Chuyện nhà!
Cậu trai mới trở về nhà sau một chuyến đi xa. Háo hức lắm nhưng băn khoăn cũng nhiều. Mấy năm rồi, cậu có về nhà được đâu, phần nhiều...
Cậu trai mới trở về nhà sau một chuyến đi xa. Háo hức lắm nhưng băn khoăn cũng nhiều. Mấy năm rồi, cậu có về nhà được đâu, phần nhiều là do yếu tố ngoại cảnh. Cậu lo nhất là cách cậu suy nghĩ giờ đây đã khác trước rất nhiều, cậu sợ bản thân lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Cậu chuẩn bị tâm thế để thích nghi, nhưng cậu không chắc có làm được điều đó không.
Bố mẹ cậu là những người hiền lành và rất tốt bụng. Nói về sự tử tế, mẹ cậu số hai thì có ai dám nhận là số một. Ví như có hôm nọ, mẹ cậu đi mua ít đồ ở chợ. Môi trường ở chợ, tiếng nói, tiếng cười, tiếng la vồn vã. Ai nấy ở đó đều chỉ muốn xong công việc của mình, đi cho nhanh rồi về. Mẹ cậu cũng vậy, mua gì thì bà tính toán từ trước. Hôm đó bà thấy có ông chú, đi chân trần, nhặt những vỏ chai nhựa để đi đổi lấy tiền ở các tiệm ve chai. Trời nắng gắt, ông chú mồ hôi nhễ nhại, vậy mà đôi chân phải dẫm trên con đường chợ đầy đá dăm. Mẹ cậu thấy vậy thì không yên lòng, quay ngắt vào chợ, đi mua đôi dép để tặng cho chú. Dòng đời vội vã, chút quan tâm như vậy thật làm ấm lòng người.
Bà mẹ sống với ông ba của cậu từ khi 26 tuổi. Nghe bảo thời đó bà được nhiều người theo đuổi lắm, công an, người buôn bán, bạn học, đủ thể loại người. Rồi bà vẫn quyết tâm theo ông ba của cậu bởi "ba mày là người chất phát, thật thà, lại có cái tính lo làm ăn, không ham chơi". Hơn 30 năm chung sống, ông vẫn là người như vậy. Ngoài vợ và hai đứa con, ông chỉ quan tâm cái lồng con chim cu đất của ổng. Bao tiền làm ra ông đưa tất cho vợ để lo tiền học cho hai đứa, chỉ giữ phần mình tiền cà phê sáng ở chỗ quen. Ở cái xóm dân lao động, đàn ông đi làm về thì tụ tập rượu bia. Ông chỉ đơn giản là nghỉ ngơi ở nhà, xem tivi, rồi đợi vợ làm xong công việc rồi ăn cơm. "Ông ba mày làm gì cũng được, có nấu bếp là tệ nhất trần đời". Bà má cậu hay càm ràm vậy thôi, chứ đến hôm trở trời, chính ông ba chứ không ai khác lăn xăn đi xuống chợ mua ít thịt bò với ít rau. Chính ông ba chứ không ai khác nấu cháo cho bà, rồi hối bà ăn cho có sức rồi uống thuốc. Tình nghĩa vợ chồng, ở đó chứ đâu.
Cậu trai đang tuổi trưởng thành, cầu tiến trong công việc nên cậu thích ở bên những người lạc quan, vui vẻ. Cậu hay nghĩ, ngoài sức khỏe ra thì tâm trí bình an là quan trọng nhất. Chỉ có vậy, cậu mới đủ dũng khí bươn chải bên ngoài, kiếm đồng này đồng nọ, lo cho gia đình. Cậu không ham hố giàu sang, nhưng cậu thích có tiền rủng rỉnh trong tài khoản. "Bố mẹ lao động tự do, ít khi về già không có tiền hưu, mình không lo thì ai lo đây".
Cái nhà đó lạ, ai cũng quan tâm nhau chỉ là không đúng cách. Bà mẹ cậu quần quật suốt ngày. Bà lo lắng từ chuyện lớn đến chuyện bé. Chuyện dù nhỏ mà không suông sẻ, thì bà vẫn cứ bồn chồn như giới đầu tư nghe tin ngân hàng Lehman Brothers nộp đơn phá sản hồi năm 2008. Bà thích lo cho cậu trai-30-tuổi từ đầu tới cuối. "Ăn xong đừng rửa chén, để má lo." "Có mấy cái áo, giặt chi cho mệt, để má lo". "Ăn sáng gì không, để ông ba ổng mua cho". "Ăn cá đi con cho nóng, tí má ăn sau". "Sao cái nồi lẩu nó lâu sôi vậy không biết, bực thật!". Cậu trai hơn mười năm xa nhà, kiểu quan tâm vậy thì cậu thật khó chịu lắm. "Lớn cả rồi, mỗi người mỗi tay, làm xong công việc rồi có thời giờ mà nói chuyện". Còn mẹ cậu thì: "Nó đi xa rồi, về đây lo cho nó sướng".
Vậy đó, ai cũng quan tâm nhau chỉ là không lắng nghe nhau. Mẹ cậu tốt bụng nhưng bảo thủ, chỉ thích sống kiểu của riêng mình. Ai nói trái ý bà, nhẹ thì bà buồn, nặng thì bà dỗi, nói nặng nói nhẹ "mày nói y như tao là người xấu tính lắm. Có bà mẹ nào lo lắng cho con cái như tao không. Về già, tao không cần mày lo cho đâu!". Cậu trai cũng không biết nói gì hơn cả. Lắm lúc cậu nghĩ "Mọi người ở đây, lo cho con cái như người khuyết tật cả, chi cho mệt vậy. Người nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn. Sống tự lâp thì hay hơn chứ, khỏi làm ảnh hưởng người thân." Cậu đúng, mẹ cậu cũng đúng nhưng mối quan hệ thì ngày càng sai, chí ít là trong giai đoạn này.
Cái tính hay lo của mẹ cậu cũng có phần trách nhiệm của ông bố. Ông hiền lành nhưng lại không biết cách giao tiếp, không giải tỏa cảm xúc cho bà. Bà nấu gì, ông cũng chỉ ăn trong im lặng. Ông thích cũng không nói, không thích cũng không chia sẻ. Người nấu ăn, hạnh phúc nhất là nghe cảm nhận của người ăn về món mình nấu. Cái điều đó mẹ cậu không có, bà sinh ra cáu bẩn. Ông còn có tính hay ghen thêm phần gia trưởng. Ông đi chơi với bạn bè, bận đồ đẹp đi uống cà phê thì vui lắm. Còn mẹ cậu, đi chơi với bạn thì ông tỏ thái độ không ưng, mặt mày nhăn nhó. Mẹ cậu là kiểu người cũ, nhìn mặt người xung quanh mà sống. Vì lẽ đó nên bà đau khổ. Có hôm trưa ông bố đi xa, bà khóc với cậu trai cả một buổi ăn. Cậu trai nói với giọng trầm trầm:
"Má không sống được thì li dị đi, con lo cho má, để ổng một mình".
"Không được, tới giờ này, li dị thì bà con họ nói này, nói nọ, bàn ra tán vào thì sao".
Cậu cũng không muốn nói gì hơn. Ai cũng nghĩ mình là nạn nhân trong câu chuyện của họ. Cái khổ rồi tự họ chuốc lấy mà thôi. Buồn thật!
Về phần ông bố, cậu cũng có cách xử lý của mình. Bữa cơm nọ có cả mặt bố và mẹ, cậu lên tiếng:
"Giờ con hỏi ông ba, ông ba có thương bà má không?"
"Tao không thương má mày chứ thương ai."
"Vậy là được rồi. Con nghe bà má nói lại là ông ba thái độ này nọ khi bà má đi uống cà phê. Bà má bả làm việc mệt cả ngày. Một tháng có đi với bạn chỉ 1, 2 lần cho vui. Từ giờ, bà má đi đâu, ông ba không được có thái độ nũa, để bà má đi chơi vui vẻ. Với lại tới cái tuổi này rồi, nói thiệt, ai mà thèm bà má. Ông ba còn ghen tuông làm gì nữa!? Ông ba mà còn tiếp tục để chuyện này xảy ra, là ba má li dị, ông ba sống một mình đó, con không quan tâm đâu. Bạn con làm chính quyền, nhờ tụi nó can thiệp nhanh lắm."
"Ừ, bà má đi cứ đi. Ba có nói gì đâu. Bà má mày làm quá thôi!"
Sau đợt đó, ba má cậu vẫn vậy, nhưng cái khí trong nhà dường như đã tốt hơn trước. Dũng cảm đối diện với mọi chuyện vẫn là cách tốt nhất giúp cậu trai vững tâm hơn mà sống trong cuộc đời này.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất