“Có một con ếch sống lâu ngày trong một giếng nọ. Xung quanh nó chỉ có vài con nhái, cua, ốc bé nhỏ. Từ dưới đáy giếng nhìn lên, ếch ta chỉ thấy một khoảng trời bé bằng cái vung. Nó nghĩ: Tất cả vũ trụ chỉ có vậy, vì thế ếch tự coi mình là chúa tể. Hằng ngày nó cất tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng, khiến các con vật kia rất hoảng sợ. Ếch cứ tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng chiếc vung và nó thì oai như một vị chúa tể.
Một năm nọ, trời mưa to làm nước trong giếng dềnh lên, tràn bờ, đưa ếch ta ra ngoài.
Quen thói cũ, ếch nhâng nháo nhìn lên trời, nó bỗng thấy cả một bầu trời rộng lớn hơn nhiều so với cái khoảng trời nó vẫn thấy. Ếch ta không tin và thấy bực bội vì điều đó. Để ra oai, nó cất tiếng kêu ồm ộp. Vị chúa tể hy vọng là sau những tiếng kêu của mình, mọi thứ phải trở lại như cũ. Nhưng bầu trời vẫn là bầu trời. Còn con ếch vì mải nhìn lên trời đã không chú ý đến xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua dẫm bẹp”.
Câu chuyện ngụ ngôn này có lẽ ai cũng đã từng nghe qua ít nhất một lần, là bài học thấm thía cho những người huênh hoang, thiếu hiểu biết, “coi trời bằng vung”. Nhưng không phải chú ếch nào cũng vậy, ở những chiếc giếng khác, có những chú ếch không thích ra oai, và ở đó cũng chẳng có trận mưa nào đủ lớn để làm đầy chiếc giếng chú ta đang ở, thì liệu chú có hạnh phúc với khoảng trời chỉ nhỏ bằng chiếc vung ấy không?
Trong suốt 25 năm qua, nhiều cơ hội đến với mình, đưa mình đến với nhiều vùng đất mới, được gặp nhiều người, thấy nhiều thứ, trải nghiệm nhiều điều thú vị. Cho đến cách đây 3 năm, công việc đưa mình đến công tác một huyện nhỏ, nơi nhịp sống bình lặng và chậm rãi hơn. Thỉnh thoảng trên con đường vòng vèo qua những sườn đồi, mình bắt gặp những ông bà cụ 70, 80 tuổi ngồi trước hiên nhà bàn tán rôm rả, những đứa trẻ chạy chân trần đuổi nhau dưới cái nắng còn giòn hơn tiếng cười của các em. Những lúc như thế, mình bỗng có cảm giác thương cảm. Những người ông, người bà và cả những đứa cháu ấy có thể cả cuộc đời sẽ chỉ quanh quanh trong thôn xã hoặc cùng lắm là xuống đến thị trấn, chẳng bao giờ được thấy những điều mình từng thấy: những toà nhà cao tầng sáng rực về đêm, những khu công viên rộng lớn đi cả buổi không hết, những trung tâm thương mại tấp nập người lại qua… có thể sẽ chẳng bao giờ.
Là một người sinh ra và lớn lên ở một thành phố biển, biển đối với mình là điều hết sức bình thường, có thể bắt gặp bất cứ lúc nào, chỉ cần khoảng 5 - 10 phút đi xe máy là tha hồ nghe tiếng sóng vỗ và ngửi trọn cái mùi mặn mòi đặc trưng của biển cả. Cho đến khi học đại học, một người bạn cùng phòng nói với mình rằng phải tranh thủ mấy năm ở Hà Nội này để đến một tỉnh nào đấy có biển để xem biển như nào, chứ không đến lúc về nhà rồi, không có nhiều cơ hội nữa. Nói là làm, vào một cuối tuần nọ, bạn rong ruổi trên con xe máy đến một bờ biển gần nhất, trực tiếp được cảm nhận sóng vỗ dưới chân và nếm thử vị mặn chát của nước biển, bạn cười rất tươi và bảo, thế là đã làm được một điều trong danh sách “to-do-list” đại học.
Nụ cười của các ông bà, của những đứa trẻ miền núi, của người bạn đại học, đều thể hiện một cách không giấu diếm cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, dù cho một bên chỉ giới hạn không gian sống của mình trong vài cây số vuông, còn một bên thì dám thử thách đưa bản thân đến những vùng đất xa xôi chưa từng đặt chân tới. Mình đã từng băn khoăn phải chăng có một bên nào đó hạnh phúc hơn, hoặc  phải như nào thì mới là hạnh phúc? Hoá ra sau cùng, câu trả lời mình tìm thấy cho bí quyết của hạnh phúc, chính là cảm giác “biết đủ”.
Mình đã từng đến những hòn đảo hoang sơ nơi có biển xanh, cát trắng, nắng vàng và dòng nước trong vắt nhìn thấy đáy chưa? Chưa.
Mình đã từng được tận mắt nhìn thấy và chạm tay vào những bông tuyết chưa? Chưa.
Mình đã được gặp idol K-Pop chưa? Chưa.
Mình có muốn được làm những điều có không? Có.
Hiện tại mình chưa làm được, nhưng mình có hạnh phúc không? Có chứ.
Đối với nhiều người, việc du lịch đến những vùng đất mới, gặp những người nổi tiếng có thể khiến họ háo hức cả tuần trời, nhưng dù không có những điều có, thì những người như mình vẫn cảm thấy cuộc sống tràn đầy niềm vui, vì với mình, những điều mình đang có xung quanh đã rất đủ rồi.
Các ông bà hoặc các em nhỏ kia có khi cũng chẳng có nhu cầu cần phải được nhìn thấy những toà cao ốc, công viên hay trung tâm thương mại. Vì đã quen với vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên, ông bà hài lòng với việc được nhìn thấy cây lá trong vườn đơm hoa kết trái, thấy đàn gà trong sân ngày càng béo tốt. Những đứa trẻ cũng chỉ cần có bạn bè cùng chơi đuổi nhau, nhảy dây, cùng tắm sông, vặt trộm hoa quả nhà hàng xóm cũng cảm thấy vui hơn bất cứ trò đu quay, tàu lượn nào. Không gian sống của mỗi người khác nhau, giới hạn của mỗi người khác nhau, chừng nào bạn còn hài lòng với khoảng giới hạn đó, bạn sẽ luôn thấy hạnh phúc và đủ đầy.
Quay trở lại với câu chuyện con ếch, cứ coi như mình là chú ếch ở vùng đất không mưa, mình khó có cơ hội được ra khỏi chiếc giếng sâu, nhưng quanh mình có ếch bố, ếch mẹ, có các bạn cua, tôm, cá, và phía trên có một khoảng trời xanh xanh nhỏ bằng chiếc vung, mình vẫn yên vui sống 100 năm trong chiếc giếng ấy, vì với mình, có lẽ chỉ cần vậy thôi là đủ rồi.