Sự đời có nhiều chuyện xảy ra vô cùng oái ăm, khiến chúng ta rơi vào tình huống khó xử. Chẳng hạn như bạn trót trúng tiếng sét ái tình với người yêu cũ của bạn mình. Lúc này bạn có thể sẽ đấu tranh tư tưởng giữa một bên là tình bạn, một bên là thứ tình cảm khó buông bỏ (Đã lỡ yêu em nhiều rồi thì anh chỉ biết ngắm mưa).
Tất nhiên, không có câu trả lời nào đơn giản cho câu hỏi liệu việc yêu đương và hẹn hò với người yêu cũ của một người bạn có được xã hội chấp nhận hay không. Tuy chẳng có quy tắc xã hội rõ ràng nào cho điều này nhưng chúng ta có thể thảo luận về một số quy tắc bất thành văn trong phép xã giao và mối quan hệ giữa người với người, ở trường hợp này là tình bạn và tình yêu.

1. Đầu tiên, họ đã chia tay nhau được bao lâu?

Có sự khác biệt rất lớn giữa một người yêu cũ vừa chia tay 1 tháng và người yêu cũ chia tay từ hồi… lớp 9. Bạn của bạn có thể chẳng quan tâm đến việc bạn tay trong tay ôm ấp với người yêu cũ hồi lớp 9 của người đó, thậm chí còn trêu đùa hoặc gợi lại kỷ niệm tình yêu “gà bông” thuở học sinh. Nhưng người bạn ấy có thể sẽ thấy gợn lòng nếu bạn đang hẹn hò với người yêu cũ mà mình vừa chia tay 1 tháng trước.
Nguồn: @svrojit
Nguồn: @svrojit
Bất cứ mối tình nào khi chia tay cũng cần một thời gian đủ lâu để buông bỏ và bước tiếp. Việc bạn yêu đương với người yêu cũ vừa chia tay gần đây có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và cản trở quá trình vượt qua nỗi đau của người bạn ấy.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, hai người nên chia tay trong khoảng thời gian bao lâu thì bạn có thể hẹn hò với người yêu cũ của bạn mình?
Điều này phụ thuộc vào cảm xúc của người bạn ấy, vì độ dài của mối quan hệ không nhất thiết tương đương với độ sâu của tình cảm mà họ dành cho nhau. Có người mất mấy năm trời mới buông xuống được, người thì chỉ cần 5 tháng là đã hẹn hò với người mới.
Vậy để biết được đâu là thời điểm thích hợp để bạn có thể tiến tới người yêu cũ của bạn mình, chúng ta hãy xem xét tiếp câu thứ hai.

2. Cuộc chia tay này khiến người bạn ấy đau buồn như thế nào?

Bạn hãy quan sát cảm xúc trên gương mặt và cả ngôn ngữ cơ thể để phán đoán xem tình cảm hiện tại của người bạn ấy khi nhắc đến mối tình đã kết thúc này. Nếu bạn của bạn không còn quá buồn bã, đã có thể kể lại kỷ niệm xưa với vẻ bình thản thì bạn có thể khéo léo nói cho người bạn ấy biết tình cảm của mình. Ngược lại, nếu bạn của bạn còn đang quay cuồng trong mớ cảm xúc hỗn độn hậu chia tay mà chưa bình ổn được thì bạn hãy chờ đợi thêm một thời gian nữa.
Nguồn: @valeria_ko_art
Nguồn: @valeria_ko_art
Ngoài ra, bạn nên hỏi cả lý do chia tay. Đôi khi bạn của bạn cảm thấy ám ảnh khi nhắc đến người yêu cũ không hẳn vì còn tình cảm mà là do những yếu tố tiêu cực khác. Có thể bạn của bạn đã ở trong mối quan hệ toxic, bị ngược đãi trong một mối quan hệ lạm dụng cả tinh thần lẫn thể xác. Những tác động này có thể kéo dài rất lâu sau khi mối quan hệ kết thúc.
Đây có thể là “red flag” cho đối tượng mà bạn đang muốn hẹn hò. Dù người yêu cũ của người bạn ấy có đang đối xử với bạn vô cùng tử tế và đong đầy yêu thương nhưng vẫn có khả năng người đó sẽ lặp lại hành vi trong quá khứ. Hẳn bạn sẽ không muốn đánh đổi tình bạn cho một người không xứng đáng đúng không?

3. Mức độ tình bạn giữa hai bạn là thế nào?

Nếu người bạn ấy là bạn thân, bạn nên nói chuyện và cho người ấy biết bạn đang cân nhắc việc yêu đương hẹn hò với người yêu cũ của người ấy. Tuy bây giờ cả hai người đó không còn quan hệ gì nữa và được quyền tự do yêu người khác nhưng hành động này của bạn sẽ cho thấy bạn là một người tinh tế. Hơn nữa, bạn thân của bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nếu được nghe sự tình trực tiếp từ bạn thân mình hơn là nghe bóng gió từ người khác.
Còn nếu người bạn ấy không phải là bạn thân của bạn mà chỉ ở mức độ xã giao, nằm trong vòng kết nối thông thường thì bạn không cần phải nói về ý định hẹn hò của mình cho người ấy. Bạn cũng không cần nhắc đến người yêu cũ của người ấy khi gặp nhau. Cứ để mọi chuyện diễn ra tự nhiên.

4. Bạn có sẵn sàng đánh mất một tình bạn không?

Ngay cả khi người bạn ấy chấp nhận và cảm thấy ổn với việc bạn hẹn hò với người mình từng yêu nhưng họ có thể sẽ dần xa cách bạn. Điều này không hẳn là người ấy giận dỗi hay muốn trừng phạt bạn nhưng thực tế mà nói, việc trông thấy người yêu cũ trở thành người yêu mới của bạn mình không phải là điều dễ chấp nhận. Họ vẫn sẽ cảm thấy lấn cấn, dè dặt. Có người tạm xa cách bạn để cần thời gian và không gian chữa lành vết thương. Người thì âm thầm quyết định giữ khoảng cách mãi mãi với tình bạn này. Đây là điều bạn không thể kiểm soát nên hãy chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ đánh mất một tình bạn.
Trên đây là 4 câu bạn cần hỏi trước khi đưa ra quyết định có nên yêu đương với người yêu cũ của bạn mình không. Cuộc sống thì không bao giờ chỉ có hai màu đen trắng, có người bảo nó đơn giản (mình cũng từng cố ép bản thân nghĩ nó đơn giản) nhưng thực tế thì đời phức tạp vỡi l, đặc biệt là những thứ liên quan đến các mối quan hệ và tình cảm. Nếu bạn rơi vào tình huống khó xử này, hãy hành xử một cách chu đáo và tinh tế. Chúc bạn đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho mình!
.Ngưn.