Lần đầu thấy tên sách tôi đọc nhầm nó thành chuyện nghề chuyện ngỗng, tưởng lại thêm một tập người trong muôn nghề. Nhìn kĩ hình bìa thì thấy có hai con ngỗng tung tăng với một cậu bé, à, lại nhật ký tuổi đời mênh mông của chàng trai tóc xoăn bồng bềnh và mấy con ngỗng nuôi để cố tỏ ra độc lạ phố phường, hẳn lắm. Một cơ duyên đã khiến tôi rước tập sách mỏng manh này về, là nó được giảm giá rất nhiều và lòng cảm thông dâng tràn khi thấy trên shopee live của đơn vị phát hành có cái bạn gì mụp mụp vừa bán hàng vừa ngáp giữa trưa với vài ba người xem và chả thấy ai tương tác, nên gọi là cơ hội thì hợp lý hơn.
Tôi đang chuẩn bị kể về trải nghiệm đọc một tập sách mỏng nhỏ xinh với những trang chữ litaliti hút mũi tôi vào những khái niệm loằng ngoằng về tỉ thứ trừu tượng mà liên tưởng muốn nhũn não và đậm đặc mùi ngỗng với ngỗng.
Nhưng mà nó cuốn lắm mọi người ạ, đọc chả hiểu mấy nhưng khó bỏ xuống, thi thoảng tự nhe răng cười an ủi vì vừa hiểu vừa không hiểu những thuật ngữ triết học. Tác giả viết ra cuốn sách này dành tặng cho cậu Thiên Nga và cô Fifi sau những mất mát và nỗi đau của kẻ ở lại. Nếu cậu ấy viết nhật ký là mỗi bữa cho ngỗng ăn gì, ngỗng thích ăn nhất là gì, cuối tuần cậu dẫn ngỗng dạo phố hóng gió đi bar, khi buồn bã cậu tới cho ngỗng dụi mỏ vào người, khách tới chơi có người phớt lờ, có người nhiệt tình nựng ngỗng, tối họ ôm nhau ngủ... và 9981 trò ngỗng họ làm với nhau, kết thúc là cậu ấy và cặp ngỗng chung sống hạnh phúc suốt đời, thì tôi thề đọc xong là tôi nhốt quyển sách này vào lãnh cung ngay và luôn, không buồn liếc xéo một lần.
Bạn ấy rất trẻ, và bạn ấy sẽ còn trẻ rất lâu nữa, tôi cho là vậy. Tôi thích việc suy tư rốt ráo tràn lan về đối tượng bạn ấy dành tình cảm, dù loài ấy là một phi-nhân. Những thuật ngữ lạnh lẽo trích dẫn từ phương Tây cũng không ngăn tôi cảm nhận được trái tim ấm áp chân thành của một tên ham hố đào bới mọi thứ trên đời, được truyền cảm hứng bởi ngỗng, lại là ngỗng, vẫn luôn là ngỗng, mãi mãi là ngỗng.
Hồi cấp 1 tôi vào nhà bác chơi thì có con ngỗng to như trâu và dữ như chó, cứ dứ dứ cái mỏ muốn cạp khách lai vãng. Sau chết, bác tôi nấu lên rồi cho nhà tôi một bát thịt nóng hổi thơm ngon rất đưa cơm, cũng là lần duy nhất tôi ăn thịt ngỗng tới nay. Giờ thấy có một người trẻ vì hai đối tượng ngỗng mà dày công thảo lên cả quyển sách chứa toàn triết học và tình thương thì tôi nghĩ mình chọn không ăn ngỗng nữa. Tôi ăn được nhưng sẽ đấm mồm đấm miệng bẻ lái sự tham thực sang niềm thương cảm cho những đôi mắt ngỗng khóc ròng và sự lặng câm vì nó biết nhớ, biết thương xót không chỉ bạn tình mà cả gà qué với người ngợm, có khi là cả thế giới phóng chiếu qua hai bên mắt ti hi của nó. Loài ngỗng ấy, nó không nói, nhưng ai dám khẳng định nó không thể cảm nhận, và có ai dám 100% cho rằng có thật là nó không nói không phải do nó không nói được mà chỉ bởi nó chưa thèm nói.
Văn chương, một trong những sự kì diệu của nó có phải là nhắc nhở ta về nhân chi sơ tính bản thiện, lâu ngày ngủ quên vì ta đôi khi không để ý mình cũng là một trong số các loài động vật. Và ngỗng tính, cũng có khi đã thấm vào trong ta, một chút dù chỉ, nhưng nếu một sáng thức dậy ta cũng bắt đầu nghển cổ lên dáo da dáo dác và cạp cạp cạp, để rồi công nhận một điều, á à, bản dạng của ta đã có thêm tí hơi ngỗng.
Câu chuyện được kể trong đây, không hẳn là những câu chuyện có mở và kết. Chúng khiến tôi muốn rơi nước mắt nhưng tôi không khóc được, vì bọn ngỗng khóc là đủ bi rồi. Đọc xong cần gì hiểu hết mọi câu chữ, gác qua một bên mấy năm sau đọc lại, hoặc ngay tuần sau, đọc mười lần đã hiểu hết chưa. Điều quan trọng là những cảm nhận, những vỡ lẽ mình có trong quá trình đọc, nó lần lần thay đổi và bồi đắp nên phần mới trong con người mình. Qua đó, ít nhiều thiên kiến được tháo ra và nhường chỗ cho những cái mới cư ngụ, dù cái thổ tả ấy chưa có định hình rõ ràng.
Tôi bảo quyển sách này dở hơi không phải ý chỉ nội dung nó dở hơi, tác giả dở hơi, ban biên tập dở hơi hay nhà xuất bản dở hơi. Mà dựa trên tiền đề: độc giả thế nào thì quyển sách họ cầm trên tay thế ấy. Nếu bạn thấy hứng thú thì hãy tìm đọc ngay đi, tôi không hứa là bạn sẽ đánh giá nó siêu dở hơi nhưng tôi nghĩ: Trong những kiếp trước, chúng ta hẳn đã từng là ngỗng; nếu không phải thì là một kiếp nào đó sau này.
Thực tế là khi thấy hình bạn ngỗng đứng tạo dáng hoặc đó là dáng đứng tự nhiên của bạn ấy trên bắp tay tác giả, mình đã khóc. Chúng không đơn thuần là thú cưng. Chúng là đối tượng ta đã sống cùng, chia sẻ với nhau một phân đoạn của cuộc đời. Khi bạn hiểu các bạn không còn gặp lại nhau nữa, do chúng lặng lẽ hoặc bất thình lình bốc hơi khỏi đời bạn, bạn biết trong mình có một vùng ấm đang lạnh dần, tới chết, và không thể phục sinh. Và bạn phải đi tiếp con đường của riêng mình, với một mặc định mới, phần đời các bạn có nhau đã ngưng tụ ở cái mốc mãi mãi tuổi hai mấy của bạn và nguyên vòng đời của cặp gia cầm.
Cảm ơn rồi và tạm biệt nhau. Cả ngỗng và người. Bị thiếu hơi ngỗng kể ra cũng cô đơn nhỉ?
We don't lose geese, we return them.
In Geese we trust.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất