[Comic Insight] Bí quyết đằng sau thành công của Geoff Johns trong comic?
Lưu ý: WALL OF TEXT/BÀI DÀI. Phần trước: Geoff Johns, anh là ai? Qua bài viết trước, dễ dàng thấy được đường công danh sự nghiệp...
Lưu ý: WALL OF TEXT/BÀI DÀI.
Phần trước: Geoff Johns, anh là ai?
Qua bài viết trước, dễ dàng thấy được đường công danh sự nghiệp của Geoff Johns chưa hề bị đứt đoạn, chỉ có thăng mà không thấy trầm, ít nhất là về mặt sáng tác comic. Anh viết nhiều nhưng cũng viết hay và phong độ ít khi giảm sút. Nhưng tại sao vậy? Bí quyết của nhà văn tài năng này là gì? Hôm nay, Rorschach tôi mạn phép đưa ra lý do sau:
1. Dĩ bất biến, ứng vạn biến – Johnsian Literalism
Geoff Johns có "bàn tay Midas" có thể biến mọi franchise hay nhân vật bế tắc về nội dung trở thành viên ngọc quý trong giới, phục vụ cho việc khai thác sau này. Bí quyết đằng sau nó dường như rất đơn giản: đặt ra một và chỉ một nền móng cơ bản nhất đối với nhân vật/nhóm nhân vật, sau đó xây dựng lại mythos của đối tượng sáng tác xoay quanh nền móng đó. Đây là tiêu chí cơ bản của văn phong của Geoff Johns, mang tên Johnsian Literalism, nôm na là chủ nghĩa giải thích theo nghĩa đen, nói trắng ý tưởng của mình ra.
Với Justice Society of America, nền móng đó là gia đình, thể hiện rõ nét nhất trong JSA (2006). Stargirl và Cyclone thì xây dựng tình cảm "chị chị em em". Hourman và Liberty Belle không chỉ đính hôn mà còn về chung một nhà, một điều rất hiếm gặp trong comic. Wildcat "trăm năm cô đơn" bỗng dưng được làm một người bố. Đến cả một phản diện như Black Adam cũng bắt đầu đi tìm gia đình của mình. Trên hết, họ không chỉ là lực lượng đặc nhiệm như Justice League. Họ là một xã hội, một gia đình thứ hai, biết yêu thương, đùm bọc và hy sinh cho nhau, là chiếc la bàn đạo đức của toàn vũ trụ DC. Chủ đề gia đình được Geoff Johns lặp đi lặp lại trong bất kỳ câu chuyện nào mà anh viết ra trong JSA, vì hơn ai hết, anh hiểu giá trị của gia đình theo cách khó khăn nhất...
Không người nào là một hòn đảo, không tự bản thân ai là một thể hoàn chỉnh; mỗi người đều là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền; và nếu sóng cuốn xuống biển một mỏm đá ven bờ thì châu Âu sẽ bé đi, cũng như là nếu nó cuốn mất một mũi đất hay phá đổ nhà bạn anh hoặc nhà anh; cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm chính tôi bé đi, vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại; do đó anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đấy (Ernest Hemingway, Chuông Nguyện Hồn Ai).
Series Green Lantern ăn khách của Geoff Johns xoay quanh một ý tưởng đầu tiên và trước nhất là vượt qua nỗi sợ hãi, bộc lộ sức mạnh ý chí. Chẳng hạn, trong REBIRTH, anh retcon rằng thực tế Hal Jordan trở thành tội nhân thiên cổ là do bị thao túng bởi thực thể cổ xưa Parallax, linh vật của nỗi sợ hãi. Việc chiến binh ngọc lục bảo tiêu diệt con quái vật vừa thể hiện sự chiến thắng nỗi sợ hãi trong thâm tâm, vừa thể hiện ý chí sống còn, vượt qua được cơn khủng hoảng nhân dạng và tìm lại được bản ngã tốt đẹp, thứ định nghĩa bản thân mỗi chúng ta. Về cơ bản, việc Hal Jordan từ một phản đồ đáng khinh mà bỏ qua những định kiến và từng bước khẳng định bản thân, gột rửa thanh danh và đưa Green Lantern Corps đi đến thắng lợi cũng là một ví dụ sách giáo khoa về ý chí quật cường rồi. Chỉ bám vào ý tưởng đơn giản đó, Geoff Johns đã đưa được Hal Jordan trở lại đài vinh quang và thắp lên ngọn lửa bất diệt màu xanh lục bảo.
Có một ranh giới cụ thể giữa chối bỏ nỗi sợ với đương đầu và vượt qua nó. Đó là chủ đề trung tâm của hơn 25 issue đầu tiên của Green Lantern do Geoff Johns chắp bút. Quê nhà của Hal, thành phố Coast thì bị ám ảnh bởi giờ phút tận thế ZERO HOUR. Hal có một người em trai sợ sệt đã dạy con rằng phải sợ hãi e dè thế giới. Hiện thân của nỗi sợ hãi Parallax thì hợp lực với kỳ phùng địch thủ Sinestro, làm bước đệm để hắn tuyển mộ những kẻ khủng bố vũ trụ sử dụng nỗi sợ hãi làm vũ khí, tạo nên Sinestro Corps và cuộc chiến THE SINESTRO CORPS WAR. Bản thân Hal Jordan thì cố gắng vươn đến nỗi sợ hãi của chính anh, và những người xung quanh anh hoặc là sợ hãi, hoặc là hứng thú với nỗi sợ hãi. Plot device này được lặp đi lặp lại xuyên suốt tiến trình phát triển nhân vật và thực tế đã chứng minh tính hiệu quả của nó.
Một ví dụ nữa là Aquaman. Anh là đứa con lai giữa thế giới loài người với Atlantic, là sản phẩm của một cuộc tình ngang trái của một công chúa dưới đáy biển sâu và một người dân chài. Điều này khiến anh trở thành một con người đầy mâu thuẫn và bất định: kẹt giữa hai thế giới nhưng không thuộc về bất cứ bên nào, một con cá rời khỏi nước. Ngay cả vợ anh, Mera cũng là một người ngoài cuộc. Sau THRONE OF ATLANTIC, người em trai Orm và cố vấn Vulko của vị vua không ngai cũng đều là những người ngoài cuộc. Nhưng thứ định nghĩa nên họ không phải là con người bên trong, mà là lựa chọn của bản thân, đơn cử như Aquaman đã chấp nhận quyền thừa kế và kề vai sát cánh bên Atlantic để dẹp tan quân xâm lược đến từ "Vị vua đầu tiên của Atlantic", chứng tỏ bản thân đủ trách nhiệm và danh dự để xứng đáng với ngai vàng.
Bác Hồ có một câu nói rất hợp với ý tưởng này: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", nôm na là bám vào cái không đổi để ứng phó với muôn ngàn biến cố, hay là kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược.
Trên thực tế, kỹ thuật này đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, như phim ảnh chẳng hạn. Để một bộ phim truyền cảm hứng và chạm đến lòng người xem, giới thiệu một chủ đề nhất quán (theme) và phát triển nó qua những mâu thuẫn, tình tiết là một yêu cầu bất di bất dịch. Chẳng hạn, THE DARK KNIGHT là cuộc chiến giữa trật tự và hỗn loạn. Trilogy THE GODFATHER là sự đấu tranh giữa gia đình đích thực và gia đình/đế chế tội phạm. Hãy lấy BATMAN BEGINS làm ví dụ để mổ xẻ. Bộ phim lấy chủ đề chính là nỗi sợ hãi: Bruce Wayne phải vượt qua nỗi sợ hãi tuổi ấu thơ để trở thành ác mộng của lũ tội phạm mê tín và hèn nhát; Alfred sợ rằng nếu dung túng cho Bruce thì cậu sẽ hy sinh và ông không làm tròn trách nhiệm với Thomas Wayne quá cố; Ra's al Ghul và Scarecrow chơi đùa với nỗi sợ và sử dụng nó làm vũ khí ... Và như mọi khi, nỗi sợ đã bị đánh bại bởi sức mạnh ý chí mang tên Batman.
2. Tôn chỉ "của fan, do fan và vì fan"
Qua những giai thoại mà tôi kể đến ở đầu bài, có thể thấy Geoff Johns về cơ bản là một fanboy đích thực của DC. Chính vì vậy, anh biết được điều mà fan tìm kiếm và trông mong. "[GL: REBIRTH] được viết bởi một fan dành cho mọi fan. Cho chúng ta. Tôi yêu điều đó." (Brad Meltzer). Không nói đâu xa, trong GREEN LANTERN, anh tạo ra khái niệm Quang Phổ Cảm Xúc kỳ thú, dù mang tầm vóc vũ trụ nhưng vẫn tường minh và nhất quán; liên tục tạo ra các sự kiện mãn nhãn xứng đáng với một lực lượng cảnh sát liên thiên hà; đưa Hal Jordan, "Green Lantern vĩ đại" nhất trở lại đài vinh quang và tạo ra kết cục viên mãn cho anh và chân ái Carol Ferris.
Không tự nhiên mà Geoff Johns được cầm trịch các sự kiện lớn của DC. Một trong những lý do là biết tạo độ hype VÀ gây dựng trường đoạn hành động mãn nhãn, đúng những gì fan mong đợi. Một số nhà văn khác chỉ làm được vế đầu, đơn cử như Scott Snyder với "bò sữa" Batman Who Laughs. Trong INFINITE CRISIS, anh khôi phục đa vũ trụ DC bằng những tình tiết ngoạn mục, đồng thời mang lại một kẻ phản diện đáng gờm với những sự hy sinh cao cả. Trong BRIGHTEST DAY, anh mang trở lại thứ nguyên hộ thần Swamp Thing để chiến đấu với thần chết Nekron, giành lại sự sống cho toàn cõi Trái Đất. Trong DARKSEID WAR, anh cho hai thực thể vũ trụ, Darkseid và hung thần Anti-Monitor tỉ thí một mất một còn. Vừa thắt nút, anh vừa biết mở nút hợp tình hợp lý, không cần phải nerf hàng đống thực thể vũ trụ toàn năng để chăm chút con cưng của mình như ai kia.
Viết những câu chuyện phục vụ nhu cầu của số đông là một chuyện, làm họ đọc ngấu nghiến từ đầu đến cuối là chuyện khác. Lúc này một yêu cầu mới xuất hiện là lối kể chuyện.
3. Lối kể chuyện
Cá nhân tôi thấy Geoff Johns viết rất mộc mạc, chân phương và dung dị theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Về nghĩa đen, anh không bao giờ dùng từ ngữ phức tạp, và những điển tích điển cố mà anh sử dụng làm plot device đều dễ hiểu và phù hợp với câu chuyện. Chẳng hạn, trong DARKSEID WAR, anh lấy điển tích Odysseus (trong thần thoại Hy Lạp) vượt eo biển Messina và phải đối đầu với hai con quái biển, Scylla và Charybdis. Do không có đường lui nên Odysseus buộc phải chọn di chuyển qua một trong hai con quái, tượng trưng cho việc Justice League phải hợp sức với Darkseid hoặc Anti-Monitor để chiến đấu với bên còn lại, vì "kẻ thù của kẻ thù là bạn"! Chưa kể, anh còn nhắc đến Ino, một người tình yểu mệnh của Zeus được ông thương tình mà biến cô và đứa con bán thần thành hai vị thần của biển cả, tượng trưng cho việc 6 người trong Justice League (tạm thời) biến thành New God. Nếu thiếu Ino, Odysseus sẽ không chinh phục được eo biển chết chóc, cũng như nếu 6 người trên không trở thành Tân Thần thì Justice League sẽ bị diệt vong. Dù Geoff Johns viết sự kiện trên bằng điển tích đã nêu hay chiều ngược lại thì cũng không thể phủ nhận rằng anh có tài kể chuyện giàu hình ảnh và trí tưởng tượng phong phú.
Về nghĩa bóng, Geoff Johns không bao giờ cố-quá-mà-quá-cố để kể một nội dung phức tạp mà luôn đi thẳng vào vấn đề. Không thể phủ nhận rằng đa phần các tác phẩm của anh đều tường minh với lối kể chuyện tuyến tính và cốt truyện rõ như ban ngày, dễ đọc dễ trúng thưởng. Anh thậm chí còn thêm vào vài thông tin dạo đầu mỗi issue để độc giả dù đọc lướt hay nhảy cóc cũng đều có thể bắt kịp mạch truyện. Những câu văn của anh thường chân chất, sử dụng những từ ngữ đơn giản mà khơi gợi nhiều cảm xúc. Chẳng hạn, trong GREEN LANTERN (2011) #20, Hal Jordan hỏi Sinestro rằng họ có bao giờ thực sự là bạn bè không và được trả lời, "Đó là tấn bi kịch sau tất cả mọi chuyện, Jordan à. Hal. Chúng ta sẽ mãi là bạn." Xin lỗi vì tôi đã spoil issue giàu tình cảm ấy, nhưng dù sao bạn cũng phải đọc hết nó mới thấy câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt trên lại biểu diễn rõ nét mối quan hệ bạn-thù đầy bi kịch này.
Tôi cũng từng xúc động trước một khoảnh khắc trong FOREVER EVIL #7, khi Lex Luthor hoàn lương và gặp mặt Ted Kord, con trai cố chủ tịch của Kord Industries, công ty mà hắn từng muốn thâu tóm. Khi cậu ngỏ ý bán công ty của gia đình, tham vọng của Lex có lẽ vẫn còn nhưng tình người, tình cảm gia đình trong hắn ta đã trỗi dậy và từ chối lời đề nghị. Hắn còn động viên, khích lệ tài năng của Ted Kord và muốn làm người thầy cố vấn cho cậu, tưởng như mới hôm nào, Lex còn đòi hủy hoại gia đình của cậu chỉ để có được công ty trên. Ta chỉ cách con một cuộc gọi thôi, Lex đảm bảo như vậy, khiến một cậu trai 18 tuổi còn đang bất định về tương lai cảm thấy yên tâm, hệt như bác Jim Gordon ngày nào khoác chiếc áo choàng lên vai cậu bé Bruce Wayne đang run sợ để nhắc cậu rằng thế giới vẫn chưa kết thúc. Cũng như Jim Gordon, Lex Luthor đã trở thành một anh hùng, ít nhất là trong mắt Ted.
Nếu bạn đã phát ngấy với việc tôi huyên thuyên thì hãy xem 3 trang truyện này. Ít khung hình, độc nhất một lời thoại vô thưởng vô phạt nhưng chúng rất giàu cảm xúc. Cũng phải cảm ơn đến người phối màu vì đã làm diễn biến truyện từ đen tối đến tươi sáng dần lên, một điều kỳ diệu của comic. Đây là một minh chứng cho thấy truyện của Geoff Johns không chỉ sâu sắc về nội dung mà còn giàu có về hình ảnh.
Nhưng những điều trên có đồng nghĩa với việc tác phẩm của Geoff không có chiều sâu? Tôi nghĩ là không hẳn.
Thứ nhất, chúng vẫn chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn, như JSA phản ánh tình cảm gia đình và xã hội, hay Green Lantern tiếp thêm lòng can đảm và ý chí sống còn (mời bạn đọc câu chuyện của Andrew Matt). Tác phẩm của Geoff Johns luôn có sự cân bằng hợp lý giữa đen tối và tươi sáng, và luôn đem lại niềm hy vọng "sau cơn mưa trời lại sáng" dù mưa có tầm tã đến đâu. Đến cả BLACKEST NIGHT cũng có BRIGHTEST DAY theo sau mà! Không phải những "siêu anh hùng" sinh ra cốt cũng để đem lại cho thế giới niềm tin và hy vọng, đặc biệt là trong tình cảnh COVID-19, khi tình hình thế giới đang xấu đi từng ngày và số người không may tử vong tăng nhanh như phim của Quentin Tarantino? Nếu không thấm được tý nào thì có lẽ tiêu chuẩn nghệ thuật của bạn quá cao, hoặc đơn giản là bạn ... đọc lướt.
Thứ hai, có thể chúng không sánh được với những mê hồn trận của Grant Morrison, nhưng cũng không nhất thiết phải như vậy. Nếu hai nhà văn có thể làm bạn tốt của nhau thì hai loại tác phẩm cũng đều có giá trị giải trí ngang nhau. Bạn có thể đọc SEVEN SOLDIERS mỗi khi có quỹ thời gian để ngâm cứu và GREEN LANTERN: REBIRTH sau một ngày làm việc mệt mỏi chẳng hạn. "Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh." lời của nhà bình luận văn học Hoài Thanh ít nhiều nói lên ý của tôi: Sao phải cố kiếm tìm những nội dung phức tạp, nhiều tầng nghĩa, khó cảm nhận trong khi cuộc sống vốn đã phức tạp?
4. Sự hòa quyện giữa cổ điển và hiện đại
Geoff Johns từng tự nhận rằng văn phong của mình rất kỳ quái vì nó pha trộn giữa hiện đại và cổ điển – thập niên 1960, thời hưng thịnh của Silver Age, ảnh hưởng từ tuổi thơ [1]. Gardner Fox, John Broome, Alan Moore, Marv Wolfman, James Robinson, John Ostrander ... là những cái tên kinh điển mà Geoff nghĩ đến khi điểm mặt gọi tên những nhà văn đã truyền cảm hứng sáng tác cho bản thân. Nhà văn người Mỹ cũng tiết lộ rằng bộ truyện SUICIDE SQUAD của John Ostrander là thứ đã định nghĩa lại khái niệm phản diện trong anh, có lẽ đây là lý do chính khiến anh được đa số nhận xét có biệt tài revamp phản diện thành một nhân vật ba chiều. Nhà văn người Mỹ cũng từng nhận xét hí hỏm rằng mình sẽ đọc bất cứ thứ gì mà Mark Waid và Grant Morrison sáng tác, và thú vị thay từ một fanboy chính hiệu, anh đã trở thành đồng nghiệp ngang tài ngang sức đối với họ.
Theo lời Kevin Feige, cụ Richard Donner thường sử dụng tính từ sau làm tôn chỉ: verisimilitude, nôm na là hãy trung thực với những giá trị gốc, cốt lõi của nhân vật và câu chuyện. Có lẽ vì ảnh hưởng từ người thầy đáng kính mà Geoff Johns luôn tôn trọng và trung thực với những giá trị cổ điển. Anh mang trở lại những Crime Syndicate of America, Nekron, Johnny Sorrow, Star-Spangled Kid ... dường như đã bị lãng quên từ thời Golden Age/Silver Age và dùng chúng để viết nên những câu chuyện được độc giả hiện đại đón nhận. "Geoff Johns nằm trong lớp nhà văn hiếm có khó tìm có thể ôm lấy cả hai lối kể chuyện cổ điển và hiện đại, tri ân quá khứ đồng thời giới thiệu những nhân vật và câu chuyện của mình với tương lai." (Dan Didio). Không nói đâu xa, với Hal Jordan hậu ZERO HOUR, anh không chối bỏ tội danh thiên cổ của nhân vật này, cũng không lươn lẹo rằng "Hal bị tẩy não bởi một thế lực thù địch" hay viết tiếp khơi khơi, coi như không có chuyện gì xảy ra. Và để biết được Green Lantern vĩ đại nhất đã trở lại đài vinh quang như thế nào, bạn phải tự mình thưởng thức đầu truyện trên cơ!
Không chỉ tôn trọng quá khứ, anh còn thường xuyên tân tạo nó cho thời hiện đại. "Tôi nghĩ đôi khi mọi người quên rằng luôn có một thế hệ mới đang đến và nó [tiểu sử của Hal Jordan] phải cập nhật cho thế hệ mới đó." Không riêng gì tiểu sử của chiến binh ngọc lục bảo, anh còn hiện đại "Flash" Barry Allen trong FLASH: REBIRTH; đem lại một Superman mới toanh trong SUPERMAN: SECRET ORIGIN; đó là chưa kể nhiều nhân vật khác cũng được anh thổi một làn gió mới (Superboy, Aquaman, Shazam, Batman, ...); và tất nhiên, không thể không nhắc đến việc Geoff Johns chắp bút cho những hậu truyện tròn vai với WATCHMEN (DOOMSDAY CLOCK); KINGDOM COME (THY KINGDOM COME) và CRISIS ON INFINITE EARTHS (INFINITE CRISIS); ...
Một tác phẩm nghệ thuật là một cuộc xổ số dành cho độc giả lẫn tác giả. Việc trúng số độc đắc hay trắng tay ra về đều tùy thuộc vào bạn. Dù thích tác phẩm và văn phong của Geoff Johns hay không, tôi chắc rằng bạn đều có lý do riêng của mình. Nhưng nếu bạn đọc được những dòng này do đã xem hết bài viết, xin chân thành cảm ơn bạn, tâm hồn đồng điệu trong comic ơi! "Mặc cho mọi người bảo truyện tranh là dành cho trẻ em, siêu anh hùng là thứ lỗi thời, nhưng họ chẳng thể biết được vẫn có người nhờ vào những mẫu truyện đó mà thay đổi cuộc đời mình. Chả có gì là trẻ con hay ngớ ngẩn nếu qua nó bạn tìm ra được lẽ sống cho cuộc đời mình." (La Roma, DCVN).
[1] Làm việc nhiều cho DC Comics và từng nói rằng không thích Marvel bằng DC nhưng Geoff Johns cũng từng tiết lộ rằng Peter David (lúc đó đang sáng tác về Hulk ở Marvel) là nhà văn đầu tiên mà anh để mắt đến cái tên. Anh cũng thích nhân vật Hulk từ những gì ông sáng tác ở Hulk Gray.
Comics
/comics
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất