Giáo dục # Huấn luyện

Ba mẹ thời nay và có lẽ thời trước nữa, đã và đang ngộ nhận cách thức để nuôi dạy con. Thay vì "giáo dục" con nên người, họ lại lệch hướng sang việc "huấn luyện" chỉ để con nghe lời mình. Đau lòng là sự huấn luyện này nó cũng tương đồng với cách người ta huấn luyện...con thú.
Nếu muốn con hoàn toàn nghe lời mình thì tốt nhất nên tìm nuôi những con thú cưng để dễ bề thuần phục, cai trị. Con người là một sinh vật đặc biệt với lý trí và cảm xúc riêng biệt. Đừng bao giờ mơ tưởng con cái sẽ 100% nghe lời mình - và rồi chúng lớn lên lại đủ khả năng để tự lập và lựa chọn những điều đúng. Làm sao con có chính kiến riêng khi những suy nghĩ trẻ thơ đều đã bị đè bẹp và khước từ?
Hãy quan sát và nhìn lại xem, con em xung quanh ta đang được nuôi dạy như thế nào?
- Con không chịu ăn uống vì vô vàn lý do. Người lớn sẽ cố dọa nạt hay dụ khị ép con ăn cho bằng được. Trong khi bản thân ta lại dễ dàng bỏ bữa hay đơn giản lựa món ăn phù hợp khẩu vị hơn.
- Con mê chơi chạy nhảy chưa chịu ngủ. Người lớn lại bắt ép con ngủ. Rồi tới lúc hoạt náo, văn nghệ gi đó, khi con tỏ ra không muốn tham gia thì lại ráng đẩy con lên múa hát để "tập cho con dũng cảm"???
- Con thể hiện hành động phản kháng, chống trả để thể hiện nhu cầu và cảm xúc của con thì liền bị người lớn đánh giá - gắn nhãn "hỗn hào", "không ngoan".
- Con nóng tính hay quạu quọ thì người lớn cũng dễ dàng chụp mũ là con hư, lỗi tại con mà quên rằng con cũng chính là tấm gương soi rọi môi trường sống xung quanh con.
- ...

Ngoan ngoãn là một bệnh dịch?

Dường như, kim chỉ nam cho mọi tình huống phát sinh đêu quay về chữ NGOAN. Mà thế nào là "ngoan". Đơn giản thay và cũng đớn đau lắm: Con ngoan là con-biết-nghe-lời-ba-mẹ.
Sẽ thật tốt lành biết bao nếu ba mẹ có đủ hiểu biết và hạnh phúc để hướng dẫn con đến những điều hay lẽ phải. Đằng này, các con lại đang được nuôi dạy bởi những người-lớn-bất-hạnh. Họ bất hạnh trong cuộc sống và sự nghiệp. Năm này tháng nọ tích lũy những nỗi u sầu mà không có lối thoát. Họ ghép đôi với nhau và sinh con đẻ cái với niềm ao ước con mình sẽ hạnh phúc, thành đạt và giàu sang. Ít ra là đừng mắc kẹt khổ đau như họ.
Nhưng phép màu nào có thể cứu được các con khi ba mẹ. còn không biết cứu lấy chính minh. Bi kịch xảy ra ngay chính khoảnh khắc con ra đời, người lớn đột nhiên cho phép và tự tin rằng mình có thể giúp con, dựa vào kinh nghiệm sai lầm của mình? Có lẽ, những cái uất ức, khổ đau từ tiềm thức, khiến họ cố gắng chứng tỏ cho thế hệ trước biết ông bà đã thất bại như thế nào và cũng để con họ có thể bù đắp lại những thiếu hụt từ quá khứ.
Cái từ ngữ tai hại này đã làm khổ biết bao nhiêu thế hệ trẻ em VN. Và như một bệnh dịch, nó lại truyền từ đời này sang đời khác. Nạn nhân thế hệ trước lại hóa thành kẻ thủ ác thế hệ sau. Một cái vòng luẩn quẩn, ngang trái đến nghiệt ngã.

Từ gia đình đến trường học

Từ gia đình đến nhà trường, cặp bài trùng thất bại nhưng cố gắng gượng chứng tỏ mình đúng. Gia đình dựa dẫm nhà trường để hy vọng những người lớn bất hạnh có nghiệp vụ kia sẽ hỗ trợ họ để quản giáo con cái.
Con không ngoan là méc cô
Con hư vậy coi chừng cô đánh đó
Người lớn có biết mình đang gieo rắc những thứ tồi tệ nào đến cho tâm hồn con trẻ (và cho chính ngươi lớn sau này) không? Dễ thấy nhất là đừng thắc mắc con sẽ biếng học và mất đi niềm vui đến trường. Sau là mất đi khả năng tư duy độc lập, phản biện. Không còn dám suy nghĩ và đưa ra những lựa chọn cho bản thân. Con đã bị cướp đi 2 trong những món báu vật quý giá nhất đời người rồi. Chưa hết, đứa trẻ lớn lên trong mệnh lệnh và hù dọa ấy rồi sẽ có một ngày dùng mệnh lệnh và hù dọa để báo trả, không chỉ với những người nhà mà cho tất cả người xung quanh.

Học làm cha làm mẹ - Làm ơn!

Thỉnh mong những người lớn bất hạnh ấy hãy lo ra sức học hỏi và tu rèn bản thân.
Làm sao để an vui mỗi ngày? Làm sao để không gây gỗ với nhau? Làm sao để có thể lắng nghe và nói lời yêu thương với con? Làm sao để tạo điều kiện cho con phát triển tốt nhất?...
Chưa có con thì còn rất rất nhiều thời gian. Có con rồi thì càng phải gấp rút học sống chết. Ngày nay cái sự học nó mới dễ dàng và thoải mái làm sao. Không mua sách giấy cũng có ebook để đọc. Lười đọc cũng có audiobook người ta đọc giùm cho nghe. Cớ sao không học?
Ta có thể dành 4 năm để học nghề nhưng không chịu dành thời gian để học làm Ba Mẹ - nghề cao quý và thiêng liêng nhất là một điều tai hại.
Đừng mải mê kiếm tiền hay cho con ăn ngon, mặc đẹp bên ngoài để rồi bên trong vỡ vụn ra như thế! Hãy biết nhìn nhận đâu mới là thứ thật sự quan trọng và quý giá để làm hành trang cho con khôn lớn sau này.
Nguyện cầu cho các con và những người bất hạnh.
Ps: Tất cả chúng ta đều đã và đang là những người lớn bất hạnh, theo cách này hay cách khác.