Bà chủ tiệm bánh mì rất ngạc nhiên khi thấy nó chia sẻ gần hết bánh mì cho đứa khác dù cơn đói hiển hiện rõ ràng trong mắt nó. Sau khi biết được nó đã chia sẻ cho cô nhóc kia hết năm trong sáu chiếc bánh mì nhỏ, thì bà chủ đã nói với cô nhóc kia rằng hãy cứ đến tiệm bà khi nào không xin được cái gì, “vì cô bé kia bác sẽ cho cháu, nếu không bác thật chẳng ra gì”.

Hẳn trong số chúng ta ai cũng từng trải qua những chuyện cầu được ước thấy như này, lực hấp dẫn bỗng mang lại cho chúng ta những điều chúng ta hằng mong ước, thay đổi phút chốc tình cảnh tồi tệ mà mình đang trải qua, mang lại niềm vui đến cho một ngày. May mắn đến, nếu chia sẻ thì có thể sẽ được nhân rộng ra cho nhiều người. Mình đã luôn suy nghĩ tích cực với những giả định tốt nhất, tuy nghe thật tâm linh nhưng có vẻ như rất hiệu quả. Khi mình lạc quan hơn, tự tin trong nhiều tình huống, dễ chịu trong cả những tình huống khó chịu nhất, thì tự nhiên những thứ tốt đẹp nho nhỏ sẽ đến với mình. Họ nói đó là may mắn, mình nói đó là may mắn có luyện tập. Như trong cuốn sách “Bí mật luật hấp dẫn”, không ai nghĩ hay muốn trải qua động đất, sóng thần, đánh bom,... nhưng nếu suy nghĩ tích cực thì có thể mình sẽ được hút ra khỏi những chuyện đó. Cô bé trong truyện dù trải qua hoàn cảnh khốn cùng nhất, nhưng vẫn luôn nghĩ rằng mình là một cô công chúa, hành xử phải phép như một cô công chúa, nên dù ngoại hình rách rưới như một con nhóc ăn mày, nhưng cũng làm người ta ngạc nhiên và khẳng định rằng nó ở một đẳng cấp khác, đối xử với nó như những gì nó muốn. “Be, do, have” chính là đơn giản như vậy.
Sách được nói đến trong bài:
+ “Công chúa nhỏ” của Frances Hodgson Burnett
+ “Bí mật luật hấp dẫn” của Rhonda Byrne