11 giờ 45 phút.

Căn phòng tối chờ đợi bình minh bằng vài nguồn sáng, ánh sáng vàng ấm áp của chiếc đèn học, thứ ánh sáng khó chịu của màn hình máy tính. Và những hạt sáng yếu ớt của ánh trăng hoà cùng sắc vàng của chiếc đèn đường chạy len qua từng thanh chấn song cửa sổ. Mọi nguồn sáng đổ về chiếc bàn học – nơi một cậu nhóc đang cầm bút cố gắng vẽ lên từng chi tiết trong giấc mơ của mình. Cậu mơ về một kì thi suôn sẻ, một số điểm cao, một ngôi trường đại học danh tiếng. Từng con số trên trang nháp là từng viên gạch để cậu xây lên ước mơ của mình. Từng viên gạch cậu đặt lên không hề ngay ngắn, không hề chắc chắn. Có những lúc cậu để mặc những viên gạch ở đó, để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà cậu tự đặt ra. Tôi là ai? Tại sao tôi lại ở đây với những viên gạch này? Tại sao tôi lại cố xây lên căn nhà “mơ ước” ấy? Bản thiết kế căn nhà này là do tôi vẽ ra, hay là tôi đã tiện tay đánh cắp của một kẻ nào đó để tránh phải đối mặt với cảm giác trống rỗng, lạc lõng, đơn độc khi mọi người xung quanh đang hối hả hoàn thành nó? Những câu hỏi ấy luôn dễ dàng đến làm phiền cậu nhóc, không giống như cái cách mà cậu tìm ra câu trả lời. Được rồi, bình tĩnh lại một chút, sao cậu lại phải trả lời những câu hỏi này nhỉ? Có cách dễ dàng hơn mà. Đúng rồi, chạy trốn. Cậu bỏ ngoài tai những câu hỏi và tự an ủi bản thân bằng cách đi tìm kiếm những kẻ trốn chạy khác. Cậu cảm thấy mình không cô độc, ngoài kia cũng còn rất nhiều kẻ như cậu. Nhưng điều đó chỉ là giải pháp tạm thời, những câu hỏi sẽ lại tấn công cậu khi màn đêm xuống, khi sự tĩnh lặng lại đến bao trùm lấy căn phòng này, khi những ánh sáng kia lại rọi vào chiếc bàn học ấy, khi cả vũ trụ này dường như chỉ quay quanh bản thân cậu mà thôi. Căn phòng nhỏ ấy luôn sẵn sàng nhường chỗ cho một vùng tối bao la đến nuốt chửng cậu. Sự sợ hãi lại đến, cậu điên cuồng lên internet tìm kiếm những bộ phim về 2 từ “đam mê” để thưởng thức, như cách một người nghiện tiêm vào cơ thể từng liều thuốc phiện. Từng cảnh phim chảy qua ánh mắt như từng dòng heroin chảy qua tĩnh mạch, nó xoa dịu đi sự sợ hãi, lạc lõng đang thổn thức trong lòng. Nhưng mọi thứ đi cũng nhanh như cách nó đến, cảm giác tiêu cực lại quay lại kéo cậu về với thực tại.

2 giờ 06 phút.

  Nỗi ám ảnh quay trở lại mang theo một cảm giác khó diễn tả. Bỏ điện thoại xuống gối, tim cậu có đập nhanh hơn, sự im lăng làm cho tiếng nhịp tim rõ ràng hơn bao giờ hết, như thể cả phố huyện đang dừng lại chỉ để nghe con tim cậu thầm thì. Có cái gì đó đang mắc ở cổ họng cậu nhóc, một chiếc xương cá? Cậu ước là thế… Cơ bụng siết nhẹ lại, một luồng khí đi thẳng vào phổi cậu nhóc. Giống như chiếc tụ điện đang góp nhặt nhanh phần điện năng còn thiếu đề rồi… Phóng điện. Một hơi thở dài và mạnh, “chiếc xương” chạy nhanh qua cuống họng để lại một tiếng “ực” nhỏ. Má cậu mát lạnh trong một thoáng, dòng nước từ khoé mi chảy xuống như muốn giúp tản nhiệt cho chiếc CPU đang quá tải. Như được reset lại, đầu cậu trống rỗng nhưng cậu kịp nhận ra mình vừa khóc. Ví cái gì chứ? Áp lực? Phải chăng cậu nhóc 17 tuổi ấy đã hiểu được đôi chút về 2 từ mà thế giới người lớn luôn nhắc đến với lỗi sợ hãi bao trùm? Cậu không biết nữa, nhưng sau khi “phóng điện” cậu bình tĩnh hơn, cậu nhận ra cách duy nhất để giải quyết vấn đề là phải đối mặt với nó, cậu cần tìm cho mình những câu trả lời.
Cậu là ai? Cậu là một thằng nhóc 17 tuổi hèn nhát. Không! Cậu là một thằng nhóc 17 tuổi đã từng hèn nhát. Cậu đã từng có một giấc mơ, cậu từng thích vẽ, cậu từng vẽ rất nhiều, cậu vẽ cũng đẹp, cậu từng muốn trở thành một kiến trúc sư. Nhưng nơi cậu sống là một phố huyện xa xôi, không có trung tâm luyện vẽ, học vẽ cũng tốn khá nhiều tiền, bố mẹ cậu cũng không ủng hộ. Quan trọng hơn, cậu hèn nhát, cậu không đủ quyết tâm, cậu sợ thất bại,nói cách khác cậu không thích nó đủ nhiều để mạo hiểm. Mẹ cậu muốn cậu học hành bình thường và thi vào một trường kĩ thuật, lấy một tấm bằng đại học và một công việc ổn định. Bố cậu là quân nhân, ông thích cậu thi vào Học Viện Hậu Cần rồi thành danh theo con đường quân ngũ. Cậu không biết cậu thích gì nhưng có một điều cậu chắc chắn, cậu không thích đi làm từ 5giờ sáng ngồi trong nhà máy điều khiển, sửa chữa một con robot, dây chuyền sản xuất và trở về nhà vào lúc 7 giờ tối như anh hàng xóm. Cậu càng không thích cảm giác kìm kẹp của quân ngũ, cậu hiểu cảm giác ấy hơn ai hết. Bố đóng quân ở xa từ khi cậu còn đỏ hỏn, thường 2 tháng bố cậu về một lần. Khi cậu 2 tuổi, bố cậu trở về nhà với bộ quân phục định bế cậu vào lòng, cậu vứt bỏ món đồ chơi trên tay, vừa khóc, vừa vào ôm mẹ, cậu không nhận ra bố mình. Khi cậu lớn hơn, bố cậu nhận lệnh tăng cường vào Đất Mũi, Cà Mau công tác. Cậu đi tìm tấm bản đồ trong quyển sổ “Biên Phòng” mà bố để ở nhà để hỏi mẹ Cà Mau là ở đâu. Cậu biết đơn vị cũ của bố là một Đồn Biên Phòng gần Trung Quốc thông qua lời kể của mẹ. Và bây giờ cậu biết thêm rằng nơi ở mới của bố xa hơn rất nhiều. Từ đó đến tận bây giờ cậu vẫn chưa bao giờ cảm nhận được một khoảng cách địa lý nào xa đến như vậy. Vùng biển miền Tây Tổ quốc mang bố đi trước sự ngây thơ của một thằng bé 9 tuổi. Bố cậu đi 2 năm, trong thời gian đó ngoài những cuộc điện thoại thì bố cậu về nhà 3 lần. Cậu bị xay xe nhưng lần nào cũng phải ra sân bay đón bố, cậu nhớ bố, và cậu biết bố cũng nhớ cậu nhiều lắm. Mỗi lần bố về cậu sẽ lại có rất nhiều đồ chơi, những chiếc xe đạp, xe lắc, ô tô, những món đồ chơi mà bọn trẻ con hàng xóm ao ước cậu có rất nhiều, những thứ đồ chơi cậu bỏ đi chất đủ chất đầy một căn phòng ngủ. Nhưng có một sự thật là cậu không bao giờ đòi hỏi về bất cứ thứ gì từ bố cả. Cậu chỉ cần biết cậu được nghỉ học khi bố về, cậu được bố mẹ đưa đi ăn sáng, đi uống cafe, đi chơi thoả thích, khi bố về mẹ cậu nấu rất nhiều món ngon, mọi thứ cậu nhớ như in cho đến tận bây giờ. Bố mẹ cậu đã luôn muốn cho cậu có môt đứa em, nhưng phải đến năm cậu 9 tuổi em cậu mới chào đời. Và mẹ cậu mang thai đúng vào khoảng thời gian bố cậu đi xa, điều đó thay đổi cậu rất nhiều. Từ một thằng chỉ ăn với chơi, năm 8 tuổi cậu đã biết đi chợ, nấu cơm, rửa bát, quét nhà… Và cứ thế cậu lớn dần và quen với việc không có bố bên cạnh, càng ngày cậu càng xa cách bố hơn. Nói cách khác sự có mặt của bố ở nhà từ lâu đã không còn là mối bận tâm của cậu. Trong sách cậu được học về người bộ đội là những con người dũng cảm, luôn sẵn sàng bảo vể tổ quốc. Còn trong mắt cậu họ cũng giống như mọi người, người bán rau, bán thịt, bán sức lạo động, còn bộ đội bán thời gian ở cạnh gia đình. Có lần cậu lên thăm đơn vị bố, đập vào mắt cậu là một tấm bảng rất to. Trên tấm bảng có hình ảnh cột mốc biến giới, lá cờ đỏ sao vàng, các bà con dân tộc thiểu số và dòng chữ: “ĐỒN LÀ NHÀ, BIÊN GIỚI LÀ QUÊ HƯƠNG, ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC LÀ ANH EM RUỘT THỊT”. Thế vợ con là gì?... Tất nhiên rồi, tương lai của cậu sẽ chẳng bao giờ liên quan đến quân đội cả. Không kĩ thuật, không quân đội, không vẽ vời, và sau quãng thời gian theo học đội tuyển tin học từ Tiểu học đến hết THCS cậu cũng quyết định sẽ không chọn ngành này. Vậy còn lại gì cho cậu lựa chọn nữa? Đúng rồi, ngành kinh tế. Cậu biết đến ngành này một cách tình cơ trên youtube vào một ngày không mấy vui vẻ. Lúc đó là vào kì học cuối cùng của bậc phổ thông, trong khi các bạn đồng trang lứa đang rùi mài kinh sử để vào được những trường top đầu đào tạo ngành họ thích thì cậu vẫn đi học cho qua ngày. Dù đầu năm học nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đã nói rất nhiều về tâm quan trọng của năm học này thì cậu cũng chẳng mấy quan tâm. Có chăng là cậu đi học nhiều hơn 2 năm trước chứ cũng chẳng có gì khác biệt. Rồi cậu nhận ra sự khác biệt giữa mình và những đứa học giỏi trong lớp, chúng nó có mục tiêu rõ ràng còn mục tiêu của cậu là đi học đầy đủ, ngồi ngoan trong lớp để không bị mẹ mắng. Cậu lướt facebook và thấy một vài đứa bạn share bài về đam mê, về cách Steve Job đã thành công, và cháy hết mình với đam mê như thế nào. Và hôm đó, cậu quyết định nói chuyện đằng hoàng với mẹ về việc học vẽ. Nhưng kết quả thì như cậu đã mường tượng từ trước, mẹ cậu có ý ủng hộ nhưng nhà cậu lúc này cũng không khá giả lắm, hơn nữa thời gian cậu còn chỉ là một học kì, và lý do khiến cậu từ bỏ là dịch bệnh. Cậu không thể đến lò luyện vẽ, cậu cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu, hơn 2 năm học Khối A00 để bây giờ từ bỏ à? Đúng! Nhưng cậu từ bỏ vẽ vời. Trong lúc chán nản nằm lướt youtube thì cậu bắt gặp một video có thumbnail khá bắt mắt với title: “cách nền kính tế vận hành” cậu thấy thú vị với thứ vừa tìm được và mò mẫm xem tiếp các video như: Ngân hàng sinh ra như thế nào, Lãi kép – kì quan thứ 8 của nhân loại,… Và đó là cách mà cậu và ngành kinh tế gặp nhau. Như vừa tìm được tình yêu của đời mình, cậu khám phá người tình của mình từng chút một, và tự đặt ra hàng đống lý do để cho rằng đây là ngành học của mình sau khi bước chân ra khổi cách cổng trường phổ thông. Từ việc có lần nhà cậu có thầy nào đó vào chơi, ông ấy biết về Kinh Dịch và nói rằng cậu nên học về Tài Chính. Hay việc hồi bé cứ tết đến là cậu lại mang những thứ đồ chơi khuyến mại mà chú tôi cho, thổi bóng bay, các thứ ra bán cho bọn trẻ con theo mẹ đi chợ tết (chú cậu làm đại lý của một hãng sữa nên có rất nhiều đồ chơi khuyến mại cho trẻ con như thẻ bài, ô tô lên cót, súng nhựa,…). Vì nhà cậu khá gần chợ nên năm nào hàng bán cũng rất tốt, có những ngày cậu dậy từ 5 giờ sáng dọn hàng ra bán, thổi bóng bay mệt lả người nhưng cậu lại rất vui. Có những năm cậu bán được gần 1 triệu đồng. Hồi đó cậu chưa biết gì về tiền, và cậu cũng không cần đến tiền nên cậu thường đem tiền cho mẹ và cho bà. (Nghĩ lại thấy ngu phết =)).
                Nhưng cũng chính người chú của cậu lại là vấn đề trong góc nhìn của bố mẹ cậu về thứ mà cậu đang đắm đuối. Chú ấy kinh doanh thua lỗ rất lớn, cắm cả sổ đỏ của cả nhà vào ngân hàng, vay lãi nhiều người làm gia đình nhiều phen khốn đốn vì bọn đòi nợ thuê. Rồi một ngày cậu nói với bố mẹ về tình yêu mới của mình, tất nhiên là bố mẹ cậu rất không thích. Nhưng cậu đã lớn hơn xưa, cậu thích ngành này hơn kiến trúc, hoặc chỉ đơn giản là cậu hết lựa chọn rồi. Cậu nói với bố mẹ, để cậu tự quyết định tương lai của mình, cậu cương quyết với lựa chọn của mình. Và bố mẹ cậu cũng đồng ý với quyết định của cậu. Cậu có ý thức hơn trong việc học tập của mình. Ban đầu mục tiêu mẹ cậu đặt ra cho cậu là một trường kĩ thuật top dưới với điểm số chỉ từ 16-18 điểm, còn bây giờ cậu đặt cho mình mục tiêu là một trường top đầu về kinh tế với điểm vào trường lớn hơn 27 điểm. Chưa bao giờ quyết tâm của cậu lại cao đến như vậy...