Ta nói ở bất kì đâu, ngành nào chỗ nào, đẹp vẫn luôn có lợi thế hơn không đẹp. Tôi từng chứng kiến tình cảnh một bạn lớp trưởng phải làm mọi thứ một mình, không bạn trai nào đến giúp đỡ, nhưng một bạn tổ trưởng khác ưa nhìn hơn chỉ tay một chút là có vài đứa lăng xăng làm ngay. Ở cái nơi bé tí như lỗ mũi là phòng học, tập thể lớp còn sinh vấn đề như thế, thì cho hỏi trên khắp thế gian này chẳng phải đâu đâu cũng xảy ra “chuyện bất công” thế này hay sao?
Như cơm bữa.
Có lẽ chúng ta đang sống trong thời đại mà câu ca “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” dần lụi tàn, khi trong mắt những người đã đẹp hay sống thực tế khác nó chỉ là bức bình phong cho các bạn không may mắn sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn thôi. Tôi hỏi, khi tiếp xúc với một người mới gặp lần đầu, bạn nhìn thấy gì ở người ta đầu tiên? Hẳn phải là mắt to hay mắt nhỏ, môi dày hay mỏng, mũi cao hay tẹt chứ không phải mới chạm ngõ đã thấy được “Ôi, nàng/ chàng của tôi có một tâm hồn đẹp quá, một góc nhìn thật sắc sảo về đời sống, thật là giỏi giang.”, đúng không? (:v). Giống y hệt một cái chai chứa nước, hay một poster phim, hay bất kì thứ gì cũng vậy, muốn chạm được và thưởng được vật chất bên trong, phải tiếp xúc với lớp vỏ bên ngoài trước. Một bình luận nhỏ reply lại một thread mà tôi tìm được khi gõ mấy từ khóa như “important of look”, “truth in entertainment industry” có cách gọi khá hay - thân thể con người chính là hữu hình (visible), trong khi nét đẹp tâm hồn là vô hình (invisible). Và nét đẹp vô hình luôn phải sử dụng sự hữu hình để quảng bá cho chính mình - vẻ ngoài càng bắt mắt, người ta càng dễ bị thuyết phục.
Một lớp vỏ đẹp thì luôn thu hút người khác đầu tiên.
Thứ gì vơ vội cũng có thể được dùng làm ví dụ cho nhận định trên. Khi đi vào cửa tiệm tạp hóa, hay một siêu thị, tâm lí người mua hàng sẽ lấy những vật nằm sau, hay nằm gần dưới cùng trên kệ. Nguyên do là vì những mặt hàng mẫu nằm trên đã qua tay biết bao người dùng nâng lên đặt xuống, trẻ em vò nát, nghịch bẩn; còn những vật nằm dưới sẽ mới và sạch sẽ hơn. Xu hướng quá bình thường của người tiêu dùng là vậy, người ta luôn muốn trả tiền để sở hữu những thứ mới cáu tinh tươm, chứ không phải là vật đã bị nhàu nát, tôi có thể khẳng định thế dù chẳng phải người học kinh tế.
Trong ngành công nghiệp thần tượng Hàn Quốc nói riêng, một người hâm mộ cũng là khách hàng và cũng có quyền chọn lựa hay mua những “mặt hàng âm nhạc”. Nhưng ai là người quảng bá nó, chính là thần tượng. Vậy nên bề ngoài của thần tượng cũng ảnh hưởng đến tâm lí của người mua hàng, và số thần tượng hoạt động và sống được không nhờ ngoại hình hẳn đếm trên đầu ngón tay (nói vậy thôi chứ lúc viết bài này tôi cũng chưa kịp nghĩ đến cái tên nào như thế trong Kpop cả). Chẳng trách hằng năm các chị em phụ nữ, cả các chàng trai nữa, đổ xô đi đắp thứ này thứ kia lên mặt, chỉnh sửa đôi chỗ đến khi nào vừa ý thì thôi. Ngày trước tôi đọc được tin có chàng ca sĩ Việt đập hết đi khuôn mặt rồi xây lại, nhìn bức before after của cậu mà tôi hết cả hồn, tôi có nghe qua nhạc của cậu, nhưng thú thực cũng chưa chú ý đến cậu lận nào. Có lẽ vẻ ngoài lúc trước của cậu khá “đặc biệt” nhưng quá khó để bật lên trong môi trường làm việc khắc nghiệt và dễ đào thải như thế này. Hôm nay cư dân mạng dậy sóng vì một thành viên trong nhóm nhạc nữ lâu năm xuất hiện với ngoại hình khác lạ. Idol, nhất là idol Hàn, họ chấp nhận đánh đổi 50/50: được ủng hộ, bật lên hàng siêu sao, hay là bị tẩy chay và dè bỉu bởi miệng lưỡi thiên hạ.
Nhưng hẳn là đớn đau nhiều, phải không?
Thay vì vui mừng hay ngỡ ngàng như đại bộ phận công chúng, tôi thấy thương họ nhiều hơn. Trong clip có anh nam thần đường nét thanh mảnh như anh nào từ xứ Kim chi, tóc xám khói, cầm mic hát tiếng Việt. Anh hát, nhưng tôi thấy trong mắt anh vẫn còn nguyên vẻ ngại ngùng và sợ sệt như hồi chưa trải qua cuộc đại phẫu. Trong hình có cô nàng e dè giấu gương mặt còn sưng sau mái tóc dài, có lẽ trước đó cô cũng đã định được mơ hồ về phản ứng của thiên hạ rồi.
cre: Mocha Vean
---
Viết bởi tui, vui lòng chỉ bàn luận, không mang đi lung tung :D