Trên chiến trường, lính nhảy dù được xem là những người lính có hệ số rủi ro cao nhất trong quân đội. Họ phải thả rơi từ độ cao rất lớn xuống phòng tuyến của địch và quân tiếp viện chỉ có thể hỗ trợ một phần rất nhỏ, bởi vậy họ hoàn toàn phải dựa vào bản thân để có thể bảo toàn tính mạng. Ở mỗi quốc gia khác nhau thì sẽ có những định nghĩa khác nhau về câu hỏi liệu lính nhảy dù được tính là lục quân hay không quân. Nhưng có một điều giống nhau là những người lính nhảy dù chắc chắn phải là những người cực kỳ ưu tú.
Câu chuyện về những người lính nhảy dù luôn mang đậm màu sắc huyền thoại và bi thương, và số phận của họ đúng như những gì trong bộ phim truyền hình Mỹ "Band of Brothers".
Thế nhưng trong lịch sử nhân loại lại có một đột quân nhảy dù cũng cực kỳ "ưu tú", họ được Không quân Hoàng gia Anh đích thân đưa tiễn và thả xuống Borneo, Malaysia để đối phó với bệnh dịch đang hoành hành ở đó. Đây là "Lữ đoàn mèo nhảy dù" gồm những chú mèo trong "Chiến dịch thả mèo" của Anh năm 1965, và có thể gọi đây là đội quân nhảy dù đáng yêu nhất trong lịch sử.
Câu chuyện được bắt đầu với dịch sốt rét hoành hành vào những năm 1940. Căn bệnh toàn cầu này là kết quả của sự lây lan ký sinh trùng sốt rét thông qua loài muỗi. Căn bệnh này gây ra những tình trạng như sốt, ớn lạnh, nôn mửa, đau đầu, co giật, hôn mê hoặc tử vong ở người. Vì vậy, cách kiểm soát bệnh sốt rét trực tiếp và hiệu quả nhất là tránh để muỗi đốt và ức chế sự phát triển của muỗi ở bên ngoài môi trường.
Sự phân bố của bệnh sốt rét trên toàn thế giới: vùng xám là vùng không có sốt rét, vùng vàng cam là vùng sốt rét không do Ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, vùng đỏ tươi là vùng sốt rét kháng chloroquine và vùng đỏ sẫm là vùng sốt rét kháng chloroquine và đa thuốc.
Sự phân bố của bệnh sốt rét trên toàn thế giới: vùng xám là vùng không có sốt rét, vùng vàng cam là vùng sốt rét không do Ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, vùng đỏ tươi là vùng sốt rét kháng chloroquine và vùng đỏ sẫm là vùng sốt rét kháng chloroquine và đa thuốc.
Vào đầu thế kỷ trước, để kiểm soát sự phát triển của muỗi, nhân loại đã phun một hợp chất có tên "Paris Green" vào những vùng nước tù đọng để diệt bọ gậy, đây là một hợp chất có chứa asen màu xanh lục cực độc. Nhưng có vẻ như mọi công cuộc phòng chống tại thời điểm đó đều vô nghĩa, có những thời điểm người ta tuyệt vọng tới mức thử phun dầu hỏa trực tiếp lên những vùng nước tự nhiên để ngăn chặn sự phát triển của muỗi. Tuy nhiên, những cách làm này không những không có tác dụng mà còn gây tác hại trực tiếp đến môi trường và con người.
Mãi đến những năm 1940, với sự xuất hiện của DDT (hoá chất Dichloro-Diphenyl-Trichloroethane) thì nhân loại mới có thêm hy vọng có thể dập tắt được hoàn toàn bện sốt rét.
DDT là một hợp chất có độc tính thấp đối với con người và các động vật máu nóng khác, nhưng nó có thể tác động trực tiếp lên các loài côn trùng và khiến cho chúng chết vì nhiễm độc. Do đó, nó đã trở thành loại thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp được sử dụng rộng rãi nhất trong Thế chiến thứ hai và thời kỳ sau chiến tranh. Hợp chất này giúp con người kiểm soát hiệu quả số lượng các loài chứa bệnh truyền nhiễm như muỗi sốt rét, ruồi và rận.
Những năm 1950-1980 là thời kỳ lạm dụng quá mức DDT, số lượng DDT được sử dụng hàng năm đã vượt quá 40.000 tấn. Điều này đồng nghĩa với việc DDT được sử dụng trong nhiều lĩnh vực và vượt quá số lượng được các nhà khoa học khuyên dùng, và hiển nhiên khu vực Borneo ở Malaysia cũng không nằm trong ngoại lệ.
Theo báo cáo có tên "A malaria-control experiment in the interior of Borneo" do nhân viên chống sốt rét của Tổ chức Y tế Thế giới Julian và cộng sự đệ trình vào năm 1956, có thể thấy rõ về tình hình sử dụng các loại thuốc trừ sâu vào thời điểm đó.
Từ cuối năm 1952 đến năm 1955, các nhân viên phòng chống sốt rét đã thực hiện một loạt các hoạt động phun DDT toàn diện tại các khu vực có sốt rét ở Borneo. Theo thống kê, từ năm 1953 đến năm 1955, tỷ lệ muỗi mang bệnh sốt rét giảm từ 35,6% xuống còn 1,6%, điều này khiến họ tự tin sẽ "tiêu diệt hoàn toàn" bệnh sốt rét tại địa phương.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến kéo dài ba năm này, một số loài muỗi đã dần phát triển khả năng kháng DDT. Và vấn đề này đã buộc các nhân viên phòng chống sốt rét phải tăng liều lượng thuốc, đồng thời họ cũng cố gắng sử dụng loại thuốc diệt côn trùng đắt tiền hơn và độc hại hơn, đó là Dieldrin. Nhưng trên thực tế, bệnh sốt rét vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn, và hậu quả tiêu cực của việc lạm dụng thuốc trừ sâu thì đã đến.
Đầu tiên là số lượng bướm đêm tại địa phương tăng đột biến. Các nhà nghiên cứu của WHO đã phát hiện ra rằng ấu trùng bướm đêm sống trong những bụi cỏ tranh có thể tránh né được sự tấn công của DDT. Đồng thời, thiên địch của chúng, một loài ong bắp cày nhỏ, đã giảm mạnh vì chúng có độ nhạy cao với độc tính của DDT. Trong hoàn cảnh đó, những ngôi nhà tranh của người dân địa phương liên tục bị bao phủ bởi sâu bướm và bướm đêm.
Mặt khác, đã có những báo cáo về cái chết của mèo nhà ở các khu vực thử nghiệm, nơi DDT được sử dụng quá mức trên toàn thế giới, bao gồm cả Borneo. Trong báo cáo thường niên năm 1959 về tình trạng môi trường ở Borneo, người ta đã ghi lại: "Mối đe dọa của lũ chuột đang trở nên ngày càng nghiêm trọng, một phần là do việc phun thuốc chống sốt rét quá mức đã vô tình giết chết rất nhiều mèo tại địa phương".
Khi số lượng mèo giảm mạnh, bệnh sốt phát ban và dịch hạch bùng phát ở Borneo. Để giải quyết vấn đề này, WHO đã phải nhờ đến sự trợ giúp của Không quân Anh và hợp tác với họ trong một chiến dịch mang tên "Chiến dịch thả mèo" (Operation Cat Drop).
Đầu năm 1960, WHO đã thu thập 23 con mèo đang mang bầu ở các thị trấn ven biển và yêu cầu Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (PAF) thả chúng cùng với một đợt cung cấp vật phẩm chống dịch bệnh cho Borneo. Đội ngũ "mèo nhảy dù" này và những đứa con mà chúng sắp sinh ra sẽ trở thành lực lượng kiểm soát sự phát triển của bệnh dịch hạch tại địa phương.
Từ hoàn cảnh đó, các nhà bảo vệ môi trường đã phản đối việc sử dụng DDT và hành động này cũng đã được đề cập trong phiên điều trần năm 1972 của Thượng viện Hoa Kỳ về việc có nên cấm sử dụng DDT hay không.
Điều thú vị là câu chuyện về Operation Cat Drop đã được thổi phồng lên trên khắp các phương tiện truyền thông. Trong câu chuyện được New York Times đưa tin vào năm 1969, số lượng mèo nhảy dù đã bị thổi phồng lên tới 14.000 con thay vì 23 con như sự thật.
Nhưng lúc này lại có một vấn đề lớn khác giữa các tổ chức bảo vệ môi trường và các tổ chức y tế là: Có phải con mèo bị chết bởi thuốc phòng chống sốt rét? Có phải bệnh dịch thực sự gây ra do số lượng mèo giảm mạnh tại địa phương?
Vào thời điểm đó, các nhà bảo vệ môi trường giải thích rằng mèo chết vì ăn phải gián bị nhiễm độc, do DDT sẽ tích tụ trong chuỗi thức ăn và cuối cùng tạo ra những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng, khó lường trước và kiểm soát.
Thomas Jukes, một nhà khoa học người Mỹ ủng hộ việc sử dụng các hóa chất phát triển con người thì lại đưa ra quan điểm phản bác mạnh mẽ: Hàm lượng DDT gây hại đối với con người là 300 mg/kg thể trọng, trong khi đó chỉ khoảng 25 micro gam thì sẽ giết côn trùng. Theo tính toán này, một con mèo nặng 5 kg sẽ phải ăn 60.000 con gián mỗi ngày trước khi bị ngộ độc bởi DDT.
Nhà khoa học Thomas Jukes.
Nhà khoa học Thomas Jukes.
Nhưng trên thực tế, lập luận của Jukes đã ngay lập tức bị phản bác và cho rằng đó là phi khoa học bởi lượng DDT mà mèo hấp thụ không chỉ nằm ở việc chúng ăn gián. Trên thực tế mèo ăn rất nhiều thứ khác nhau như gián, tắc kè (ăn muỗi), các loài chim nhỏ (ăn côn trùng), hơn thế nữa mèo còn ăn cả cỏ và luôn liếm lông của chính mình nên chắc chắn chúng sẽ hấp thụ trực tiếp lượng DDT đã phun vào cỏ và dính trên lông của chúng.
Mười hai năm sau Chiến dịch Operation Cat Drop, ngày càng có nhiều người nhận ra tình trạng lộn xộn do sử dụng thuốc trừ sâu và điều này đã khiến Hoa Kỳ ra lệnh cấm sử dụng DDT trong nông nghiệp sau phiên điều trần. Ngày nay, DDT chỉ được sử dụng ở một số ít quốc gia như Ấn Độ, và các quốc gia có trình độ kém phát triển. Ở những vùng có bệnh sốt rét ác tính, những loại thuốc trừ sâu như DDT vẫn được sử dụng ở mức độ vừa phải, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã nêu rõ mục tiêu cuối cùng là "giảm thiểu và cuối cùng là chấm dứt DDT".
Nhìn lại lịch sử, chúng ta cần phải công nhận rằng sự phát minh và ứng dụng rộng rãi của DDT đã thực sự cứu sống hàng chục triệu người và cứu nhân loại khỏi hiểm họa diệt vong do bệnh sốt rét gây ra.
Nhưng khi chúng ta nhận ra rằng việc lạm dụng hóa chất tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường, thì việc tiến hành một cách thận trọng thường là lựa chọn tốt hơn. Đúng như nhân chứng Tom Harrisson, người ghi lại sự việc trong "Chiến dịch thả mèo" đã viết khi chứng kiến ​​dịch hạch bùng phát giữa các bộ lạc bản địa của Borneo: "Hãy làm điều đó một cách cẩn thận".