Khác biệt giữa một người bạn tưởng tượng và một người bạn bằng xương bằng thịt rất mong manh: cả hai đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Mỗi con người bằng xương bằng thịt đều là một hình nhân được đắp bằng những bức tranh tưởng tượng, do những người hắn từng gặp trong đời (bao gồm cả chính hắn) vẽ ra rồi dán chồng lên nhau. Nếu một người bạn tưởng tượng là sản phẩm của một óc tưởng tượng cá nhân không giới hạn, thì một người bạn bằng xương bằng thịt là sản phẩm của nhiều lớp tưởng tượng tập thể hợp thành. Người bạn bằng xương bằng thịt bị giới hạn trong giao điểm giữa các lớp tưởng tượng với nhau, và với thiên nhiên – một giới hạn luôn biến chuyển theo thời gian, thuận theo biến chuyển của thiên nhiên và của mỗi lớp tưởng tượng. Nếu người bạn ảo luôn thuận theo ý ta, còn người bạn thịt thường trái ý, thì đó là bởi người bạn thịt phải di chuyển nội trong giới hạn này. Hầu hết những người bạn thịt sẽ có nhân cách ổn định khi họ sống trong một nền văn minh đang ổn định – nơi các định chế xã hội soạn vừa sẵn một giao điểm cho các bức tranh tưởng tượng khác nhau, vừa lấn át cái thiên nhiên ngày càng bị xã hội khai thác.
Nhưng khi một người hoài nghi vòng tròn giới hạn, y sẽ làm gì? Y sẽ liên tục đào thoát khỏi giới hạn hiện hành của mình bằng một trong hai cách. Cách thứ nhất là diễn xuất: phân tích các quy luật tạo nên vòng tròn giới hạn của người khác, để lẻn sang chơi trong đó, bất kể vòng tròn giới hạn công khai của mình có giao cắt với vòng tròn kia không. Cách thứ hai là sáng tạo: soạn những định chế cá nhân cho phép mình tự vạch ra cho bản thân một vòng tròn giới hạn mới, rồi mời người khác vào chơi trong đó. Nếu định chế cá nhân này được truyền tải qua những dự luật được nhiều người hưởng ứng, hoặc những tác phẩm nghệ thuật được nhiều người thưởng thức…, nó sẽ dần trở thành định chế xã hội, và chính đáng hóa cái giới hạn kỳ cục mà y mới vạch ra. Tuy nhiên, vì y không thể từ bỏ sự hoài nghi giới hạn của mình, y sẽ liên tục phải tạo ra các vòng tròn giới hạn mới, thông qua diễn xuất mới và các sáng tạo mới, lặp đi lặp lại như công cuộc lăn đá của Sisyphus. Mỗi lần diễn xuất hoặc tái tạo là một lần y rũ bỏ các bức tranh tưởng tượng của người khác, để họa một bức tranh tưởng tượng mới về bản thân. Nói cách khác, y vẽ ra một người bạn tưởng tượng mà y phải phấn đấu trở thành. Quy trình này được Kajiura Yuki mô tả rất chính xác trong ca khúc Fiction (2003), vốn là tuyên ngôn của bà về sự sáng tạo: https://youtu.be/g3KJQS22qdU
Các đặc điểm trên dẫn đến một hệ lụy tất yếu: để làm bạn với một kẻ hoài nghi giới hạn, người ta phải liên tục tự tái tạo. Họ phải vừa liên tục vẽ ra các bức tranh có độ tương hợp nhất định với bức tranh mới nhất của kẻ kia, vừa không phiền khi bức tranh mình vẽ hôm qua bị kẻ kia rũ bỏ. Vì mỗi khoảnh khắc của mối quan hệ là một giao điểm giữa hai bức tranh tự họa, tức một giao điểm giữa hai cái Tôi tưởng tượng; mối quan hệ này có dạng một chuỗi “giao lộ huyễn tưởng” (FictionJunction) – cụm từ được Kajiura dùng để đặt tên cho band cũ và cho công ty riêng mới lập gần đây. Khi sắp xếp các bức tranh của mối quan hệ theo dòng thời gian, có thể người ta sẽ thu được một bộ phim hoạt hình, trong đó các nhân vật cùng nhau du hành qua thế giới của các ý tưởng.
(Tôi vừa viết 700 chữ để biện minh cho lối sống otaku =,=)
16/05/2021