#Coffeeshare ep1: Ai rồi cũng sẽ trưởng thành, vấn đề nằm ở thời gian.
Ý nghĩ ”phải làm gì đó lớn lao hơn” hay ”phải làm khác đi” những gì người khác đã làm khiến chúng tôi trở thành những người trẻ lo sợ và mỏi mệt
#Coffeeshare được định nghĩa theo kiểu mọi câu chuyện đều bắt đầu từ những buổi cafe. Cũng là một góc nhỏ nơi Thy có thể thoải mái tỉ tê với những người đã cùng Thy trưởng thành, hoặc những người xa lạ tìm thấy ở nhau một điều gì đó đủ mãnh liệt để kết nối trong những ngày rưng rưng tìm kiếm những cuộc chuyện trò.
Tôi sẽ bắt đầu bài viết của mình bằng lý do vì sao người ta hay cafe tâm sự mà không phải là một cái cớ nào khác ở một nơi nào khác.''Rảnh thì cafe nha'' là câu nói quốc dân mà từ người lớn cho tới người trẻ, từ người đi làm cho tới học sinh – sinh viên đều sử dụng mỗi khi muốn gặp ai đó. Sự kỳ diệu ở đây là cafe có thể kết nối người này với người kia một cách không gắng gượng thông qua những câu chuyện vô thưởng vô phạt (bất kể mối quan hệ ấy là thân thiết hay không). Nếu xem cafe là một thức uống, kỳ thật cafe thì chỉ là cafe, nhưng nếu cafe gắn liền với sự chia sẻ, mọi chuyện lại hoàn toàn khác.
Anh là Gấu Đen, bạn cafe sáng hôm trước với tôi, là một người trẻ, như bao người trẻ khác, đầy hoài bão, mơ mộng, sự quyết tâm và một nội tâm kiên cường mạnh mẽ. Chúng tôi quen biết nhau, đồng hành từ cái nôi hoạt động phong trào tại trường Đại học nhưng sau đó cuộc đời anh rẽ hướng ở ngưỡng 22, còn tôi vẫn ở lại với hành trình 4 năm tại trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Nếu ai đó hỏi vì sao anh em chúng tôi thân nhau, tôi sẽ nói rằng tôi không biết. Luôn có những mối quan hệ rất kỳ lạ, không rõ thời gian bắt đầu, không nguyên nhân, nhưng lại luôn có kết quả tốt đẹp. Còn nhớ lúc đó tôi chỉ là con bé tân sinh viên mới lên Sài Gòn, vừa làm xong thủ tục nhập học, và đăng ký làm tình nguyện viên trong chương trình của ngôi nhà Công tác xã hội (CTXH). Chuyến hành trình đầu tiên ấy đã giúp tôi gặp được rất nhiều những người anh/chị, và những người bạn. Có người sau này trở thành chị em cùng phòng, có người trở thành bạn bè thân thiết.
Ở nơi xô bồ này, khi mà sự bận bịu cuốn con người ta xa rời sợi dây kết nối, việc tìm được người đồng điệu về quan điểm sống, quan điểm công việc,… dường như là điều quá xa xỉ. Thế nhưng, trong những ngày chông chênh ấy, tôi đã tìm thấy họ – những người anh/chị thiết thân -những người lạ bỗng chốc bước vào cuộc đời nhỏ của con bé với ngập tràn sự tử tế, đầy dịu dàng và không toan tính. Và Gấu Đen là một trong số đó, người có thể khiến tôi mở miệng kể hết mọi nỗi đau dồn nén bấy lâu rồi bật khóc ngon lành như một đứa trẻ.
Ở nơi xô bồ này, khi mà sự bận bịu cuốn con người ta xa rời sợi dây kết nối, việc tìm được người đồng điệu về quan điểm sống, quan điểm công việc,… dường như là điều quá xa xỉ. Thế nhưng, trong những ngày chông chênh ấy, tôi đã tìm thấy họ – những người anh/chị thiết thân -những người lạ bỗng chốc bước vào cuộc đời nhỏ của con bé với ngập tràn sự tử tế, đầy dịu dàng và không toan tính. Và Gấu Đen là một trong số đó, người có thể khiến tôi mở miệng kể hết mọi nỗi đau dồn nén bấy lâu rồi bật khóc ngon lành như một đứa trẻ.
Hồi còn đi học, Gấu Đen vừa là một người anh, vừa là người đồng đội, cũng là một người thầy của tôi. Anh không dạy dỗ hay giáo huấn tôi, anh truyền cảm hứng và động lực cho tôi thông qua những công việc mà anh làm và những trải nghiệm mà anh tích góp được. Anh là điển hình của những thành viên bước ra từ mái nhà TDTG (Thế hệ sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng – TDT Generation) luôn khiến người khác cảm nhận rất rõ ràng một nguồn năng lượng dồi dào tới mức có thể khai phá người đối diện. Những người đại sứ cháy hết mình trong công việc ấy đã đặt dấu chân mình lên hành trình đầy hứng khởi, nơi mà người ta sẽ tốt hơn mỗi ngày bằng cách hòa vào tập thể, cho đi và không mưu cầu nhận lại. Anh và những người bạn của mình (bây giờ đa số đều trở thành Thầy/Cô hoặc đã đi làm), qua năm tháng, vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt huyết ấy. Chỉ khác là họ điềm đạm hơn, chậm rãi hơn, và trưởng thành hơn, như cái chất của con người khi đi qua năm tháng với ngần ấy thăng trầm.
Chúng tôi đều là những người trẻ từng va vấp vì cố mặc một chiếc áo quá lớn
Tôi là một cô gái luôn bị bủa vây bởi những trăn trở, cố gắng vượt qua mọi biến cố của cuộc đời với niềm tin mãnh liệt rằng mọi thứ rồi sẽ tốt thôi nếu như tôi có thể chịu đựng thêm chút nữa cái cảm giác tồi tệ ngay lúc này. Từ chuyện gia đình, học tập – thi cử, tình cảm cá nhân và những góc khuất trong tâm lý – tinh thần, tôi thừa nhận mình là người kém may mắn toàn diện ở những giây phút quyết định.
Nhưng thôi, bỏ qua câu chuyện đó. Điều tôi vẫn luôn tin tưởng chính là sau mỗi lần va vấp, người ta sẽ lại đứng lên…mạnh mẽ hơn rất nhiều. Năm 2016, Đại học đã mở ra một hành trang mới, cho phép tôi bỏ lại mọi chuyện không may mắn và không vui vẻ ở phía sau cánh cổng để có thể tiếp tục sống tiếp cuộc đời mình. Khởi đầu mới luôn mang theo niềm tin và hy vọng, dẫu cho con đường phía trước chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Nhưng chẳng phải Lỗ Tấn từng nói ”kỳ thật trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi” hay sao. Quan trọng là ta cứ phải bước đi đã. Đừng trì hoãn. Đừng nằm lại với nỗi buồn quá lâu. Đừng để bản thân rơi vào trạng thái tồi tệ đó lần nào nữa.
Thế nhưng chính suy nghĩ đó đã dẫn đến cảm giác sợ hãi thất bại, sợ làm sai, sợ trì trệ, sợ sự đứng yên,…cảm giác bất an xâm chiếm bạn từng ngày và bạn bắt đầu vụt chạy đi cùng với những kỳ vọng quá lớn. Những quy chuẩn của xã hội khiến ta xây nên thành lũy với chính mình, những kỳ vọng của gia đình trở thành những quả tạ ghì ta xuống, những ước mơ đẹp đẽ ngày nào giờ bỗng chốc trở thành món nợ vì đời luôn không như là mơ. Và chúng ta bắt đầu nghĩ đến việc mặc một chiếc áo quá lớn, rút ngắn giai đoạn, làm việc kiệt sức, áp lực và vắt kiệt sức lực của bản thân trong chính ước mơ của mình. À không, ta không nghĩ, mà là ta…đã từng làm thế.
Gấu Đen cũng có những câu chuyện tương đồng với tôi, về ước mơ, con đường tranh đấu để trưởng thành, những trăn trở của thế hệ người trẻ luôn mong muốn cống hiến, phụng sự và tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Còn nhớ lần chuẩn bị làm dự án tình nguyện năm 2017, một mình anh và hai người cộng sự bôn ba chạy ngược chạy xuôi để làm khối lượng công việc của rất nhiều người: từ khâu lên ý tưởng, làm sản phẩm gây quỹ, quá trình gây quỹ, ship hàng, truyền thông, trình ký kế hoạch, nhân sự, vận hành chương trình, liên hệ hỗ trợ,…ròng rã hơn 2 tháng trời cho đến khi chuyến xe lăn bánh, kết thúc và trở về. Dự án rất ý nghĩa, nhưng lại vấp phải sự phản đối của mọi người vì đa số cho rằng anh là gã mơ mộng xa vời để làm những điều phi thực tế. Còn Gấu đen thì vứt bỏ tất cả, thời gian, tiền bạc, tâm sức,…để bắt đầu từ con số 0 và hoàn tất những gì mình đã viết ra trên kế hoạch. Tôi không biết có chút ý nghĩ nào trong anh muốn chứng minh rằng mình đang làm những điều đúng đắn và ý nghĩa hay không, nhưng tôi biết tinh thần tình nguyện đó là thật. Với tôi tại thời điểm đó, mọi cố gắng bất khả của anh khiến tôi tự hỏi: “Mình có phải cũng đang như thế?”
Khi mà chúng tôi luôn mỏi mệt vì áp lực do chính mình tạo ra; những đứa con ngoan đạo của chủ nghĩa hoàn hảo; những người trẻ cứ phải gồng mình lên để chứng minh rằng bản thân có thể làm tốt hơn thế nữa; những người luôn khao khát đi đến tận cùng, luôn có quá nhiều mơ ước và dự định, luôn có quá nhiều năng lượng tận sâu nhưng lại chưa giải phóng đúng cách rồi cứ thế để chính mình trở thành con thiêu thân lao vào biển lửa.
Ý nghĩ ”phải làm gì đó lớn lao hơn” hay ”phải làm khác đi” những gì người khác đã làm khiến chúng tôi trở thành những người trẻ lo sợ và mỏi mệt
Tôi sẽ bắt đầu với một ví dụ về mô hình kinh doanh của một thương hiệu thời trang nhanh (Fast Fashion) nổi tiếng một thời.
Đa số các doanh nghiệp thường đặt nặng quá trình phát triển thần tốc, dãn nở chi nhánh liên tục, chạy theo xu hướng mà quên đi tinh thần kinh doanh của riêng mình. Một số khác lơ là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, tìm cách tiết kiệm và cắt giảm chi phí mà bỏ quên đi tình trạng an toàn lao động và đãi ngộ nhân công, phớt lờ khái niệm kinh doanh đạo đức (bao gồm các khía cạnh liên quan đến bảo vệ môi trường,…) hay sự chậm chạp không linh hoạt thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp với thời đại.
Động thái tuyên bố phá sản trong năm vừa rồi của thương hiệu thời trang Forever 21 đã phần nào cho ta thấy được vai trò quan trọng của sự quản lý chặt chẽ giữa các chi nhánh (F21 có trên 800 điểm bán trên toàn thế giới), chiến lược kinh doanh từng bước, tinh thần của thương hiệu, sự tập trung nghiên cứu hành vi và tâm lý khách hàng,… Theo nữ chuyên gia Serdari nhận định rằng sự phá sản của Forever 21 từng xuất phát từ một sai lầm chiến lược: Họ đánh giá thấp sự tinh tế và thông minh của những người trẻ tuổi hiện tại. Để rồi trong năm 2020, những bước khởi đầu ì ạch với nỗ lực khôi phục kinh doanh của lãnh đạo F21 chính là trạng thái ”bắt đầu lại từ đầu” mà có lẽ phải mất rất lâu sau này thương hiệu mới có thể khởi sắc.
Từ bài học của F21, chúng ta hãy tự đặt một câu hỏi vì sao ta phải gấp vội làm gì để rồi cuối cùng bị mắc kẹt lại ở đâu đó và phải mất khoảng thời gian tương đương với thời gian lúc gây dựng mới có thể bắt đầu lại hành trình? Thậm chí là không thể bắt đầu lại. Giấc mơ thì không có tội, không có khái niệm phi thường hay tầm thường, cũng chẳng có đúng sai. Nhưng đôi khi ta cần khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm và lên những kế hoạch rõ ràng trước khi bắt tay vào làm việc. Sau ngần ấy thời gian, tôi vẫn luôn nuôi dưỡng niềm tin bất diệt rằng: mọi sự lớn lao đều bắt nguồn từ những điều nhỏ bé được làm với tất cả tâm huyết, niềm tin, và sự tử tế. Sự điềm tĩnh không đồng nghĩa với sự trì hoãn, thành công hay thất bại là ở tâm thế chúng ta đối diện với mọi thứ lớn lao trong cuộc đời.
Nếu bạn gặp Gấu Đen hay tôi trong khoảng 3 năm trước đây, mọi người sẽ thấy chúng tôi khá giống nhau ở chỗ lúc nào cũng như dư thừa năng lượng và nhiệt huyết tới mức không biết cách dừng lại. Lúc nào cũng cố gắng học nhiều hơn, làm nhiều hơn, nghĩ xa hơn, đặt kỳ vọng nhiều hơn về bản thân,…để bắt ép mình phải ''phải làm gì đó lớn lao hơn'' hay ''phải làm khác đi'' những thứ mà mọi người đã làm. Dù không muốn thừa nhận, nhưng sự thật là chúng tôi từng mất phương hướng khi có quá nhiều thứ muốn làm nhưng lại không thể xoay sở chúng tốt hơn. Dần dà, chúng tôi trở thành những người trẻ lo sợ và mỏi mệt, luôn thức dậy với hàng tá thứ phải làm, những công việc, trách nhiệm, những hành trình nối tiếp nhau mà không hề có trạm dừng chân, những lời hứa, kỳ vọng, những đêm dài tự vấn bản thân về những điều chưa hoàn hảo như ý muốn,… Chúng tôi làm thế vì không muốn hoài phí thời gian của tuổi trẻ, nhưng trên thực tế, chúng tôi đang lãng phí sức lực của chính mình (sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần).
Ai trong chúng tôi cũng đều có tư duy tiến bộ và truy cầu sự hoàn hảo trong mỗi giai đoạn công việc. Dù là trong vai trò gì, sự chỉnh chu, tử tế, chi tiết và kỹ lưỡng vẫn luôn là kim chỉ nam hướng chúng tôi đến đích cuối cùng. Cùng với đó là những lần muốn phá bỏ giới hạn, sống khác đi, làm khác biệt và trở thành một người đặc biệt theo cách của chính mình. Mãi cho tới bây giờ, chúng tôi vẫn thế thôi, nhưng lại làm mọi thứ theo một kế hoạch rõ ràng hơn, để mọi thứ ”xa vời” đều sẽ trở thành ”có thể”. Những va vấp ngày trẻ dạy chúng tôi học cách đứng lên, trau dồi bản thân nhiều hơn – thứ mà người ta vẫn luôn cho rằng ”tốt từ trong gốc rễ”.
Bạn muốn dùng tuổi trẻ để đối lấy trải nghiệm một cách tự nguyện hay đợi đến lúc ra đời rồi mới bắt đầu va vấp để lấy kinh nghiệm?
Không có trải nghiệm nào là lãng phí, kể cả khi bạn đang phải bỏ tiền túi ra để tham gia một chuyến tình nguyện nào đó ở tận đảo xa. Bất kỳ một công việc nào cũng đòi hỏi bạn phải thâm nhập vào nó, ”sống” trọn vẹn với nó thì mới có thể trả lời được 2 câu hỏi: công việc đó là gì và tại sao bạn phải làm nó?. Càng thấu hiểu, bạn sẽ càng thêm yêu quý những giá trị mà công việc của bạn tạo ra, những thành công và thất bại cũng vì lẽ đó mà trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Quan trọng ở chỗ bạn đã làm đủ nhiều và hiểu đủ sâu hay chưa.
Gấu Đen là dân IT, nhưng lại là người nổi bật trong phòng trào CLB – Đội Nhóm và các hoạt động tình nguyện trong và ngoài Trường. Thế hệ sinh viên TDTU những năm 2016-2018 chắc hẳn không mấy xa lạ với anh, một người sôi nổi, vóc dáng cao lớn và signature với làn da đen đặc biệt. Đó là lý do vì sao mọi người gọi anh là Gấu Đen. Là một thành viên TDTG, một người đại sứ dẫn đoàn sinh viên trải nghiệm 48h, anh có thể là một event planner, photographer, graphic designer, MC, event manager,…và nhiều vai trò hơn thế nữa. Trong các tổ chức của sinh viên, việc mỗi người học hỏi và đảm nhận nhiều vai trò trong cùng một lúc và việc khá bình thường. Đó cũng là cơ hội để chúng ta tiếp xúc với nhiều loại công việc…một cách miễn phí.
Không có môi trường nào rèn luyện kỹ năng sinh viên tốt hơn môi trường hoạt động của Đoàn-Hội và CLB-ĐN. Gắn với TDTU, với hệ thống giáo dục chuẩn quốc tế và hệ thống điều lệ kỷ luật nghiêm khắc, môi trường rèn luyện ấy lại càng lý tưởng hơn để thanh niên thiếu niên học tập và phát triển bản thân. Kinh nghiệm và kỹ năng xã hội là 2 yếu tố mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm khi phỏng vấn một sinh viên còn đang đi học hoặc vừa mới ra trường. Đã có nhiều người như Gấu Đen (với ngần ấy thời gian cùng những trải nghiệm khi trải qua các mặt trận công tác) được các nhà tuyển dụng chú ý và tin tưởng giao trọng trách quan trọng. Cũng có rất nhiều sinh viên ngậm ngùi bị từ chối dù học lực nằm ở hàng top…chỉ vì thiếu kỹ năng mềm.
Từng có rất nhiều người đã dè bỉu và cho rằng những sinh viên suốt ngày ở trường 24/24 để làm hoạt động phong trào là ”rảnh”, ”làm chuyện dư thừa”,… Cũng có rất nhiều người xem thường cái giá của ”sự tình nguyện”, luôn chờ đợi tới khi bị bắt phải làm thì mới làm. Dĩ nhiên, điều gì cũng có cái giá của nó cả. Khi bạn còn say giấc ở nhà, nhiều sinh viên đã bắt đầu những hành trình trải nghiệm của mình. Khi bạn còn lãng phí thời gian ở những quán trà sữa, quán net, hay những khu trung tâm mua sắm, nhiều người chọn một nhịp đời sôi nổi và đầy tự hào để ký gửi suốt 4 năm Đại học. Vậy nên, đừng hỏi tại sao những người khác có thể làm những chuyện mà bạn không thể nghĩ tới. Điều đó có nghĩa rằng họ dám làm và bỏ thời gian lẫn công sức để làm. Còn bạn thì chưa từng. Bạn vẫn luôn chờ đợi một lý do để bắt đầu. Tôi nghĩ, ”yêu cầu của công việc ngoài xã hội” là một lý do khá muộn màng và khiên cưỡng. Cơ bản là bạn không hề có lựa chọn hay có sự chủ động đối với yêu cầu mang tính bắt buộc ấy. Vậy nếu bạn là người đang tìm một lý do tương tự điều đó, bạn chắc chắn sẽ phải va vấp nhiều hơn mới có thể đổi lấy kinh nghiệm – thứ mà lẽ ra bạn đã có nếu như biết dùng sự tự nguyện đổi lấy trải nghiệm trong những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường.
''Kỷ niệm là thứ duy nhất theo ta suốt cuộc dài''. Và chính từ những kỷ niệm đó, chúng tôi đã sống, làm việc, phụng sự, và lớn lên trên đôi chân cứng đá mềm. Để rồi khi nhìn lại, ta chợt thấy rằng ai rồi cũng sẽ trưởng thành sau ngàn lần vấp ngã. Chỉ là khoảng thời gian ấy đã qua đi, mọi điều trở nên thật xúc động và tuyệt vời khi nhìn lại.
Hôm gần nhất đi cafe với Gấu Đen, cả hai đứa đều có những bước chân nhỏ trong hành trình thay đổi bản thân, những kế hoạch dang dở, những dự định ấp ủ trong thời gian tới, những hành trình khám phá bản thân, những khát khao vẫn cháy bỏng như ngày nào,… Anh vừa quyết định nghỉ việc ở công ty mà anh đã gắn bó hơn 3 năm để trở thành một người phát triển và dạy làm app tự do, đồng thời anh cũng mở một cửa hàng tạp hóa online bán đủ thứ về Marketing, thỉnh thoảng còn nhận thêm các dự án quảng cáo cho doanh nghiệp.
Với ngần ấy những kỷ niệm đã qua, cùng với thời gian trưởng thành thật xúc động và đầy tự hào, chúng tôi thấy mình giàu có quá đỗi. Những điều mà chắc mấy mươi năm sau, dù có già đi, chúng tôi chắc vẫn chẳng thể lãng quên được. Như Đen Vâu hát xúc động: “kỷ niệm là thứ duy nhất theo ta suốt cuộc đời dài”. Nhưng những ngày tháng va vấp đã qua thật sự là một hàm ơn, giúp chúng tôi hiểu được rằng: ai rồi cũng sẽ trưởng thành, vấn đề nằm ở thời gian.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất