Hãy thử tưởng tượng, nếu như chúng ta sống trong một thế giới không có tình yêu thì sẽ như thế nào? Tôi cá là vài bạn sẽ phải nghĩ đến cái gọi là nhu cầu sinh lý, kế hoạch hoá gia đình hay rộng hơn là vấn đề dân số. À thì nó không sai, nhưng tạm gác những cái đó sang một bên, thì một thế giới không có tình yêu đồng nghĩa với việc sẽ có sự "độc chiếm" của hàng loạt các cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn như: ganh ghét, đố kỵ, thù địch, tàn bạo,... và đó cũng là lúc chiến tranh và sự ích kỉ lên ngôi. Vậy, tình yêu vốn nên được trân trọng mà, phải không?
Nếu thử search Google thì chúng ta sẽ có hàng triệu kết quả để mà nói về tình yêu. Nhiều đến nỗi, sau khi đọc xong bạn cứ ngỡ như mình là một chuyên gia tâm lý thực thụ ấy chứ. Nhưng vốn dĩ tình yêu khá là đơn giản mà, phải không? Nó chỉ là một sự giác ngộ về những cảm xúc mãnh liệt với một ai đó, một sợi dây kết nối hai tâm hồn với nhau, muốn bảo vệ và được bảo vệ, muốn yêu thương và được yêu thương. Vốn dĩ tình yêu vô cùng thuần khiết và nó đẹp đến nỗi M.Gorki phải thốt lên rằng: "Trên thế gian này chẳng có vị thần nào đẹp hơn thần mặt trời, chẳng có ngọn lửa nào kỳ diệu hơn ngọn lửa tình yêu."
<i>"Trên thế gian này chẳng có vị thần nào đẹp hơn thần mặt trời, chẳng có ngọn lửa nào kỳ diệu hơn ngọn lửa tình yêu."</i>
"Trên thế gian này chẳng có vị thần nào đẹp hơn thần mặt trời, chẳng có ngọn lửa nào kỳ diệu hơn ngọn lửa tình yêu."
Vậy tại sao trong thế hệ ngày nay, con người ta luôn "chối bỏ" nó, nhận xét về nó bằng sự ngờ vực, chán nản, giống như một bông hoa đẹp trước mắt nhưng con người ta lại cứ khẳng định là nó có độc nên ái ngại khi nhìn thấy nó. Nghĩ mà xem tạo hoá sinh ra tình yêu vốn đâu phải để cho ta "xem thường" nó như vậy? Nói trắng ra thì có vẻ như, với thế giới ngày nay chúng ta đang yêu sai cách và yêu sai cách quá nhiều sẽ dẫn đến hệ luỵ chán nản và muốn độc thân lâu dài. Lần cuối cùng bạn bị thu hút bởi một người là từ khi nào? Ở họ có gì để bạn chú ý tới? Bạn có kết nối với họ không và lí do tại sao bạn lại chần chừ và vụt mất cơ hội yêu một ai đó? Tôi mong bạn sẽ suy ngẫm về những câu hỏi này thật kĩ và thật tâm nghiêm túc với nó.
Bắt nguồn từ sự ngờ vực của xã hội, sự đấu tranh trong công việc, sự hãm hại từ đồng nghiệp, sự ganh ghét đố kỵ từ các bạn đồng trang lứa hay sự phản bội từ người thân. Tất cả những điều đó, khiến cho con người ta luôn ở trong trạng thái đề phòng vì chúng ta luôn có cơ chế sẽ tự động xây một lớp phòng bị để bảo vệ mình khỏi những sự nguy hiểm bên ngoài, trong khi đó còn phải tự chữa lành những vết thương mà quá khứ gây ra. Sự thất vọng là bắt nguồn của tuyệt vọng và nó là kẻ thù của tình yêu - đó cũng chính là nguyên nhân mà nhiều người phải thốt lên rằng: " Ma quỷ thì tôi chưa thấy sợ, nhưng cái tôi sợ nhất lại chính là con người" . Đôi khi phải thành thật một điều rằng con người là một loài sinh vật rất tàn nhẫn. Chúng ta vì nhu cầu tự khẳng định mình, vì danh vọng, tiền tài, sinh tồn mà sẵn sàng bán đứng nhau bất cứ lúc nào và sẵn sàng cho điều đó là hiển nhiên. Joker - một nhân vật phản diện nổi tiếng đã có một câu nói đi vào huyền thoại:
“Their morals, their codes, it’s a bad joke. Dropped at the first sign of troubles. They are only as good as the world allow them to be. I’ll show you. When the chips are down, these… civilized people, they’ll eat each other. You see, I’m not a monster, I’m just ahead of the curve.” – Đạo đức, nguyên tắc, những điều đó thật nực cười. Khi gặp phải chút đe dọa sẽ bị rũ bỏ cả thôi. Chúng chỉ tốt đẹp cho đến khi có thể. Tôi sẽ chứng minh. Khi biến cố xảy ra, thì những kẻ văn minh này, họ sẽ ăn thịt lẫn nhau. Nhìn xem, tôi không phải ác quỷ, tôi chỉ đi trước một bước mà thôi.
Phải công nhận là nó khá đúng nhỉ? Vậy thì sự ngờ vực đó biểu hiện như thế nào trong tình yêu? Bằng chứng là khi chúng ta luôn nghĩ đến tình yêu thì sẽ đi kèm với ngày càng nhiều chuẩn mực mà chúng ta cho rằng nhất thiết phải có trong một mối quan hệ. Ví dụ như, cô ấy muốn một anh chàng phải chiều chuộng mình, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của mình. Hay phải thật điển trai, ít ra thì kinh tế cũng phải ổn định,... Còn anh chàng thì lại cho rằng một cô gái độc lập mới hấp dẫn, phải xinh đẹp, đảm đang, tinh tế, và giỏi chăn gối thì mới lọt vào mắt xanh của chàng. Tất cả những điều đó là tiêu chuẩn của chúng ta hay là tiêu chuẩn phù hợp với xã hội? Trong khi yếu tố duy nhất để tạo nên tình yêu chính là: Thấu hiểu và tin tưởng. Nói về cách yêu, thì có lẽ vì nhịp sống ngày càng nhanh mà con người ta yêu thích những mối quan hệ chớp nhoáng và thường thì không nghiêm túc đi tới cam kết lâu dài. Chẳng hạn, những mối quan hệ mở ngày càng nhiều đa phần chỉ là để thoả mãn về mặt sinh lý, việc không thực sự nghiêm túc với các mối quan hệ làm cho ta dễ mất kiên nhẫn trong giai đoạn tìm hiểu và hậu quả là khi nhắc đến việc tìm hiểu ta luôn tỏ ra chán ngán và muốn độc thân. Huống hồ chi, ngày nay càng có nhiều những trường hợp lợi dụng tình yêu để mang ra đổi chác hay lừa gạt nhau vì mục đích cá nhân? Đặc biệt hơn, con người ta dần trở nên quá vô cảm khi luôn đặt cảm xúc của mình lên trên mà từ chối thấu hiểu hay lắng nghe một ai đó.
Đây chỉ là quan điểm cá nhân của mình, mong mọi người lắng nghe một cách tích cực, mình rất muốn nghe quan điểm của bạn về vấn đề này. Bạn nghĩ sao?