#chuyenconcho
Trước đây, với mình, nhạc càng ít lời càng tốt. Vậy mà giờ tôi đang gật gù thú với Not afraid. Mọi thứ đều thay đổi, theo cách sự điều khiển của thời gian. Âm nhạc của người chăm chỉ ra album là một dẫn chứng. Ta có thể nghe Adele, Imagine Dragon, Eminem, Taylor Swift, Post Malon.
Cuối cùng thì tháng 7 cũng đến. Tôi không phải đợi mùa thu. Mà một con chó như tôi chờ cái thời tiết vừa phải của mùa thu. Cái thú nằm ườn hoặc đi dạo mới trở lên thú vị làm khi mà không khí không quá lạnh đến run cả, mà cũng không nóng đến nỗi phải rụng lông cho mát.Cơ bản thì tôi cũng thích mùa thu, tôi đoán thế. Ta đều trở nên dễ dàng thích mọi thứ hơn khi trong cơn dễ chịu. Nhưng mà kiếm đâu ra cái "mùa thu cho em" của Ngô Thuỵ Miên ở cái thành phố có thời tiết "điếm" như thế này. Tôi thích dùng từ ấy cho thời tiết của Sài Gòn, thật ra là tôi học ông Vũ Bằng trong cuốn Thương nhớ mười hai.Phải thế thôi, tôi học theo con cáo của La Fontaine, mùa thu Hà Nội là những chùm nho chưa đủ "chín", chú cần những ngày mùa mưa trung tuần tháng 7 hơn. Sáng nay là một sáng điển hình mà chú đợi cả năm cho mùa này. Không phải buổi sáng có sương chùng chình như thơ của Hữu Thỉnh. Chỉ cần là cái tiết se lạnh, trong lành, thi thoảng gió lùa một làn mưa phùn thấm lạnh vào người. Thật thư thả và thoải mái. Tôi thầm nghĩ:
- Cái lũ người tất tưởi khốn khổ này có cảm thấy như chú không.Hẳn là không!
- Loài người mà, sao có thể có cảm giác của một con chó. Cái loài cho mình là thượng đẳng ấy, sao mà ngửi được hương vị của cơn mưa mùa thu. May ra có mấy tên điên.
Nghĩ đoạn, tôi cũng tự thấy mình thượng đẳng. Sự ái kỉ từng khiến Narcissuss chết đuối chắc có ngày cũng sẽ ghé thăm ta. Tôi ngồi, một mình, có chút lành lạnh mà một sớm mùa thu mang lại. Nhưng so với đám người cô độc đang bạt mạng kéo ga ngoài đường, tôi đang ấm hơn là cái chắc.
Chú đang rơi vào trầm tư, tưởng tượng ra một nghi thức thật hoành tráng nhưng lại phải thật giản dị. Chú không thích màu mè nhưng vẫn muốn mình nổi bật nhất, cái áo chú đang mặc chẳng hạn. "Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự cao", thế quái nào loài người lại nghĩ ra cái câu oái oăm thế nhỉ. Thế thì mặc đẹp hay mặc xấu mới là giản dị. Thôi không quan tâm, tiêu chuẩn của loài người ấy mà, tiêu chuẩn kép! Chú mặc đẹp chẳng qua vì dịp quan trọng. Chú chuẩn bị ban cho chính chú cái tước chú dành cả phần đời trước để theo đuổi. Danh vị này cần có một cái tên thật kêu. Vì lẽ đó mà cả tháng rồi chú ngồi nghĩ, nghĩ chán rồi chú phẩy đuôi, gật đại một cái.- Người tình vĩnh cửu cũng tạm, phỏng? Chú yêu cô đơn, yêu chính chú như Narcissus say đắm khuôn mặt hắn khi soi xuống mặt hồ. Chú thầm nghĩ:
- cái tên điên ấy, điên đến thế mà còn được người ta nhớ để rồi có hẳn cái gì đó đặc biệt gắn với hắn, Narcissism.
Chú tưởng tượng nếu chú ở đấy lúc hắn cúi mặt xuống hồ, chú sẽ sủa toáng lên, nhảy xuống đạp tung mặt hồ yên ả. Để hắn thay vì yêu chính hắn đến chết thì sẽ vì căm ghét sự xấu xí của hắn mà hoá kiếp. Nếu không kịp, ít ra chú cũng làm cho người ta không tài nào lãng mạn hoá nổi cái giống ích kỉ như hắn. Thôi kệ, lỡ cho hắn thành nguyện rồi:
- Người tình vĩnh cửu của cô đơn nghe kêu hơn cái tên điên ấy là cái chắc.
Cũng phải cảm ơn một mụ hoạ sĩ tâm thần đã gợi cho chú cái tên ấy. Mụ ta làm nghề vẽ nhà, thật ra cái gì mụ cũng vẽ, đoán vậy. Mụ hay nói mấy chuyện với chú như là mụ điên lâu lắm rồi vậy. Có điều, điên kiểu này thì còn nói chuyện được chứ không như tên Narcissus kia. Lần ấy, mụ với chú nói chuyện về cái thùng rác hình con chim cánh cụt.
Mụ bảo mụ giống cái sọt rác, sọt rác hình chim cánh cụt! Chú rằng:
- đựng được rác là biệt tài, đựng được rác mà không phải thùng rác mới là thiên tài.
Thật ra, lúc phán câu đấy thì chú ra vẻ để mụ không nghĩ chú điên thôi chứ đường xá, góc tường, hãy chỗ khỉ ho nào đấy chả chứa được. Trái đất là một cái bãi rác khổng lồ, cùng với ngân hà, đang rơi vô định trong vũ trụ vô hạn. Thật ra vũ trụ cũng đang nở ra, chắc chẳng bao giờ rơi đến rìa vũ trụ nổi. Vũ trụ không vĩnh hằng, ông già Stephen Hawking bảo vậy. Tóm lại ý chú là, mấy cái thùng rác chim cánh cụt, thật là một thứ thiên tài.
- cũng may không phải ở nam cực - chú sủa
Mụ mới thán:
- đúng, cũng may, không phải ở nam cực, đã là sọt rác lại còn phải chịu lạnh. Một cái sọt rác thì không thể hoà mình vào đàn chim cánh cụt dù rằng cũng chẳng ai để ý đến ai lắm trong cái đàn ấy. Vậy là thứ nhất, nó sẽ bị cô lập rồi cô đơn. Đến thứ hai, điều mà nhỡ cái sọt rác hiểu được, thì nó phải đau đáu đến tận khi chết, ấy là chẳng ai đến cái xứ lạnh lẽo này mà bỏ rác cả. Thế là nó còn vô dụng nốt. Vô dụng đến tận khi băng vĩnh cửu ở cái chốn ấy tan ra.
Từ vĩnh cửu loé lên trong dòng suy nghĩ của chú. Vĩnh cửu không như vĩnh hằng, nó sẽ dừng lại ở đâu đó, chỉ là, gần như vĩnh hằng. Như mấy cái hàm số khốn khổ không thể chạm đến giới hạn của nó dù có cố chạy đến đâu chăng nữa. Thế mà mấy lão tự xưng "nhà toán học" lại xuề xoà cho rằng rồi nó sẽ đến được đó và đặt dấu bằng vào biểu thức. Thế mà đám đó cứ ra vẻ ta đây "một là một, hai là hai", thế ra vô cùng lại cũng dừng sao? Cái thứ dấu bằng nơi tiệm cận ấy là nguồn cơn cho luật số lớn, một thứ mới khiến chú điên đầu làm sao. Cứ chắc nịch rằng cái sự ấy rồi cũng sẽ xảy ra nhưng số lượng chó trên trái đất này đã đủ lớn chưa, hay chú có nằm trong cái số may mắn tốt lành của luật số lớn ấy hay không. Một cái luật ngớ ngẩn, nhưng thôi kệ, quan trọng là chú tìm thấy chữ "vĩnh cửu". Lúc thấy chữ ấy, chú rối rít cong đuôi ngoe nguẩy cảm ơn mụ già biết vẽ.
Sủa mấy tiếng chẳng biết mụ có hiểu không, lũ người thật chẳng biết đoán thế nào. Mong là mụ điên này không vẽ ra cái sọt rác hình chim cánh cụt ở nam cực ấy. Khốn khổ làm sao! Thôi kệ, chú phải lựa dáng đứng sao cho hợp với cái hôm sắc phong mới được. "Người tình vĩnh cửu" kêu thật!
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất