Cái giá của danh hiệu người dẫn đầu là nỗi sợ bị lật ngôi, nhiều chục tỷ USD được đầu tư vào R&D để tạo ra những công nghệ đột phá nhưng… ít hiệu quả, chỉ với mục đích giữ được vị thế của mình.

Image by FV Varijanta/iStock

Những đột phá công nghệ... vô dụng

Tháng 4 năm 2019, Samsung ra mắt Galaxy S10 5G - chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên Thế Giới tích hợp công nghệ 5G, đưa họ cùng với Hàn Quốc lên vị trí dẫn đầu trong cuộc đua biểu tượng cho cách mạng 4.0 với giá trị 12 ngàn tỷ USD này.
Mọi con mắt đổ dồn lên Apple, xem câu trả lời từ ông vua smartphone là gì. Nhưng, Apple đã làm những fan trung thành của họ tiu nghỉu khi lặn mất tăm nguyên năm, trong bối cảnh những hãng điện thoại Trung và Hàn lần lượt cho ra mắt phiên bản 5G của mình - Huawei mate 20 X 5G, Xiaomi Mi Mix 3 5G, Oppo Reno 5G, Oneplus 7 Pro 5G, v.v..
Mãi đến 15/09/2020, Táo Khuyết mới giới thiệu Iphone 12 tích hợp 5G. Apple thời Tim Cook tuy không duy trì được truyền thống đi tiên phong như thời của Steve Job, nhưng vẫn luôn đảm bảo được chất lượng hàng đầu thị trường. Nên dù ra mắt rất trễ, công nghệ 5G của Apple hẳn phải có cái gì rất đáng mong đợi.
Tuy nhiên, mọi chú ý và kỳ vọng được đồn thổi trước sự kiện ra mắt Iphone 12, thì sau đó đột nhiên lặn mất tăm. Không còn ai nhắc đến xem 5G của Apple có gì khác so với Samsung. Đơn giản bởi vì: 5G ở thời điểm hiện tại hoàn toàn vô dụng với người dùng phổ thông.
Ban đầu sức mạnh của 5G được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hệ thống giao thông tự động, các dây chuyền sản xuất, hay ứng dụng quân sự, trong tương lai khoảng vài chục năm nữa. Việc tích hợp 5G vào điện thoại phổ thông ở thời điểm này - khi mạng lưới mạng 5G còn chưa hoàn thiện - nghe rất là phi lý.
Việc các hãng công nghệ chạy theo những đột phá thời thượng nhưng không có ứng dụng thực tế xảy ra đã quá thường xuyên. Từ tai thỏ đến giọt nước đến camera ẩn, từ màn hình gập ngang đến gập dọc, từ nhận diện khuôn mặt đến vân tay trước màn hình - trào lưu này nối tiếp trào lưu kia, mẫu điện thoại này nối tiếp mẫu điện thoại kia, một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ thứ thiệt.
Một trào lưu chạy đua công nghệ khác là AI và Blockchain cũng khó hiểu không kém. Có một thời gian mà startup nào, phần mềm và ứng dụng nào cũng dán mác AI và Blockchain, như một cách để nâng cao giá trị.
Hãng tin De Correspondent của Hà Lan cho chạy tít “Blockchain - giải pháp tuyệt vời cho hầu như không một cái gì cả”, khi mọi giải pháp blockchain hiện giờ đều có thể được giải quyết bằng công nghệ phi-blockchain, mà còn hiệu quả hơn nhiều.
Và nếu phi-blockchain hiệu quả hơn blockchain thì tích hợp blockchain vào ứng dụng để làm gì?

Vị thế người dẫn đầu

Mọi cuộc chạy đua công nghệ đều nhằm hướng tới một ngôi vương - “người dẫn đầu”. Có lẽ không cần nói thì ai cũng thấy được cái hào quang của vị thế này, đặc biệt là trong thị trường hoàn hảo như công nghệ.
Theo lý thuyết kinh tế học cổ điển, một thị trường hoàn hảo là khi nó minh bạch về thông tin và xuyên suốt về lưu thông. Tất cả thị trường hiện nay, ví dụ như nhà đất (rất mập mờ về thông tin) hay thực phẩm (khó khăn trong lưu thông), đều là không hoàn hảo, nên cạnh tranh chưa được đẩy lên mức tối đa.
Riêng thị trường công nghệ cao, mọi thứ dường như rất hoàn hảo: thông tin dồi dào, đa chiều và dễ tiếp cận, lưu thông thì xuyên suốt, đặc biệt là công nghệ thông tin - ứng dụng, phần mềm, hệ điều hành.
Trong thị trường hoàn hảo, mọi quyền lực đều nằm trong tay khách hàng, tất nhiên họ sẽ chỉ chọn những thương hiệu tốt nhất.
Các hãng phải chứng minh được mình là thương hiệu tốt nhất. Nhiều thị trường công nghệ cao mang tính chất “được ăn cả, ngã về không”: Hệ điều hành máy tính - Windows chiếm 87.6%, Trình duyệt trên máy tính - Chrome chiếm 70% (theo Statista).
Đối với điện thoại thông minh, thì từng một thời không ai có thể vượt qua được Iphone. Tuy nhiên, các nhà sản xuất điện thoại khác đã tìm ra cách.
Mỗi hãng chọn cho mình một ngách để dẫn đầu: Nhắc đến Sony là nhắc đến chụp hình, nhắc đến Samsung là nhắc đến công nghệ mới, nhắc đến Oppo là nhắc đến selfie v.v.. Chưa biết sự thật có đúng như lời đồn không, nhưng nhờ những niềm tin thế này mà thị trường smartphone đang cân bằng hơn bao giờ hết. Tất nhiên, để duy trì hình ảnh này, các hãng không được phép tiếc tiền mà đầu tư vào R&D.
Điều tương tự xảy ra với AI và Blockchain - nếu không tích hợp công nghệ tiên tiến nhất, hứa hẹn mang lại giải pháp tốt nhất, thì ai sẽ đầu tư cho startup? Bitcoin là một ví dụ về sức mạnh của marketing, mặc dù không một chuyên gia nào công nhận rằng đồng tiền điện tử này có thể thay thế được ngân hàng.
Một mặt trái của thị trường hoàn hảo là đẩy các hãng vào những cuộc đua không cần thiết, chỉ để chứng tỏ mình đang dẫn đầu.

Cái giá phải trả

Ngôi vương người dẫn đầu luôn đi kèm với một cái giá rất đắt. Đó là nỗi sợ bị truất ngôi, mà hậu quả không chỉ là mất thị phần, có khi còn là chìm vào quên lãng và phá sản.
Hãy nhớ lại trường hợp của BlackBerry - “Nếu anh là ông trùm bảo mật, nhưng giờ không còn nữa, thì lý do nào để tôi mua anh?” và Yahoo - “Nếu anh từng là ông trùm tin tức và kết nối, nhưng giờ không còn nữa, thì lý do nào để tôi sử dụng anh?”
Đầu tư vào R&D để chứng minh vị thế dẫn đầu là chiến lược sống còn. Theo báo cáo của PwC năm 2018, các hãng công nghệ Mỹ, dẫn đầu là Amazon (tổng 22.62 tỷ USD) và Google (tổng 16.23 tỷ USD), chi $5 cho R&D trên mỗi $1 chi cho R&D của các hãng công nghệ Trung Quốc, để duy trì vị thế.
5G chưa có ứng dụng thực tế xứng tầm thì 6G đã được các hãng lớn như Apple, Intel, Google khởi động, tạo nên một cuộc chiến khác. Rất khó để nói những nghiên cứu này rồi sẽ trở thành giải pháp thực tế hay không, có thể là có, có thể là không, nhưng thứ còn quan trọng hơn là… vị thế thương hiệu trên thị trường marketing.
- Hoàng Phi, đã được đăng trên Báo diễn đàn doanh nghiệp (báo in)