Cuối năm rồi nhỉ. Có lẽ nên nói hay viết gì đó tốt đẹp để cùng hi vọng vào một tương lai tươi sáng, một năm mới thành công và rực rỡ hơn.
Ai làm vậy thì cứ làm, tôi thì không. Có lẽ loài người là loài duy nhất tổ chức những nghi thức để chào đón các sự kiện mang tính chuyển tiếp trong giai đoạn tồn tại. Nhưng dường như những kì vọng về một tương lai tươi sáng hơn có vẻ đang đi chệch quỹ đạo, nếu không muốn nhận định là theo thời gian ngày càng mờ mịt và tăm tối, như Carl Jung đã từng nói: "[...] Chúng ta rời xa quá khứ và bứt khỏi cội rễ, sống ngày càng nhiều cho tương lai và những hứa hẹn hão huyền về một thời đại hoàng kim, hơn là cho hiện tại [...]". Chúng ta kì vọng năm mới mọi thứ sẽ đổi khác, trong khi nhận thức và hành động của chúng ta thì như cũ, hoặc sự thay đổi nếu có thì chẳng mấy đáng kể.
Với lối sống và cách tiếp cận thế giới và cuộc sống như hiện tại thì tôi nghĩ sẽ có một ngày nào đó loài Homo Sapiens này sẽ được/bị diệt vong. Dường như "tự nhiên" chỉ là một khái niệm ra đời cách đây không quá lâu. Trước đây, có lẽ không tồn tại khái niệm này, vì nếu đã xem mình và môi trường sống là một sự thống nhất, toàn vẹn, không tách rời thì tại sao lại phải có khái niệm "con người" và "tự nhiên"? Trong cuốn Chết bởi văn minh (Civilized to Death: The Price of Progress), Christopher Ryan đã viết: "Chúng ta là loài duy nhất sống trong những sở thú do chính chúng ta thiết kế".

Một cuốn sách khiến tôi khủng hoảng những niềm tin sẵn có. Với tôi, cuốn sách là thành quả nghiên cứu rất công phu của C.Ryan và cộng sự.
Chúng ta không chỉ lãng phí các nguồn tài nguyên sẵn có, mà còn hủy hoại môi trường đã cung cấp cho ta biết bao là thứ cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta: đất để ở, nước để uống, bầu không khí để hít thở,... Loài người có vẻ là loài thượng đẳng nhất trong số các sinh vật. Nếu "thượng đẳng" được định nghĩa là "có khả năng thay đổi hoàn toàn kết cấu sẵn có của thế giới vật chất", thì loài người xứng đáng là "vua" của muôn loài, là sinh vật "cao quý" nhất.
"Văn minh" và "tiến bộ" có lẽ là cách mà con người tự huyễn hoặc bản thân sau khi đã bỏ quá nhiều công sức vào điều gì đó. "Khi bạn phát minh ra con tàu, bạn đồng thời phát minh ra đắm tàu". Từ lâu rồi, Blaise Pascal đã có một câu để đời: "Tất cả rắc rối của nhân loại bắt nguồn từ việc con người không có khả năng ngồi yên tĩnh trong phòng một mình". Nếu ai cũng có thú vui kiểu đọc sách, ngồi thiền và đi dạo thì chắc thế giới này không phức tạp đến như vậy đâu nhỉ?
Thế giới mà con người sống dường như không tốt hơn so với các thế giới trước đây. Tôi bất chợt nhớ đến câu của Mark Twain: "Có những lời dối trá, những lời dối trá khốn nạn và con số thống kê". Tôi cho rằng các số liệu so sánh giữa các thời điểm khác nhau đều để lộ những thiên kiến, vì người làm việc với số liệu đó sẽ có những góc nhìn của chính họ, họ tập trung vào những gì họ muốn thấy và bỏ quên những tiêu chí khác. Dựa vào đâu để cho rằng một người nô lệ trong quá khứ có cuộc sống khổ sở hơn những người làm quần quật ở thời hiện đại, "bán mình cho tư bản" nhưng vẫn không đủ sống và cảm thấy mọi thứ thật vô nghĩa? Mọi so sánh đều là khập khiễng. Nhưng con người thì thích so sánh, và có lẽ nó nằm trong bản chất rồi, tôi nghĩ thế.
Quay trở lại với câu chuyện về công việc, cách đây gần 100 năm, Bertrand Russell đã từng viết "Đạo đức công việc là đạo đức của nô lệ, và thế giới hiện đại không cần nô lệ". Hồi xưa, giới tinh hoa dùng vũ lực là chính để bắt người khác phải làm theo ý mình; còn hiện tại, giới tinh hoa mạnh tay dùng những học thuyết chết tiệt để người khác tự ám thị rằng "công việc mình làm là rất có ý nghĩa", "Phải làm vất vả thì mới có cái ăn" nhằm thao túng họ phục vụ cho những "lí tưởng" của mình.
Trước đây, tôi tin vào khoa học lắm, giờ thì "đỡ" nhiều rồi. Việc quá tin vào khả năng tri giác và tư duy của bản thân ở một số người tạo nên một ảo tưởng rằng "có thể chinh phục được mọi thứ trên đời" này. Để tôi chống mắt lên xem, khi mà những thảm họa thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt hơn trong tương lai, giới tinh hoa có lẽ sẽ tồn tại lâu hơn những kẻ khác, nhưng rồi cũng ngủm cả thôi, thách mà bất tử được đấy!
Đừng nói "Bảo vệ Trái Đất", vì Trái Đất mạnh mẽ lắm, không dễ bị diệt vong đâu. Chỉ có loài người mới có khả năng bị diệt vong thôi. Trái Đất nhiều khả năng sẽ không bị hủy diệt, chỉ là, liệu có khả năng một thời điểm nào đó trong tương lai mà trên Trái Đất không còn sự sống nào không? Chắc không đâu nhỉ, vì còn nhiều loài có khả năng thích nghi tốt lắm, ví dụ như gián chẳng hạn. Mà giả sử không còn sự sống nào nữa, thì cũng có làm sao không nhỉ? "Sự sống" cũng là một định nghĩa do con người tạo ra, nên nếu trong tương lai loài người bị diệt vong và xuất hiện thêm nhiều thực thể mới, thì khi ấy có thể có những loài sinh vật mới xem những cục đá, hòn sỏi là sự sống. Biết đâu được, vì thế giới loài người cũng chỉ là một phần rất nhỏ bé và tầm thường trong vũ trụ này.

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này