Đầu tiên là "xạo". Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng "xạo" là "rộn ràng". Xạo xự cũng là rộn ràng, đừng xạo xự nghĩa là đừng có rộn ràng. Nói xạo nghĩa là nói cho rộn bộ, nói cho qua việc, nói cho lớn lối mà không làm sự gì. Từ nghĩa này, tụi mình cho là "nói xạo" đã di nghĩa thành "nói dối", "nói quá sự thật". Từ điển Hoàng Phê thì bảo "xạo" là "không đứng đắn, bậy bạ".

Giờ đến "ke". Cũng trong Đại Nam quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của giảng "ke" là "khớm, bợn trắng trắng hay đóng theo răng, dựa đàng tiểu, tiếng tục." Cái nghĩa bợn trắng trắng đóng theo khe răng hay chảy ra ngoài trong lúc ngủ (ngủ chảy ke) thì dễ hiểu rồi, nhưng còn cái "tiếng tục" mà Huỳnh Tịnh Của không giảng rõ kia lại là gì?
Đào ngược về một tài liệu xưa hơn là Từ Điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes thì có giảng "ke" là từ “chỉ bộ phận sinh dục đàn ông hay đàn bà”. Ke chính là từ cũ của kẽ như kẽ nứt, kẽ hở, kẽ tay. "Ke" còn có một âm khác là "khe". Trong tiếng Việt xưa, "ke", "kẽ" hay "khe" đều là những từ tượng hình chỉ bộ phận sinh dục nữ.
Bữa đọc sách về ca dao, đoạn về những câu nhiếc móc kẻ giàu mà hà tiện, tui còn đọc được câu này:
"Thà nghèo một buổi hai ve,
Hơn giàu hà tiện ăn ke liếm l*."
(Chỗ l* là gì thì chắc mọi người thừa biết.)
Không quên giới thiệu luôn bài thơ "Tát nước" của Bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương:
"Đang cơn nắng cực chửa mưa tè,
Rủ chị em ra tát nước khe.
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm,
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be.
Xì xòm đay nước mình nghiêng ngửa,
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve.
Mải việc làm ăn quên cả mệt,
Dạng hang một lúc đã đầy phè."
Từ những ý trên, mọi người có thể đoán được "xạo ke" là xạo gì rồi ấy. Nói chung, "xạo ke" là một từ tục có thể giờ đã mất nghĩa tục, chỉ còn cái nghĩa bình dân nên nhiều người vẫn nói với nhau. Dù có thể nó mất nghĩa tục, nhưng mà tui vẫn không thể không giật mình khi nghe trẻ con nói. Người mình hay có cái tật dùng từ mà không rõ nghĩa, cứ nói như một thói quen, đôi khi thật tai hại.
"Xạo ke" dần dần được hiểu sai nghĩa trong tâm thức của nhiều người, nó được hiểu là "nói dối, nói láo, không đúng sự thật". Cho nên bản thân chính người nói cũng vô tình không biết là mình đang nói tục. Nhưng nếu cá nhân rất thích dùng từ xạo thì nên làm gì khi đã nói quen miệng? Hãy nhớ dùng từ "xạo sự" nha, nó có nghĩa là nói dối, nói láo, không đúng sự thật đó. 
Nguồn:
Ngày ngày viết chữ
Đọc thêm: