Chọn đám đông hay chọn im lặng
Dự án cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiển gây sốt trên các kênh tin tức và mạng xã hội đã lâu nhưng mình không hề để...
Dự án cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiển gây sốt trên các kênh tin tức và mạng xã hội đã lâu nhưng mình không hề để tâm hay đưa ý kiến, chủ yếu vì theo quan sát của mình những đề án kiểu này sẽ khó được duyệt còn cộng đồng mạng thì vô cùng khó lường. Tuy nhiên đến khi vô tình xem được một clip ngắn cắt ghép chế giễu TS văn học Đoàn Hương vì một phát ngôn liên quan của bà trên sóng truyền hình, thì mình phẫn nộ thực sự, lý do rất thuần túy cá nhân, đó là vì mình đã từng có thời gian ngắn theo học cô Hương và cực kì ngưỡng mộ cô cả về trình độ học vấn, quan điểm sống và cách đối nhân xử thế. (Mình thậm chí còn mua quyển luận văn tiến sĩ của cô về và đến giờ vẫn cảm thấy xấu hổ và bất lực mỗi khi nhìn thấy nó)
Tóm lại là nếu để nói về quan điểm cá nhân về đề án này thì mình hoàn toàn đứng về phía cô Hương, đó là coi đề án như một công trình khoa học và nên để cho những người có chuyên môn thẩm định giá trị và tính ứng dụng của nó, chứ không thể để một đám đông không có trình độ lẫn hiểu biết tương đương cùng xía vào nhận xét và chỉ trích vô tội vạ được.
Đầu tiên, xét đến hệ thống ngôn ngữ nói và viết hiện đang được giảng dạy và sử dụng hiện nay, dễ dàng chỉ ra rất nhiều khiếm khuyết và lỗ hổng, một trong số đó phải kể đến những quy định về chính tả rất lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, cơ bản nhất là những phụ âm s/x, ch/tr, d/r/gi và nguyên âm y. Không kể sự ảnh hưởng của đặc ngữ vùng miền, bản thân tôi, và chắc hẳn rất nhiều người khác đều sẽ có lúc cảm thấy lúng túng khi chuyển từ ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết. Súc sắc hay Xúc xắc? Kì lạ hay Kỳ lạ? Tại sao Mì ăn liền nghe rất ổn mà Hoa mĩ nhìn cứ...sai sai? Mình là người miền Bắc, không bao giờ phát âm chuẩn combo d/r/gi, lúc nào cũng nói như thể cả ba là một, đấy cũng là một điều hết sức bất tiện nếu phải viết một từ không thường gặp mà bản thân lại không phải chuyên da trong phân tích từ Hán Việt.
Sự thiếu chặt chẽ trong ngôn ngữ rất nguy hiểm, vì nó tiếp tay cho việc sử dụng, cải biên ngôn ngữ theo ý thích một cách bừa bãi và cẩu thả. Chưa bàn đến những lỗ hổng về ngữ pháp, trong các văn bản, giấy tờ pháp lý, ngoại giao, nơi từng câu chữ đều được tính toán cẩn thận, sự mập mờ trong việc sử dụng chính tả là một bất lợi lớn. Trong lĩnh vực giảng dạy, bảng chữ cái hiện nay sẽ khó tiếp cận với trẻ em các dân tộc thiểu số, người dân sống tại các địa phương có biệt ngữ phong phú hoặc người nước ngoài muốn học tiếng Việt.
Là nguyên Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời là nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy- học phổ thông, TS Bùi Hiển hẳn đủ kinh nghiệm để nhận ra những bất cập và trở ngại của hệ thống chữ viết hiện tại trong việc dạy và học. Không dưng mà một người dành ra hơn hai mươi năm trời nghiên cứu một công trình không để giải quyết vấn đề gì cả. Nhìn vào đoạn văn được viết theo cách mới, không cần phải đọc chú thích mình vẫn có thể hiểu được và nhìn ra những phần được sửa đổi và thay thế. Không khó để nhận ra ứng dụng tức thì của bảng chữ cái này trong ngành tốc kí hay phiên dịch. Thống nhất cách viết cho những âm tiết có cách đọc giống nhau và có quy định rõ ràng về cách dùng từng âm tiết, ví dụ âm "y" chỉ sử dụng khi đứng đầu một từ sẽ tránh rất nhiều những lằng nhằng rối rắm cho người mới bắt đầu, đúng theo tâm nguyện của tác giả là đem tiếng Việt hội nhập ra thế giới.
Mình xin nhấn mạnh mình không bàn tới tính khả thi của đề án, mình chỉ muốn chứng minh một điều đây là một đề án phát sinh từ nhu cầu thực tế và nó có giải quyết một vấn đề trong ngôn ngữ hiện nay, được thực hiện một cách nghiêm túc bởi một người có uy tín trong lĩnh vực này.
Bây giờ, hãy nhìn sang phía chỉ trích đề án này. Phần đông đến từ mạng xã hội, một cộng đồng hùng mạnh với 35 triệu tài khoản tại Việt Nam, nơi 45% số lượng người dùng nằm trong độ tuổi từ 20-29 (số liệu của We are social, tính đến tháng 1/2016). Hầu hết trong số họ đều chỉ là học sinh, sinh viên và mới ra trường, chưa có địa vị hay đóng góp gì đáng kể cho xã hội. Nhiều khả năng chưa từng (hoặc ít) kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu ngôn ngữ. Có khả năng không thể viết được một bài luận dài quá ba trang. Liệu những người này có đủ năng lực để hiểu và ở mức độ cao hơn, đưa ra đánh giá?
Bất cứ ai đứng ở góc độ khách quan nhìn vào đều thấy đây là một đám đông trẻ trâu hung hãn thiếu hiểu biết đang ăn hiếp một nhà khoa học yếu thế đơn độc. Nếu đây không phải sự suy đồi về cả đạo đức lẫn văn hóa, thì mình không biết phải gọi là gì nữa.
Cắt ghép giễu nhại lời của một người có ý kiến trái chiều, tách câu văn rời khỏi ngữ cảnh lời nói để xuyên tạc gây hiểu nhầm, là một thủ đoạn rất hèn hạ khác.
Trước khi muốn chỉ trích ý kiến của một người, phải hiểu ý kiến đó đã.
Cứ nghĩ chỉ có những người kém giáo dục mới rơi vào những tranh cãi kiểu chó đàn như vậy, mà mới hôm nay, mình thấy một người em mà mình rất yêu quý, cũng chia sẻ một status bức xúc trước đề thi văn của một trường nào đấy, với bài thơ kêu gọi người trẻ hãy giữ nước mắt cho những điều xứng đáng.
Mình cũng cùng thế hệ với các em, mình hiểu sự bức xúc của các em khi nghe người khác công kích, hay động chạm đến những sở thích và đam mê mà các em cho là hoàn toàn chính đáng. Vì mình cũng như thế nên rất hiểu.
Nhưng mình cũng hiểu rằng tác giả của bài viết không hề có ý định xúc phạm hay móc mỉa các em vì có những thần tượng nước ngoài. Tác giả nhắc đến tình yêu gia đình, tình yêu Tổ quốc, vì tác giả là người của thế hệ trước, họ nhìn thấy quá nhiều những bức xúc, bất công rành rành trong xã hội, họ sợ những điều xấu sẽ xảy ra cho thế hệ sau và muốn nhắc nhở thế hệ sau hãy biết lo lắng, để tâm đến thời cuộc, đến tương lai thay vì dồn hết tâm sức vào những thú vui giải trí khuây khỏa tức thời. "Giọt nước mắt" chỉ là hình ảnh ẩn dụ cho năng lượng và cảm xúc của tuổi trẻ có thể được chuyển hóa thành những hành động có ích hơn. Có lẽ tác giả đã mắc lỗi vơ đũa và hơi phóng đại sự việc, nhưng một người có những sở thích lành mạnh sẽ không bao giờ bị kích động bởi những vần thơ ấy.
Vấn đề ở đây là hai bên đều có cái tôi cao quá. Mà hình như bây giờ chủ nghĩa cá nhân đang được đề cao quá mức thì phải. Ai cũng nói nhưng chẳng ai nghe, luôn chực chờ nêu ra quan điểm nhưng không hề có ý cầu thị và khuyến khích ý kiến đa chiều, tranh cãi mọi lúc mọi nơi một cách hoàn toàn vô bổ vì không bên nào chịu hiểu ý kiến đối phương. Đó là lý do mình cực lực phản đối du nhập đến bội thực những khái niệm và giá trị Tây phương, vì đơn giản hệ tư tưởng của đa số mọi người vẫn chưa đủ hoàn chỉnh để hiểu và áp dụng những khái niệm này cho phù hợp với hoàn cảnh. Hậu quả thì ai cũng đã nhìn ra.
Bây giờ, an toàn nhất là hùa theo đám đông hoặc im lặng. Gần như chẳng có lựa chọn thứ ba.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất