Người Hawaii luôn biết cách thanh lọc ý nghĩ và hành động của mình nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Phương pháp thực hành này được gọi là “chiếc bát ánh sáng”.
Theo đó, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một chiếc bát chứa đầy ánh sáng của tình yêu và thông tuệ. Nếu đứa bé ấy biết cách trân quý ánh sáng này thì khi này lớn lên chúng sẽ có sức mạnh to lớn, dễ dàng kết nối với vũ trụ. Ngược lại, khi đứa trẻ sợ hãi, lo lắng, hoài nghi, đố kỵ,… thì chúng phải thả một viên đá vào bát. Cứ một viên đá được thả vào, thì một phần ánh sáng tương đương bị mất đi. Chẳng mấy chốc, khi chiếc bát chẳng còn chút ánh sáng nào, đứa bé cũng biến thành đá.
Giống như viên đá ấy, đứa bé sẽ tự giới hạn khả năng của mình, chẳng thể vươn lên nở hoa, sẽ dễ bị gạt ra khỏi sự sống với những năng lượng tối bao trùm. Nhưng thật may là đứa trẻ ấy có tự do ý chí. Nếu chúng cảm thấy chán ghét việc làm một viên đá, chúng có thể tự vực mình dậy bằng cách úp ngược chiếc bát để đổ hết đi những viên đá, để ánh sáng lại tràn vào bát với thật nhiều yêu thương. Điều chúng cần làm là thấu hiểu, biết ơn và tha thứ cho chính bản thân nó đã bỏ đá vào bát trước đây. Điều đó có nghĩa là đứa trẻ chịu trách nhiệm về những hành động của chúng và thanh lọc ý nghĩ và hành động của mình trong ngày.
Bạn thử thực hành xem, chọn một chiếc bát đẹp, chọn vài viên đá xinh xinh. Những viên đá ấy tượng trưng cho ý nghĩ, cảm xúc hay hành động mà bạn nghĩ là tiêu cực và bất cứ khi nào chúng khởi lên, bạn hãy tự giác thả vào một viên đá. Bạn cũng cần quan sát thái độ của mình khi đối diện với mọi việc. Bạn có dễ dàng bị kích động và cuốn vào một cuộc cãi vã không cần thiết? Bạn nổi nóng vì mọi chuyện diễn ra không đúng ý? Bạn chỉ trích và đánh giá khi bắt gặp một quan điểm khác biệt?
Đến cuối ngày, bạn ngồi đếm xem mình đã thả bao nhiêu viên đá vào bát. Bạn đã lãng phí năng lượng vào những chuyện không cần thiết và điều đó phá hủy cơ thể bạn như thế nào? Liệu cuối ngày, chiếc bát của bạn có chứa đầy ánh sáng?
Nhưng chẳng may chiếc bát của bạn chứa đầy đá thì sao? Thì cũng không làm sao hết. Bạn đổ hết đá ra. Vì chính hành động “lật úp chiếc bát”, bạn đã tha thứ cho mình ở khoảnh khắc có ý nghĩ hoặc hành động chưa đúng đắn ấy và tự rút kinh nghiệm cho mình.
Bạn luôn thay đổi và hoàn thiện mình, trong từng khoảnh khắc.
Lê Diễm Diễm
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất