Trong loạt phim về "Bao thanh thiên - 2008" có một phần phim mà mình rất thích là "Hoàng Kim Mộng". Phần này tóm tắt như sau:
Trong một vùng núi thuộc tỉnh Thanh Châu có rất nhiều công nhân đang làm việc tại một khu mỏ dưới sự giám sát của quân lính. Thứ họ khai thác là vàng. Việc khai thác chính là của quan phủ. Bá tánh vô tội bị đầy đi làm khổ công đào vàng không có ngày về. Điền Thanh là con của thợ tìm kiếm mỏ quặng. Khi cha anh tìm được địa điểm mỏ vàng thì bị sát hại. Điền Thanh bị quân lính bịt kín mắt và dẫn tới khu khai thác vàng này làm khổ công, vì muốn báo thù cho cha và cứu những người công nhân ra khỏi nơi này. Dưới sự giúp đỡ của mọi người, Điền Thanh trốn thoát và hướng về phủ Khai Phong minh oan cho mọi người. Bao Chửng lệnh cho Triển Chiêu tới Thanh Châu dò la tình hình trước còn ông lấy cớ đến Thanh Châu thăm bạn cũ là Sài Vương gia. Sài Vương gia là người của tiền triều Hậu Thục Hoàng thất, Tông thái tổ Triệu Khuôn Dẫn sau khi Trần Kiều binh biến lên làm vua. Phong Thục đế Sài Tông Huấn làm Trịnh Vương, con cháu của ông cũng được hưởng vinh hoa. Bao Chửng điều tra biết được sự tình, người chủ mưu cấu kết với quan phủ lấy số vàng khai thác được chính là con của Sài Vương gia Sài Ngọc. Anh muốn dùng số vàng đó làm quân phí chờ thời cơ tạo phản để giành lại ngai vàng cho dòng họ nhà anh. Bao Chửng rất đau lòng khi xử chém Sài Ngọc.
(nguồn: Wikipedia)
Lúc đầu mình không hiểu phim hay ở điểm nào, nhưng khi xem xong phim thật sự mình đã cảm động rơi nước mắt. Bởi tình tiết của phim thực sự gay cấn và khiến mình xoắn não, nhất là ở cuối phim: Khi Bao Công luận tội Sài Ngọc và khiến anh ta "tâm phục - khẩu phục". Tình tiết ấy như sau (xin kể tóm tắt theo ý hiểu của mình, bạn nào muốn biết chi tiết có thể tự tìm phim để xem. Trong đó các phần ghi chú in nghiêng là sau này mình mới hiểu, chứ lúc đầu xem chưa hiểu):
Trước khi thăng đường, Bao Công cho gọi riêng Sài Ngọc tới và hỏi:
- Với những tội ác ngươi gây ra, chiếu theo luật là chém đầu, ngươi có ý hối cải về những điều đã gây ra không?
Sài Ngọc đáp:
- Bao đại nhân muốn Sài Ngọc thọ hình dưới pháp luật của Đại Tống, Sài Ngọc không có gì để nói. Nhưng mà Sài Ngọc không có lý do gì phải hối hận.
Bao Công nói 2 tội:
- 1. Khai thác vàng trộm
- 2. Giết hại người, bức ép người khai thác vàng trộm (khi tội của họ chỉ là ăn cắp vặt nhưng bị bắt đi khai thác vàng khổ sai)
Sài Ngọc đáp:
- Việc binh biến thì mạng người chết là lẽ thường. Triều đại hiện nay khi mới lên ngôi cũng thế thôi.
(Chú thích: việc Sài Ngọc làm với mục đích kiếm tiền để mua vũ khí, xây dựng quân đội, dự định làm binh biến để lật đổ triều đại đương thời, giành lại ngai vị cho gia tộc => nên anh ta coi đây là việc binh biến => so với cách làm của triều trước cũng vậy, nên không thể phê bình anh ta được)
Bao Công đáp:
- Việc binh biến triều đại trước (khi mà gia tộc Sài Ngọc đang làm vua thì xảy ra binh biến, khiến nhà Tống đoạt ngôi) là do bất khả kháng (tình hình lúc đó bất khả kháng, nguyên nhân thì mình ko rõ lịch sử TQ). Việc ấy khác với việc Sài Ngọc tham tiền đào vàng trộm.
Sài Ngọc trả lời:
- Bao đại nhân sai rồi. Làm sao Bao đại nhân biết SN đào vàng trộm không phải vì muốn làm binh biến? (mà chỉ nghĩ anh ta tham tiền). Anh ta không tham tiền mà muốn tích tiền xây dựng quân đội làm bạo động lật đổ, khôi phục lại Đại Chu (triều trước Đại Tống). Anh ta làm vậy vì nhà Tống đã cướp ngôi của nhà Chu, anh ta chỉ đòi lại.
Chú thích: Ý Sài Ngọc là việc đào vàng trộm này cũng là việc binh biến. Việc đòi lại đối với anh ta là điều có lý, vì trước đây vốn bị cướp đoạt, giờ lấy lại. Với ý này anh ta nghĩ Bao Công cũng không thể đối đáp lại được.
Bao Công sau một vài giây ngỡ ngàng trước lý lẽ này thì đáp lại:
- Nghe qua thì dường như rất có lý, thực chất đều là xảo biện. Việc thay đổi triều đại đều theo ý trời, lòng dân. Khai quốc nhằm mục đích cứu dân chúng khỏi lầm than, nên mới đứng ra thay thế triều đại. Nếu làm trái ý trời thì sao có thể thống nhất được thiên hạ? Khi đó tổ tiên nhà Sài Ngọc làm vua khi mới 7 tuổi, lại bị nước Hán với nước Liêu hợp binh sang xâm phạm. Nếu thái tổ hoàng đế (người lập ra nhà Tống) không khai quốc kế vị (mà được hiểu là cướp ngôi để đứng ra lãnh đạo đất nước chống ngoại xâm) thì đất nước đã rơi vào tay dị tộc. Vậy không phải là thuận theo ý trời sao?
Sài Ngọc vặn lại:
- Cho dù như vậy thì chống ngoại xâm xong phải trả lại vương triều cho nhà Sài Ngọc, cớ sao lại đoạt mất.
Bao Công đáp:
- Cái gọi là vương triều của Đại Chu (tổ tiên nhà Sài Ngọc) cũng là đoạt từ Quách Gia. Nhưng Quách gia (triều đại trước của nhà Chu) đâu có đòi lại của Sài Gia? Nếu như các triều đại trước đều cho thiên hạ là của mình, vậy Tần, Hán, Tùy, Đường có phải cũng nên để hậu nhân của họ đoạt lại hay không? Vậy không phải đẩy đất nước, người dân vào cảnh chinh chiến hay không? Các triều đại đều lấy dân làm gốc. Thời đại thay đổi là vì thời thế đã mất. Vua hiện nay công chính yêu dân, đất nước đang thái bình. Vậy mà Sài Ngọc lại đòi làm binh biến, vậy chẳng phải sai hay sao? Việc làm của Sài Ngọc không chỉ ảnh hưởng đến 1 mình anh ta, mà còn đẩy cả dòng họ vào cảnh bất chung bất nghĩa (xét theo việc này thì sẽ tru di tam tộc chứ không chỉ chém đầu 1 mình Sài Ngọc). Vậy nên Sài Ngọc phải biết xấu hổ với hành động (và động cơ) này, chứ không đáng ra mặt tranh biện. Bây giờ ngươi còn gì để nói không?
Nói đến đây thì Sài Ngọc tâm phục khẩu phục.
---
Bản thân mình khi xem lần đầu tiên, mình "không phục" cách luận tội của Bao Công. Bởi cuộc đối đáp diễn ra khá nhanh và mang nhiều yếu tố lịch sử, chính trị. Phải xem đi xem lại nhiều lần mình mới hiểu hết. Lúc đầu mình cho rằng Bao Công có phần áp đặt dựa trên luật pháp và thiên vị triều đại nơi ông ta đang làm quan. Mình nghĩ là:
Có thể đứng ra thay vua nhỏ lãnh đạo đất nước, sau khi yên giặc thì trả lại mới là hợp lý-hợp tình. Như Trần Hưng Đạo đâu có cướp ngôi đâu, dù ông ta hoàn toàn có thể làm điều đó.
Nhưng sau đó xét bối cảnh lịch sử và nhìn rộng ra hơn, mình thấy là: việc trả lại hay không không phải do chính người đó quyết định được, mà nó hợp lòng dân, hợp thời thế. Triều đại cũ đã không còn sự ủng hộ của dân chúng, triều đại mới thay thế và được lòng dân, nếu trả lại thì sẽ gây loạn, lòng dân không phục, dẫn tới nhiều hậu họa khôn lường. Vậy nên Bao Công có nói ý "Các triều đại đều lấy dân làm gốc. Thời đại thay đổi là vì thời thế đã mất". Ý này có nội hàm chính trị rất sâu.
Tương tự như vậy Trần Hưng Đạo không cướp ngôi cũng vì lòng dân không theo. Dù có khả năng làm thì cũng không nên làm.
---
Sau khi đã khuất phục Sài Ngọc về luật - lý, Bao Công gặp phải vấn đề thứ 2, có phần nan giải hơn nữa, đó là về tình.
Sài Vương Gia (bố Sài Ngọc) không đành lòng nhìn Bao Công chém đầu con trai duy nhất của mình (người kế vị dòng họ), nên đã làm mọi cách để ngăn cản việc đó:
1. Đầu tiên là về tình bạn với Bao Công. Ông ta muốn Bao Công nể tình mà xử nhẹ hơn. Việc này tất nhiên Bao Công từ chối.
2. Tiếp đến là ông đưa ra chiếu chỉ của vua (người sáng lập triều đại hiện thời) là kim bài miễn tử. => Bao Công từ chối vì nó chỉ có tác dụng cho chức vụ vương gia, không áp dụng cho con cái (chưa phải là vương gia).
3. Ông ta muốn từ bỏ vương vị, nhường lại cho con trai để lách luật trên => Bao Công từ chối vì ngôi vị này không phải nói nhường là nhường được, trừ khi vương gia chết đi, con cái thừa kế tước vị mới được.
Ở đây Bao Công có nói: rất hiểu tấm lòng vì con cái của vương gia, nhưng chiếu theo vụ việc này thì không thể chiều theo ý ông được. Mong vương gia thông cảm và thứ lỗi, để Bao Công làm theo quốc pháp.
4. Vương gia muốn tự vẫn để nhường vương vị cho con. Đây có lẽ là điều cuối cùng ông ta có thể làm được. Việc chấp nhận hy sinh bản thân hết lòng vì con cái, chết thay con cho thấy tình cảm Vương gia lớn như thế nào, mong muốn cứu con lớn thế nào. Ông ta muốn tự vẫn trên Công đường để lập tức nhường vương vị cho con. Nhưng Sài Ngọc từ chối. Anh ta đã biết lỗi sai của mình và không muốn cha làm việc đó. Vương gia vẫn một mực muốn cứu con.
Bao Công trong tình huống này rất khó xử. Nhưng rồi Bao Công nói: Dù Vương gia có chết cũng không cứu được con. Bởi khi Vương gia chết, còn phải báo lên triều đình, chuyển phong tước vị, triều đình phê duyệt, văn thư qua lại cũng mất cả tháng. Lúc đó e là Sài Ngọc không còn sống nữa.
Có thể nói Bao Công đã tuyệt hết mọi tình cảm để hành sự theo đúng quốc pháp. Việc đó khiến Vương gia rất đau khổ và thất vọng, thậm chí căm tức Bao Công.
---
Nhưng có thực là như vậy? Lúc đầu mình cũng thấy như vậy là tuyệt tình quá. Sau khi xem lại và suy ngẫm kỹ hơn thì mình thấy:
Thứ 1, ai phạm tội thì xử người đó, đúng người đúng tội.
Thứ 2, bản thân Sài Ngọc cũng không muốn được cứu. Anh ta đã nhận sai và chấp nhận chịu hành hình. Việc cố gắng cứu anh ta chỉ khiến anh ta thấy đau khổ hơn thôi. Liệu anh ta có thể sống tiếp được không, khi mà anh ta đã lầm đường lạc lối, lại tiếp tục bám víu vào cái chết của cha mình mà sống tiếp, để thêm tội bất hiếu? Với con người Sài Ngọc thì anh ta thà sống ngay thẳng, nhận tội chịu hình còn hơn là sống tiếp như thế.
Thứ 3, vương gia làm vậy là sai. Vì tình cảm cha con mà bất chấp mọi thứ, kể cả luật pháp và tình người, cả nguyện vọng của con mình nữa. Đó là hành động trong lúc bộc phát, tình cảm và nỗi đau quá lớn khiến người ta mù quáng. Bao Công không chấp nhận là giữ lại sự sáng suốt cho Vương Gia. Bởi việc làm đó chẳng đem lại kết quả tốt đẹp hơn được, thậm chí còn làm hại con trai hơn. Việc ấy sẽ khiến bản thân ông ta lầm đường, khiến con trai mang thêm tội, lại khiến luật pháp bị lung lay. Nên có thể giữ được lý trí mà ngăn Vương Gia lại, ấy mới là điều đúng đắn, ấy mới là có tình người. Tiếp tay cho Vương Gia, ấy là hại cho cả hai, là mầm họa về lâu dài.
---
Tập phim này khiến mình hiểu sâu hơn về các vấn đề chính trị và tình người, làm thay đổi suy nghĩ về Bao Công - ngoài việc xử án nghiêm minh thì ông ta còn rất có tình người.
---
Ngẫm 1 chút về vấn đề này:
Hôm trước mình xem thời sự, thấy có vụ 1 ông bác lớn tuổi (có lẽ cỡ trên 70 tuổi), bất chấp quy định giãn cách, đi xe ra đường, bị 1 đồng chí công an (mặc quân phục) ngăn lại, ông đã cầm mũ đánh thẳng vào mặt đồng chí kia, khiến chảy máu.
Mình nghĩ: "Ơ, đây là tội chống người thi hành công vụ rồi".
Nhưng sau đó 1 bài báo nói rằng: ông bác này thần kinh có vấn đề. Vậy nên không bị xử lý hình sự.
Sau đó thì mình xem tiếp 1 bản tin khác (vào ngày khác) thì có tin: Xử lý hình sự với 2 vợ chồng nọ khi thông chốt, bất chấp lệnh giãn cách, và chống đối người thi hành công vụ (không tới mức đánh người ta chảy máu, vì không có bằng chứng hùng hồn như của ông bác kia).
Mình nghĩ: "Ơ, thế này là thế nào?".
Khi mình đem sự việc trên trao đổi với bố mình, 1 người từng làm trong ngành công an - cảnh sát, nay đã về hưu, bố bảo (đại ý là):
- Chẳng ai muốn xử hình sự với 1 ông già như thế.
- Giãn cách đã khổ, giờ trẻ không tha, già không thương thì còn ra thể thống gì. Thường chỉ các "đối tượng" (thanh niên, trung niên) mới xử để răn đe thôi.
- Với cả đâu biết ông ta có bị "tâm thần" thật không. Nếu thật thì chẳng bị xử lý hình sự.
Điều ấy khiến mình khá là buồn và cũng chẳng biết xử trí ra sao. Việc nói ông bác bị "thần kinh có vấn đề" là 1 cách né thường gặp ở đâu đó, thậm chí người ta từng bóc mẽ đường dây làm giấy "xác nhận tâm thần" giả để chạy án. Mình khá hiểu vấn đề này, nhưng giờ thấy nó được áp dụng công khai và dễ dàng quá. Mình không rõ ông bác có thật sự bị "thần kinh có vấn đề" hay không. Nếu có thật thì cũng buồn cho bác và gia đình bác. Bởi để 1 người thần kinh có vấn đề ra đường 1 mình, lại già cả như vậy, đạp xe như vậy là không tốt chút nào (không có con cái đi theo hay người nhà ngăn lại, thêm việc chẳng có thông tin gì trên người ông bác này là có biểu hiện tâm thần cả).
"Trăm cái lý không bằng tí cái tình" - nó gây hại khôn lường thế đó.
Luật pháp nghiêm minh, liệu có phải không có tình người?