Môn này thường được chơi ở trường học các cấp nhỏ đến lớn, thường là tầm cấp 1, cấp 2, cái tuổi vô tư biết chạy nhảy, đuổi bắt cả ngày không biết mệt là gì. Người có thể chơi chọi cầu ngoài các em nhỏ và học sinh, thiếu niên trẻ, thì còn có thể là những thanh niên lớn, người vui vẻ, kẻ yêu đời, nhóm bạn thân hay chưa thân, và hơn thế nữa. Nguồn gốc trò chơi cũng không rõ ràng, ít nhất theo kiến thức khiêm tốn của tác giả, một vài nguồn nói nó giống trò chọi cầu phương Tây (gọi là league, không rõ là gì), nhưng có lẽ nó giống với trò bóng né hơn (dodgeball).
Tù binh chụp được cầu và chuẩn bị phản công! Mau chạy!
Luật chơi
Luật chơi không phức tạp. Người chơi chia thành hai đội bằng nhau, mỗi đội có nhiều người, số lượng không có giới hạn cụ thể. Sân chơi được vẽ đơn giản gồm ba vạch, chia thành bốn khu gồm sân của đội A, sân của đội B và nhà tù của đội A và nhà tù của đội B nằm phía sau sân của đội tương ứng. Mỗi đội sẽ chọn lượt đi trước bằng cách oản tù tì hay bất cứ cách nào. Đội đi trước sẽ cầm một quả cầu (hoặc một quả banh, tùy mỗi địa phương và nhóm chơi, có nơi còn “liều mạng” và “vã” vì thèm chơi quá mà chọn ném cả gạch, sỏi, đá…), và ném sang hướng sân của đội còn lại. Có hai mục tiêu ném:
Thứ nhất, mục tiêu là thành viên của đội đối phương, có các trường hợp sau đây:
(i) Nếu cầu trúng người đối phương và rơi xuống: người bị ném trúng sẽ trở thành tù binh và bị giam giữ tại phần nhà tù của đội ném (mặc sức được hành hạ, tra tấn, nếu có thời gian, nhưng thường là không vì phải lo bị ném); 
(ii) Nếu cầu trúng người đối phương, nhưng người này nhanh tay chụp được: người ném cầu sẽ trở thành tù binh, và đội bị ném bắt đầu lượt ném; hoặc
(iii) Nếu cầu trúng nhiều người trong đội đối phương, và nếu có bất kỳ ai của đội đối phương chụp được thì người ném cầu thành tù binh, nếu không chụp được thì toàn bộ người trúng cầu đều trở thành tù binh.
Trong các trường hợp bên trên, nếu cầu rơi xuống sân phe nào thì phe đó được tiếp tục hoặc bắt đầu lượt ném của mình.
Thứ hai, mục tiêu là tù binh phe mình, có các trường hợp sau đây:
(i) Nếu tù binh phe mình chụp được cầu: người này có quyền quẹt cầu vào các tù binh còn lại và vượt ngục, dí các thành viên của đội đối phương để chọi cầu, nếu chọi trúng thì người đó trở thành tù binh và phải thả những tù binh đã được quẹt cầu, nếu chọi hụt thì không có chuyện gì xảy ra, tù vẫn trở lại là tù. Lượt ném tiếp theo thuộc về phe địch; hoặc
(ii) Nếu tù binh phe mình va trúng cầu, nhưng không chụp được: chỉ bạn tù binh này được thả. Lượt ném tiếp theo thuộc về phe địch;
Nếu cầu hụt cả hai mục tiêu trên kia, thì không có chuyện gì xảy ra, và đổi lượt ném. Hai đội cứ tuần tự cho đến khi một đội không còn người nữa (tất cả thành viên đều bị bắt làm tù binh) thì thua.
Tụi nó đứa nào cũng roi roi, xa vậy chọi sao trúng?
Một số biến thể
Tại một số nơi, trò chơi được biến tấu theo từng nhóm chơi cụ thể để thú vị hơn và phù hợp hơn. Ví dụ như:
(i) Đóng băng: Khi tù binh của một đội chụp được cầu, tất cả thành viên của đối phương phải đứng lại tại vị trí cũ để làm mục tiêu cho tù chọi cầu hoặc quếch cầu (và tiếp tục lượt ném) nếu có đối phương đứng gần trong tầm với. Tất nhiên, tù binh cũng không được đi vượt khỏi vạch tù;
(ii) Nếu tù binh chụp được cầu, người này phải ngay lập tức ném vào đội đối phương, khi ném trúng, tù này phải nhanh chóng chạy về phần sân của mình, trong lúc đó đối phương phải ngay lập tức nhặt cầu lên và ném vào tù binh đang chạy đó. Nếu ném hụt, người bị ném ban đầu phải sang làm tù binh; nếu ném trúng, tù binh đang chạy phải trở về; và
(iii) Ngoài ra còn, tù binh chụp được cầu có thể chọn người khác về thay mình; người giữ cầu luôn có quyền quếch cầu, miễn sau cầu không rời tay thì vẫn còn quyền tiếp tục; phải chọi trúng lưng đối thủ; kẻ yếu, thường là các bạn nữ, và lũ trai thì rất thích thú khi chọn chọi, sẽ có nhiều mạng; và đủ thứ luật khác do lũ trẻ lớn chế tạo ra.
Trò chơi đồng đội gây chiến
Bởi luật chơi đầy tính ganh đua và cần phản ứng tức thời như thế, người chơi luôn phải tập trung theo trái cầu và nhắm trước vào mục tiêu dễ ăn một cách nhanh nhất để bắt tù binh. Việc ném cầu cự ly xa và chính xác cũng là một kỹ năng hay ho được đề cao khi chơi, đứa nào cũng luôn có đầy động lực để luyện tập điều này. Cảm giác nắm quyền sinh sát với trái cầu trong tay, và âm thanh “Tách!” to rõ vang lên khi đối phương trúng cầu (và trở thành tù binh của ta!) thật sung sướng. Và trên hết, là luôn có những đồng đội mà khi ném chỉ cần liếc mắt ra hiệu một phát, cùng một vài nhá khiến đối phương né tán loạn, là ngay lập tức chọi xuyên qua đội hình đối thủ, thẳng đến tay bạn tù phe mình để có pha vượt ngục cứu thua ngoạn mục để đời.
Nhưng thời nay hình như không thấy ai chơi chọi cầu nữa
Có vẻ chính là như vậy, không biết lũ trẻ thành thị hay nông thôn mới ngày nay có còn chơi trò này nữa không, mà sao hiếm khi thấy nữa. Hình ảnh thường nhất là các em ấy chụm lại ở quán trà sữa hay vỉa hè nói về cô ca sĩ, anh diễn viên, siêu anh hùng minh tinh điện ảnh, thế giới khoa học đỉnh cực, hay là những bộ mặt trơ trơ chằm chằm vào ánh đèn màn hình một cách hờ hững, lẻ loi, lạc lõng. Dĩ nhiên, công bình mà nói thì trong thế giới đấy cũng đầy sắc màu, và vô vàn trò chơi vận động hấp dẫn gấp nhiều lần khác mà so sánh với khi xưa là việc không cần thiết và không thể được.
Trò chơi là dân gian. Luật chơi đơn giản. Phải chăng vì vậy mà không có một giải chọi cầu chính quy nào hay chưa thể lên quy mô tầm địa phương hay quốc gia, quốc tế. Công nghệ được phổ biến, xu thế là không thể tránh khỏi, nhưng liệu có chăng ai đó phát triển những điều cũ thành hợp thời hơn để mà không mất đi luôn trong vài chục năm tới nữa?