“Trước khi gặp chàng ta đã tu luyện một nghìn năm, nhưng cả nghìn năm đó cũng không bằng một khoảnh khắc bên chàng.” - Bạch Xà -
Trước khi xem bộ phim Thanh Xà Bạch Xà (2011) tôi cũng không để ý tới câu chuyện của Bạch Nương Tử cho lắm. Tôi biết đây là một câu chuyện dân gian nổi tiếng của Trung Quốc, nhưng tất cả chỉ dừng ở đó. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi tôi xem bộ phim ở trên do Lý Liên Kiệt thủ vai nhà sư Pháp Hải.
Tôi sẽ cố gắng tóm tắt truyện Bạch Xà theo cách ngắn gọn nhất: yêu quái Bạch Xà (Bạch Nương Tử – Bạch Tố Trinh) trong một lần biến thành người xuống chơi ở trần gian gặp và yêu Hứa Tiên. Hai người thành thân sau đó. Nhà sư – pháp sư Pháp Hải biết Bạch Xà là yêu quái nên tìm cách ngăn cản, dùng Hứa Tiên lừa Bạch Xà uống rượu hiện nguyên hình. Hứa Tiên sợ quá chết, Bạch Xà đi trộm cỏ tiên để cứu sống chàng, nhưng lại bị Pháp Hải bắt giam Hứa Tiên ở chùa Kim Sơn. Bạch Xà cùng em (Thanh Xà) đấu với Pháp Hải để cứu chồng, nhưng bị thua. Hứa Tiên trốn được và gặp lại Bạch Xà ở Đoạn Kiều. Pháp Hải lại ngăn cản, dùng pháp thuật giam Bạch Xà trong tháp Lôi Phong. Hai chục năm sau Thanh Xà tu luyện thành, thắng Pháp Hải, phá tháp cứu được chị. Hai vợ chồng Bạch Xà – Hứa Tiên đoàn tụ.
Còn một số dị bản nữa nhưng tôi sẽ không kể ở đây, đa phần cốt truyện đều giống như ở trên. Một lần nữa, tôi lại thấm thía câu nói “Khi người học trò đã sẵn sàng thì người thầy mới xuất hiện”. Bộ phim trên về mặt nghệ thuật và diễn xuất thì không quá đặc biệt, nội dung cũng có biến cải đôi chút nhưng cũng bám khá sát cốt truyện, tóm lại là một bộ phim mang tính giải trí đơn thuần. Nhưng không hiểu sao càng xem tôi càng bị cuốn hút và chợt nhận ra vì sao truyện Bạch Xà lại là một trong bốn truyền thuyết dân gian lớn nhất của Trung Quốc (ba truyện còn lại là Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài, Mạnh Khương Nữ và Ngưu Lang Chức Nữ).
Hai chị em Thanh Xà Bạch Xà gặp Hứa Tiên lần đầu tiên ở Tây Hồ, Hàng Châu
Hai chị em Thanh Xà Bạch Xà gặp Hứa Tiên lần đầu tiên ở Tây Hồ, Hàng Châu
Là một câu chuyện dân gian, truyện Bạch Xà mang đậm yếu tố văn hóa là điều dễ hiểu. Riêng việc đối đầu giữa nhà sư – Phật giáo và rắn thần – Đạo giáo đã đầy yếu tố hấp dẫn. Quyện trong đó là câu chuyện tình yêu, gia đình đầy màu sắc Nho giáo. Hiện tượng tam giáo đồng nguyên một lần nữa lại xuất hiện.
Truyện Bạch Xà hấp dẫn có lẽ vì ai trong chúng ta cũng sẽ đều tìm thấy một phần nào đó của mình trong đó. Đó là một câu chuyện về tình yêu, hẳn rồi. Giữa Bạch Nương Tử và Hứa Tiên chỉ là tình yêu đơn thuần không vụ lợi. Không hề có yếu tố ma quỷ mê hoặc nào ở đây, một điều khá thú vị, khác hẳn với những câu chuyện liêu trai đầy mê quái. Do đó, nó cũng là một câu chuyện về sự phản kháng: yêu không thể lấy người, nhưng trong truyện hai nhân vật chính lại bất chấp mọi khó khăn để tìm đến với nhau. Xà tinh – mặc định của cái Ác, hòa thượng – mặc định của cái Thiện. Vậy mà càng xem, càng tìm hiểu, tôi lại càng ác cảm với Pháp Hải và thiện cảm với Tố Trinh.
Pháp Hải có sai không? Không. Ông ta cũng chỉ muốn bảo vệ con người. Ai dám quả quyết rằng Bạch Xà sẽ không-bao-giờ hại người? Giáo điều trong ông ta là cứng nhắc, nhưng chính sự cứng nhắc đó đã bảo vệ cho con người bấy lâu nay. Tố Trinh có sai không? Hình như là có. Nàng đi ngược lại quy luật, luật lệ để yêu và lấy con người. Lý trí thì như vậy nhưng rồi chúng ta đều có cảm giác rằng ở đây chính Pháp Hải mới là sai và Tố Trinh là người đúng đắn. Nàng dám hi sinh một ngàn năm tu luyện của mình để đấu tranh cho tình yêu của bản thân, thậm chí sự đấu tranh đó còn có thể dẫn đến sự nguy hiểm cho tính mạng của mình. Chính sự mong manh Thiện – Ác khó phân này đã khiến tôi bị lôi cuốn. Ai có đủ quyền năng để nói rằng một việc là Thiện và việc kia là Ác? Triết học từ Plato tới nay chẳng phải vẫn còn đang tranh luận về việc đó hay sao? Thiện với người này nhưng là Ác với người kia, Thiện trong hoàn cảnh này và Ác trong hoàn cảnh kia, Thiện ở thời điểm này và Ác ở thời điểm kia, hay chính xác hơn, trong cái Thiện đã bao hàm cả cái Ác và ngược lại chăng? Liệu cái Toàn Thiện và Toàn Ác có thật sự tồn tại trên đời?
“Thế giới là một trận chiến, nơi các thế lực Thiện Ác thường xuyên chống lại nhau. Nhưng sức mạnh của tình yêu lớn hơn sức mạnh của căm ghét. Tình yêu là lực duy nhất có thể thực sự vượt qua cái Ác.
Zarathustra đã nói như thế – Nietzsche

Nhắc tới triết học, tôi chợt nghĩ đến Nietzsche. Tôi thấy một sự hóa thân xuyên suốt câu chuyện về Bạch Nương Tử. Nàng tu luyện một ngàn năm để có được phép thuật của rắn thần, rồi dùng nó để biến thành người, thành thân với Hứa Tiên. Nàng vốn là rắn, lại là yêu, vốn dĩ nàng chịu sự quản thúc của những luật lệ rất khác với luật lệ cho con người. Biến thành rắn thần là một lần biến hóa, nhưng biến thành người là cả một lần chuyển hóa. Nietzsche có một khái niệm nổi tiếng về Siêu Nhân (Ubermensch). Đó là những con người vượt lên chính mình, vượt qua những giới hạn của truyền thống đạo đức và tôn giáo. Đó là những con người tự thân và tự quyết, sống theo những luật lệ của chính họ, tự tạo nên số phận cho chính mình. Theo nghĩa này, Bạch Nương Tử chính là một Siêu Nhân như vậy. Và nàng làm được như vậy là nhờ vào sức mạnh của tình yêu.
Truyền thuyết Bạch Xà – Guan Liang (1900-1983)
Truyền thuyết Bạch Xà – Guan Liang (1900-1983)

Có quá nhiều người đã nói về tình yêu trong truyện này, còn ở đây tôi chỉ nói thêm về sự phản bội. Như trong bức tranh nổi tiếng trên của danh họa Guan Liang, ánh nhìn của Bạch Nương Tử (áo trắng, giữa) vào Hứa Tiên (áo đen, trái) là một cái nhìn đầy tức giận và nghi vấn. Tại sao? Tại sao chàng lại nghe lời Pháp Hải lừa ta? Sau tất cả những gì ta đã làm vì chàng? Đó có lẽ còn là một cái nhìn đầy cay đắng và chua xót.
Nhưng liệu ta có thể trách Hứa Tiên được hay không? Hãy nghĩ về thời đại đó, thời đại mà loài yêu nghiệt vẫn sống giữa nhân gian và gây hại cho con người. Hãy nghĩ về những định kiến dân gian về loài rắn, loài bò trườn sát mặt đất, phun nọc độc và nói ra những lời cay nghiệt. Chẳng phải chính con rắn đã xúi dại Eva khiến loài người bị đuổi khỏi vườn địa đàng trong Kinh Thánh đó ư (mặc dù theo một góc nhìn khác thì đó lại là một việc tốt, nhưng đó lại là một câu chuyện khác)? Hãy nghĩ về những từ hay đi cùng với rắn: rắn rít, rắn rết.. và bạn có cảm giác gì? Và hãy nghĩ về Hứa Tiên khi chàng ta lại được chính một chân sư hòa thượng – Pháp Hải khuyên bảo. Liệu có một cơ hội nào cho anh chàng này làm khác đi không? Tôi đồ là không.
Và thường thì đó lại là khi câu chuyện bi kịch nhất xảy ra. Ai cũng làm đúng chức trách phận sự của mình, nhưng mọi thứ lại không khớp với nhau và rối tung lên cả. Khi những cái nhìn, những quan điểm, những triết lí mâu thuẫn với nhau, xung đột là tất yếu và mọi thứ bắt đầu xấu đi từ đó. Làm thế nào để Hứa Tiên có thể “bất phụ Như Lai bất phụ khanh” bây giờ? Đến đây tôi nghĩ Schopenhauer xứng đáng có một tiếng nói cho những phân tích này. Chính ý chí đã đưa Bạch Xà và Hứa Tiên đến với nhau, khiến Pháp Hải quyết tâm tiêu diệt Bạch Xà, và cũng lại chính ý chí đã khiến cho Hứa Tiên, Bạch Xà và Thanh Xà chiến thắng Pháp Hải sau cùng.
Pháp Hải (Lý Liên Kiệt) giao đấu với Bạch Xà (Huỳnh Thánh Y) trong phim
Pháp Hải (Lý Liên Kiệt) giao đấu với Bạch Xà (Huỳnh Thánh Y) trong phim
Liệu đó có phải là sự thất bại của Phật giáo? Tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy Pháp Hải xuất hiện ở đây dưới dạng một pháp sư trừ yêu nhiều hơn là một thiền tăng phổ độ. Không có sự “quay đầu là bờ” nào của Bạch Xà, vì đơn giản là nó không liên quan. Cũng không có chuyện “độ ta không độ nàng” nào ở đây hết cả. Phật pháp của Pháp Hải mang tính “pháp” nhiều hơn tính “Phật” và cả câu chuyện không có ý nghĩa triết lý Phật giáo cao siêu nào ở trong đó. Thậm chí tôi thấy nó còn gần với “Romeo và Juliet” hơn là “Tây Du Kí”. Trong một dị bản đầy đủ hơn, mối thù giữa Pháp Hải và Bạch Xà vốn có từ kiếp trước khi Pháp Hải còn là một con rùa đen tu luyện ở Tây Hồ. Tuy nhiên tôi thấy chi tiết đó không ăn nhập lắm vào cốt truyện chính của Bạch Xà truyện và sẽ là khiên cưỡng nếu nói mối thù truyền kiếp đó là một cái gì đó biểu hiện cho Phật giáo.
Chính sự đa tầng đa nghĩa đó đã làm nên sức sống cho truyện Bạch Xà. Có thể lắm. Nhưng điều đó có lẽ hấp dẫn giới học giả hơn là yếu tố dân gian. Tôi nghĩ rằng Bạch Nương Tử sống mãi trong dân gian chính là bởi thẳm sâu trong tiềm thức chúng ta ai cũng mong muốn vượt lên chính mình, trở nên tốt đẹp hơn và hóa thân, dù cho sự hóa thân đó phải đánh đổi bởi nhiều hi sinh và mất mát. Có phải thế không?
Một câu chuyện hay để đọc, để xem và để ngẫm./