Dù viết được đôi điều về con voi nhưng có khi việc sử dụng voi thì tôi lại chẳng nặn ra được chữ nào. Cứ đến lúc cầm bút là tâm trạng tuyệt vọng lại bủa vây lấy tôi.
Tôi nhận được một ân huệ là có đủ ngón tay để cầm bút. Tôi biết một ngoại ngữ nhưng chưa bao giờ kết nối thành một câu hoàn chỉnh theo ý mình được. Tôi được dạy rất nhiều và cuối cùng cũng viết được: tôi viết được báo cáo, viết đoạn văn trình bày ý của mình. Đó là lần đầu tiên tôi làm được một cái gọi là nghiên cứu.
Năm 18 tuổi tôi thi vào một ngôi trường không yêu cầu vẽ đồ án mà yêu cầu viết luận. Tôi tránh được những con số, tôi chỉ có thể viết, vậy thì tôi muốn viết được điều gì đó cho riêng mình. Thế giới chở che và ôm lấy tôi, người đi trước giúp tôi nhìn ra một vài vấn đề và một giáo viên có chuyên môn cao trong lĩnh vực đó đồng ý hướng dẫn tôi viết. Kết quả là người ta không cần thứ tôi muốn viết. Một đề tài nghiên cứu khoa học không bao giờ có phần kết luận, cho dù giáo viên vẫn tốt bụng tạo điều kiện. Nghiên cứu là một cái gì đó quá xa xỉ, khi mà súng, thép, vi trùng hay FDI còn phải chật vật trong điêu tàn cộp mác xanh xanh.
Tôi không đếm được số folder dành cho những gì mình từng viết ra. Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ hết hổ thẹn nếu có ai nhìn ra dẫn nguồn wikipedia và báo mạng trong những thứ nhào nặn đó. Trời vẫn xanh ai đó vẫn còn anh, nhiều người đã ra trường như thế. Tôi rồi cũng thế nếu tôi không tránh ra trường sớm một năm bằng quyết định đi học ở một ngôi trường khác.
Ở đó, có những bài học không có đáp án, chỉ có thứ được viết trong sách, hình ảnh thực tế nếu có, suy luận của người dạy và những người cùng chuyên môn, kết thúc bằng ý kiến của người học. Và có những lớp chỉ học mỗi cách để viết ra ý kiến đó.

Năm 18 tuổi tôi từng nghĩ sẽ thật tuyệt vời nếu tự mình nghiên cứu và tìm ra một cái gì đó mới lạ. Bây giờ làm bài nghiên cứu lớn nhất và sau cùng để kết thúc một năm đi học trường khác, người ta lại không muốn tôi cố gắng làm ra một cái gì thật mới lạ hoành tráng mà không dùng được cho chính tôi, không có sự tham khảo từ những nguồn đáng tin cậy, và không nhất quán.
Có thể làm nghiên cứu là một việc quá sức cho một sinh viên không có ý định ẵm bằng tốt nghiệp hạng cao, bằng thạc sỹ tiến sỹ xyzabcd, nhưng vì tôi không thể sáng tác nhạc, không thể vẽ tranh cũng không thể hát một bài hát thật ấn tượng, nên tôi chỉ có thể cố gắng viết một bài nghiên cứu chỉn chu nhất có thể.
Mặc dù thứ tôi muốn viết là một cuốn tiểu thuyết chứ không phải báo cáo khoa học. Một cuốn tiểu thuyết chứ không phải tản văn. Một cuốn tiểu thuyết để trả ơn những cuốn tiểu thuyết đã cho tôi một chút niềm tin rằng mình có thể viết, viết ra một cái gì đó có ý nghĩa cho một ai đó. Ví dụ như Haruki Murakami đã viết thế này trong trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết đầu tiên của đời mình:
"Không hề có cái gọi là đoạn văn hoàn mỹ. Cũng như không tồn tại nỗi tuyệt vọng hoàn mỹ nào."
Một nhà văn tình cờ quen biết thời đại học đã nói với tôi như vậy. Ý nghĩa thực sự thì mãi sau này tôi mới hiểu ra, nhưng chí ít đã từng có một niềm an ủi nào đó dành cho tôi. Rằng: không có đoạn văn nào là hoàn mỹ.
Nhưng gì thì gì, có một thời gian cứ đến lúc cầm bút là y như rằng tâm trạng tuyệt vọng lại bủa vây lấy tôi, bởi với tôi phạm vi có thể viết là hết sức giới hạn. Ví dụ như, dù viết được đôi điều về con voi nhưng có khi việc sử dụng voi thì tôi lại chẳng nặn ra được chữ nào. Đại loại thế.
Nhưng sau hàng ngàn cái chương I không có chương II, tôi đã nghĩ nếu mình chưa thể viết ra một cái gì đủ chiều sâu thì trước mắt hãy làm thật tốt bài nghiên cứu bé nhỏ mình có thể hoàn thành. Một môn học khác trong ngôi trường thứ hai dẫn tôi đến chỗ đọc gần hết số tiểu thuyết của Haruki. Đọc từ cuốn đầu tiên với những mạch văn ngắt quãng trở đi. Mọi con đường mở ra đều cần bước chân đầu tiên. Tôi ngờ là nếu "Rừng Na Uy" hay "Kafka bên bờ biển" quá khó hiểu thì người ta cần đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông ấy trước khi đọc đến những cuốn đó. Về phần mình, có thể viết tiểu thuyết là một việc quá sức cho một sinh viên chỉ học Thực hành văn bản Tiếng Việt, nhưng vì tôi không thể sáng tác nhạc, không thể vẽ tranh cũng không thể hát một bài hát thật ấn tượng, nên tôi chỉ có thể cố gắng viết một cái gì đó chỉn chu nhất có thể trước khi không còn cầm nổi bút lên.
Có thể chỉ có mình tôi muốn đọc nó không chừng. Nhưng nếu có một người thứ hai thấy có ý nghĩa, tôi đã không uổng công đi học mười mấy năm mà không có được một chuyên môn cụ thể khi ra trường. Trường học, hay một ly trà full leaf, bất quá cũng chỉ là một khoảnh khắc lúc còn sống. Tiểu thuyết hay status, bất quá cũng chỉ khác nhau độ dài, và viết ra xong đã là một thành công cho chính mình rồi.
Tôi thấy thật may mắn khi đang cảm nhận rõ mình cần đi cầm lấy bút.