Tối đó, nằm đọc "Con chim xanh biếc bay về" mình cứ nhớ Đức. Cảm giác như quay lại nhưng ngày tháng khi chúng mình trở nên thân nhau bởi vì nó cho mình mượn sách của bác Ánh. Chị Đức có cả một tủ truyện Kính vạn hoa, Mắt biếc, Ngôi trường mọi khi... đó quả thật là một gia tài đồ sộ đáng mơ ước với những đứa trẻ ở quê. 
Mà cũng kì lạ làm sao, dù đã sống thêm nhiều năm, trải qua nhiều chuyện, gặp gỡ nhiều người, nhưng khi đọc những mảnh cảm xúc, những dòng suy nghĩ, tâm trạng phập phù của Khuê khi yêu thầm Sâm. Mình thấy mình như trẻ lại, vẫn cảm thấy có chút mong đợi, có chút chua xót giống như ngày đọc về mấy mối tình của Xuyến, Thục, Cúc Hương trong Buổi chiều Window. Đúng như ngày trước có đọc đâu đó một câu: Nhiều năm sau bạn có thể sẽ quên tên, quên hình dáng, quên triệt để chàng trai năm đó bạn yêu thầm, nhưng những cảm xúc lúc đó sẽ còn mãi luôn vẹn nguyên và sống dậy bất cứ lúc nào đó. Chắc bởi vậy, đọc văn chú Ánh luôn cho ta cơ hội tận hưởng lại những cảm giác của ngày xưa cũ.
Mấy quả na tắm nắng.
Những đặc trưng làm nên sức hút của chú Nguyễn Nhật Ánh vẫn được tô đậm trong "Con chim xanh biếc bay về".
Đầu tiên phải kể đến giọng văn vẫn giản dị, nhẹ nhàng nhưng lại đủ sức chạm vào trái tim của mỗi người. Thứ mình thích nhất vẫn là cách những cảm xúc chân thực rất đỗi đời thường của các nhân vật được miêu tả. Chuyện Khuê hơi ghét Sâm lúc ban đầu, rồi thầm mến, ảo tưởng, vụn vỡ, ghen tị, buông xuôi. 
"Tôi chở quà đi trả mà nước mắt như mưa. Lần đầu tiên trong đời tôi buộc phải làm cái chuyện trớ trêu như vậy. Lát nữa đối diện với các chủ sạp với túi quà kè kè trên tay, thật tôi không biết giấu mặt vào đâu. Tự nhiên tôi thấy ghét Sâm kinh khủng."
Hay những giây ngại ngùng, bối rối không biết nàng có thích mình không của Sâm. 
"Dĩ nhiên tôi làm thế là có nguyên do, mặc dù giữ cho mình đừng reo lên khi tình cờ gặp lại Khuê đối với tôi cũng khó ngang với việc bắt mình không được cựa quậy khi thằn lằn bất thần chui vào cổ áo. Rõ ràng tim tôi đập nhanh hơn, và trái đất cũng quay nhanh hơn trong buổi sáng hôm đó. Cho đến khi Khuê ra về, tôi vẫn còn bần thần. Hồn tôi vẫn lơ lửng trên mây và chưa biết làm sao tiếp đất."
Những em Lương hay làm thơ, khóc lóc vì thất tình, những cô những chị bán hàng ở chợ, bố mẹ Sâm hay bố mẹ Khuê... đều rất gần gũi, họ như đứng trước mặt hay giống như tất cả mọi người chúng ta có thể gặp hàng ngày. Có lẽ chính bởi thế mới thu hút sự đồng cảm của người đọc và hơi thở cuộc sống cho nhân vật. Mình vẫn nhớ như in những cảm xúc ray rứt đố kị của Thiều với em trai trong "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", mà thật tiếc khi chuyển thành phim lại không truyền tải hết được những cái hay đó.
Kế đến, một trong những điều khiến cho tác phẩm của chú chinh phục được nhiều lứa tuổi, nhất là trẻ em. Đó chính là nhưng câu chuyện gần như là "cổ tích đời thường" và gần như đều có một cái kết có hậu. Lí do cũng chính bởi vậy mà xưa mình hay mơ mộng có cậu bạn nào đó thầm thích mình chẳng hạn. Trong "Con chim xanh biếc bay về" cũng có đâu đó dấu vết của một chút "cổ tích". Khi mà cuộc gặp gỡ xem mắt lại là với người mình thầm thích bao lâu. Rồi dù trải qua vất vả xa cách thì tình cảm vẫn vẹn nguyên như thời thơ ấu. Rồi cuối cùng, ai cũng tốt đẹp và ai cũng về bên ai. Mà tính thật ra, cuộc đời vẫn luôn luôn xuất hiện những câu chuyện tốt đẹp diệu kì. Chỉ là chúng ta có đủ lắng, đủ trân trọng và đủ rung cảm để nhận ra hay mà thôi.
Rồi mở tủ lạnh cho mấy quả cà chua tắm nắng theo luôn^^
Và hơn cả sau mọi điều, những giá trị tốt đẹp, tấm lòng và tình yêu luôn được đề cao. Sâm có thể đã trải qua một tuổi thơ gần như bị cô lập, những khúc mắc của gia đình dường như đã mang lại tổn thương lớn và vẻ lạnh lùng của cậu. Nhưng cậu chưa bao giờ ngừng cố gắng, học hỏi, ngừng yêu thương. Sâm không trách cứ ai, vẫn chọn lựa ở bên ba Bảy, đồng thời dần dần vun đắp tình yêu với ba mẹ ruột mình. Và điều mình thích nhất ở cậu, là cách đối xử với nhân viên, với "đối tác" dù họ chỉ là những tiểu thương ở chợ và lắm lúc họ cũng lầm đường. Đúng chuẩn mẫu "bên ngoài lạnh lùng, bên trong ấm áp" mà mấy chị em yêu thích. Mặc dù thái độ lần lữa của thanh niên này trong tình yêu thì mình không được đồng tình lắm. Nhưng ngẫm lại thì nó cũng hợp lý với hoàn cảnh, mà mình thích gì thì kệ mình vậy thôi chứ Sâm thì vẫn vậy đó. Hay cái cách Khuê chăm chỉ, nghiêm túc, không ngừng cố gắng dù nó chỉ là một việc tưởng chừng như đơn giản là đi chợ mua nguyên liệu. Rồi cách Quyền âm thầm giúp đỡ mọi người. Cách ba mẹ Mười, ba Bảy... sống yêu thương nghĩa tình với nhau.
Giống như bản thân mình luôn nghĩ, càng lớn, chúng ta sẽ vẫn luôn tin tưởng, nhưng bớt mù quáng. Chúng ta tập tin đúng, và vẫn luôn nuôi dưỡng niềm tin về tình yêu, tình người, sự sẻ chia và ấm áp. Điều đó, mình luôn tìm được ở trong văn chú Ánh. 
À, "Con chim xanh biếc bay về" còn củng cố niềm tin vào nhân duyên của mình nữa. Nhân duyên để Sâm gặp lại Khuê sau ngần ấy năm bặt vô âm tín, dù lòng vẫn còn vấn vương hình bóng đó. Nhân duyên khiến hai cô chú hay đến quán ăn, từ người xa lạ, đến lúc về chung một nhà. Nhân duyên buộc chặt số phận của Quyền và Sâm. Giống như nhờ Đức mà mình biết chú Ánh. Nhờ chú Ánh mà bọn mình trở thành bạn thân đến bây giờ.
Và khi đọc cuốn sách này, mình bắt gặp chuyện rất rất vui, đó là nhờ spiderum mình biết Hạnh. Rồi nhờ chai nước gội đầu của mẹ Hạnh, mình phát hiện ra mình đã gặp Hạnh từ trước rồi. Thế giới tròn trịa quá đi mất thôi.
Cuốn sách không quá xuất sắc, nhưng mình nghĩ nó trọn vẹn. Nó gợi lên trong lòng mình nhiều cảm xúc, cũng gieo vào đấy thêm bao nhiêu hạt giống tốt đẹp và niềm tin. Rằng dù cái chết là tất yếu, nhưng ta không sống để ra đi. Và dù cô đơn hay đang hờn giận, rồi lắm lúc mệt mỏi, tình yêu vẫn luôn bên cạnh, và luôn diệu kì đến vậy.
Con chim xanh hạnh phúc đã về bên Khuê, bên Sâm, bên áo pull xanh, ... bên cả mình và cả cậu nữa.
"Con mèo dạy hải âu bay
Đời dạy phân ly những dấu giày
Mùa thu về nấp trong hương cốm
Đêm nằm nghe lá khóc thơ ngây"