Phóng viên (PV): Thưa ông, trước khi bán cháo ông làm gì?
Chủ tiệm (CT): Ngộ bưng cháo cho cha ngộ bán.
PV: Vậy cửa hàng này có bao nhiêu năm?
CT: Không có năm, chỉ có đời. Mấy đời lận. Bà cố ngộ bán cháo. Ông nội ngộ bán cháo. Cha ngộ bán cháo. Ngộ bán cháo. Con trai ngộ …
PV: Trời ơi! không có gì khác ư?
CT: Khác chớ, ngày trước có một cửa hàng ở Quảng Châu, bây giờ có hai cái ở Sài Gòn, ba cái ở Hoa Kỳ, bốn cái ở Úc.
PV: Người ta thành công thì sẽ cho con cái làm giám đốc, còn ông?
CT: Ngộ có thành thì cũng cho con làm chủ cửa hàng.
PV: Ông không muốn chúng đi học sao?
CT: Muốn nhiều, con ngộ một đứa có bằng về tài chính, một đứa có bằng về kinh doanh.
PV: Ở trong bếp à?
CT: Ở Mỹ.
PV: Học xong chúng nó về đâu? Thành ông gì?
CT: Về nhà này, thành người rửa bát cho “papa” chúng.
PV: Ông gọi khách hàng là vua hay thượng đế?
CT: Gọi là gì không quan trọng. Quan trọng là đối xử thế nào.
PV: Truyền thuyết kể lại rằng nhiều tỷ phú người Hoa đi lên từ một thúng đậu phộng rang, đúng không?
CT: Không, những ngày đầu tiên làm sao có tới cả thúng, chỉ vài trăm hột thôi.
PV: Có tiền mà ông mặc bộ đồ vải thô thế này?
CT: Dạ, người vô đây chủ yếu là người bình dân. Họ sẽ còn vô nếu thấy chủ tiệm cũng giống như họ.
PV: Lý do gì khiến người Hoa hay chọn kinh doanh ăn uống?
CT: Thưa, đơn giản vì kinh doanh đó phục vụ cái bụng con người. Nếu phục vụ cái đầu sẽ phát sinh nhiều rắc rối lắm.
PV: Ông bán cháo tim gan mà sao sáng ra nhà ông toàn ăn cháo trắng với củ cải muối?
CT: Dạ, nếu ngộ cứ ăn cao hơn khả năng của ngộ thì thế nào cũng tới lúc ngộ phải nhảy vào nồi cháo.
PV: Chắc là ông ít vay vốn ngân hàng?
CT: Nhà băng có tiền nhưng không bao giờ có cách nấu cháo để mượn cả.
PV: Bây giờ tôi muốn ăn một tô, nhưng tôi chưa có tiền mai trả được không, thưa ông?
CT: Dạ không phải mai mà hai mươi năm sau cũng được.
PV: Nhưng lúc ấy lãi suất thế nào?
CT: Dạ, lãi là ông luôn nghĩ tới hàng cháo này, đấy mới là lãi to.