Kết quả hình ảnh cho trầm cảm
Nguồn ảnh: Zing
Những người bạn của mình, mặc dù vẫn còn rất trẻ, chỉ mới 19 20 tuổi, nhưng có vô vàn câu chuyện phải lo. Chuyện học hành, chuyện gia đình, chuyện tình cảm, chuyện tương lai,… Dĩ nhiên, với việc đầu óc lúc nào cũng có nhiều sự bận tâm, thêm sự lạc lõng của bản thân trong hoàn cảnh chẳng có gì vào với gì, đi kèm thêm thói quen suy nghĩ quá mức cần thiết, nhiều bạn trẻ đã phải đối mặt với trầm cảm và các bệnh tâm lí khác.
Thật đáng buồn là, rất nhiều người trong số chúng ta nghĩ rằng trầm cảm là một cái gì rất to tát mà không hề nhận ra, những người mắc trầm cảm hoàn toàn có thể cư xử một cách hoàn toàn bình thường như những người xung quanh, để tối đến về nhà họ sẽ đắm chìm trong sự dằn vặt và cảm giác tự thất vọng, kéo dài từ ngày này qua ngày khác không có điểm dừng.
Cũng một phần do truyền thông hiện nay phát triển quá mạnh mẽ nên trầm cảm hay bất kì căn bệnh tâm lí nào khác đều đang vừa được quan tâm vừa bị coi nhẹ. Được quan tâm là do kiến thức của mọi người về bệnh tâm lí đang có xu hướng tăng lên. Không biết vào thế kỉ trước, ông cha ta cũng phải đối đầu với nhiều vấn đề, thậm chí nhiều hơn bây giờ, tuy vậy số lượng người mắc bệnh tâm lí lại ít hơn hẳn. Có lẽ họ chưa có nhận thức rõ ràng về việc mình có mắc bệnh tâm lí hay không, hoặc đơn giản là, những hành vi buồn bã u sầu ngày đó được coi như biểu hiện của sự yếu đuối, mà rõ ràng, là không phù hợp nếu đặt cạnh hình ảnh người chiến sĩ lao động thi đua hăng say tiến lên vì đổi mới nước nhà. Cứ thử tưởng tượng cảnh một chiếc áp phích có anh công nhân một tay cầm cờ lê tay còn lại che mặt vì thất vọng về bản thân xem. Rõ ràng, việc đời sống ngày một phát triển đã làm cho con người có nhận thức về chính mình nhiều hơn, và chúng ta cũng dần dần cởi mở hơn khi chấp nhận cảm xúc thể hiện ra của những người xung quanh. Và, cũng chính vì lí do đó, các bệnh tâm lí cũng đang bị coi nhẹ bởi một bộ phân trong xã hội. Vào khoảng năm 2016 đến năm 2018, trầm cảm có thể nói là một trend trên mạng xã hội (có khi đến tận bây giờ vẫn chưa hết). Đây là khoảng thời gian mà người người nhà nhà, mà có rất đông trong số đó là các em teen tuổi 14 đến 16 vừa nghe xong album của Billie Eilish cộng với đọc thêm status của một vài page văn chương sầu thảm trên facebook, nhận bản thân bị trầm cảm. Lắm người nghĩ rằng, ồ, hôm nay mình buồn, nỗi buồn này chính là minh chứng cho việc mình mắc trầm cảm rồi, thật thượng đẳng. Thật sự mà nói, những người như thế này ảnh hưởng rất nhiều đến những người đang thật sự phải vật lộn với căn bệnh tâm lí của bản thân ở ngoài kia.  Kéo theo đó là hệ lụy không đáng có đến từ những kẻ lấy bệnh lí của người khác ra làm niềm vui. Có rất nhiều ví dụ cho việc làm trò đùa trên bệnh tâm lí như dưới đây:
(Nhưng mà cái này buồn cười thật lol)
Thế thì nên làm sao với những người mắc bệnh tâm lí đây?
Theo cảm nhận của bản thân người viết, hiện nay tuy nhận thức của xã hội về bệnh tâm lí có tăng, nhưng cách đối xử với người bị bệnh tâm lí lại là một vấn đề khác ít người coi trọng. Rất rất nhiều người nghĩ rằng người bị trầm cảm chỉ đơn giản là họ không vui, rồi, họ bảo người bị trầm cảm: ”Vui lên đi” , ”Đừng buồn nữa” , ”Sao suốt ngày thấy mày buồn thế không vui lên được à?”. Mặc dù, những người này, họ không hề có ý xấu, nhưng vô hình chung nó đã tiếp tục khiến người mắc bệnh tâm lí cảm thấy bản thân không bằng những người xung quanh, và cái cảm giác này, nó sẽ tiếp tục nhấn chìm người bệnh vào trong vũng bùn của buồn thảm và sầu bi. Vậy nên, muốn cứu một người thoát khỏi vũng bùn sình, chúng ta không nên chỉ đứng ngoài động viên họ cố gắng trèo thoát ra khỏi vũng bùn, mà chính bản thân chúng ta nên nhảy vào vũng bùn để kéo họ ra. Có nghĩa là, chúng ta nên tìm hiểu nguồn cơn lí do cho việc họ bị trầm cảm, lắng nghe câu chuyện của họ, thông cảm và sẻ chia. Lắm lúc, cái họ cần nhất chỉ đơn giản là một người sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của họ mà thôi. Có thể nó cũng không khiến cho họ khá lên được bao nhiêu, nhưng ít nhất, chúng ta có thể tạo dựng được niềm tin cho những người bệnh rằng họ không cô đơn, và họ có thể sẽ xây dựng được động lực riêng cho bản thân để vực dậy sau cơn bệnh.
Còn, đối với những người mắc bệnh tâm lí, điều quan trọng nhất là bạn không nên giữ nỗi buồn lại một mình. Kể câu chuyện của mình ra với bạn bè, hay đi gặp bác sĩ tâm lí là những biện pháp tốt nhất để trở lại với cuộc sống bình thường. Và có một biện pháp mà người viết cảm thấy khá hay, đó là hãy thử yêu một ai đó vô điều kiện. Kiểu, bạn cố gắng hết sức vào người đó, rồi bạn nói chuyện với họ và nhận lại những nụ cười, bạn sẽ cảm thấy bản thân mình vẫn còn quan trọng rất nhiều, vẫn còn có người coi trọng công sức của bạn, và oxytocin của tình yêu sẽ là một nhân tố quan trọng.
Đó, là một vài lời mình muốn bày tỏ về một vấn đề không cũ cũng chẳng mới của xã hội hiện tại. Mặc dù bài viết có thể chưa sâu sắc về mặt kiến thức, mình vẫn mong qua bài viết, bạn đọc có thể có một cái nhìn rõ ràng hơn về những người mắc bệnh tâm lí và đưa ra cách xử lí đúng đắn cho bản thân cũng như những người xung quanh.
Góp ý và thảo luận về vấn đề này ở comment section nhé!