Con dốc lên chùa khúc khủy. Ở lưng chừng dốc, chưa phải nơi đặt ngôi chùa, một mô đất phẳng trườn rộng ra thêm, nơi đặt tượng Phật Bà và lư hương trên nền gạch lát. Nắng chiều, đã có sắc cam, qua tán lá và lác đác rơi trên mọi thứ. Có đôi nhang chưa tàn. Rong rêu, cỏ dại nhờ vắng chân người mà mọc, điểm trên đó là những đốm trắng xuyến chi. Nhìn ngang qua tượng Phật Bà, hướng mắt đến hoàng hôn, cố tìm một góc nhìn sao cho từ tịnh bình đổ ra mặt trời chiều. Thầm nghĩ nếu tịnh bình đổ ra nước cam lồ làm dịu nỗi đau khổ chúng sinh, thì hoàng hôn có lẽ là một phần của dòng nước nọ, ít nhất thì đúng với một người. Mỉm cười vì lời tự an ủi vô thưởng vô phạt của bản thân mình. Đặt điện thoại ở chế độ máy bay để chẳng ai có thể quấy rầy, vì những điều buổi sáng, buổi trưa, và lẫn vì những chuyện ngày mai. Tại sao chế độ không liên lạc với ai nọ là được gọi là chế độ máy bay. Không phải tốt hơn sao nếu cho nó một cái tên khác, “yên tĩnh một mình”. Mà người ta cứ thích làm phiền và bị làm phiền, cái được đề nghị này có lẽ không hợp cảnh hợp thời, nếu người ta không chủ động. Ngoài trừ những lần bắt buộc, chế độ kia được sử dụng khi nào. Trẻ tuổi chẳng dùng, có chút tuổi, dường như càng ngại dùng.
 Hoàng hôn hôm nay đẹp. Khi trước, trong những lần dạo phố, thi thoảng hỏi bạn, rằng thích bình minh hay hoàng hôn. Có người bảo thích bình minh, vì nó đầy sức sống, hoàng hôn lại là lúc mọi người tan ca, mang mệt mỏi bước ra đường. Lại có người, đi làm từ trước khi mặt trời mọc, ra khỏi chỗ làm khi mặt trời đã lặn, nên chẳng để tâm.
Hoàng hôn hôm nay đẹp. Hoàng hôn đẹp nhất khi nào.
Tiếp tục đi lên đỉnh núi.
Người không ít, không nhiều. Lốm đốm chấm nhang đèn, lốm đốm người chắp tay lễ Phật.
Người trẻ cùng Phật ngắm hoàng hôn. Người già trò chuyện cùng học trò của Phật.
Có người áo chỉnh quần chu. Có người mang chiếc áo công nhân vương bụi.
Ghế đá ven lối vào, sư ông ngồi đó, trò chuyện cùng với một cụ bà. Đời vô thường, nhưng lúc ông sống, ông đã làm nhiều việc thiện, cái thiện đó đã gieo lại nơi gia đình thí chủ, nếu gia đình thí chủ cố gắng giữ gìn, thì ông sẽ còn sống mãi. Vậy nếu có một người từng cõng con trên lưng, khiến tuổi thơ của con tràn ngập tiếng cười, thì giờ đây, khi con làm vậy với những trẻ nít khác, người đó liệu sẽ sống tiếp ở trong con. Và, con có thể khiến bao nhiêu người sống mãi bên mình.
Tượng Phật Bà, có giọt nước đọng tự bao giờ, men theo cánh tay để đến cành dương liễu mà rơi xuống đất. Ai đó thầm thì, cầu Người khiến chồng con hồi tâm chuyển ý. Không biết liệu Người có nghe, nhưng ít nhất Người cũng đã trở thành hải đăng cứu vớt chút hy vọng cuối cùng cho người phụ nữ, dù rằng sau đó có thể vẫn chẳng có gì hơn ngoài đau khổ. Hy vọng. Thứ gì có thể mang lại hy vọng, hay duy trì hy vọng. Nhà văn nào từng bảo trong lúc khó khăn nhất, ông vẫn vét túi tìm hai đồng mua một tờ vé số, hai đồng để mua hy vọng, chẳng phải quá hời sao. Nhưng dường như kết quả thường hằng của hy vọng là thất vọng, dù có một chút hạnh phúc nửa vời hiện lên rải rác. Có lẽ có hai thứ cần học giờ đây, học cùng lúc, không trước không sau. Học cách thích nghi thất vọng lẫn học cách tạ từ khởi nguồn của nó.
 Xế chiều tàn. Bầu trời mang những dải màu sắc đan xen. Đỏ, vàng, cam, hồng, đột ngột xanh và miền bóng tối. Mọi ngôi nhà, cây cỏ, đường phố, suối sông, ngoài trừ những đốm sáng lẻ loi, dần hòa vào làm một. Chẳng còn những giám đốc-công nhân, xe to-xe nhỏ, biệt thự-căn chồi.
Người nhìn được gì từ đó, thưa Quán Thế Âm.
Về thôi. Họ về. Họ sẽ về đâu.
Tôi về. Về lại chốn đời bụi bặm, nhập nhằng giữa quá khứ, hiện tại, tương lai.
Sao không xem nơi này như nguồn cội, mà bước đi với lòng trĩu nặng. Rời thôi.
Hoàng hôn hôm nay đẹp. Hoàng hôn đẹp nhất khi nào. Nhưng liệu có thật một hoàng hôn đẹp nhất.
Tắt đi chế độ máy bay. Rời thôi.