Tiểu Cúc này, Tiểu Cúc của ta
Mùa thu nói điều gì rất lạ:
Lá đổ vàng trầm tư sắc lá
Mùa thu nói điều gì rất lạ:
Heo may qua không một chút tình cờ.
Con dế buồn hát một điệu bơ vơ
Dòng sông nhỏ bay về trời làm bão
Lão lang thang lạc nhịp bỗng quay đầu
Thấy cuộc đời vẫn hồn nhiên tấu nhạc.
Tiểu Cúc này, Tiểu Cúc của ta đâu?
Em chớ nghe mùa thu say - nói nhảm
Em chớ nghe vầng trăng khóc trên trời
Đàn se sẻ một chốc bỗng lên ngôi
Tha cọng cỏ thả trên đồi mộng mị.
Người trăm năm liệu có biết đi tìm?
Chuyện Tiểu Cúc, chữ Tình ai viết vội…
Tiểu Cúc à, Tiểu Cúc của ta ơi!
Ngày mùa hạ Tiểu Cúc hãy rong chơi
Đêm mùa thu-xin về đây nằm ngủ…
***
Hoa cúc nhỏ mỏng như lời nói dối
Em như tơ - hóa mộng giữa sương ngời…
….
Tiểu Cúc à…
…Tiểu Cúc của ai ơi?



Đây  là một bài thơ trong tập thơ Dấu vết thiên di. Tác giả là bạn Nguyễn Băng Ngọc. Bạn có thể ghé thăm fanpage Clouds will tell của bạn ấy, hoặc mua sách trên Tiki. Mình thấy bài này hay nên mình muốn phân tích nó. Nếu thích, bạn cũng có thể đọc bài thơ khác của bạn ấy: Ru em ngủ.
Mình có đưa bài này cho một số người bạn đọc, và họ nói rằng bài thơ này không gợi được cảm xúc gì cả. Nó giống như tác giả đang tham lam cho thật nhiều hình ảnh vào nhưng lại thiếu sự liên kết, làm cho mạch cảm xúc bị vỡ vụn, rời rạc. Nhưng theo quan sát của tôi, bài thơ này thể hiện rất rõ lối tư duy của tác giả, và nếu ai có thể hiểu được sẽ thấy nó vô cùng trật tự và biến hóa.
Tiểu Cúc này, Tiểu Cúc của ta
Mùa thu nói điều gì rất lạ:
Lá đổ vàng trầm tư sắc lá
Khổ đầu bài thơ miêu tả con người Tiểu Cúc. Mỗi một câu là một chủ đề riêng biệt: mùa thu, lá vàng, heo may, con dế, dòng sông, lão lang thang. Nhưng chúng liên quan gì đến nhau? Và chúng liên quan gì đến Tiểu Cúc? Thật ra các chủ đề đó đều là các ký ức riêng biệt trong cuộc đời Tiểu Cúc, và chúng sẽ được kích hoạt (activate :v) khi có Tiểu Cúc cảm xúc. Nhưng vì chúng ùa đến quá nhanh, mỗi ký ức chỉ được nói rất gọn trong một câu trước khi một ký ức khác chen vào, nên chỉ có những ai có chung cảm xúc và ký ức với Tiểu Cúc mới thấy, còn không thì chỉ thấy chúng rời rạc, lạc lõng.
Con người Tiểu Cúc là như vậy, chứ không phải là cố dùng nhiều hình ảnh. Những ai có ý thức cao về bản thân và thích triết lý thường hay đặt câu hỏi: tôi là ai? Ở khổ thơ này, Tiểu Cúc nói rằng: tôi là một sự hòa quyện của ký ức. Nói rằng có “tôi” thì đúng là có đấy, nhưng để mà hiểu được tôi thì bạn phải cùng tôi lần mò. Tôi không muốn làm khó bạn, nhưng tôi cũng chẳng có một ý niệm cố định hay một quan điểm triết học nào, mà chỉ có rất nhiều góc nhìn đan xen nhau. Muốn hiểu về tôi chỉ có cách là có được nhiều góc nhìn đan xen cùng lúc như tôi vậy.
Cũng chính vì như vậy, nên khi gặp vấn đề, họ sẽ bị quá tải bởi suy nghĩ của mình. Họ có thể xử lý từng vấn đề đơn lẻ rất tốt, nhưng khi phải xử lý chúng cùng lúc thì dễ bị ngộp. Có quá nhiều góc nhìn cần xử lý, mà bộ não chỉ có thể làm từng góc nhìn một. Điều đó làm ta có cảm giác họ vừa mong manh vừa mạnh mẽ. 
Chính vì mong manh như vậy, Tiểu Cúc đã bị lạc. 
Tiểu Cúc này, Tiểu Cúc của ta đâu?
Em chớ nghe mùa thu say - nói nhảm
Em chớ nghe vầng trăng khóc trên trời
Những thứ kỳ lạ mùa thu mang đến chỉ là những lời nói nhảm. Đàn se sẻ,  như con dế, như mọi kỷ niệm khác, đều chỉ là những thứ phù phiếm. Tác  giả như muốn nói: Em ơi, xin hãy nghe tôi. Đừng chạy theo những cảm xúc phù du nữa.
Người trăm năm liệu có biết đi tìm?
Chuyện Tiểu Cúc, chữ Tình ai viết vội…
Người trăm năm phải tự đi tìm Tiểu Cúc, chứ Tiểu Cúc không tìm người trăm năm  đâu. Đây không chỉ đơn giản là tâm lý muốn được làm cao, muốn được chinh phục của con gái, mà ở đây là sự thờ ơ với người mình tin tưởng và muốn gắn bó nhất. Họ muốn thì họ tự đi tìm, còn Tiểu Cúc thì sẽ mặc kệ họ. Phải là người có thể mặc kệ được sự mặc kệ của Tiểu Cúc, thì mới là người Tiểu Cúc cần tìm.
Vậy từ giờ cho đến lúc đó, Tiểu Cúc cần gì?
Tiểu Cúc à, Tiểu Cúc của ta ơi!
Ngày mùa hạ Tiểu Cúc hãy rong chơi
Đêm mùa thu-xin về đây nằm ngủ…
Tác giả muốn nói: dù em có thế nào, thì tôi vẫn yêu em. Ngày mùa hạ, em rong chơi không màng tới tôi thì tôi vui cho em. Đêm mùa thu, khi em mệt mỏi rồi thì xin hãy quay về cho tôi che chở. 
Hoa cúc nhỏ mỏng như lời nói dối
Em như tơ - hóa mộng giữa sương ngời…
….
Tiểu Cúc à…
…Tiểu Cúc của ai ơi?
Tuy có ý thức được là mình cần phải sống tốt hơn, nhưng đóa hoa ấy lựa chọn điều ngược lại. Mù quáng thì sẽ đau khổ, nhưng Tiểu Cúc sẽ chấp nhận cái giá đó để được thêm một lần tự huyễn hoặc chính bản thân mình. Tiểu Cúc lựa chọn làm mình trở thành huyền ảo, nửa tỉnh nửa mê, làm cho mọi thứ đối với mình trở nên mơ hồ, hư hư thực thực. Nghĩa là nhập tâm vào vai diễn của mình. Tiểu Cúc muốn được một lần sống giữa những lời nói dối. 
Tại sao điều này lại quan trọng đến như vậy? Tôi không chắc, nhưng có thể là để có sự trải nghiệm. Trải nghiệm sự mơ hồ, trải nghiệm sự lừa dối. Đây là thứ không ai dám làm, nhưng nếu không dám làm, không  dám biết, thì làm sao có thể hiểu được về cuộc sống? Thế nên, tuy điều  này có thể đi ngược quan điểm chánh kiến của Phật, nhưng với Tiểu Cúc, đây chính là con đường để đi tới Sự Thật.
Quay trở lại chuyện Tiểu Cúc là một sự hòa quyện của ký ức. Những ký ức tạo nên con người Tiểu Cúc giờ đã tan vào trong sự mơ hồ, mộng ảo rồi. Em tan đi không một lời từ biệt. Tất cả chỉ còn là sự mong nghóng của tác giả: nếu em bây giờ không phải là của tôi nữa, thì em đang là của ai?
PS: Cứ tưởng viết ra không có ma nào chú ý, vậy mà không ngờ chỉ nội trong một ngày lại có cả một bài review cho bài review này. Bài của bạn Nguyễn Trần Anh: Chuyện Tiểu Cúc | Một lời đáp. Bài ấy còn nhiều cảm xúc hơn cả bài này